Wednesday 3 January 2024

THƯƠNG TIẾC MỘT NGƯỜI BẠN HIỀN LƯƠNG (Lê Nguyễn / Báo Tiếng Dân)

 



 

Thương tiếc một người bạn hiền lương

Lê Nguyễn

03/01/2024

https://baotiengdan.com/2024/01/03/thuong-tiec-mot-nguoi-ban-hien-luong/

Cuối năm 1970, khi tôi đặt chân lên mảnh đất Côn Sơn (nay là Côn Đảo) với tư cách một công chức tình nguyện ra làm việc tại Cơ sở Hành chánh Côn Sơn, thì anh Trần Quan Hội đã là Chủ sự phòng Viễn thông từ lâu rồi.

 

Trong tổ chức của chính quyền VNCH trước 1975, viễn thông là một tổ chức dân sự được điều hành bởi Nha Viễn thông – Bộ Nội vụ, tại mỗi tỉnh có một phòng viễn thông phụ trách việc nhận về hay chuyển đi các công điện trao đổi với nhau giữa các cơ quan công quyền.

 

Khi mới đến đảo, gặp gỡ các viên chức đồng nghiệp trong các buổi chào cờ sáng thứ hai hay các buổi lễ, các cuộc họp, anh Hội là một trong những người tôi rất chú ý, ở vóc dáng cao ráo, trắng trẻo, gương mặt khá điển trai, ở đó toát ra một sự hiền lành đến độ … bẽn lẽn. Hầu như trong những dịp hội họp đông đúc nào, anh cũng tìm cách lẩn vào đám đông, ngồi vào những hàng ghế sâu, xa nhất.

 

Với tư cách Chủ sự phòng Viễn thông, anh Hội có công việc chuyên môn riêng do Nha Viễn thông – Bộ Nội vụ giao phó, ít tiếp xúc, trao đổi với các cơ quan bạn trên đảo. Thời đó, điện lưới không có, cả đảo chỉ có một nhà máy điện nhỏ chạy bằng dầu gasoil, phát điện lúc trời vừa sụp tối và ngưng chạy máy lúc 9-10 đêm, hệ thống máy móc của phòng viễn thông sử dụng pin và máy phát điện riêng. Số pin được cấp phát hàng tháng, cơ quan anh xài không hết, anh ngầm thỏa thuận với tôi là mỗi cuối tháng, tôi cử anh tù công nhân tư gia của tôi đến để anh cho mấy viên pin đại về sử dụng cho chiếc máy radio cassette. Đó có lẽ là việc làm bất hợp pháp hiếm hoi lúc bấy giờ, phát sinh từ sự “toa rập” giữa tôi và anh.

 

Khoảng năm 2017, loạt hồi ức 7 bài viết của tôi trên Facebook về khoảng thời gian làm việc tại Côn Đảo (1971-1972) giúp tôi trở thành bạn Facebook của nhiều người, có người từng là viên chức thời đó, như bạn Phan Minh Nguyệt, từng là nhân viên Phòng viễn thông của anh Hội. Song hầu hết những người bạn mới này là con hay cháu của những đồng sự thời đó của tôi, trong đó có Mỹ Dung là con gái anh, vào đầu thập niên 1970 vẫn còn nhỏ lắm.

 

Liên lạc được với Mỹ Dung, tôi hỏi thăm anh, được biết anh đang sống ở tiểu bang Minnesota, nước Mỹ. Điều lạ lùng nhất là tình trạng của anh sau ngày 30.4.1975. Anh không bị bắt giữ (và sau đó nhiều người bị bắt giữ đã “mất tích” vào tháng 12.1975) mà sau ngày này vẫn sống bình thường trên đảo. Điều đó dễ khiến có người đặt ra câu hỏi: Liệu anh có hoạt động cho “phía bên kia” trước 1975 như Đại úy D., trưởng ban 4 Đặc khu Côn Sơn, hay ông Nguyễn Văn S., Quản lý Hợp tác xã tiêu thụ?

 

Mỹ Dung xác nhận, không hề có chuyện “nội tuyến” của ba cô. Tôi cũng tin chắc như vậy, theo tôi, có hai lý do dẫn tới tình trạng đặc biệt này của anh Hội:

 

– Anh làm công việc chuyên môn, sau 30.4.1975, “bên thắng cuộc” cần anh hướng dẫn các thao tác máy móc viễn thông.

 

– Anh là người rất đỗi hiền lương, tôi tin rằng trong suốt thời gian làm việc trên đảo, anh chưa làm mích lòng ai.

 

Thế là anh và tôi liên lạc lại với nhau qua cô con gái Mỹ Dung của anh. Anh có Facebook, thỉnh thoảng post ảnh kỷ niệm, chỉ đọc là chủ yếu. Qua Mỹ Dung, được biết anh là một trong những người đầu tiên chứng thực cho sự xác đáng của những gì tôi đã kể trong hồi ức của mình. Anh ít bình luận trong những bài tôi viết, kể cả các bài về Côn Đảo, song các tin nhắn của anh cho riêng tôi chứng tỏ anh đọc chúng khá kỹ.

 

Có lần, anh nhắn tin mời tôi lên Minnesota chơi với anh. Đây là một trong những tiểu bang của nước Mỹ giáp với Canada, lạnh vào bậc nhất. Có vài lần, anh bất ngờ gửi cho tôi vài món quà nho nhỏ. Đọc bài tôi viết về loài cây bồ công anh có những chiếc hoa màu vàng, tựa loài hoa cúc, mà tôi thưởng hái trong các bãi cỏ hoang ở Kentucky, về phơi hay sấy khô làm trà uống, khi tôi đã trở về Việt Nam, anh mua gửi cho tôi những gói trà làm bằng rễ loài cây này, đóng gói xinh xắn, mà đến bây giờ, tôi vẫn còn gìn giữ trang trọng, không muốn khui ra dùng. Anh còn chu đáo hơn nữa, gửi cho tôi cả những hạt giống bồ công anh để tôi trồng ở vườn nhà. Sự lười biếng, dễ quên, khiến tôi phụ lòng anh, còn để những hạt giống ấy trong tủ đến bây giờ.

 

Những tình cảm ấy của anh Hội khiến khi vừa nhận được tin anh qua đời, tôi nhớ đến mà trào nước mắt. Đó là thứ tình cảm âm thầm, không bộc lộ, nhưng sâu sắc và tha thiết đến chừng nào!

 

Tháng 3.2023, anh về thăm Sài Gòn, buổi chiều hôm ấy, có hẹn bữa tiệc với gia đình người sui gia, anh vẫn kịp thúc giục người cháu nội chở anh lên thăm tôi, rồi vội vã trở về cho kịp giờ hẹn. Mấy ngày sau, tôi ra Sài Gòn thăm anh, tại một khách sạn, chụp với nhau tấm ảnh kỷ niệm.

 

Không ngờ đó là lần gặp sau cùng!

 

Ngày 28.12.2023, trang Facebook Hoi Tran của anh post lên tấm ảnh anh chụp chung với chị Hội. Anh tiều tụy quá, dòng chữ trên status “Hôm nay nhờ sức khỏe khá nên chụp vài tấm cho con cháu xem” chứng tỏ anh vừa trải qua cơn bạo bệnh. Song với nội dung status và gương mặt còn thần sắc của anh, tôi mừng là anh vừa thoát nạn, định viết tin nhắn thăm anh và chúc anh mau hồi phục sức khỏe.

 

Vậy mà chỉ hai ngày sau, anh đã ra đi! Tôi không còn kịp thăm anh nữa rồi!

 

Những dòng tưởng nhớ này, đặc biệt gửi đến các bạn Mỹ Dung, Tran Thanh, những người con có hiếu của anh Trần Quan Hội, như lời chia buồn chân thành nhất. Xin gửi đến các bạn từng sống ở Côn Đảo, có thân nhân từng là đồng sự với tôi ở Côn Đảo, xin gửi đến tất cả các bạn Facebook chút kỷ niệm về một con người hiền lương trên cõi đời này.

 

Bài liên quan: Chuyến tàu đêm: Số phận của 70 viên chức chế độ cũ ở Côn Đảo ra sao?

 

______

 

Một số hình ảnh và ghi chú của tác giả Lê Nguyễn:

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-7-1068x1236.jpg

 Lần gặp lại tại Sài Gòn, tháng 3.2023, trong chuyến về thăm Việt Nam của anh Trần Quan Hội (1939 — 30.12.2023)

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-6-1068x1424.jpg

Trong chuyến về thăm Việt Nam vào tháng 3.2023, anh Trần Quan Hội đến viếng ngôi mộ chung tại Côn Đảo của mấy mươi công chức, quân nhân, giám thị VNCH bỏ mạng trong cùng một ngày trước lễ Giáng sinh 25.12.1975. (Ảnh gửi qua hộp tin nhắn Facebook).

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-8-768x1024.jpg

Một hình ảnh khác của anh Hội (áo xanh) trước ngôi mộ tập thể.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/2-1-1024x921.jpg

Tấm ảnh anh Hội (và chị Hội) chụp chỉ hai ngày trước lúc anh ra đi! Những lời trong status cho thấy anh vẫn còn yêu cuộc sống biết chừng nào!

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-9-1024x771.jpg

Món quà của anh Hội, mình vẫn còn giữ kỹ: Gói rễ cây bồ công anh (dandelion root) sấy khô và gói hạt giống bồ công anh.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/2-2-1068x681.jpg

Tấm ảnh chụp năm 1971 trước dinh Đặc phái viên hành chánh Côn Sơn, thấy rõ gương mặt anh Trần Quan Hội (số 4), lúc mới 32 tuổi.

 

1) Trung tá Cao Minh Tiếp, Đặc phái viên HC kiêm Đặc khu trưởng, kiêm Quản đốc Trung tâm cải huấn (“chúa đảo”)

 

2) Lê Nguyễn, Phụ tá Hành chánh

 

3) Thiếu tá Bùi Văn Tám, Đặc khu phó

 

4) Trần Quan Hội – Chủ sự phòng Viễn thông

 

5) Nguyễn Bang Hanh – Chủ sự Văn phòng Cơ sở HC

 

6) Trịnh Văn Đông – Trưởng ty Tiểu học

 

7) … Hiển, Trưởng ty Nông nghiệp

 

8) Nguyễn Văn Đồng, Trưởng ty Thanh niên, quản lý CLB Hải Điểu

 

9) Đại úy Thành, Tiểu đoàn phó TĐ Tâm lý chiến

 

10) Ông Mục sư Tin Lành

 

11) Lê Văn Tư, Trưởng ty Lâm vụ

 

12) Nguyễn Văn Sơn, Quản lý Hợp tác xã

 

13) Lê Văn Vui, Chủ sự phòng Hành chánh Cơ sở HC kiêm Trưởng ty Ngân khố

 

14) Ngô Văn Năm, Trưởng ty Cảnh sát, rời đảo năm 1971, (người thay là Trần Văn Tức, rể ông Tám Mùi, chủ sở lưới)

 

15) Đại đức …, sĩ quan Tuyên úy Phật giáo

 

16) (khuất một phần sau số 10) Nguyễn Văn Thái, Trưởng ty Thông tin

 

17) Đại úy Phạm Huỳnh Trung, Trưởng ban 1 Đặc khu Côn sơn

 

* Trước 1975, tại miền Nam, ở mỗi đơn vị quân sự cấp Tiểu đoàn trở lên, có một Đại đức Tuyên úy Phật giáo và một Linh mục Tuyên úy Công giáo, có nhiệm vụ thực hiện nghi thức tôn giáo cho các binh sĩ tử trận hay qua đời.

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats