Wednesday, 17 January 2024

THẾ LƯỠNG NAN CỦA HOA KỲ TRONG VIỆC ĐỐI PHÓ VỚI HOUTHI Ở HỒNG HẢI (Alexandra Stark   |   Foreign Affairs)

 



Thế lưỡng nan của Mỹ trong việc đối phó với Houthi ở Biển Đỏ

Alexandra Stark   |   Foreign Affairs  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

16/01/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/01/16/the-luong-nan-cua-my-trong-viec-doi-pho-voi-houthi-o-bien-do/

 

Ngoại giao thận trọng có thể giúp ngăn chặn các cuộc tấn công ở Biển Đỏ.

 

Xung đột giữa Mỹ và lực lượng Houthi ở Biển Đỏ đang ngày càng leo thang. Ngày 31/12, những chiếc thuyền nhỏ của Houthi đã cố gắng tấn công một tàu thương mại. Sau khi trực thăng của hải quân Mỹ đáp trả vụ tấn công, Houthi – một nhóm nổi dậy kiểm soát vùng lãnh thổ có 80% dân số Yemen sinh sống – đã bắn vào họ. Phía Mỹ tiếp tục bắn trả, đánh chìm 3 thuyền của Houthi và giết chết 10 người. Sau đó, vào ngày 9/1, lực lượng Houthi đã tiến hành một trong những cuộc tấn công lớn nhất của họ ở Biển Đỏ cho đến nay, sử dụng 18 máy bay không người lái, hai tên lửa hành trình chống hạm, và một tên lửa đạn đạo chống hạm, nhưng đã bị lực lượng Mỹ và Anh đánh chặn.

 

Lần giao tranh này chỉ là vụ việc mới nhất trong một loạt các vụ tấn công ở Biển Đỏ. Kể từ giữa tháng 11, lực lượng Houthi đã tiến hành hơn 20 cuộc tấn công nhắm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ, một eo biển quan trọng về mặt chiến lược, nơi trung chuyển 15% thương mại toàn cầu. Tuyên bố rằng các cuộc tấn công của họ là một phản ứng đối với cuộc chiến Israel-Hamas, Houthi cũng đã bắn tên lửa và máy bay không người lái về phía miền nam Israel. Các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đã buộc một số công ty vận tải biển phải tạm ngừng các chuyến đi qua Kênh đào Suez, và thay vào đó đi vòng quanh vùng Sừng Châu Phi, vì thế sẽ kéo dài hành trình của họ thêm khoảng mười ngày. Các cuộc tấn công vẫn chưa gây ra sự gián đoạn đáng kể nào trong thương mại toàn cầu, nhưng về lâu dài, chi phí vận chuyển tăng cao do các vụ tấn công này có khả năng làm tăng giá dầu và chi phí hàng tiêu dùng trên toàn thế giới.

 

Để đáp lại, Mỹ đã kêu gọi các đối tác quốc tế, phát động một sáng kiến đa quốc gia nhằm bảo vệ các tàu thương mại ở Biển Đỏ vào giữa tháng 12. Đến ngày 3/1, các đối tác này đã đưa ra một tuyên bố chung mà các quan chức Mỹ cho biết nên được xem như lời cảnh báo cuối cùng dành cho Houthi trước khi Washington có hành động quyết liệt hơn. Mỹ hiện đang xem xét các cuộc tấn công quân sự vào các mục tiêu của Houthi.

 

Vì các cuộc tấn công của Houthi có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho thương mại toàn cầu, Mỹ đang chịu áp lực đáng kể phải đáp trả bằng quân sự. Nhưng thay vì tấn công trả đũa, Mỹ nên ưu tiên cách tiếp cận ngoại giao. Houthi có thể là một lực lượng mới xuất hiện trên các tít báo quốc tế gần đây, nhưng họ đã thách thức Mỹ và các đối tác vùng Vịnh suốt hai thập niên qua. Và việc sử dụng vũ lực chống lại Houthi trong quá khứ – dù bởi chế độ của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, hay bởi nỗ lực do Ả Rập Saudi dẫn đầu nhằm khôi phục chính phủ mà Houthi đã lật đổ vào giữa những năm 2010 – chỉ giúp nhóm này hoàn thiện năng lực quân sự và thể hiện mình là một phong trào kháng chiến anh dũng, củng cố tính chính danh của họ ở quê nhà.

 

Quả thật Houthi đang cần một cú hích: trước ngày 7/10, họ đã phải đối mặt với làn sóng phản kháng ngày càng tăng trong nước. Tuy nhiên, giờ đây, nhờ phản ứng đối với các hoạt động của Israel ở Gaza, họ dường như đã giành lại được sự ủng hộ ở Yemen và trên toàn khu vực. Các cuộc tấn công trả đũa cũng sẽ làm tăng khả năng chiến tranh Israel-Hamas lan rộng ra khắp khu vực và nội chiến tiếp tục ở Yemen. Trong hơn một năm rưỡi qua, một thỏa thuận ngừng bắn do Liên Hiệp Quốc đàm phán đã ngăn chặn xung đột nghiêm trọng ở Yemen, nhưng các cuộc tấn công trực tiếp của Mỹ vào các mục tiêu của Houthi có thể khơi lại nội chiến. Mỹ không có nhiều lựa chọn khả thi để đáp trả các cuộc tấn công của Houthi. Nhưng thúc đẩy ngoại giao nhằm đạt được hòa bình bền vững ở Yemen, đồng thời tiếp tục nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi cùng với các đối tác quốc tế là lựa chọn ít tệ nhất trong số đó.

 

 

KHÁNG CỰ

 

Phong trào Houthi đã nổi lên vào những năm 1990, khi một nhóm tự xưng là Ansar Allah (“Đạo quân của Allah”) bắt đầu chống lại việc Ả Rập Saudi lan truyền hồi giáo Wahab, đồng thời khẳng định bản sắc và các nghi thức hồi giáo Zaid trên khắp Yemen. Zaid là một nhánh của hồi giáo Shiite ở miền bắc Yemen và một phần miền nam Ả Rập Saudi. Có những khác biệt quan trọng về mặt học thuyết giữa hồi giáo Shiite chính thống và hồi giáo Zaid: ví dụ, người Shiite chính thống công nhận 12 vị imam, trong khi Zaid chỉ công nhận 5 người.

 

Tuy nhiên, khi phong trào Houthi bắt đầu phản đối nạn tham nhũng cố hữu trong chế độ Saleh – và quyết định của ông hợp tác với Mỹ trong “cuộc chiến chống khủng bố” toàn cầu – họ đã thu hút được sự ủng hộ từ những người Yemen ngoài cộng đồng Zaid. Các phương tiện truyền thông đôi khi mô tả cuộc xung đột dân sự kéo dài ở Yemen là xung đột giáo phái giữa người Sunni và người Shiite. Trên thực tế, trong suốt những năm đầu của thế kỷ 21, Marieke Brandt, một nhà nhân học nghiên cứu sâu rộng về Houthi, lưu ý rằng phong trào Ansar Allah đã mở rộng để trở thành “chất xúc tác có tiềm năng đoàn kết tất cả những người [ở miền bắc Yemen] … cảm thấy bị bỏ rơi về mặt kinh tế, bị tẩy chay về mặt chính trị, và bị gạt ra ngoài lề về mặt tôn giáo.”

 

Để đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Houthi, kể từ năm 2004, chính phủ của Saleh đã phát động sáu đợt giao tranh tàn bạo – giết chết thủ lĩnh của nhóm, Hussein Badreddin al-Houthi. Nhưng những nỗ lực quân sự này đã không thể nhổ tận gốc phong trào. Thay vào đó, Ansar Allah đã thu hút được những tín đồ mới, và tiếp tục tôn vinh các thành viên trong gia đình những người sáng lập làm lãnh đạo.

 

Khi Mùa xuân Ả Rập lan đến Yemen năm 2011, Saleh cuối cùng cũng bị buộc phải từ chức, nhường lại vị trí cho phó tổng thống của mình, Abd-Rabu Mansur Hadi. Nhưng quá trình củng cố nền dân chủ của đất nước đã rơi vào bế tắc sau thất bại của Hội nghị Đối thoại Quốc gia, một tiến trình vào những năm 2013–2014 nhằm đàm phán quá trình chuyển đổi sang dân chủ. Nhận thấy khoảng trống quyền lực, Houthi đã chiếm thủ đô Sanaa của Yemen vào tháng 9/2014 và sau đó cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng về phía nam, giành quyền kiểm soát phần lớn đất nước.

 

Sự trỗi dậy năm 2014 của Houthi đã khiến các nước láng giềng, đặc biệt là Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, phải cảnh giác. Trong khoảng thời gian này, Houthi cũng bắt đầu nhận được sự hỗ trợ từ Iran và lực lượng ủy nhiệm của họ là Hezbollah – những đối thủ của Ả Rập Saudi và UAE. Hồi năm 2015, một liên minh do hai quốc gia này lãnh đạo – được hỗ trợ bởi Mỹ, Anh, và Pháp – đã can thiệp quân sự, tiến hành các cuộc không kích để hỗ trợ nhiều tổ chức quân sự khác vốn trên danh nghĩa ủng hộ chính phủ của Hadi.

 

Nhưng thay vì khôi phục hòa bình, các cuộc không kích lại góp phần làm trầm trọng thêm một cuộc chiến vốn sẽ dẫn đến điều mà Liên Hợp Quốc gọi là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Từ năm 2015 đến năm 2022, các cuộc không kích của liên minh do Ả Rập Saudi dẫn đầu – được hỗ trợ bởi thông tin tình báo, cũng như dịch vụ tiếp nhiên liệu trên không và bảo trì máy bay của Mỹ – đã giết chết khoảng 9.000 thường dân Yemen. Bốn triệu rưỡi người Yemen phải di dời, và hơn 21 triệu, tương đương hai phần ba dân số Yemen, hiện vẫn rất cần được hỗ trợ và bảo vệ nhân đạo.

 

 

CƠ HỘI PHÁT TRIỂN

 

Trong lúc Houthi củng cố quyền kiểm soát đối với phần lớn miền bắc Yemen, họ cũng bắt đầu tìm kiếm sự hiện diện lớn hơn ở khu vực. Đặt trụ sở tại Beirut, kênh truyền thông của họ, Al Masirah, đã sản xuất nội dung bằng cả tiếng Ả Rập và tiếng Anh, nhằm chia sẻ quan điểm của họ đến với nhiều khán giả hơn. Những bài thơ truyền thống của Houthi, được chuyển thành nhạc và video rồi chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, là những tuyên bố của nhóm nhằm phản đối Israel và Mỹ.

 

Để hiểu được mục tiêu của Houthi, cần phải nghiêm túc xem xét mong muốn của nhóm này. Kể từ khoảng năm 2003, sarkha, tức khẩu hiệu của họ – thường được in màu xanh lá cây và đỏ – đã lặp lại khẩu hiệu của cách mạng Iran, đồng thời tuyên bố rõ ràng các giá trị và mục tiêu của Houthi “Allah vĩ đại, Mỹ phải chết, Israel phải chết, người Do Thái phải bị nguyền rủa, và chiến thắng thuộc về người Hồi giáo.” Trong các tuyên bố công khai của mình, ban lãnh đạo Houthi đã nhiều lần gọi các cuộc tấn công hiện tại của họ là để đáp trả các hoạt động của Israel ở Gaza. Họ nói rằng mục đích của mình là gây áp lực buộc Israel phải xuống thang trong cuộc chiến chống lại Hamas.

 

Nhưng luận điệu này cũng đã cho phép Houthi xây dựng tính chính danh ở Yemen và trên khắp Trung Đông, chuyển hướng sự chú ý khỏi những thất bại của họ ở quê nhà, nơi mà mức độ ủng hộ của người dân đối với họ đã sụt giảm trong những năm gần đây. Họ đã không thể mang lại tăng trưởng kinh tế cho quốc gia nghèo nhất ở Trung Đông và Bắc Phi. Họ cũng tiến hành đàn áp dã man, tra tấn và hành quyết các nhà báo, bắt giữ và giam lỏng những người biểu tình ôn hòa, đồng thời hạn chế quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Nhiều người Yemen ngày càng tin rằng lực lượng Houthi bị thúc đẩy bởi mong muốn thành lập một nhà nước tôn giáo toàn trị, nhằm bảo vệ quyền lực của giới tinh hoa Zaid.

 

Tháng 09/2023, các cuộc biểu tình phản đối Houthi vì không trả lương cho công chức dẫn đến nhiều vụ bắt giữ, nhưng ban lãnh đạo Houthi đã nhận ra rằng họ có vấn đề và tuyên bố sẽ có một “sự thay đổi căn bản” đối với chính phủ của mình nhằm giải quyết các vấn đề tham nhũng và kinh tế – trước khi cuộc chiến Israel-Hamas mang đến cho họ một cơ hội mới để có được tính chính danh. Trong một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Khảo sát của Palestine, được thực hiện vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2023, người dân ở Gaza và Bờ Tây đã xếp phản ứng của Yemen đối với cuộc chiến Israel-Hamas là phản ứng khiến họ hài lòng nhất trong số các chủ thể trong khu vực. Houthi đã sử dụng các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine của người Yemen như một bằng chứng về sự ủng hộ của họ đối với người Palestine.

 

Ở cấp độ khu vực, Houthi đã sử dụng các cuộc tấn công của mình ở Biển Đỏ và vào Israel để chứng minh tầm quan trọng của họ đối với “trục kháng chiến” của Iran, mạng lưới các chủ thể nhà nước và phi nhà nước mà Iran đã tận dụng để mở rộng ảnh hưởng của mình ra khắp khu vực, đồng thời bao vây các đối thủ, trong đó có Israel và Ả Rập Saudi. Mối quan hệ đối tác giữa Iran và Houthi đã trở nên sâu sắc hơn xuyên suốt cuộc nội chiến ở Yemen. Iran xem trọng lực lượng Houthi vì nhóm này cho phép Tehran hành động trên phạm vi rộng hơn, trong khi vẫn duy trì khả năng phủ nhận chính đáng. Chẳng hạn, Houthi đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi xảy ra hồi tháng 9/2019, nhưng nhiều người cho rằng Iran mới thực sự là thủ phạm. Trước khi có thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 4/2022 ở Yemen, lực lượng Houthi cũng đã phát động một loạt các cuộc tấn công leo thang nhắm vào lãnh thổ của Ả Rập Saudi và UAE, và đã được Lực lượng Quds trực thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hỗ trợ.

 

Quds đã giúp Houthi xây dựng kho dự trữ vũ khí tinh vi, bao gồm cả máy bay không người lái và tên lửa. Kể từ khoảng năm 2016, Iran đã giúp Houthi học cách tự lắp ráp vũ khí của mình bằng các bộ phận từ nước ngoài, phá hoại nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí vào Yemen. Việc Houthi có khả năng phóng tên lửa nhắm vào Israel và các tàu thương mại – và đến nay vẫn tránh được sự trả đũa đáng kể – lại càng chứng tỏ giá trị chiến lược của nhóm này đối với Iran. Tehran đã đề nghị hỗ trợ các cuộc tấn công của Houthi, chia sẻ thông tin tình báo để hỗ trợ các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, và di chuyển tàu chiến của mình vào vùng nước này.

 

 

ĐÁP TRẢ

 

Các chủ thể quốc tế cần đáp trả các cuộc tấn công của Houthi, vừa để bảo vệ tuyến đường vận chuyển trên Biển Đỏ, vừa để ngăn chặn xung đột leo thang hơn nữa trong khu vực. Tuy nhiên, Mỹ đang phải đối mặt với một loạt các lựa chọn tồi tệ. Một số chính trị gia và nhà phân tích đã lập luận rằng cách tốt nhất để chống lại sự hung hăng của Houthi là leo thang quân sự nhằm “khôi phục khả năng răn đe.” Quan điểm này coi quyết định năm 2021 của Mỹ – thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình ở Yemen – là một thất bại của chính sách xoa dịu.

 

Nhưng những người ủng hộ các cuộc không kích chống lại Houthi lại không thể giải thích điều gì sẽ xảy ra sau đó. Thật khó để tin rằng các cuộc không kích sẽ có thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi, bởi chúng đã chẳng thể làm được điều đó suốt 10 năm qua. Các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu của Houthi có thể làm giảm nhẹ khả năng phóng tên lửa và máy bay không người lái của nhóm này, nhưng việc tiêu diệt các tàu không người lái hoặc có người lái nhỏ và rẻ của Houthi sẽ là nhiệm vụ khó hơn nhiều.

 

Tương tự, việc gán nhãn cho Houthi là một tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO), như chính quyền Trump đã làm một thời gian ngắn vào năm 2020, có lẽ sẽ không có tác dụng. Các nhà lãnh đạo của nhóm này từ lâu đã phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, và chắc chắn họ sẽ sử dụng danh hiệu này làm bằng chứng cho thấy họ có thể vượt lên trên những đối thủ hùng mạnh. Nhưng việc dán nhãn FTO chắc chắn sẽ khiến việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Yemen trở nên khó khăn hơn.

 

Cách tiếp cận kết hợp ngoại giao với răn đe là lựa chọn ít tệ nhất để Mỹ có thể giải quyết vấn đề khó khăn này trong tương lai gần. Quốc tế gần như không muốn phản ứng quân sự. Ngay cả Ả Rập Saudi, quốc gia dẫn đầu cuộc can thiệp quân sự năm 2015 chống lại Houthi, hiện cũng đang cảnh báo Mỹ phải hành động kiềm chế.

 

Washington không thể trông cậy vào sự hỗ trợ công khai từ các đối tác vùng Vịnh. Dù một số tàu thương mại mà Houthi nhắm tới không có mối liên hệ rõ ràng nào với Israel, nhưng việc nhóm này nhiều lần gọi các cuộc tấn công của mình là nỗ lực hỗ trợ người Palestine đã hạn chế mức độ mà các quốc gia Ả Rập có thể đáp trả, ngay cả khi họ có mong muốn can dự. Chẳng hạn, dư luận ở Ả Rập Saudi hiện tại đã quay lưng và ngày càng phản đối việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Các quốc gia vùng Vịnh cũng có ít động lực để mạo hiểm trước cơn thịnh nộ của công chúng. Ngoài Bahrain, các quốc gia Ả Rập khác đều chần chừ công khai ủng hộ chiến dịch đa quốc gia mà Lầu Năm Góc đã công bố vào giữa tháng 12.

 

Tuy nhiên, chiến dịch đó là bước đầu tiên hữu ích để thể hiện sự phản đối quốc tế đối với thái độ hung hăng của Houthi, cũng như để đánh chặn và ngăn cản các vụ tấn công. Mỹ cũng cần tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc nhằm đàm phán một nền hòa bình bền vững ở Yemen. Thỏa thuận ngừng bắn năm 2022 ít nhiều đã được giữ vững, và các bên đã tiến gần đến một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, cũng như khởi động các cuộc đàm phán về tương lai lâu dài của chính quyền Yemen.

 

Sau cùng thì, để đối phó với mối đe dọa từ Houthi, Mỹ phải thúc đẩy chấm dứt chiến tranh giữa Israel và Hamas, và rộng hơn là cuộc xung đột Israel-Palestine. Dù muốn hay không, Houthi đã gắn sự hung hăng của họ với các hoạt động của Israel ở Gaza và đã giành được sự ủng hộ cả ở trong nước và khu vực. Việc tìm ra một cách tiếp cận bền vững, lâu dài cho cả hai cuộc xung đột đóng vai trò quan trọng để giúp xuống thang căng thẳng trên toàn khu vực, và buộc Houthi ngừng tấn công các tàu thương mại. Bởi những cuộc tấn công đó sẽ chẳng có ích gì cho họ nếu không có xung đột khu vực.

 

Những biện pháp này không thể giải quyết hoàn toàn mối đe dọa mà Houthi gây ra đối với lợi ích của Mỹ và sự ổn định trong khu vực nói chung. Nhưng chúng vẫn là những lựa chọn tốt nhất trong số những lựa chọn tồi – và Mỹ chỉ có những lựa chọn tồi sau khi liên tiếp thất bại trong cách tiếp cận Yemen suốt 20 năm qua. Washington không được lặp lại sai lầm của mình. Kinh nghiệm hàng chục năm đã cho thấy việc đánh bại lực lượng Houthi bằng nỗ lực quân sự khó có thể thành công. Thay vào đó, chúng sẽ chỉ tàn phá thêm cuộc sống vốn đã khốn khổ của dân thường Yemen.

 

-----------------------

Alexandra Stark là cộng tác viên nghiên cứu chính sách tại RAND Corporation và là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “The Yemen Model.”

 

------------------------

 

Houthi, nhóm tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ, là ai?

Nguồn: “Who are the Houthis, the group attacking ships in the Red Sea?”, The Economist, 12/12/2023. Biên dịch: Phan Nguyên Cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã để lại những gợn sóng ở Biển Đỏ. Kể từ khi cuộc tấn công Gaza của Israel bắt đầu, Houthi, một nhóm nổi dậy ở Yemen, đã tiến … Đọc tiếp  Houthi, nhóm tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ, là ai?

 

Nghiên cứu quốc tế

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats