Friday 26 April 2013

BA MƯƠI TÁM NĂM NHÌN LẠI (Đoàn Nam Sinh - Quê Choa)




Đoàn Nam Sinh
26-4-2013

Chỉ tính từ cuối thời Lê sơ đến nay, nước ta đã xảy ra những cuộc chia lìa đau đớn. Lê Mạc chia ra Nam Bắc Triều đều có sự tham gia của nhà Minh. Trịnh Nguyễn phân tranh cũng có sự hà hơi của nhà Thanh, tiếp theo Nam Minh, duy trì nhà Mạc ở Cao Bằng. Sau đó nhà Thanh đã đưa quân sang với cớ khôi phục nhà Lê, bắt tay với Chúa Nguyễn Phúc Ánh đánh Tây Sơn, khiến Nguyễn Huệ phải hành quân cấp kỳ ra Bắc để phá tan liên minh đó.

Mưu mô đô hộ của Trung quốc thường xuyên bị chống trả bởi một dân tộc có truyền thống bất khuất, nên mọi vương triều Trung quốc đều muốn sử dụng bài bản nuôi dưỡng mâu thuẫn, khoét sâu bất đồng rồi ra oai phúc “thiên triều” để phiên thuộc hóa nước Nam, đồng hóa dân tộc Việt. Bài học “chia để trị” này cũng đã được nước Pháp tiến hành và đã cùng với Trung Công, Nga, Mỹ áp dụng khi ký kết hiệp định Genève 1954.

Hơn ai hết, người Trung quốc đã thấm đẫm kinh nghiệm chia cắt và đồng hóa, gần nhất là triều đại Mãn Thanh phi Hán cai trị nước họ. Bao nhiêu tiểu quốc với các công trình truyền đời đã bị san bằng. Bao nhiêu dân tộc cùng văn hóa, ngôn ngữ của họ đã tan biến. Do đó, việc chia cắt Việt Nam là bước đi căn bản nhất mà nhà cầm quyền Trung Cộng thực hiện, để “phủ sóng”lên một nửa đất nước, bước đầu cho cuộc mở đường thoát xuống phương Nam. Hình ảnh Phạm văn Đồng bật khóc trong hòa hội Genève và ông Hồ gằn giọng khẳng định với phóng viên phương Tây sau đó- Jamais ! – khi nói về khả năng lệ thuộc vào Trung cộng, đã cho thấy cuộc chia cắt này có quá nhiều hệ lụy.

Thoạt đầu, ai cũng cho rằng cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa Thiên Chúa giáo với phi Thiên Chúa giáo, hữu thần với vô thần là nguyên cớ chia rẽ dân tộc, chia đôi đất nước. Nhưng suốt 10 năm chiến tranh sau đó, người ta lờ mờ hiểu ra rằng hai miền chỉ là những quân bài trên canh bạc toàn cầu đã được cường quốc phân định và tiếp tục giằng giật. Chỉ khi áp lực phải giải kết chiến cuộc, phía Mỹ bắt tay với Trung cộng- Mỹ rút đi, Trung Cộng chiếm Hoàng sa- thì miền Nam mới thấy đau đớn khi bị bỏ rơi. Tiếp tục, khi Đặng trở cờ thăm Mỹ, phát động chiến tranh Tây Nam đồng thời xua quân đánh chiếm các thị tứ biên giới Việt – Trung thì người dân miền Bắc cũng tĩnh ngộ- trái ngược với giọng lưỡi bao năm bưng bít tuyên truyền “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Rồi sau nữa, năm ’88 Trung Cộng chiếm Gạc-ma,” liên minh chiến lược Việt- Xô” đã hiện nguyên hình là chỉ có dầu khí.

Hôm nay đi ngang qua trụ sở công quyền, câu khẩu hiệu mừng ngày thống nhất và giải phóng miền nam khiến mình nghĩ lại. Giang sơn liền một dải nhưng lãnh thổ đã vẹn toàn chưa ? Trăm họ cùng một Tổ nhưng đã đoàn kết thương yêu nhau chưa ? Quyền hiến định của toàn dân được công khai thống nhất ý chí xây dựng Hiến Pháp đã thực hành chưa ? Truyền thống văn hiến trong văn hóa giáo dục thống nhất chưa ? Còn rất nhiều câu hỏi căn bản mà có cùng câu trả lời là chưa thống nhất.

Bài học “ôn cố nhi tri tân”/ ôn việc cũ thì biết chuyện mới, buộc phải nhìn lại nguyên nhân của tồn tại phi lý này, hầu mong tìm ra một kiến giải phù hợp: Bớt đi những thay đổi trái khoáy thoạt đầu dựa vào cứu cánh “cách mạng”, càng về sau mới hay là đi lùi rồi đi vòng khiến bao cơ hội vụt qua, tài nguyên lẫn vốn xã hội cạn kiệt vì manh động.

Chỉ với 20 năm thực hành cải cách ruộng đất rồi xây dựng hợp tác xã theo mô hình Trung Cộng, đã khiến cho kinh tế miền Bắc sa sút, lạc hậu. Nông thôn thời bình tan nát cả về cấu trúc văn hóa làng xã, truyền thống đến đạo đức xóm giềng, mà tới nay vẫn chưa hồi phục được. Nền kinh tế nông nghiệp thôi, cũng còn khó đồng hành, huống hồ biết bao ngành nghề khác mà miền Bắc vẫn còn thua sút về công nghệ và lệ thuộc vào chiêu bài “vùng kinh tế giáp biên”.

Ngày thống nhất, riêng việc dạy dỗ có biết bao điều vênh váo, chênh chao không dễ gì thống nhất. Từ cách đánh vần, cách học, cách thi, cho đến cách viết cách đọc từng chữ (như bảo đảm hay đảm bảo) rồi đồng phục học sinh, giáo viên hay các khẩu hiệu lạc hậu như 5 điều bác Hồ dạy, như đoàn thể với chuyên môn, như đảng lãnh đạo giáo dục đào tạo,… Chỉ cái nền ấy thôi, phải 20 năm sau mới thấy lại câu “tiên học lễ hậu học văn”trong nhà trường, nhưng chưa hết, học gì thi nấy hay như năm nay là bốc thăm môn thi- một việc làm ấm ớ mà lẽ ra không để xảy ra trong môi trường giáo dục. Còn khẩu hiệu “tôn sư trọng đạo” chẳng hề có ai thực hiện, quá 3 năm rồi mà chế độ vẫn chưa thanh khoản nợ “lương đủ sống” cho nghề giáo. Trong lúc tham ô, lãng phí, bất công, tai ác tràn ngập khắp nơi, làm sao giáo dục được trẻ nên người, đừng nói chi thành thày thành thợ.


Cách ứng xử của một nước Nam văn hiến đâu rồi ? Thời tiêu thổ lấy đình chùa làm trụ sở, sau làm bãi đấu tố, rồi làm kho hợp tác. Suốt thời đô hộ có khi không có vua nhưng chẳng mất làng. Còn thời này họ đã quét sạch cơ tầng từ văn hóa làng xã, cái gốc của văn minh lúa nước. Đô thị bao đời thanh lịch cũng bị “nông thôn bao vây” theo đường lối Mao, cái mương không nắp, cái vỉa hè long đường là bãi rác, là toa-lét, là chỗ “tự do oanh tạc”, khạc nhổ. Thủ đô nhếch nhác với “phở quát cháo chửi”, thị tứ nhớp nháp đầy những “dân ngụ” bát nháo, vô tình. Văn hóa văn minh kêu hoài chẳng sửa, ngày càng tệ ra.

Nhưng điều đau nhất là chưa ai chịu thống nhất về thân phận. Nếu chấp nhận thân phận là một quốc gia nhược tiểu thì mọi người phải đồng lòng chọn đường đi lên độc lập phú cường. Là thân phận con dân một nước nhược tiểu thì hãy quên ngay đi những tai họa đã ụp xuống bao thế hệ, có cả tan tác chia ly, có đầu rơi máu chảy, có oán thù mà không ai muốn gây ra, để cùng ôm nhau nhỏ lệ sẻ chia thông cảm. Trong khi kẻ đã gây ra oan khiên thật sự lại không quyết nhận chân ra chúng mà cứ rêu rao vẫn tốt vẫn vàng, vẫn hòa bình hữu nghị (?!).

Còn giải phóng, có lẽ bài ca Giải phóng Điện Biên dùng từ này sớm và phổ biến rộng nhất. Năm ’54 có thấy khẩu hiệu giải phóng thủ đô. Ý là cởi mở ra khỏi sự bó buộc, trói xiềng của thực dân đế quốc nhưng gốc gác cũng là vay từ Trung Cộng.

Nếu giải phóng miền Nam với nghĩa là giúp miền nam thoát khỏi sự phủ trùm về kinh tế, văn hóa, chính trị,… của tư bản phương tây thì chắc không phải; hay là công nhân không bị giới chủ bóc lột, lại càng không phải. Vậy chắc giải phóng là gỡ ra khỏi sự ràng buộc, lệ thuộc vào Mỹ ? Thế thì đưa cả nước vào tròng nô dịch, lệ thuộc vào Trung Cộng là đúng chăng ? Hàng triệu người đang rên siết trong tăng ca, hàng chục vạn người đang phải bán sức lao động xứ người, làm nô lệ tình dục xứ người,… là nhờ ai giải phóng,… Rồi mai ai sẽ giải phóng ai ?

Hàng năm anh em cựu binh chúng tôi tụ tập nhau lại ăn bắp Mỹ bung tro dịp 30/4, để nhớ những ngày đói lả trong chiến trường, nhắc lại ai còn ai mất, ai lên hương ai tắt lửa,… Quá phân nửa đều kêu lên, ngày càng nhiều- nếu phải hy sinh tất cả để có một đất nước như thế này thì quá phí, quá tội nghiệp cho những bà mẹ, những đứa con ra đi mà chỉ biết tao bóp cò trước thì mẹ mày khóc và ngược lại.
Ba mươi tám năm, gần với mốc 50 năm của “độ lùi lịch sử”- không thể lấp liếm điều gì. Anh chị em chúng tôi đã thấy, đã nhận thức lại ngày qua, đời mình và đoán định về tương lai con cháu, thấy rằng: Lòng nhân hậu đồng bào như câu “bầu ơi thương lấy bí cùng”,… mà một cộng đồng ngót trăm dân tộc, rải khắp ba miền vẫn kỳ thị nhau, xa cách nhau vì đâu; hay “gà cùng một mẹ”…mà cả bốn biển năm châu đi đâu cũng thấy sự cực đoan, cuồng tín chỉ vì những tín lý, chủ nghĩa xa lạ mà tự hay bị “bôi mặt đá nhau”, vì đâu ? Thực sự chúng ta chỉ còn những giá trị vĩnh cửu là dòng giống Lạc Hồng, văn hiến Việt Nam và giang sơn toàn vẹn biển trời. Cùng siết chặt tay nhau, nhìn thẳng vào mắt nhau, thương yêu chia sớt cho nhau. Ai cố phá ra, làm hỏng đi, xấu đi là tội đồ của dân tộc.

Sài gòn, 26/4/’13.
Đ.N.S.

Tác giả gửi quechoa.vn
Bài viết thể hiên văn phong và quan điểm riêng của tác giả



No comments:

Post a Comment

View My Stats