Tháng Tư 6, 2013
Như vậy sau hơn hai tháng khởi xướng và đăng các ý kiến
thảo luận, Ban Biên Tập trang Cùng Viết Hiến Pháp (CVHP) đã đưa ra đề xuất sửa
đổi Hiến pháp của mình. Bỏ qua những quan điểm mà các trang mạng và các nhóm ý
kiến khác cũng đã nêu, như là về quân đội, về sở hữu đất đai.., còn lại một
quan điểm quan trọng mang tính “to be or not to be” đó là quan điểm về
điều 4, thì Ban Biên Tập của CVHP cũng đã đưa ra khẳng định rất rõ ràng: Ủng hộ
sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, và ủng hộ việc hiến định nó trong hiến pháp. Lý
do chính để Ban Biên Tập CVHP tiếp tục ủng hộ sự lãnh đạo duy nhất của Đảng CS
là: “Chúng tôi cũng cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại, việc bỏ Điều 4 có thể
dẫn đến những hậu quả chưa thể lượng định đối với tiến trình phát triển trong
ổn định của đất nước.”(xem Một số
ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp
Tóm lại, bản thân Ban Biên Tập CVHP cũng không thể lượng
định được việc bỏ điều 4 sẽ dẫn đến những hậu quả gì. Câu hỏi mà một người bình
thường có thể đặt ra là: Việc bỏ điều 4 có thể mang lại những ích lợi gì cho
tiến trình phát triển của đất nước hay không? Đã là những Giáo sư có uy tín
trong khoa học như những người đã khởi xướng trang CVHP, tất nhiên cũng sẽ đặt
câu hỏi như vậy, vì đơn giản đó là hai mặt của cùng một vấn đề. Rất tiếc là
ngay cả những thảo luận về sự cần thiết của việc bỏ điều 4 đã không được các
thành viên Ban Biên Tập CVHP tham gia. Ban biên tập chỉ đăng những thảo luận
của các tập thể hay cá nhân như là của 72
vị Trí thức, của GS Hoàng Xuân
Phú, TS
Nguyễn Thị Từ Huy, hay của bản
thân tôi về việc cần thiết phải bỏ điều 4 ra khỏi hiến pháp nếu không
muốn bản hiến pháp trở nên một văn bản tự mâu thuẫn. Tuy nhiên bản thân Ban
Biên Tập lại không có ý kiến gì về tính logic của việc bỏ/giữ điều 4 cả. Ban Biên Tập chỉ thừa nhận việc giữ điều 4
như là một bảo đảm để xã hội có thể phát triển ổn định. Xin thưa với Ban
Biên Tập CVHP, việc “giữ điều 4 như là một bảo đảm để xã hội có thể phát
triển ổn định” chỉ là một niềm tin của Ban Biên Tập, nó (việc giữ điều 4)
không được chứng minh bằng lập luận có cơ sở cũng như bằng kinh nghiệm từ các
nước phát triển và các nước đang phát triển như ở Đông Âu hay Châu Á. Ngay cả
bản khảo sát ý kiến độc giả của CVHP cũng cho thấy 86% là đồng ý bỏ điều 4 ra
khỏi bản hiến pháp. Tôi
muốn nói rằng, việc đưa ra những đề xuất chỉ dựa trên niềm tin là điều hoàn
toàn không nên nhất là đối với các GS đã nổi danh trong khoa học như là các
nhân vật đã khởi xướng CVHP.
Tôi không hiểu vì sao các Giáo sư của trang CVHP lại có
niềm tin rằng duy trì một chế độ chỉ cho phép duy nhất một Đảng cộng sản lãnh
đạo thì đất nước sẽ phát triển ổn định. Chẳng lẽ các GS không nhận ra sự tha
hóa khắp mọi ngõ ngách của đời sống tinh thần cũng như vật chất, kinh tế, giáo dục
của đất nước. Chẳng lẽ các GS không nhận ra nguyên nhân cốt lõi của sự tha hóa
đó? Chẳng lẽ các GS tin rằng hãy để cho duy nhất Đảng Cộng sản lãnh đạo thì sẽ
khắc phục được sự tha hóa đó, trong lúc sự tha hóa mạnh mẽ nhất chính là sự tha
hóa từ trong nội bộ Đảng Cộng sản, mà theo chủ tịch Trương Tấn Sang, đó là sự
tha hóa của bầy sâu. Tôi nói thẳng, nếu các GS chưa nhận ra nguyên nhân chính
của sự tha hóa đó thì hãy lên tiếng thảo luận cùng các bậc trí thức khác trước
khi đưa ra đề xuất dựa trên niềm tin như vậy.
Tôi không muốn truy nguyên nguồn gốc của niềm tin đó của các GS, bởi vì
việc tin vào cái gì là thuộc vào quyền của mỗi người. Mỗi người đều có một niềm tin của riêng mình. Ngay cả khi không tin gì cả
thì cũng lấp ló một niềm tin đó là: tin là không thể tin được (I believe
that I cannot believe). Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng: việc đề xuất một vấn
đề để cải tạo xã hội (như là đề xuất sửa đổi hiến pháp) thì phải dựa vào những
quan sát khách quan, những trải nghiệm lịch sử và những lập luận có cơ sở, chứ
hoàn toàn không nên dựa vào niềm tin.
Điều cuối cùng tôi muốn nhắn tới các vị GS của trang CVHP
là: Các vị là những người có uy tín trong khoa học cho nên niềm tin của quý vị
có thể được một số không nhỏ những tầng lớp nhân dân xem như chân lý và vì thế
sẽ dễ dàng bị những nhà cầm quyền mỵ dân lợi dụng, vì thế các vị hãy cân nhắc
trước khi đưa ra những đề xuất chỉ dựa trên niềm tin như vậy. Tốt hơn hết, tôi
muốn nhắc lại, là các vị hãy thảo luận với các bậc trí thức khác trước khi đưa
ra những đề xuất dựa trên niềm tin của mình.
No comments:
Post a Comment