Monday 15 January 2024

SỰ KẾ THỪA LÃNH ĐẠO TRONG ĐẢNG (Nguyễn Vũ Bình / Blog RFA)

 



Sự kế thừa lãnh đạo trong đảng

Nguyễn Vũ Bình  

Chủ Nhật, 01/14/2024 - 12:49 — nguyenvubinh

 https://www.rfavietnam.com/node/7906

 

     Trong mấy ngày gần đây, thông tin về việc ông Nguyễn Phú Trọng phải nhập viện đã làm xôn xao cộng đồng mạng và dư luận xã hội. Với một vài lần đột quỵ trước đây, tuổi gần 80 và thời tiết trở lạnh, ông Nguyễn Phú Trọng nhập viện dễ gây ra việc suy đoán tình trạng Ông sẽ khó qua khỏi, hoặc sức khỏe giảm sút trầm trọng. Cùng với việc đồn đoán về sức khỏe là việc đồn đoán về việc ai sẽ kế thừa ông Trọng nếu trường hợp xấu nhất đối với Tổng Bí thư xảy ra. Tìm hiểu về sự kế thừa lãnh đạo tối cao trong đảng trong trường hợp này cũng thật cần thiết.

 

     Theo truyền thống, với các giai đoạn bình thường không có biến động, các Tổng Bí thư thường là người lựa chọn người kế vị mình. Sau đó bồi dưỡng, hoặc ít nhất là giới thiệu tế nhị ứng cử viên của mình trong một giai đoạn dài. Việc họp Bộ chính trị, họp trung ương thường là đồng thuận cao. Sự chuẩn bị thường là có một quá trình và có sự chủ động. Về mặt hình thức, các lãnh tụ cộng sản thường đề cao tính kế thừa, nhưng trên thực tế, đó là việc bào đảm ảnh hưởng và quyền lợi của bản thân sau khi rời khỏi ngôi cao nhất của đảng.

 

     Trong những trường hợp bất thường, bao gồm việc Tổng bí thư qua đời đột ngột, hoặc hết nhiệm kỳ mà ảnh hưởng của Tổng Bí thư không bao trùm, uy tín không vượt trội, vấn đề lựa chọn lãnh đạo cao nhất khó khăn hơn. Tất nhiên, dù ảnh hưởng không tuyệt đối, uy tín không vượt trội thì ứng cử viên do Tổng Bí thư đưa ra vẫn có lợi thế hơn nhiều so với các ứng cử viên khác. Trường hợp Tổng Bí thư qua đời đột ngột thì lãnh đạo cao nhất là ứng cử viên nằm trong sự thỏa hiệp giữa các thế lực trong bộ chính trị. Thường là sự đi kèm, đánh đổi giữa các thế lực về các ứng viên còn lại trong bộ tứ gồm chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.

 

     Một đặc trưng trong việc lựa chọn lãnh đạo cao nhất của đảng, chức vụ Tổng Bí thư cũng như tất cả các cuộc bầu bán của đảng từ trước tới nay, nó không hề được bầu cử dân chủ, ngay trong nội bộ đảng. Việc quyết định ai sẽ là người lãnh đạo cao nhất, cũng như các vị trí bộ Tứ chỉ do những người trong Bộ chính trị. Nếu là bầu cử dân chủ trong đảng (nội bộ), thì các ứng cử viên sẽ được tự do lựa chọn trong trung ương đảng, và sau đó sẽ có một cuộc bầu cử thực sự. Quy trình hiện nay là Bộ chính trị họp bàn, thỏa hiệp, thỏa thuận đưa ra các ứng cử viên đã được chấp thuận, trung ương đảng họp và cũng có bầu công khai, nhưng kết quả giống như quyết định của Bộ chính trị. Sau cùng, đại hội đảng là một màn biểu diễn hoàn toàn của cả Bộ chính trị và trung ương đảng.

 

     Về bối cảnh hiện nay của việc kế thừa chức vụ Tổng Bí thư, rất đặc biệt và có lẽ chưa có tiền lệ. Đầu tiên, đó là chưa có sự chuẩn bị nào cho chức vụ này. Điều này xuất phát từ kinh nghiệm về ứng cử viên Tổng bí thư khóa trước, ông Trần Quốc Vượng. Tất cả đều tưởng đó là ứng cử viên do ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra để thay thế mình, nhưng hóa ra không phải. Đó lại là ứng viên để mọi người thấy rằng không thể thay ông Trọng bằng bất cứ ai, dù đó là người Tổng Bí thư giới thiệu. Tức là ông Trọng không muốn ai thay mình, và có lẽ Ông muốn làm Tổng Bí thư tới chết. Vậy nên nhiệm kỳ này, dù có tin đồn phong phanh về việc người này người kia được ông Trọng chú ý có thể thay thế mình, thì điều đó cũng không ai tin và khó thành sự thật.

 

     Thứ hai, trong khi chưa có sự chuẩn bị kế thừa, các vị trí có thể thay thế Tổng Bí thư đều không có ai có năng lực và uy tín vượt trội, có thể gọi là cá mè một lứa. Hơn nữa, tuổi của các ứng cử viên sáng giá, trừ chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đều đã 65-66 tuổi, tức là ở ngưỡng quá tuổi, muốn ở lại phải là trường hợp đặc biệt. Như vậy, việc liên minh và thỏa hiệp cũng như đấu đá sẽ diễn ra vô cùng căng thẳng.

 

     Thứ ba, trước đây, vị trí Tổng Bí thư thường là vị trí lãnh đạo chính trị, ít bổng lộc hơn các vị trí khác, thậm chí quyền lực cũng không tuyệt đối. Nhưng từ khi ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng công cuộc chống tham nhũng, ‘đốt lò” với ưu thế cá nhân tương đối trong sạch, thì quyền lực, quyền sinh quyền sát đã nằm trong tay Tổng Bí thư. Xu hướng tập trung quyền lực vào vị trí Tổng Bí thư, đã kích thích nhiều ứng cử viên đã có thừa bổng lộc và vây cánh, mơ ước ngôi cao nhất của đảng, cũng là của chế độ và đất nước.

 

 Hà Nội, ngày 15/01/2024

N.V.B   

 

nguyenvubinh's blog

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats