Tuesday 23 January 2024

MẤY Ý KIẾN về "GIẤY CHỨNG NHẬN NGHỀ NGHIỆP" GIÁO VIÊN (Mạc Văn Trang)

 



NỘI DUNG :

 

Mấy ý kiến về “Giấy chứng nhận nghề nghiệp” giáo viên

Mạc Văn Trang

.

Vụ nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp : Không xin xỏ, không kêu ca, trảm!

Nguyễn Huy Cường

.

“Cái Công đoàn cũng làm khổ thêm giáo viên lắm ạ!”

Mạc Văn Trang

 

==============================================

.

.

Mấy ý kiến về “Giấy chứng nhận nghề nghiệp” giáo viên

Mạc Văn Trang

23/01/2024

https://baotiengdan.com/2024/01/23/may-y-kien-ve-giay-chung-nhan-nghe-nghiep-giao-vien/

 

Vừa có người hỏi ý kiến tôi về việc Bộ GD&ĐT dự kiến quy định giáo viên phải có “Giấy chứng nhận nghề nghiệp” (GCNNN) mới được hành nghề. Nhân đó, tôi đã xem qua lời giải thích của ông Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nói về chuyện này.

 

Xin có mấy ý kiến:

 

1. Trong tình hình giáo dục hiện nay, đừng bày đặt thêm cái gì gây khó khăn, vất vả cho giáo viên nữa, mà cần mạnh dạn bỏ bớt tối đa những gì gây vất vả, phiền phức, căng thẳng thêm cho giáo viên. Làm sao để họ an tâm, tập trung tâm sức vào giáo dục, dạy học và tự học để nâng cao trình độ, hoàn thiện bản thân, xứng đáng nhân cách nhà giáo. Đó mới là việc của Quý Cục.

 

2. Hãy kiểm điểm lại xem, mấy năm trước Cục nhà giáo bắt giáo viên học mấy cái chứng chỉ: Tin học, Ngoại ngữ, Nghề nghiệp… Mỗi cái mất 2-3 triệu đồng, làm giáo viên khốn khổ, bức xúc, mà có đem lại lợi ích gì cho giáo viên, có nâng cao chất lượng giáo dục không? Tất cả những cái cần bồi dưỡng đó và nhiều cái khác, chỉ cần hướng dẫn TỰ BỒI DƯỠNG TẠI CƠ SỞ, TỰ HỌC là hiệu quả nhất. Có phải Cục đã đề ra các chủ trương vô tích sự đó, làm khổ giáo viên và làm giàu cho nhóm lợi ích không?

 

Vậy cái GCNNN sẽ có tác dụng tích cực gì?

 

3. Ông Cục trưởng nói ngon lắm: “Cấp miễn phí”, “Thủ tục rất đơn giản”; sau khi có GCNNN sẽ luân chuyển trong cả nước dễ dàng… Xin lỗi. Còn lạ gì cái thứ thủ tục, giấy tờ ở cái xứ này. Muốn có GCNNN phải kê khai bao nhiêu hồ sơ, rồi nhận xét, đánh giá lẫn nhau; Hiệu trưởng lại được dịp ra oai quyền, giáo viên lại khúm núm xin xỏ. Rồi trình lên cấp Phòng, cấp Sở, cấp Cục. Rồi người được, người không lại phải chạy chọt khốn khổ… Cái cơ chế xin – cho đã ngấm vào máu thịt của cái thể chế này rồi; cứ có một tí quyền là ra oai làm khổ người khác. Từ anh bảo vệ, dân phòng đến ông/ bà Hiệu phó, Hiệu trưởng, rồi trưởng phó phòng mới kinh!

 

Chừng 1,5 triệu giáo viên đang yên lành, lại nháo nhác như gà phải cáo! Lại bị đe dọa không có GCNNN thì “mất dạy”!… Sao cái ông Cục trưởng này ngây thơ, nghĩ đơn giản thế hả?

 

4. Ông tưởng có cái GCNNN này rồi giáo viên có thể tự do muốn dạy ở cơ sở nào thì chỉ việc nộp cái giấy đó xin việc là xong, không phải giấy tờ gì nữa? Đừng mơ! Còn phải qua Sở, qua Phòng, rồi ông/ bà Hiệu trưởng ngắm nghía, xét duyệt, kén chọn, thử việc chán ra mới được chứ. Nhất là các trường tư, ai tin vào cái GCNNN? Bây giờ đến bằng thạc sĩ, tiến sĩ… cũng chả ai tin nữa là cái GCNNN do Cục cấp!

 

5. Thực ra ở một số nước, giáo viên có GCNNN, nhưng ta đừng có bắt chước máy móc, vì họ có nghiệp đoàn độc lập, có hiệp hội nghề nghiệp lâu năm, có uy tín nghề nghiệp đối với xã hội và với Nhà nước, nên họ có đủ uy tín, tư cách cấp GCNNN.

 

Còn ở ta, thì Nhà nước đào tạo giáo viên các cấp theo mục tiêu, tiêu chuẩn được quy định chặt chẽ và cấp bằng tốt nghiệp “chính chủ”. Có cái bằng ấy, được tuyển dụng, qua thời gian tập sự, được công nhận là giáo viên “đứng lớp”; rồi còn giáo viên chính, giáo viên tiên tiến, giáo viên giỏi… Sao bây giờ chính cái hệ thống Nhà nước ấy lại đẻ ra chuyện cấp GCNNN là sao?

 

Vậy hãy thư thả, đợi bao giờ ta có xã hội dân sự, các nghiệp đoàn độc lập, đủ uy tín xã hội, uy tín nghề nghiệp, lúc đó hãy để cho các tổ chức nghề nghiệp độc lập này, cấp GCNNN cho nhau. Còn các cơ sở tuyển dụng có tin dùng hay không lại là chuyện của họ.

 

Mấy ý kiến nói thật hay mất lòng, mong thông cảm.

 

============================================

.

.

Vụ nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp : Không xin xỏ, không kêu ca, trảm!

Nguyễn Huy Cường

23/01/2024

https://baotiengdan.com/2024/01/23/khong-xin-xo-khong-keu-ca-tram/

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo, quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.

 

Không mất nhiều lời bình luận, phân tích, chứng minh cái tệ hại của nó. Nó đi ngược lại chủ trương chính sách tinh giản các quy định, chính sách, nguyên tắc hành chính lỗi thời của Nhà nước.

 

“Luật Nhà giáo” không phải cái thùng rác, tống cái gì vào cũng được!

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-14.webp

Y kiến của bạn đọc Tuổi Trẻ Online vụ Bộ GD&ĐT dự kiến quy định nhà giáo phải có chứng nhận nghề nghiệp..

 

Bằng tốt nghiệp sư phạm của nhà giáo, hợp đồng lao động giữa nhà trường và nhà giáo, quyết định bổ nhiệm hoặc tiếp nhận giáo viên về cơ sở giảng dạy là những căn cứ pháp lý đủ để giáo viên hành nghề!

 

Nhiều ngành đã có những cố gắng rất lớn trong việc cải cách hành chính. Tấm hộ chiếu cấp cho công dân vô cùng quan trọng mà hiện nay việc cấp hộ chiếu có thể làm trực tuyến, người dân có thể ngồi tận nhà thực hiện. Lương hưu cũng vậy, có thể lãnh tự động hoặc ra bưu điện gần nhất. Vừa qua, nhiều xe cộ ngồi nhà có thể nhận được phiếu đăng kiểm xe kỳ tới, khỏi phải đánh xe ra trạm.

 

Ấy vậy mà Bộ Giáo dục, một cơ quan có thể có tới 90% cán bộ là trí thức, thậm chí là nơi có hàm lượng nhân sự có trình độ thạc sĩ trở lên cao nhất đất nước, lại trình một dự kiến quy định giáo viên phải có “Giấy chứng nhận nghề nghiệp”, kể cả người đã tham gia giảng dạy ba bốn chục năm, sắp về hưu!

 

Thưa quý bạn, bài này tôi bàn về cách hành xử của cộng đồng, báo chí.

 

Khi nhận dạng rõ hành vi không thể chấp nhận của Bộ Giáo dục, cần có những động thái quyết liệt, minh tường, đề nghị Bộ Nội vụ thổi còi, bác bỏ quy định này, cùng lúc đó đề nghị cơ quan quản lý nhà nước đủ thẩm quyền kỷ luật đơn vị này, thì không làm, lại đi “xin”!

 

Không xin xỏ gì hết. Bộ Giáo dục phải chịu trách nhiệm hủy bỏ đề xuất của mình! Xin vậy nếu họ không “cho”, cứ làm thì sao?

 

Đề nghị Bộ Nội vụ xem xét khẩn trương, thấy bộ này có nhiều sai phạm tương tự thì “tẩn xuất” đi, cho nhẹ nợ!

 

===============================================

.

.

“Cái Công đoàn cũng làm khổ thêm giáo viên lắm ạ!”

Mạc Văn Trang

23/01/2024

https://baotiengdan.com/2024/01/23/cai-cong-doan-cung-lam-kho-them-giao-vien-lam-a/

 

Có cô giáo THCS vừa gọi điện đến, cám ơn thầy đã lên tiếng về cái Giấy Chứng nhận nghề nghiệp giáo viên. “Bọn con thấp cổ bé họng, chả dám ý kiến gì! Con nhờ thầy lên tiếng tiếp, về cái Công đoàn quận, ăn không ngồi rồi, cũng bày đặt nhiều chuyện làm khổ giáo viên lắm ạ”!

 

– Sao bạn không lên tiếng mà phải nhờ lão già lên tiếng?

 

– Dạ, con mà lên tiếng thì bị kiểm điểm, mất tiên tiến, mất tiền thưởng Tết, mà ảnh hưởng đến thi đua của toàn trường, có khi còn cho ra khỏi trường đấy ạ. Ai cũng biết những việc vô lối mà cứ im cho nó lành, thầy ạ.

 

– Trời ạ! Giáo viên cũng là hàng ngũ trí thức đấy, vậy mà hèn thế rồi sẽ ra sao?

 

– Đến các thầy ở trường Đại học cũng vậy, chứ đâu loại giáo viên THCS như chúng con!

 

– Vậy cái Công đoàn nó làm khổ giáo viên thế nào?

 

– Con chỉ nói cái Công đoàn quận thôi ạ. Mấy người họ ăn lương, ngồi rỗi, cứ chuyên nghĩ ra các cuộc thi và yêu cầu mỗi giáo viên (đều là đoàn viên công đoàn) phải hưởng ứng tham gia. Ngoài thi đua ra rồi đây các cuộc thi chuyên đề, tìm hiểu.

 

– Thi cho vui, ai thích thì tham gia, không thích thì thôi, ai bảo tham gia mà kêu ca?

 

– Dạ, không ạ. Đã thi tìm hiểu là trăm phần trăm đoàn viên phải tham gia, nếu mình không tham gia thì Công đoàn trường mất điểm thi đua. Mình mà làm ảnh hưởng, mất điểm thi đua của tập thể thì sẽ bị kiểm điểm, mất tiên tiến, có khi cắt thưởng Tết đấy ạ!

 

– Thế cái Công đoàn quân của bạn nó làm khổ giáo viên thế nào?

 

– Dạ, ví dụ vừa qua Đại hội Công đoàn Việt Nam, thì họ ra 20 câu hỏi tìm hiểu về lịch sử và các hoạt động của Công đoàn. 100% đoàn viên phải viết trả lời 20 câu hỏi. Thì cứ người nọ chép của người kia cho đủ rồi gửi đi. Rồi các ngày kỷ niệm trong năm: Ngày 3/2 thành lập Đảng, ngày 8/3 Phụ nữ, ngày 26/3 thành lập Đoàn; ngày 1/5 Lao động quốc tế, ngày 20/10 Phụ nữ Việt Nam, ngày 20/11 Nhà giáo, 22/12 Quân đội… Rồi còn các Đại hội, các sự kiện… Cứ những dịp đó, họ thường nghĩ ra các câu hỏi “thi tìm hiểu” và lại 100% tham gia. Giáo viên bận đủ thứ, lại thêm cái nạn của Công đoàn càng thêm cực.

 

À ra thế. Vậy xin cứ thuật lại cuộc trò chuyện này cũng đủ biết thế nào là “Cái công đoàn làm khổ thêm giáo viên đấy ạ”!

 

Đúng là… “Cái nước mình nó thế”! Cứ thêm một tổ chức làm cánh tay nối dài của Đảng, của Nhà nước, là thêm một công cụ thao túng người dân. Khi người dân lo hãi, phải tuân thủ theo sẽ dần dần liệt kháng. Vậy là xong!

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats