Monday 1 January 2024

2024 : KỲ VỌNG NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM 'BÙNG NỔ" (Thu Hằng / RFI)

 



2024 : Kỳ vọng ngành du lịch Việt Nam "bùng nổ"

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 01/01/2024 - 13:58

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20240101-2024-k%E1%BB%B3-v%E1%BB%8Dng-ng%C3%A0nh-du-l%E1%BB%8Bch-vi%E1%BB%87t-nam-b%C3%B9ng-n%E1%BB%95

 

Khoảng 7 giờ tối, phố Bùi Viện ở thành phố Hồ Chí Minh lên đèn, nhiều quán bar bắt đầu mở nhạc hết công suất để thu hút du khách nước ngoài đến khám phá khu phố « Tây » về đêm. Khách du lịch nước ngoài đã trở lại Việt Nam đông hơn nhưng vẫn chưa được như trước đại dịch Covid-19. Tương tự, ở trung tâm thủ đô Hà Nội, có thể thấy du khách trở lại đông hơn, len lỏi theo dòng xe tấp nập trong những khu phố cổ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/af92c79e-a800-11ee-bf04-005056bf30b7/w:980/p:16x9/IMG_6648-1.webp

Một công trình cổ được trùng tu trên phố Hàng Bài, Hà Nội, Việt Nam. © RFI / Tiếng Việt

 

Thêm nhiều thị trường khách mới

 

Năm 2023, Việt Nam đã đón hơn 12,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, con số này mới chỉ tương đương với khoảng 69% so với năm 2019. Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản là những thị trường gửi khách đến Việt Nam lớn nhất. Nhưng ngày càng có thêm nhiều khách đến từ những quốc gia mới, theo quan sát chị Kim Ngân, chủ cửa hàng Gourmet Gift phố Hàng Đào, Hà Nội :

 

« Lượng khách đến Việt Nam thay đổi khá nhiều về quốc tịch so với ngày trước. Trước dịch Covid-19, khoảng 70% khách đến Việt Nam là khách châu Âu. Hiện giờ, Việt Nam đang là điểm đến, nhờ vào việc chính phủ, cũng như Tổng cục Du lịch đưa ra rất nhiều ưu đãi « kích cầu » về du lịch. Ví dụ đối với khách Ấn Độ, có những chuyến bay thẳng, được miễn thị thực. Hoặc đối với khách trong khu vực Đông Nam Á, họ được hưởng lợi từ những chuyến bay giá rẻ hơn.

Do đó, về quốc tịch, có thể thấy hiện giờ rất đa dạng. Khách châu Phi cũng có rất nhiều, rồi châu Âu, châu Á, kể cả những đất nước rất xa xôi mà ngày xưa mình không bao giờ nghĩ họ sẽ đến Việt Nam, như Israel hoặc những nước ở vùng Bắc Âu như Đan Mạch, Phần Lan… mà trước đây gần như là không có. Nói chung bây giờ khách Ấn Độ rất nhiều, khách Philippines, Singapore, khách Trung Quốc thì ở đâu cũng có, khách Mông Cổ cũng rất nhiều ».

 

 

https://s.rfi.fr/media/display/40af3712-a801-11ee-b023-005056bfb2b6/IMG_6511-1.webp

Phố "Tây" Bùi Viện, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, tháng 12/2023. © RFI / Tiếng Việt

 

 

Theo trang web Skift ngày 18/12, Việt Nam là điểm đến được người Ấn Độ tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong năm 2023 (tiếp theo là Goa, Bali, Sri Lanka, Thái Lan...). Đối với nhiều người Ấn Độ, Việt Nam vẫn là một điểm chưa được khám phá trong khi chi phí du lịch Việt Nam thấp hơn từ 10-15% so với nhiều nước Đông Nam Á khác. Điểm này đặc biệt hấp dẫn giới trẻ Ấn Độ từ 25-35 tuổi vì cùng với ngân sách như vậy, họ nhận được dịch vụ tốt hơn ở Việt Nam. Rất nhiều bloggeur Ấn Độ quảng bá cho du lịch Việt Nam là điểm đến thân thiện với chi phí phải chăng. Du khách cao tuổi Ấn Độ thì bị thu hút bởi các di tích lịch sử, đền chùa ở Việt Nam.

 

Đây là một trong những thành công của hàng loạt biện pháp cải cách đối với ngành du lịch trong năm 2023, từ thúc đẩy quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài đến các thỏa thuận về du lịch với các tổ chức du lịch quốc tế tại một số thị trường trọng điểm và đặc biệt là chính sách thị thực mới, thị thực điện tử, linh hoạt hơn, kéo dài thời gian lưu trú cho công dân một số nước mà Việt Nam đơn phương miễn thị thực để thu hút thêm nhiều du khách.

 

 

Cần đa dạng hóa dịch vụ và sản phẩm du lịch

 

Trên nhiều trang Facebook cộng đồng Pháp ngữ trao đổi về du lịch Việt Nam, rất nhiều người rất ấn tượng về phong cảnh đa dạng của Việt Nam. Các tỉnh miền núi phía bắc thu hút sự chú ý đặc biệt của khách phương Tây vì có sở thích khám phá, đi bộ đường dài (trekking). Các chuyến « phượt » bằng xe máy cũng thu hút du khách trẻ nước ngoài, đặc biệt là nhờ hệ thống đường xá ngày càng được mở rộng, thuận tiện hơn.

 

Đến Hà Giang, du khách không ngừng đi hết từ trầm trồ này sang trầm trồ khác, từ cảnh quan hùng vĩ đến những ruộng lúa bậc thang trổ vàng tháng 09, tháng 10 hàng năm hoặc đặc sản thịt lợn khô gác bếp, cũng như những đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc ở « Miền đá nở hoa ». Ví dụ thôn Nặm Đăm nổi tiếng là « làng homestay » với những ngôi nhà trình tường độc đáo, theo giải thích của một chủ homestay hoạt động từ năm 2018 :

 

« Ban đầu chính quyền vận động làm. Lúc đó có ba nhà làm mô hình trước. Sau 3, 4 năm, dần dần chính quyền cho phát triển lên thành một làng. Giờ cả làng làm du lịch, khách cũng đông. Lúc đầu mình tự bỏ tiền ra hết, làm xong, đạt được tiêu chuẩn đón khách thì Nhà nước cho 60 triệu để trả nợ, chứ không hỗ trợ ngay lúc đầu.

Về cách làm nhà, mình có một cái khuôn giống kiểu đóng gạch, nhưng khuôn này bằng gỗ, to và dài hơn 1 mét, rộng 40-50 cm. Mình cứ lấy đất ở xung quanh, đào xuống sâu tới chỗ có đất vàng, dạng đất sét, sau đó băm cho nhỏ, rồi mang về đổ vào khuôn. Tiếp theo lấy chày giã như giã gạo cho chặt, được một vòng lại tháo ra, rồi giã tiếp, không cần nước. Chỉ nguyên đất, không trộn một cái gì khác, không trộn nước, không bê tông. Đất này càng để lâu càng bền. Nếu không bị nước ngập thì có thể giữ được hơn 100 năm. Kiểu nhà này ấm về mùa đông, mát về mùa hè ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/6634da00-a801-11ee-9245-005056bf30b7/IMG_6678.webp

Quang cảnh vùng núi Lào Cai, miền bắc Việt Nam. © RFI / Tiếng Việt

 

 

Trở lại Hà Nội, du khách nước ngoài quay lại đã giúp hồi sinh hàng quán, cửa hàng quà tặng ở trung tâm thành phố sau khi phải đóng cửa suốt thời gian dịch Covid-19. Đặc sản của Việt Nam (cà phê, tiêu, hạt macca, hạt điều…) được đóng gói bắt mắt hơn, chất lượng bảo đảm hơn. Chị Kim Ngân, chủ cửa hàng Gourmet Gift, giải thích tại sao cà phê nằm trong « check list » làm quà của khách du lịch :

 

« Lý do là Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới, sau Brazil, nhưng là nước số 1 về cà phê robusta. Đối với sản phẩm cà phê, ở Việt Nam có khoảng 15 loại khác nhau. Ngoài cà phê Việt Nam và cà phê chồn ra, còn có nhiều loại khác như cà phê sôcôla, bởi vì Việt Nam cũng rất nổi tiếng về cacao. Tiếp theo là một số loại cà phê có phong cách giống cà phê của Ý, cà phê arabica hoặc cà phê mật ong có hậu vị ngon hơn.

Ở Việt Nam, một trong những sản phẩm cà phê được khách du lịch nước ngoài ưa chuộng nhất, có hai dòng : cà phê chồn và cà phê truyền thống. Cà phê chồn ngày trước có giá rất đắt. Nhưng đến hiện tại, khi cà phê chồn được biết nhiều hơn trên thế giới và người ta muốn giá thành của cà phê chồn hợp lý hơn, thì ở Việt Nam, người ta nuôi chồn trong trang trại và cho con chồn ăn cà phê, nên sản lượng sẽ nhiều hơn và đồng thời là giá thành sẽ thấp hơn. Nên hiện giờ, cà phê chồn nuôi chỉ rơi vào khoảng 2 triệu/kg, còn cà phê chồn tự nhiên vẫn giữ giá khoảng 25 triệu đồng/kg.

Loại cà phê thứ hai là cà phê truyền thống của Việt Nam. Mỗi cửa hàng có một công thức trộn riêng bởi vì đó là loại cà phê phối trộn. Có nghĩa là cùng là cà phê Việt Nam, mỗi cửa hàng sẽ có một đặc trưng và có một công thức riêng ».

 

 

Biến ngành công nghiệp không khói thêm “xanh” hơn

 

Dù hoạt động du lịch đang dần được khôi phục nhưng nhìn chung, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam ngày 15/11, thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến tình trạng « mạnh ai nấy làm » thiếu liên kết chặt chẽ giữa các ngành, sản phẩm du lịch thiếu sáng tạo, đặc sắc, thường bị sao chép, chắp vá giữa các địa phương hay doanh nghiệp, thiếu sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức chuyên nghiệp…

 

Nhiều thành phố, đặc biệt là Hà Nội, đã tập trung nâng cao giá trị kiến trúc, văn hóa địa phương khi cho trùng tu những công trình kiến trúc cổ và thời Pháp thuộc, tạo điểm nhấn bất ngờ. Nhiều tour du lịch đêm cũng được tổ chức (tour Hoàng Thành Thăng Long, di tích Hỏa Lò...). Đến năm 2025, các thành phố lớn sẽ phấn đấu có ít nhất một mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Điều đáng tiếc là văn hóa bảo tàng vẫn chưa được phát triển ở Việt Nam trong khi hầu hết các tòa nhà bảo tàng đều là những công trình kiến trúc có giá trị cao. Một số bảo tàng, như bảo tàng Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh, thiếu chuyên nghiệp trong cách tổ chức, sơ sài, không nâng được giá trị của các tác phẩm được trưng bày.

 

Việc bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề được du khách nước ngoài đề cao và đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam thích ứng. Trang web Vietnamplus ngày 19/10/2023 trích dẫn một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, thuộc Tổng cục Du lịch, theo đó 76% du khách quốc tế sẵn sàng giảm rác thải trong thời gian đi nghỉ ; 62% sẵn sàng tiêu dùng sản phẩm địa phương ; 45% sẵn sàng sử dụng các phương tiện giao thông ít tác động đến môi trường… Xu thế này ngày càng được các nhà kinh doanh sản phẩm du lịch áp dụng để thuyết phục khách hàng, như giải thích của chị Kim Ngân :

 

« Trước đây, ở Việt Nam thì cà phê được đựng vào túi ni lông. Nhưng giờ có thể nhìn thấy là tất cả sản phẩm, đồ trang trí trong cửa hàng đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường, làm từ mây tre đan. Ngay bản thân túi đóng gói này cũng có thể phân hủy được và làm từ giấy carton, chứ không làm từ bao bì ni lông. Hiện giờ Việt Nam cũng rất theo kịp thời đại. Mình có một số loại cà phê bảo vệ môi trường, ví dụ cà phê phin giấy, giấy đó sẽ dùng một lần, sau đó vất đi và cũng là sản phẩm tự phân hủy ».

 

 

https://s.rfi.fr/media/display/a73dc462-a801-11ee-bb94-005056bfb2b6/IMG_6913-1.webp

Đặc sản của Việt Nam được bán trong cửa hàng quà tặng Gourmet Gift ở phố Hàng Đào, Hà Nội. © RFI / Tiếng Việt

 

 

Nâng cao trình độ chuyên môn của người làm du lịch

 

Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024, tăng thêm 5-6 triệu khách so với năm 2023. Để thu hút thêm du khách, bộ trưởng Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch đề xuất chính phủ miễn thị thực ngắn hạn cho khách từ thị trường lớn, tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ, mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho khách từ các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu nhiều như Úc, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu - đây cũng là kiến nghị của Phòng Thương Mại Châu Âu. Ngoài ra, cấp thị thực từ 3-5 năm cũng được đề nghị thí điểm để thu hút khách phân khúc cao cấp hoặc đã nghỉ hưu.

 

Nhưng để phục vụ được lượng khách như vậy, ngành du lịch Việt Nam cần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hiện « thiếu trình độ chuyên môn, thiếu tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế », theo nhận định của phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Quốc Gia Nguyễn Lê Phúc, được trang web Lao Động trích dẫn ngày 22/12. So với các nước trong khu vực, lao động du lịch Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm, năng suất lao động và tính chuyên nghiệp. Trong khi đó, việc đào tạo chỉ tập trung một số ngành nghề, dẫn đến phát triển thiếu bền vững.

 

Ngành du lịch Việt Nam, cũng như thế giới, vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau những năm bị hạn chế vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với tinh thần điều chỉnh thiếu sót, cũng như những tham vọng và kế hoạch liên tục được đưa ra, có thể kỳ vọng du lịch Việt Nam bứt phá trong năm 2024. Đây cũng là mong mỏi của những người làm trong ngành du lịch như chị Kim Ngân : « Hy vọng là những chính sách kích cầu du lịch như này thì năm tới (2024), Việt Nam sẽ là một điểm tới bùng nổ bởi vì Việt Nam có quá nhiều thứ để xem. Thế nên hy vọng là sẽ ổn ! ».

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Việt Nam buộc phải sửa đổi chính sách visa để thu hút du khách

 

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Hậu Covid: Du lịch Việt Nam vẫn ngóng chờ khách ngoại quốc

 

TẠP CHÍ XÃ HỘI

Du lịch đại trà tàn phá môi trường : Trường hợp Vịnh Hạ Long

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats