Friday, 5 January 2024

ĐỪNG ÉP TRẺ EM HÔN NGƯỜI KHÁC (Lê Văn Hoa / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Đừng ép trẻ ôm hôn người khác

Lê Vạn Hoa   -   Luật Khoa Tạp Chí

January 05 2024 10:57 AM

https://www.luatkhoa.com/2024/01/dung-ep-tre-om-hon-nguoi-khac/

 

Cha mẹ hãy bảo vệ quyền tự chủ cơ thể của trẻ.

 

https://images.unsplash.com/photo-1476950743170-ab77e7d4d82e?crop=entropy&cs=tinysrgb&fit=max&fm=webp&ixid=M3wxMTc3M3wwfDF8c2VhcmNofDE0fHxjaGlsZHJlbiUyMHZpZXRuYW18ZW58MHx8fHwxNzA0NDI2MDM5fDA&ixlib=rb-4.0.3&q=80&w=2000

Ảnh: MI PHAM / Unsplash

 

Trong văn hóa Á Đông, người lớn thường dạy trẻ con phải vâng lời. Bé ngoan thường được định nghĩa là bé biết nghe theo mệnh lệnh, yêu cầu của người lớn. Ở Việt Nam, trẻ từ chối ôm hôn người khác có thể bị chê là nhát hoặc hư. 

 

Nhưng chuyện có thể sẽ khác với một cô bé ở Mỹ.

 

Nhiều hãng tin gần đây đăng tải một đoạn clip về ông già Noel khen một bé gái vì đã quả quyết không chịu ngồi lên lòng ông. Ông già Noel và cả mẹ của bé sau đó được hàng trăm ngàn người tán thưởng vì thái độ tích cực cổ súy cho quyền tự chủ cơ thể của bé gái. [1]

 

Bé Adley, ba tuổi, cùng mẹ đi du lịch ở Miami, tiểu bang Florida, Mỹ. Khu du lịch có người mặc trang phục đỏ, đóng vai ông già Noel để chụp hình cùng các bé nhỏ. Bé Adley cũng đứng chờ xếp hàng để được chụp hình. Khi đến lượt mình, bé từ chối ngồi lên lòng ông như các bạn khác. 

 

Thay vì tỏ ý ngạc nhiên hay cố kéo bé lại với mình, người đóng vai ông già Noel khen ngợi cô bé: “Rất tốt, con biết tự bảo vệ mình. Đúng rồi, dù là ông già Noel đi nữa, nếu con đã nói không là không”. 

 

Ông nói thêm với mẹ của bé: “Con phải có toàn quyền kiểm soát cơ thể của con.”

 

Cô Katie Love, mẹ của bé Adley nói thêm trong phần trao đổi với hãng tin ABC News: “Trẻ nhỏ thường chẳng được quyền quyết định mình làm gì, thậm chí mặc gì. Nhưng tôi rất mong muốn con tôi, dù còn nhỏ xíu, có thể cảm thấy là con được toàn quyền tự chủ với cơ thể của mình". 

 

 

Quyền tự chủ cơ thể 

 

Theo một nghiên cứu năm 2014 ở Mỹ, có đến 26,6% bé gái và 5,1% bé trai là nạn nhân bị lạm dụng tình dục. [2]

 

Một nghiên cứu khác từ Đại học New Hampshire, Mỹ, năm 2020 cho thấy rõ hơn một thực tế đau lòng. Đây là cuộc khảo sát toàn quốc trên tổng số mẫu 13.052 trẻ từ 1 tháng đến 17 tuổi. Thông tin được thu thập từ phỏng vấn bằng điện thoại qua các đợt năm 2008, 2011 và 2014. Theo khảo sát này, có đến 37,5% trẻ cảm thấy rất sợ hãi, không dám nói ra sự thật mình đã bị lạm dụng tình dục. 

 

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam thống kê cả nước phát hiện 7.883 trẻ bị xâm hại trong thời gian từ năm 2020 đến tháng Chín năm 2023. [3] 

 

Đặc biệt, cả nghiên cứu ở Mỹ và Việt Nam đều chỉ ra phần lớn thủ phạm lại là những người thân quen mà các bé biết và tin tưởng. [4][5]

 

Tâm lý sợ hãi cùng các hướng dẫn sai lạc từ nhỏ khiến các nhiều bé im lặng chịu đựng và không được giúp đỡ.

 

Do vậy, tôn trọng các quyết định của trẻ nhỏ, đặc biệt là quyền tự chủ về thân thể, là điều người lớn cần phải học nghiêm túc. Điều đó giúp bé định hình được khả năng tự chủ và bảo vệ chính mình. 

 

https://images.unsplash.com/photo-1440288736878-766bd5839edb?crop=entropy&cs=tinysrgb&fit=max&fm=jpg&ixid=M3wxMTc3M3wwfDF8c2VhcmNofDI4fHxjaGlsZHJlbnxlbnwwfHx8fDE3MDQ0MjU2NzN8MA&ixlib=rb-4.0.3&q=80&w=1000

Ảnh: Leo Rivas / Unsplash

 

Rất nhiều người cố tình ôm bé, lại tự cho đấy là biểu hiện của sự cưng chiều, dù bé đã bước lùi lại hoặc đẩy ra. Có cha mẹ còn đẩy con lại, yêu cầu con cho người khác ôm hôn. 

 

Nhiều cha mẹ cảm thấy khó xử khi gặp gỡ người thân mà họ muốn được ôm hôn các con cháu “cho tình cảm”. Họ viện cớ “có yêu mới làm vậy”. Điều này hoàn toàn không đúng.

 

Việc ép uổng trẻ phải để yên cho người khác đụng vào cơ thể mình sẽ làm hạn chế sự tự chủ của trẻ, khiến trẻ hiểu là phải ưu tiên việc tuân thủ chỉ định của người khác thay vì lắng nghe cảm xúc của bản thân. Về lâu dài, sự ép uổng này thực chất là làm hại trẻ. 

 

Nhiều khi người lớn ép trẻ vào tình huống mà cơ thể của bé bị đối xử như một món quà cho người khác ôm ấp, hôn hít, sờ nắn chân tay. Trẻ có thể cảm thấy không sẵn sàng, khó chịu, biểu hiện bằng việc trốn sau ba mẹ, chạy, giấu mặt đi, nhưng những biểu hiện nay thường bị bỏ qua. 

 

Có thể người lớn nghĩ rằng “có yêu” mới làm như vậy. Nhưng cần thấy rằng đấy chỉ là cảm nhận từ phía người lớn - một sự nhầm lẫn giữa đáp ứng nhu cầu và ý thích của người lớn với nhu cầu và cảm xúc của trẻ nhỏ.

 

Đúng ra, nếu “có yêu” trẻ thì cũng cần “có tôn trọng” cảm xúc của trẻ. 

 

Gương mặt, dáng hình dễ thương của trẻ nhỏ không nên là món quà để người lớn trao đổi xã giao. Kể cả người thân, ông bà, họ hàng cũng không thể đòi hỏi trẻ nhỏ ôm hôn phục vụ mình. 

 

Cảm xúc của trẻ nhỏ cần được quan tâm nhiều hơn, và hẳn nhiên phải được đặt lên trên nhu cầu giữ thể diện giữa người lớn với nhau. 

 

 

Con không muốn thì không sao. Con có thể nói không

 

Thay vì “cho bác ôm một cái”, người lớn hãy biết hỏi trẻ: “Bác bắt tay một cái được không?”.

 

Thay vì nói “ông yêu ông mới làm thế”, cha mẹ biết bảo vệ con hãy nói: “Cháu chưa sẵn sàng đâu, ông để cháu chơi tự nhiên”.

 

Thay vì giễu con “chú ôm có một cái mà cũng khóc”, cha mẹ hãy làm lá chắn cho con bằng cách chặn ngay từ đầu: “Cháu không muốn ôm, chú đừng làm cháu sợ”. 

 

Thay vì đẩy con ra ôm người khác, cha mẹ quan sát thấy con do dự thì hãy dũng cảm khẳng định: “Nếu con không muốn thì hoàn toàn không sao, quyền con quyết định mà”. 

 

Tóm lại, thay vì nhấn chìm cảm xúc non nớt của trẻ nhỏ, vốn nhiều khi chưa thể diễn đạt bằng lời mà chỉ thông qua hành động vẫy đạp hay gào khóc, người lớn hãy lùi lại một bước để dành không gian và trân trọng lựa chọn của trẻ. 

 

 

Chú thích

 

1. Santa Claus supports young girl who didn’t want to sit on his lap. (2023, December 18). ABC7 New York. https://abc7ny.com/santa-claus-consent-boundaries-young-girl/14199380/#:~:text=A%20Santa%20Claus%20is%20being%20applauded%20for%20supporting%20a%20young,about%20seeing%20him%20for%20weeks.

 

2. Finkelhor, D., Shattuck, A., Turner, H. A., & Hamby, S. L. (2014). The lifetime prevalence of child sexual abuse and sexual assault assessed in late adolescence. Journal of Adolescent Health, 55(3), 329-333.

 

3. Vũ Điệp. (2023). Bộ LĐ-TB&XH báo động số vụ xâm hại tình dục trẻ em. VietNamNet News; Vietnamnet.vn. https://vietnamnet.vn/bo-ld-tb-xh-bao-dong-so-vu-xam-hai-tinh-duc-tre-em-2215762.html

 

4. Gewirtz-Meydan A., Finkelhor, D. (2020). Sexual Abuse and Assault in a Large National Sample of Children and Adolescents. Child Maltreat. 2020 May;25(2):203-214. doi: 10.1177/1077559519873975. 

 

5. Hồng Kiều. (2019, April 18). Hơn 86% trẻ em bị xâm hại tình dục bởi chính người thân quen. (VietnamPlus). https://www.vietnamplus.vn/hon-86-tre-em-bi-xam-hai-tinh-duc-boi-chinh-nguoi-than-quen-post564874.vnp

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats