Wednesday 24 January 2024

NHÀ HOẠT ĐỘNG NGUYỄN BẮC TRUYỂN Ở ĐỨC : "THIÊN ĐƯỜNG NÀY MƠ ƯỚC BAO LÂU' (Mỹ Hằng / BBC News Tiếng Việt)

 



Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển ở Đức: ‘Thiên đường này mơ ước bao lâu’

Mỹ Hằng

BBC News Tiếng Việt

23 tháng 1 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c06y60yx045o

 

Một trong những hoạt động bên lề Hội nghị Cấp bộ trưởng về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin tại Prague, Séc cuối năm 2023 khiến người tham dự xúc động là tiệc cưới của nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển và người bạn đời Bùi Kim Phượng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/a943/live/62af9230-b6c5-11ee-8f07-bbfdfa890097.jpg

Ông Nguyễn Bắc Truyển, cùng vợ, nhận giải thưởng nhân quyền từ Liên minh quốc tế Stefanus tại Praha, Séc, tháng 12/2023

 

Gần mười năm trước, vào tháng 2/2014, ông Truyển và bà Phượng từng dự định tổ chức đám cưới nhưng ông bị bắt trước hôn lễ chín ngày. Vài năm sau, ngày 30/7/2017, ông Truyển bị bắt lần hai với tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ và ngồi tù từ đó cho tới khi được trả tự do để bay thẳng sang Đức tỵ nạn.

 

Trước khi bị bắt, ông Truyển là một doanh nhân. Ông có hai công ty khai thác đá granite và hậu cần. Trong công ty, ông mở văn phòng tư vấn luật, nơi ông trợ giúp nhiều trường hợp người dân mất đất, và đang ấp ủ dự án kinh doanh du lịch tại Mũi Né.

 

“Nếu nhà nước biết tận dụng những con người như tôi, những người biết kinh doanh và giúp đỡ những người yếu thế thì giờ này có thể tôi đã có những bước tiến rất tốt,” ông Truyển nói với BBC News Tiếng Việt tại Frankfurt, Đức, nơi ông cùng vợ định cư.

 

Mới ra khỏi nhà tù ba tháng sau sáu năm tù giam, đi còn lạc đường nhiều lần ở Đức, nhưng ông Truyển có vẻ đầy năng lượng. Ngoài những phút trầm ngâm khi được nghe nhắc lại quãng đời tù của mình, người ta thấy một Nguyễn Bắc Truyển lạc quan, dí dỏm, đàn hay, hát cũng hay.

 

Sau ‘tiệc cưới’, trong lúc quan khách bận rộn dùng bữa, ông Truyển đứng ở một góc phòng tự gảy đàn và hát, có vợ đứng bên cầm micro:

 

“Và anh sẽ sang thăm nhà em

 

Có miếng cau

 

Có miếng trầu

 

Ta làm lại từ đầu…

 

Thiên đường này mơ ước bao lâu…”

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/538c/live/fc25ce30-b912-11ee-beb5-e1400df560f2.jpg

‘Đám cưới’ của vợ chồng luật gia Nguyễn Bắc Truyển tại Praha do BPSOS tổ chức

 

 

‘Cần thay đổi từ gốc rễ’

 

Đã có một số ý kiến cho rằng việc ông Truyển được ra tù trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 9/2023 cho thấy chính quyền Việt Nam có hướng đi mới cho vấn đề tự do tôn giáo.

 

Nhưng bản thân ông Truyển không nhìn nhận như vậy.

 

Trên bình diện ngoại giao, chính phủ Việt Nam gần đây đã liên tiếp có các hoạt động ‘tầm cỡ’.

 

Có thể kể tên một số sự kiện như:

 

Cuối năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng diện kiến Giáo hoàng Phanxicô ở Vatican. Ngay sau đó hai bên đạt thoả thuận chung để Vatican bổ nhiệm đại diện thường trú đầu tiên tại Việt Nam sau năm 1975.

 

Tháng 10/2023, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cùng một số chức sắc tôn giáo đến Hoa Kỳ gặp gỡ Uỷ hội Tự do Tôn giáo và Đại sứ Lưu động cho Tự do Tôn giáo Quốc tế Rashad Hussain.

 

Tháng 3/2022, Việt Nam mời nhà truyền đạo người Mỹ Franklin Graham đến Sài Gòn tổ chức giảng đạo cho hàng ngàn tín đồ Tin Lành.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3ecf/live/409a3e30-b8d1-11ee-beb5-e1400df560f2.jpg

Việt Nam liên tục có tên trong trong danh sách quốc gia ‘đặc biệt quan ngại’ về tự do tôn giáo của Mỹ.

 

Dù vậy, những hoạt động này không đủ để cải thiện hình ảnh nhân quyền của Việt Nam trong con mắt quốc tế.

 

Mới đây, đầu tháng 1/2024, Mỹ tiếp tục xếp Việt Nam trong danh sách ‘theo dõi đặc biệt’ về tự do tôn giáo.

 

Nói với tôi tại Frankfurt, Đức sau khi trở về từ hội thảo ở Séc, ông Nguyễn Bắc Truyển nhận định rằng thời gian gần đây nhà nước Việt Nam bắt nhiều người bất đồng chính kiến hơn và tương lai tự do tôn giáo hay nhân quyền ở Việt Nam ‘chưa sáng sủa’.

 

Các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập tại miền Tây Nam Bộ vẫn còn bị gây khó khăn, phân biệt đối xử trong sinh hoạt đạo vào các ngày đại lễ Phật Giáo Hoà Hảo, trong khi đó các tín đồ đăng ký với Ban trị sự do nhà nước dựng lên thì không bị ngăn cản, theo ông.

 

Ông cũng cho rằng chính quyền Việt Nam không muốn cho những người như ông có mặt ở Việt Nam vì ‘họ phải tốn kém nhân lực và tiền bạc trong việc theo dõi hay giám sát tôi’.

 

“Còn nếu họ nhốt tôi trong tù thì các chính phủ quan tâm đến nhân quyền, tổ chức nhân quyền và dân biểu lên tiếng, bảo trợ cho tôi thì chính phủ cũng thấy phiền hà quá nên họ thấy thả đi là cách tốt nhất, nhưng là đi ra ngoài, không ở Việt Nam.”

 

Trong suốt năm năm qua, mới chỉ có ông Nguyễn Bắc Truyển được trả tự do trước thời hạn.

 

Để làm được được điều này, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có VETO! tại Đức do ông Vũ Quốc Dụng làm giám đốc, BPSOS có trụ sở tại Mỹ dưới sự lãnh đạo của TS Nguyễn Đình Thắng, Uỷ hội Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, Tổ chức Đoàn kết Kitô giáo Toàn Thế giới (CSW), Stefanus Alliance, Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW)… cùng dân biểu và bộ Ngoại giao của CHLB Đức, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Na Uy… đã vận động nhân quyền liên tục trong hơn sáu năm.

 

Vẫn còn 160 tù nhân chính trị và tôn giáo bị giam cầm trong các nhà tù Việt Nam, theo báo cáo 2024 của HRW. Không phải trường hợp nào cũng được quốc tế chú ý và hỗ trợ như ông Truyển.

 

Chẳng hạn gần đây người nhà ông Lê Hữu Minh Tuấn – người đang thụ án 11 năm tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ - thông báo ông bị bệnh nặng trong tù. Trong khi cố gắng tiếp cận các nguồn tin khác nhau, BBC được biết chưa có tổ chức nào nhận hỗ trợ trường hợp của ông Tuấn.

 

Trong bối cảnh như vậy, TS Nguyễn Đình Thắng nói với BBC rằng, cần phải gây áp lực để chính phủ Việt Nam thay đổi ‘từ gốc rễ’ và ‘có hệ thống’ trong vấn đề tự do tôn giáo, chứ không phải chỉ trả tự do cho một vài người. Và Nguyễn Bắc Truyển chỉ là ‘một trường hợp tiêu biểu về tình trạng hiện nay ở Việt Nam’.

 

“Qua trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển, chúng tôi muốn nêu lên toàn cảnh của sự đàn áp, thiếu tự do tôn giáo ở Việt Nam,” TS Thắng nói.

 

Kết nối người trẻ và quốc tế

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/86fe/live/d9388660-b8d1-11ee-bc2f-cb5579b90709.jpg

“H Biap Krong (thứ hai từ trái sang) được tạo cơ hội để trở thành một lãnh đạo hoạt động ở tầm vóc quốc tế, tạo cầu nối cho các bạn trẻ khác đang hoạt động ‘ngầm’ tại Việt Nam,” theo TS Nguyễn Đình Thắng (thứ ba từ trái sang)

 

Chính quyền Việt Nam, trong khi đó, luôn cho thấy họ có cái nhìn khác về tự do tôn giáo.

 

Chẳng hạn, mới đây, tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở Geneve, Thuỵ Sỹ, trong phiên rà soát nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc (29-30/11/2023), khi bà Sheikha Abdulla Ali Al-Misnad hỏi tại sao phải có hệ thống đăng ký, công nhận tôn giáo và cố ép người theo đạo vào các hội thánh được nhà nước công nhận, ông Y Thông dẫn đầu phái đoàn chính phủ nói đó là để chống tà giáo hoặc chống những hội thánh vi phạm “thuần phong mỹ tục” Việt Nam.

 

Ông Thông cũng nói Việt Nam không có hiện tượng ép bỏ đạo, không có xung đột tôn giáo, không xử lý ai vì lý do tôn giáo, chỉ xử lý người vi phạm pháp luật…

 

Nhưng những nhân chứng đối lập ‘kỳ cựu’ xuất hiện trong hội nghị lần này không chỉ có tín đồ Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo như ông Nguyễn Bắc Truyển, hay mục sư Tin Lành người H’Mông Vàng Chí Mình, mà còn có những gương mặt trẻ như H Biap Krong.

 

H Biap Krong, 32 tuổi, người Ê đê, là trưởng đoàn Việt Nam gồm năm người của BPSOS tham dự Phiên rà soát nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc của Liên Hiệp Quốc tại Geneva cuối tháng 11 vừa qua.

 

Trong trao đổi ngắn với BBC tại các hoạt động bên lề hội nghị cấp bộ trưởng ở Prague, H Biap Krong (hay còn gọi là Becky) cho hay cô và cha mẹ chạy sang Thái Lan tỵ nạn bảy năm nay do cha cô là mục sư Tin Lành bị đàn áp ở Tây Nguyên.

 

Thành thạo tiếng Ê đê và tiếng Anh, H Biap Krong từng làm phiên dịch cho Liên Hiệp Quốc trước khi chuyển sang hợp tác với BPSOS.

 

Trong khi đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Bắc Truyển tham dự và có bài phát biểu tại một hội nghị cấp bộ trưởng quy mô quốc tế, H Biap Krong đã có kinh nghiệm làm việc với giới chức cấp cao, các chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, và với các giới chức ngoại giao Mỹ.

 

TS Thắng cho hay H Biap Krong được tạo cơ hội để trở thành một lãnh đạo hoạt động ở tầm vóc quốc tế, tạo cầu nối cho các bạn trẻ khác đang hoạt động ‘ngầm’ tại Việt Nam.

 

“Ở trong nước cũng có những người rất trẻ, 17, 18 tuổi thôi. Họ vẫn hoạt động nhưng ở trong những chức năng khác. Chức năng đi tổ chức cộng đồng, làm báo cáo... Họ phối hợp với Becky ngoài này… Họ đưa thông tin cho Becky bởi vì họ là người trực diện với sự đàn áp, khống chế, bách hại.”

 

Riêng với ông Truyển, ông nói trước hết ông muốn tập trung học tiếng Đức, ổn định cuộc sống, sau đó sẽ tiếp tục các hoạt động ủng hộ tự do tôn giáo trong khả năng của mình.

 

“Khi đó tôi gặp Kim Phượng và trở thành một tín đồ Phật giáo Hòa hảo. Tôi thấy đức tin rất quan trọng, nó là cứu cánh cho tôi vượt qua khó khăn khi bị cầm tù hai lần”.

 

“Nhà nước Việt Nam cũng nên nhìn nhận những tín đồ tôn giáo chứ không nên đánh giá tà đạo hay chính đạo. Tà đạo hay không chính người dân sẽ biết và không cần nhà nước công nhận thì tôn giáo vẫn phát triển”.

 

“Tôi hi vọng chính phủ Việt Nam sẽ cởi mở hơn với tự do tôn giáo sau trường hợp của tôi. Dù chưa thấy.”

 

-------

Bài được thực hiện trong chuyến đi của phóng viên BBC News Tiếng Việt tới Prague và Berlin tháng 12/2023.

 

 ------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển, VN mở hướng mới cho Tự do Tôn giáo?

12 tháng 9 năm 2023

·         

Việt Nam: Hai tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ra tù với sức khỏe 'suy kiệt'

3 tháng 7 năm 2023

·         

Tù nhân chết trong giam cầm và tự do tôn giáo ở Việt Nam

24 tháng 11 năm 2022

·         

USCIFR: Vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam đang diễn ra một cách 'hệ thống' và 'nghiêm trọng'

7 tháng 12 năm 2022

·         

Việt Nam: Cả Phật giáo và Đảng Cộng sản đều 'đang khủng hoảng'

18 tháng 2 năm 2022

·         

Vụ hai đồn công an ở Đắk Lắk bị tấn công: 'Tức nước vỡ bờ vì mâu thuẫn đất đai và tôn giáo'?

19 tháng 6 năm 2023

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats