Monday, 4 July 2016

"ĐỪNG CÓ CHỜ THÁI ĐỘ CHỐNG TRUNG QUỐC TỪ NHÀ CẦM QUYỀN CỘNG SẢN VIỆT NAM (Bùi Tín)





21.03.2016

Tôi luôn theo dõi kỹ tình hình chính trị trong nước để nhận biết tình hình đúng như nó có, tránh khỏi những lầm lẫn. Hiện có một luồng nhận thức, một mong ước rằng cuối cùng thì lãnh đạo Cộng sản Việt Nam sẽ tỉnh ngộ, nhận ra không có con đường nào khác là cải cách chính trị mạnh dạn theo hướng thực hiện dân chủ, nhân quyền, đồng thời về đối ngoại từ bỏ sự ràng buộc quá sâu và phụ thuộc mãi vào Bắc Kinh, nghĩ rằng họ là láng giềng hùng mạnh có thể nuốt chửng ta bất cứ lúc nào. Đi cùng con đường thoát Trung là thực hiện liên minh toàn diện với các nước cường quốc dân chủ như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Indeonesia, Ấn Độ, Liên Âu...

Trong nước, có quan điểm cho rằng lãnh đạo có hai nhóm: nhóm thân Trung Quốc là cánh Nguyễn Phú Trọng và nhóm thân Hoa Kỳ là cánh Nguyễn Tấn Dũng. Nhóm ông Dũng đã bị nhóm ông Trọng loại bỏ bằng nhiều thủ đoạn phi pháp và vi hiến, nhưng vẫn còn ảnh hưởng nhất định nào đó cho đến khi bàn giao quyền lực giữa “Tứ trụ” cũ và “Tứ trụ” mới. Phe ông Trọng đang thừa thắng đẩy nhanh cuộc bàn giao ở thượng đỉnh quyền lực, lo rằng trong vài tháng trước mắt tình hình có thể sẽ giằng co nguy hiểm. Do đó Bộ Chính trị mới muốn ép Quốc hội sắp hết nhiệm kỳ phải sắp xếp xong “tứ trụ” mới trong phiên họp cuối 23/3 này, bàn giao trước thời hạn hiến định các chức vụ cao nhất, dù cho Quốc hội mới chưa được bầu.

Quyết định này mang tính cách Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo kém tài nhưng do tình thế đưa đẩy được nhận chức vụ cao nhất. Ông tiêu biểu cho một con người hãnh tiến, hiểu biết thấp, nhưng khi được cầm cờ thì ngỡ rằng mình có tài nhất nước. Vậy mà có người vẫn nuôi hy vọng là dù giáo điều đến đâu, phe của ông Trọng cũng phải vỡ lẽ ra là bọn bành trướng Trung Quốc đang ngang nhiên được đằng chân lân đằng đầu, phía Việt Nam càng quỵ lụy thì chúng càng lấn tới, để phe ông Trọng tỉnh ngộ, có ý định "thoát Trung", thoát cái tư thế phụ thuộc và tìm một liên minh mới mẻ hợp lòng dân chúng. Các công dân yêu nước vẫn còn hy vọng ở sự đổi hướng, từ ngã hẳn về phía Trung Quốc trong 26 năm qua, sang ngả hẳn sang phía các nước dân chủ đáng tin cậy, nhất là khi Hoa Kỳ đã tỏ ý rất rõ là "Hoa Kỳ đang rất cần Việt Nam cũng ngang bằng Việt Nam cần Hoa Kỳ".

Đã có nhiều chỉ dấu để hy vọng, như Việt Nam đang mua sắm nhiều vũ khí sát thương hiện đại, diễn tập hải chiến với hải quân Nhật Bản, mở rộng cảng Cam Ranh cho các tàu chiến Hoa Kỳ và Nhật Bản, phối hợp giữa hải quân Philippines và hải quân Việt Nam, nhận viện trợ quân sự của Hoa kỳ để tăng cường phòng vệ bờ biển. Chỉ dấu rõ nhất là Hiệp ước TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích và lợi thế cho Việt Nam về xuất nhập khẩu, đầu tư quy mô lớn, bảo hộ lao động. Rồi ông Trương Tấn Sang thắp hương viếng nghĩa trang liệt sỹ vùng biên giới, và người phát ngôn Bộ Ngọai giao phản đối Trung Quốc mạnh mẽ hơn, và chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama tháng 5 này với ý muốn hơi khác thường là được nói chuyện với dân chúng Việt Nam ngay tại Quảng trường Ba Đình trước Dinh Chủ tịch Nước để nhấn mạnh nền độc lập toàn vẹn của Việt Nam, chứ không nói chuyện trước Quốc hội như Tập Cận Bình.

Tôi cũng chia sẻ niềm hy vọng đó vì tin rằng dù sao ông Trọng và Bộ Chính trị mới cũng là người Việt Nam, có lương tri, có lòng yêu nước, thương dân ở mức nào đó, có trí khôn, có tinh thần vô tư nhất định...

Nhưng tôi bỗng băn khoăn lo lắng gần như vỡ mộng và cụt hứng khi tình cờ đọc được một bài báo dài tiếng Pháp trên tạp chí có uy tín trong giới nghiên cứu Âu Mỹ, tạp chí Địa lý – Chính trị Herodote. Cây bút chủ lực của tạp chí là TS-Viện sỹ Benoit de Tréglodé, một chuyên gia uyên thâm về châu Á, nhất là Đông Nam Á. Ông từng sống ba năm ở VN khi còn Trường Viễn Đông Bác cổ (École Francaise d’ Extrême Orient). Hiện ông là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á hiện đại (Institut de Recherche de l’Asie du Sud-d’Est contemporain). Ông đã viết nhiều sách về Việt Nam, như : "Anh hùng và Cách mạng ở VN", "Chủ nghĩa CS ở VN từ 1919 đến 1991", "Sự hình thành một Nhà nước- đảng trị".

Trên số báo 175 (tháng 6/2015), ông có bài viết dài: "Viet Nam, le Parti, l’Armée et le Peuple: maintenir l’emprise politique à l’heure de l’ouverture" (Việt Nam, Đảng, Quân đội và Nhân dân: Duy trì sự chi phối chính trị trong giờ mở cửa" ), khi Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đang được chuẩn bị.

Sau đây tôi chỉ xin giới thiệu một ý chính trong phần kết luận rất tinh tế của Benoit de Tréglodé. Đó là nhận định của tác giả về mối quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và ĐCSVN hiện nay. Ông chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ quan Tình báo Hoa Nam của TQ và với Tổng cục II của Nhà nước VN. Ông cho rằng mối quan hệ này ràng buộc hai nước một cách chặt chẽ đến mức nguy hiểm, và theo nhiều giới quen biết, đảng CS Trung quốc đã bỏ ra 15 tỷ đôla để vận động, mua chuộc giới lãnh đạo CSVN. Ông cho rằng "những lời trách móc TQ bằng miệng có vẻ gay cấn của chính quyền VN thật ra chỉ để gây hỏa mù", và ông kết luận chắc nịch: "Đừng có chờ đợi thái độ chống TQ đến từ giới cầm quyền VN hiện nay!". Theo ông, "Không có điều gì xảy ra ở VN mà không có dấu ấn chính trị của Trung Quốc và không chịu ảnh hưởng của đảng CSTQ". Tất cả các việc khác chỉ là những động tác giả. Ông cũng cho rằng Việt Nam là một nhà nước cảnh sát, Bộ Công an có 6 Tổng cục lớn, riêng Tổng cục Cảnh Sát có 1,2 triệu người, với A 42 là cơ quan chuyên giám sát giới truyền thông, duy trì thái độ Bắc thuộc.

Benoit de Tréglodé viết: "Các nhà lãnh đạo VN hiểu rằng 4 vị trí cao nhất - Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Nước, Bộ trưởng Quốc phòng cần có sự thỏa thuận của ĐCSTQ".

Ông nói rõ thêm: "TQ phải trả giá cao trong chuyện vận động hành lang này. Một số nhà quan sát cho rằng TQ đã chi 15 tỷ đôla theo các hình thức: đầu tư, dự án hợp tác, viện trợ và tiền đưa thẳng cho các nhà lãnh đạo".

Tác giả khẳng định: "Mỗi nhà lãnh đạo VN muốn ở vị trí quyền lực cần có hai điều then chốt: quan hệ tốt với Trung Quốc và có tiền để đút lót trong cơ chế".

Về nạn tham nhũng, Benoit de Tréglodé nhận xét: "Ở VN cũng như ở TQ, các chức quyền trong bộ máy Nhà nước, kể cả trong quân đội và trong khu vực kinh tế, đều mua bằng tiền, coi đó là chất keo gắn bó họ với nhau".

Tác giả nói rõ thêm: "Qua hai khóa cầm quyền, ông Thủ tướng đã luôn luôn cần gây ảnh hưởng để có được đa số trong Quốc hội, theo một số nhà quan sát, cái giá trả cho mỗi đại biểu (trong số 498 đại biểu) là chừng 100.000 đôla". Để mua mỗi ủy viên TƯ đảng (175 ủy viên) phải trả cao hơn. Còn mỗi ủy viên trong Bộ Chính trị (16 ủy viên) ước chừng lên đến 1 triệu đôla.

Tôi còn nhớ đúng 2 năm trước, Trung tướng Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường kỹ thuật quân sự và Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương đã nhận định: "Chúng ta phải có hẳn một cuộc liên minh mới. Trung quốc lòng tham vô độ, không khéo ta sẽ từng bước trở thành bộ phận của Trung quốc. Vì nói phải ngả theo TQ để được yên là chủ nghĩa đầu hàng, chủ nghĩa thất bại. Ngả theo TQ thực chất là bán nước! (trả lời phỏng vấn trên mạng Dân làm báo, 5/2013).

Để xem phiên họp cuối của Quốc hội 23/3 tới và phiên đầu của Quốc hội mới có ra tuyên bố gì về TQ hay không, có dám lên án mạnh tương xứng với hành động ngang ngược lấn tới của chúng, và có dám ngỏ ý định đưa vấn đề biển Đông ra Tòa án quốc tế, như Philippines đã làm từ 2 năm rồi, hay không. Một Quốc hội bán nước, một Bộ Chính trị bán nước, một chính phủ bán nước lấy 15 tỷ đôla thì có còn giá trị chính đáng, chính danh gì trước nhân dân ta và trước công luận thế giới?

Dù sao, tôi vẫn mong nhận định của học giả hàng đầu về "VN học" Benoit de Tréglodé trên đây sẽ có thể sai. Chỉ trong vài tháng nữa mọi sự sẽ sáng tỏ. Hãy quan sát kỹ và chuẩn bị đáp án thích hợp cho bài toán chính trị nóng bỏng của đất nước.

-------------------
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats