15.07.2016
Trung
Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng truyền thông sau khi một tòa quốc tế
bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh về Biển Đông.
Trong gần ba năm nay, Trung Quốc đã không ngừng công
kích tính hợp pháp của tòa trọng tài được lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về
Luật Biển (UNCLOS) và đối thủ của nước này là Philippines. Ngôn từ gay gắt mà
các nhà lãnh đạo đã sử dụng để cố gắng củng cố cho tuyên bố của họ và phá hoại
tòa án làm cho việc tìm giải pháp chung càng khó khăn hơn.
Ông Scott Kennedy, phó giám đốc nhóm nghiên cứu
Trung Quốc Freeman Chair thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở
Washington nhận xét: "Trung Quốc đã
dồn chính họ vào chân tường, và có phần chắc sẽ tiếp tục vẽ vời lên tường nhưng
làm như vậy sẽ không tác dụng gì ngoài việc cô lập họ hơn nữa với hầu hết các
nước khác".
Đối
tượng trong nước
Khi tòa còn đang cân nhắc vụ khiếu nại, Tổng thống
dân cử của Philippines Rodrigo Duterte tỏ ra cởi mở hơn về khả năng đàm phán trực
tiếp với Bắc Kinh, từ bỏ cách tiếp cận cứng rắn hơn của người tiền nhiệm của
ông. Nhưng các nhà phân tích nói việc hệ thống tuyên truyền nhà nước truyền đi
các thông điệp gắn với chủ nghĩa dân tộc trong nhiều năm qua giờ đây hạn chế khả
năng Bắc Kinh hợp tác với Manila.
Ông David Kelly, giám đốc nghiên cứu của nhóm tư vấn
China Policy đặt tại Bắc Kinh, nhận định:
"Chính quyền Trung Quốc đang đối mặt với một thách thức to lớn về vấn đề
tuyên truyền ở trong nước. Công chúng biết tòa án sẽ không ra phán quyết có lợi
cho Trung Quốc, nhưng sau khi ông Duterte đắc cử, tiếp theo đó Mỹ đưa các đội
tàu sân bay vào khu vực, phản ứng chính thức đã chuyển từ chấp nhận sang phẫn nộ,
làm sôi sục những tình cảm dân tộc chủ nghĩa."
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết
ông sẵn sàng đàm phán vấn đề với Philippines. Nhưng sẽ khó để chính phủ bắt đầu
cuộc đàm phán sau khi đã bôi sơn trét trấu để biến Philippines thành một nước bất
hảo đã "cướp" mất của Trung Quốc một phần lãnh thổ ở Biển Đông.
Ông Kelly nói: "Nhà
chức trách giờ đây cần thuyết phục công chúng rằng cuộc đàm phán với
Philippines không phải là sự nhân nhượng hèn kém. Thách thức hiện nay là thuyết
phục công chúng chấp nhận cuộc đàm phán có qua có lại".
Ảnh
hưởng quốc tế
Hôm 12/7, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn
Dân tuyên bố có 70 quốc gia và 230 đảng chính trị trên toàn thế giới ủng hộ
Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Nhưng Bắc Kinh không cung cấp tên các nước này.
Đài truyền hình chính thức CCTV chỉ nêu tên Campuchia và năm quốc gia châu Phi
là những bên ủng hộ Trung Quốc.
Ảnh hưởng của Trung Quốc trong tư cách là nền kinh tế
lớn thứ hai thế giới, và là đối tác kinh doanh lớn nhất của Hiệp hội các quốc
gia Đông Nam Á gồm 10 nước đang bị lung lay.
Việt Nam, một trong năm nước có tranh chấp lãnh thổ
với Trung Quốc ở Biển Đông, đã hoan nghênh phán quyết của tòa và lặp lại quan
điểm của mình. Trung Quốc đang làm mọi cách để đảm bảo các nước khác có tuyên bố
chủ quyền đồng thời là thành viên ASEAN sẽ giữ im lặng hoặc phát biểu có lợi
cho Trung Quốc.
Haenle, giám đốc Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa về
Chính sách Toàn cầu ở Bắc Kinh nói: "Bắc
Kinh đang cố gắng chứng minh tình đoàn kết mà cộng đồng quốc tế dành cho quan
điểm của họ bằng cách tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia khác. Phần lớn những
nước ủng hộ Trung Quốc là ở châu Phi và Trung Đông. Các quốc gia đó có ít hoặc
không liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông, nhưng họ lại có phần lợi
ích lớn trong quan hệ, đặc biệt là quan hệ kinh tế, với Trung Quốc".
No comments:
Post a Comment