Friday 5 April 2013

BẢN ÁN ĐOÀN VĂN VƯƠN GÂY BỨC XÚC CÔNG LUẬN (Trà Mi - VOA)




05.04.2013

Các bản án từ 2-5 năm tù dành cho 4 anh em gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) về tội danh “giết người” và 15-18 tháng tù treo dành cho vợ và em dâu ông Vươn về tội danh “chống người thi hành công vụ” đang gặp phải những phản ứng gay gắt từ công luận không chỉ về sự công minh của phiên tòa mà còn về những bất công trong chính sách đất đai của nhà nước, nguyên nhân gốc rễ gây nên tiếng súng vang dội “Đoàn Văn Vươn”.

Tại tòa, bị can Phạm Thị Báu, em dâu ông Vươn, đã thẳng thắn lên tiếng phản đối bản cáo trạng đối với các thành viên trong gia đình về tội danh “giết người, chống người thi hành công vụ”.
Bà Báu nói căn cứ vào kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 10/2/2012, bà khẳng định đoàn người kéo đến cưỡng chế nhà bà sáng ngày 5/1 năm ngoái không phải là những người thi hành công vụ. Tuy nhiên, những lập luận của bị can và luật sư đã không được tòa cân nhắc.

Luật sư Nguyễn Việt Hùng, luật sư chính trong 8 đại diện pháp lý của gia đình ông Vươn, cho biết:
“Bản án chưa thật sự khách quan, chưa lột tả được bản chất của vụ án. Nội dung trình bày và phân tích của chúng tôi cũng chưa được nêu rõ trong bản án này. Quan điểm của chúng tôi là không có tội danh “giết người, chống người thi hành công vụ” trong vụ án này.”

Bản án là đáp số chung cuộc cho bao nhiêu năm dày công vun đắp của gia đình Đoàn Văn Vươn trên mảnh đất canh tác của mình, cho 3 năm họ ròng rã khiếu nại, khiếu kiện phản đối quyết định cưỡng chế bất công không được giải quyết, cho những xôn xao dự đoán của công luận về cách xử lý của chính quyền trong vụ việc, trong chính sách đất đai và bài trừ tham nhũng.

Bà Báu cho VOA Việt ngữ biết gia đình bà hết sức thất vọng trước các bản án được tuyên hôm 5/4.

Thế nhưng, kết quả phiên tòa không chỉ là sự thất vọng tột cùng đối với các bị can, mà còn đối với rất nhiều nạn nhân của nạn tịch thu đất đai trên cả nước, nhất là những người nông dân.

Ông Vũ Văn Luân, Thư ký Liên Chi Hội Nuôi trồng Thủy sản huyện Tiên Lãng, một trong những người theo dõi sát vụ án Đoàn Văn Vươn, phát biểu:
“Các bản án hôm nay, tôi không hài lòng. Dân Hải Phòng không tin tưởng sẽ có một bản án nhân văn về việc này. Theo dõi các phiên tòa, tôi cho rằng ông Vươn không “giết người, chống người thi hành công vụ”. Chúng tôi đã gửi rất nhiều văn bản rồi. Trong đó, chúng tôi khẳng định theo khoản 1 điều 15, ông Vươn phòng vệ chính đáng. Trong tình thế cấp thiết được quy định tại khoản 1, điều 16 Luật Hình sự, ông Vươn không phạm tội. Vì như quy định ghi rõ, ông buộc phải bảo vệ lợi ích của nhà nước, tập thể, nhân dân, và của mình, nên buộc phải gây ra thiệt hại nhỏ để ngăn chặn. Người ta đã có sẵn bản án rồi, nhưng tôi cho rằng ‘Nói phải, củ cải cũng nghe’. Trong vụ việc ông Vươn, dư luận thế giới rất mong chờ mọi thông tin sẽ được mổ xẻ. Các cụ nói ‘Nói phải, củ cải cũng phải nghe’, thế nhưng mình đã nói phải được chưa. Tôi lo nhất là mình chưa nói được cái gốc của vấn đề này ra, chính là bắt nguồn từ điều 15, 16 Luật Hình sự."

Kết quả vụ án này có ý nghĩa thế nào và ảnh hưởng ra sao đối với người nông dân Việt Nam, những nạn nhân trực tiếp của tình trạng cưỡng chế tịch thu đất đai tràn lan trong nước?

Ông Luân cho rằng:
“Có một điều lớn nhất là người ta đang so sánh giữa vụ án Đồng Nọc Nạn thời kỳ thực dân Pháp và vụ án bây giờ ở Hải Phòng, một thành phố rất nhạy cảm về tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về đất đai.
Nhìn vào ở góc độ văn minh, vụ Đồng Nọc Nạn cách đây 85 năm giết chết một quan Pháp và cuối cùng tòa đại hình Pháp đã tha bổng bị can. Đến bây giờ vụ ông Vươn cũng lặp lại như thế, nhưng không chết người, thì lại bỏ tù. Tôi cho rằng người ta sẽ không hài lòng về bản án này.”

Tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Human Rights Watch cho rằng vụ án Đoàn Văn Vươn là tín hiệu cảnh báo cho nhà cầm quyền Hà Nội về hậu quả của tình trạng thiếu nhân quyền và pháp trị tại Việt Nam.
Phản ứng trứơc bản án dành cho gia đình ông Vươn, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á trong Tổ chức theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói:
“Thật thú vị khi những người bị cáo buộc dùng võ khí, súng ống chống lại chính quyền thì bị 5 năm tù trong khi những người chỉ thể hiện quyền tự do ngôn luận của công dân để bày tỏ chính kiến như blogger như Điếu Cày lại bị kêu án 12 năm tù. Thực trạng này thật kỳ quặc và cần lời giải thích từ nhà cầm quyền Việt Nam.”

Ông Robertson thuộc Human Rights Watch cảnh báo rằng chính sách nhân quyền và đất đai của nhà nước Việt Nam sẽ còn gây ra nhiều vụ “Đoàn Văn Vươn” khác nữa:
“Vấn đề ở đây là sự phi pháp trong chính sách cưỡng chế đất đai của chính quyền cũng như trong cách hành xử của quan chức địa phương vẫn chưa được xử lý thỏa đáng. Chừng nào nhà nước Việt Nam chưa giải quyết những tiêu cực này thì chừng đó chúng ta còn thấy thêm nhiều vụ án Đoàn Văn Vươn như thế này nữa.”

Chính sách đất đai và tranh chấp đất đai là đề tài nóng gây nhiều bức xúc tại Việt Nam. Trên 70% hồ sơ khiếu kiện trong nước chống lại chính quyền đều có liên quan đến đất đai.

Vụ án của nông dân Đoàn Văn Vươn, người được mệnh danh là “Anh hùng áo vải”, gây chú ý công luận trong và ngoài nước khởi sự từ đầu năm ngoái khi gia đình ông Vươn dùng võ khí tự tạo để bảo vệ đất canh tác trước lực lượng cưỡng chế đất đai gồm hàng trăm công an, bộ đội võ trang.

Có 6 nhân viên công lực bị thương, 5 quan chức chính quyền bị truy tố về tội “hủy hoại tài sản” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ việc.

VIDEO:





No comments:

Post a Comment

View My Stats