Friday 19 January 2024

NHÂN BẢN KHỈ VÀNG ĐỂ TĂNG TỐC ĐỘ THỬ NGHIỆM THUỐC (Pallab Ghosh / BBC News)

 



Nhân bản khỉ vàng để tăng tốc độ thử nghiệm thuốc

Pallab Ghosh

Phóng viên Khoa học

BBC News Tiếng Việt

18 tháng 1 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cv2jrzp246do

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/6c8d/live/adea7d60-b485-11ee-8f07-bbfdfa890097.png

ReTro có thể là thế hệ khỉ nhân bản đầu tiên được các nhà nghiên cứu y học sử dụng không?

 

Cá thể khỉ vàng đầu tiên đã được nhân bản vô tính thành công bởi một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Đây là loài được dùng rộng rãi trong nghiên cứu y học vì sinh lý của chúng tương đồng với con người.

 

Nhóm tác giả nói rằng việc này có thể đẩy nhanh quá trình thử nghiệm thuốc, bởi các động vật giống nhau về mặt di truyền cho ra kết quả đồng nhất, với độ chắc chắn cao hơn.

 

Những nỗ lực nhân bản khỉ vàng trước đây hoặc không dẫn đến việc sinh con hoặc con non chết sau vài giờ.

 

Một nhóm bảo vệ động vật cho biết họ "quan ngại sâu sắc" trước bước tiến này.

 

Ở động vật có vú, quá trình sinh sản hữu tính tạo ra cá thể con từ gen của cha và mẹ. Với nhân bản vô tính, các kỹ thuật được áp dụng để tạo ra một bản sao giống hệt về mặt di truyền với cá thể ban đầu.

 

Sinh vật nhân bản vô tính nổi tiếng nhất, cừu Dolly, được tạo ra vào năm 1996. Các nhà khoa học đã lập trình lại tế bào da lấy từ một con cừu gốc để tạo thành phôi. Các phôi này hình thành tổ hợp tế bào cơ bản có thể phát triển thành mọi bộ phận cơ thể. Những phôi này sau đó được cấy vào cơ thể cừu mẹ mang thai hộ của Dolly.

 

Viết trên tạp chí Nature Communications, nhóm nghiên cứu giải thích, về cơ bản, họ đã thực hiện quy trình tương tự với khỉ vàng. Họ cho biết con vật vẫn khỏe mạnh sau hơn hai năm, cho thấy quá trình nhân bản đã thành công.

 

Tiến sĩ Lục Phát Long thuộc Đại học Viện Khoa học Trung Quốc nói với BBC News rằng “mọi người đều ngập tràn hạnh phúc” trước thành công này.

 

Tuy nhiên, người phát ngôn của Hội Hoàng gia Anh về Phòng chống Đối xử tàn ác đối với động vật (RSPCA) nói rằng tổ chức này tin rằng sự đau đớn mà động vật phải chịu là lớn hơn bất kỳ lợi ích trước mắt nào đối với người bệnh.

 

Khỉ vàng được tìm thấy trong tự nhiên ở châu Á, phân bố từ Afghanistan qua Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc. Chúng được sử dụng trong các thí nghiệm để nghiên cứu về truyền nhiễm và miễn dịch.

 

Những cá thể khỉ macaque đầu tiên đã được nhân bản vào năm 2018, nhưng khỉ vàng được giới nghiên cứu y học ưa chuộng hơn vì chúng có đặc điểm di truyền giống với con người.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/005c/live/30def700-b486-11ee-beb5-e1400df560f2.jpg

Trung Trung là một trong số những cá thể khỉ macaque đầu tiên được nhân bản năm 2018.

 

 

Vấn đề với phương pháp nhân bản tế bào trưởng thành để làm phôi này là trong hầu hết các lần thực hiện, sai sót thường xảy ra trong quá trình tái lập trình. Rất ít con non được sinh thành công và số sinh ra khỏe mạnh lại càng ít - từ 1% đến 3% ở hầu hết động vật có vú. Tỷ lệ này còn thấp hơn với trường hợp khỉ vàng: không có ca sinh nào cho đến khi nhóm nghiên cứu thành công cách đây hai năm.

 

Họ phát hiện ra rằng ở những lần thử thất bại với khỉ vàng, trong quá trình nhân bản, nhau thai (bộ phận cung cấp oxy và dưỡng chất cho bào thai) đã không được tái lập trình đúng cách, dẫn đến phát triển bất thường.

 

Các nhà nghiên cứu đã giải quyết vấn đề bằng cách không sử dụng phần phôi nhân bản vốn sẽ phát triển thành nhau thai - tức phần bên ngoài phôi. Như đồ họa bên dưới cho thấy, họ đã loại bỏ các tế bào bên trong (phần phát triển thành cơ thể của động vật) và cấy chúng vào lõi một phôi rỗng không qua nhân bản, với hy vọng phần vỏ phôi mới sẽ phát triển thành một nhau thai bình thường.

 

Khỉ  vàng ReTro được nhân bản thế nào?

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/ed9d/live/36fc2910-b5d9-11ee-beb5-e1400df560f2.png

 

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng 113 phôi, 11 trong số đó đã được cấy, đem lại kết quả là đậu hai thai và một sinh thành công.

 

Họ đặt tên cho con khỉ mới sinh này là "ReTro", sau khi phương pháp khoa học được gọi là "thay thế nguyên bào nuôi (trophoblast replacement)" được sử dụng để tạo ra con vật.

RSPCA cho biết họ quan ngại sâu sắc về nghiên cứu này.

 

"Hiện không có ứng dụng ngay lập tức nào cho nghiên cứu này. Trên lý thuyết, chúng ta có thể kỳ vọng người bệnh sẽ hưởng lợi từ những thí nghiệm này, nhưng bất kỳ ứng dụng trong thực tế nào cũng phải mất nhiều năm nữa và có khả năng sẽ cần thêm nhiều 'mẫu' động vật nữa để phát triển những công nghệ này", một người phát ngôn cho biết.

 

"RSPCA quan ngại sâu sắc về số lượng rất lớn động vật phải chịu đau đớn và khốn khổ trong các thí nghiệm này cũng như tỷ lệ thành công rất thấp của chúng. Linh trưởng là động vật thông minh và có tri giác, không chỉ là công cụ nghiên cứu".

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/d888/live/23654fc0-b48b-11ee-bc2f-cb5579b90709.jpg

ReTro được tạo ra cũng với kỹ thuật đã được dùng để nhân bản cừu Dolly, nhưng với một số tùy chỉnh.

 

Giáo sư Robin Lovell-Badge, thuộc viện Francis Crick ở London, người nhiệt liệt ủng hộ nghiên cứu trên động vật nếu lợi ích mang lại cho bệnh nhân lớn hơn sự đau đớn của con vật, cũng có mối quan ngại tương tự. Ông vốn là

 

"Việc có những động vật có cùng cấu trúc di truyền giúp giảm được một nguồn biến thể trong các thí nghiệm. Nhưng cần phải hỏi liệu điều đó có thực sự đáng không.

 

''Số lần thí nghiệm rất lớn. Họ phải sử dụng nhiều phôi và cấy chúng vào nhiều cừu mẹ mang thai hộ để có được một con non.”

 

Giáo sư Lovell-Badge cũng quan ngại về việc nhóm nghiên cứu chỉ tạo ra một ca sinh thành công.

 

''Không thể đưa ra bất kỳ kết luận nào về tỷ lệ thành công của kỹ thuật này khi chỉ có một ca sinh. Kết luận như vậy thật vô nghĩa. Cần có ít nhất hai ca, nhưng nhiều hơn thì càng tốt.”

 

Đáp lại, Tiến sĩ Lục Phát Long cho biết nhóm đặt mục tiêu nhân bản được nhiều cá thể khỉ hơn trong khi giảm số lượng phôi phải dùng. Ông nói thêm rằng họ có giấy phép cho tất cả các quy định về đạo đức.

 

"Tất cả các quy trình với động vật trong nghiên cứu của chúng tôi đều tuân thủ các nguyên tắc đặt ra bởi các Ủy ban Chăm sóc và Sử dụng Động vật từ Viện Nghiên cứu Khoa học Sự sống Thượng Hải, thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), và Viện Khoa học Thần kinh, Trung tâm CAS về Đổi mới xuất sắc trong Khoc học Não bộ và Kỹ thuật Trí năng. Quy trình đã được phê duyệt bởi Ủy ban Chăm sóc và Sử dụng Động vật thuộc Trung tâm CAS về Đổi mới xuất sắc trong Khoc học Não bộ và Kỹ thuật Trí năng".

 

------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

  •  

Tại sao nhân bản ngày càng ít được nói tới?

8 tháng 6 năm 2022

  •  

Khi yêu, điều gì xảy ra trong não chúng ta?

14 tháng 5 năm 2022

  •  

Tiến hoá dị thường: Tương lai kỳ quái của sự sống trên Trái Đất

12 tháng 2 năm 2022

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats