Sunday 7 January 2024

XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TỪ NHU CẦU CỦA ĐAN HAY CỦA LÃNH ĐẠO? (RFA)

 



Xây dựng đời sống văn hoá từ nhu cầu của dân hay của lãnh đạo?

RFA
2024.01.05

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-vietnam-care-about-the-cultural-life-of-its-people-01052024122017.html

 

“Xây dựng đời sống văn hóa phải xuất phát từ nhu cầu của người dân”. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý trên khi tham dự Hội nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương diễn ra vào ngày 4/1.

 

 

Tuyên truyền là chính

 

Ông Hà cũng đề nghị thành viên Ban chỉ đạo cần có cách làm mới để nâng cao chất lượng đời sống văn hoá, tinh thần trong bối cảnh mới cho người dân.

 

Nhìn nhận thực tế từ lời phát biểu của vị lãnh đạo Chính phủ, một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn nói với RFA hôm 5/1/2024:

 

“Nhu cầu văn hóa của dân có chứ không phải không, nhưng những chủ trương chính sách của Nhà nước thì có thể nói thẳng họ sử dụng văn hóa để tuyên truyền chủ trương chính sách của Nhà nước. Thực sự mà nói đến vấn đề nhu cầu văn hóa của người dân thì rất cần, nhưng chủ trương của Nhà nước thì tôi thấy có vẻ là văn hóa lồng ghép với chính trị để tuyên truyền thôi, chứ thực sự nhu cầu của người dân họ không quan tâm, tôi chưa thấy giải quyết vấn đề này. Tôi nghĩ người dân có được phục vụ thì cũng chẳng hài lòng, mà Nhà nước phục vụ người dân thì cũng lồng ghép chính trị vào đó thôi, chứ chẳng tử tế gì?”

 

Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm TPHCM nhận định với RFA hôm 5/1/2024:

 

“Nói đến nhu cầu của người dân thì có nhiều nhu cầu. Từ chuyện nhu cầu của nhà nước mà chuyển sang việc chú ý nhu cầu người dân là một sự tiến bộ, nhưng chỉ mới tiến bộ trên lời nói, chứ thực tế thì thấy vô số cái không phải. Mới gần đây thôi ở Cà Mau, họ bỏ một trăm mấy chục tỷ xây dựng tượng đài thuyền không số tập kết ra Bắc... thì không biết nhu cầu người dân có đến mức phải xây dựng hoành tráng như vậy không? Hay xuất phát từ nhu cầu tuyên truyền của Nhà nước, hay tệ hơn xuất phát từ nhu cầu muốn chấm mút (ăn hối lộ- PV) số tiền % của các quan chức ở đấy?”

 

Phó giáo sư Hoàng Dũng cũng thẳng thắng nhận định rằng, trong rất nhiều tượng đài mà Chính phủ VN nhân danh nhu cầu của người dân để xây lên với quy mô cực lớn, thì xuất phát từ nhu cầu người dân thực sự không bao nhiêu, mà nhu cầu của Nhà nước hay nhu cầu của các lãnh đạo phụ trách nhiều hơn. Ông Dũng nói tiếp:

 

“Nếu nói thực lòng nhu cầu người dân thì chưa ổn, vì còn phải có nhu cầu chính đáng của người dân. Ví dụ cứ nhân danh tín ngưỡng rồi xây dựng chùa rất lớn, rồi Nhà nước giúp đất chẳng hạn, trong lúc đất đai là của toàn dân thì lại đem hàng trăm, hàng ngàn hecta xây chùa thì nguồn lực của dân đã bị phung phí... Đó có phải là nhu cầu thực sự của dân hay không? Nhu cầu tính ngưỡng thì rõ ràng là của người dân, nhưng cái kiểu chùa thật là to thì có phải là nhu cầu chính đáng của dân hay không thì còn phải cân nhắc rất nhiều, phải tranh luận rất nhiều.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-vietnam-care-about-the-cultural-life-of-its-people-01052024122017.html/4ee774ed18a1f1ffa8b0.jpg/@@images/7798658d-433a-40cd-b4fe-f5c33201c317.jpeg

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội nghị tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' vào ngày 4/1/2024. Courtesy chinhphu.vn

 

 

Ứng xử của VN với văn hoá quá lạc hậu

 

Vẫn với vấn đề trên, trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do hôm 5/1/2024, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết Việt, cho rằng:

 

“Đời sống văn hóa rất phức tạp và phong phú, còn nhu cầu văn hóa của xã hội thì có cả mặt nhu cầu của từng người, nhu cầu của từng nhóm người... Ví dụ như nhóm tôn giáo có nhu cầu văn hóa khác biệt với người thường. Bây giờ còn có nhu cầu văn hóa cho sự phát triển, tức cho bước tiến của tương lai, thì Nhà nước phải biết hiện nay đang thiếu cái gì, nghèo cái gì và trong vài năm tới phải cần có cái gì? Còn người dân thì có những đòi hỏi cao hơn, do đó một chính quyền mà biết phục vụ nhu cầu văn hóa của dân thì trước hết phải biết tôn trọng văn hóa.”

 

Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, văn hóa gồm rất nhiều mặt chứ không phải chỉ có Mác-Lê-nin, mà còn có tôn giáo, có thờ cúng tổ tiên. Ông Mai nói tiếp:

 

“Văn hóa không chỉ một lòng trung thành với đảng mà còn hiếu đạo với cha mẹ, thương yêu đồng loại, yêu thương người bị áp bức... thì Nhà nước có dám tôn trọng không? Cho nên nói như thế thì Nhà nước phải thay đổi, không thể thô bạo, thô lỗ, bạo lực, bạo quyền như trước mà phải là một nhân cách dân chủ, biết tôn trọng con người và biết tôn trọng người dân. Ứng xử của chính quyền đối với văn hóa hiện nay thật ra rất lạc hậu. Tôi ví dụ chuyện bà Dương Thu Hương được một giải thưởng lớn của Pháp, đấy là một giải thưởng danh giá không phải nhà văn nước nào cũng đạt được, nhưng trong nước không dám đưa tin nếu mà đưa tin thì đã làm vẻ vang văn hóa Việt.”

 

Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng, nói về văn hóa thì trước hết phải nâng cấp trình độ văn hóa của lãnh đạo. Mà muốn giới lãnh đạo học được thì theo ông Mai là phải cho phép báo chí tư nhân thoải mái đưa tin. Có như vậy, lãnh đạo mới hiểu, cập nhật được… văn hoá.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho rằng, sở dĩ Nhà nước Việt Nam bàn luận về vấn đề văn hoá vì họ đã thấy có bất cập. Tuy nhiên, vẫn theo Giám đốc trung tâm nghiên cứu văn hoá Minh Triết Việt, lãnh đạo Việt Nam muốn bàn thì phải bàn đến nơi đến chốn, chứ không thể chớt chát, hời hợt được.

 

------------------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Sách của ông Trọng & cuộc “đánh bóng” cuối đường đua!

 

Sách của ông Trọng: “Lạc đề đối với người dân”!

 

Đảng, Tuyên giáo và vấn đề dân chủ!

 

Chuyên gia IT: ChatGPT có khả năng trở thành công cụ dẫn dắt dư luận của nhà cầm quyền

 

Dép râu thời chiến thành “mốt” thời bình!

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats