Posted
on 06/07/2016 by PVLH
Với
72% cử tri đi bầu, cuộc trưng cầu ý dân hôm 23-6 ở Vương quốc Liên hiệp Anh
(UK) đã có kết quả gây sốc: 52% chọn rời khỏi Liên hiệp Châu Âu (EU). Kết quả
này không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng ý nguyện của hơn một nửa cử tri đã
khiến thủ tướng David Cameron (ủng hộ ở lại EU) tuyên bố sẽ từ chức.
Triển
vọng Brexit (UK rời khỏi EU) đã khiến thế giới lo lắng, bằng phản ứng tức thì của
các thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ rực hôm Thứ Sáu 24-6. Trong phiên giao dịch
ở Châu Á, bảng Anh giảm 10% so với đô-la Mỹ, xuống tới mức thấp nhất trong 30
năm. Khi các thị trường Châu Âu mở cửa, các chỉ số chứng khoán chính theo đà của
Châu Á, giảm chừng 10%.
Phân
hóa trong vương quốc liên hiệp
Trong
nhiều lý do chối bỏ EU của phe “ra đi”, từ sự thiếu dân chủ ở Brussels tới kinh
tế yếu kém của các nước thuộc khu vực sử dụng đồng euro, quan trọng nhất là sự
tự do di chuyển của người dân trong khối EU. Phe “ra đi” hứa hẹn vừa kiểm soát
được nhập cư vừa đạt thịnh vượng kinh tế. Song, mục tiêu kép đó là chuyện không
tưởng; muốn giàu lên nhờ làm ăn được với thị trường chung của EU thì phải chấp
nhận để cư dân EU tự do di chuyển.
Phần
lớn lực lượng lao động ở thủ đô London, nhất là giới trẻ, đã trưởng thành trong
ở một đất nước là một phần của EU. Họ có thể làm việc ở Đức, sử dụng lao động
người Slovakia, lập gia đình với người Bỉ, đi nghỉ mát ở Tây Ban Nha. Nay, quyền
tự do di chuyển của họ đã bị hạn chế trầm trọng, và các cơ hội của họ bị hy
sinh để xoa dịu tâm trạng bất an của thế hệ ông cha.
Từ
năm 1993 (khi EU được thành lập) tới năm 2014, số dân sinh ở ngoại quốc của UK
đã tăng hơn gấp đôi, từ 3,8 triệu lên tới 8,3 triệu. Trong thời kỳ này, tỷ lệ
dân UK xem các quan hệ dân nhập cư / chủng tộc là một trong những vấn đề quan
trọng nhất của quốc gia đã tăng từ mức gần bằng không lên tới khoảng 45%. Hiện
nay, 77% dân UK tin rằng lượng nhập cư nên được giảm đi.
Phe
ủng hộ chia tay EU xoáy vào tâm lý bất bình về toàn cầu hóa, dân nhập cư và
phúc lợi xã hội bị cắt giảm. Theo một cuộc thăm dò dư luận của Ipsos MORI trước
khi diễn ra bỏ phiếu Brexit, 52% người ủng hộ “ra đi” cho biết vấn đề nhập cư
“rất quan trọng” trong quyết định bỏ phiếu của mình, còn tỷ lệ này chỉ là 14%
trong phe “ở lại”. Trong khi đó, 41% người ủng hộ “ở lại” cho rằng kinh tế
“rất quan trọng”, còn 18% trong phe “ra đi” nghĩ vậy.
Nỗi
bất bình về Châu Âu có thể đã châm ngòi Brexit, nhưng nguyên nhân chính có lẽ
là do sự phân hóa từ bên trong UK. Phân hóa giữa người giàu và người nghèo; giữa
giới trẻ và thế hệ lớn tuổi; giữa người Scotland, người Wales, người Bắc
Ireland và người Anh; giữa tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Có vẻ như từ united (liên
hiệp) trong tên của UK đã biến thành disunited (bị chia rẽ/phân
hóa).
Ngay
trước thềm bỏ phiếu Brexit, một người ủng hộ rời EU sát hại hạ nghị sĩ Jo Cox.
Bà là hạ nghị sĩ đầu tiên bị ám sát kể từ sau khi Ian Gow bị phong trào
IRA (Quân đội Cộng hòa Ireland) giết năm 1990. Bà cũng là phụ nữ đầu tiên
và dân biểu Công đảng đầu tiên bị giết lúc đương chức. Trong năm đầu tiên làm
dân biểu, bà đấu tranh cho quyền của người tị nạn Syria, và nay vận động ở lại
với EU. Nghi phạm Thomas Mair được cho là đã hô “Anh Quốc trên hết” khi tấn
công Jo Cox, và khi ra tòa đã khai tên mình là “án tử cho những kẻ phản bội, tự
do cho Anh Quốc”. Vụ ám sát này là một ví dụ điển hình cho bầu không khí đối đầu
sôi sục giữa hai phe “ở lại” và “ra đi” trong các chiến dịch vận động về
Brexit.
Mối
liên kết các thành tố trong khối liên hiệp Anh đang yếu dần do những khác biệt
giữa người hài lòng với tính đa dạng của xã hội và toàn cầu hóa và người
bất bình vì chẳng ai đoái hoài khi họ quan ngại và phẫn nộ về việc đánh mất bản
sắc. Ở Anh, sự phân hóa này thể hiện qua kiểu hình bỏ phiếu. London và các đại
đô thị có tính quốc tế, lựa chọn “ở lại” đạt tỷ lệ áp đảo. Lá phiếu “ra đi” có
tỷ lệ cao nhất ở những tỉnh lẻ nước Anh, nhất là đông bắc và tây bắc, không bắt
kịp chuyến tàu toàn cầu hóa.
Phần
lớn phe Brexit không thấy hoặc nhắm mắt làm ngơ các hệ lụy khả dĩ, trước tiên
là về tương lai của khối liên hiệp Anh. Tiến trình hòa bình ở Bắc Ireland có thể
bị đe dọa nếu biên giới với Cộng hòa Ireland bị đóng vì Bắc Ireland sẽ nằm
ngoài EU khi Brexit thực sự xảy ra.
Trong
khi đó, người Scotland đa phần muốn ở lại EU. Hôm 24-6, ngay sau khi có kết quả
bỏ phiếu, Nicola Sturgeon, chủ tịch Đảng Dân tộc Scotland, nói bà tin rằng rất
có thể sẽ diễn ra cuộc trưng cầu ý dân thứ nhì về việc tách khỏi Vương quốc
Anh. Trong cuộc trưng cầu năm 2004, 55% chọn Scotland tiếp tục nằm trong Vương
quốc Liên hiệp Anh. Nhưng bà Sturgeon cảnh báo vì thời thế đổi thay, lần thứ
nhì nếu có thì kết quả sẽ khác. Hôm 25-6, bà nói rằng nghị viện Scotland có thể
phủ quyết Brexit.
Thứ
Năm đen tối
Tờ Der
Spiegel ở Đức viết: “Ngày 23-6-2016 sẽ đi vào lịch sử Châu Âu là Thứ
Năm đen tối, một ngày mà một quốc gia quỵ ngã trước nỗi hoài niệm quá khứ và khát
khao được tự do thay vì nghe theo lý trí.” Tờ Financial Times ở
Anh nhận định Brexit là quyết định làm suy yếu Châu Âu và phương Tây, chỉ trong
một đêm đạp đổ những chính sách kinh tế và đối ngoại được gầy dựng trong gần nửa
thế kỷ. Kết quả bỏ phiếu vào ngày Thứ Năm đen tối có thể chất xúc tác thay đổi
cục diện chính trị thế giới, có thể có hệ lụy lớn nhất kể từ sau khi Bức tường
Berlin sụp đổ.
Brexit
khiến không ít người rùng mình lo ngại vì nó gây nghi ngờ về thành tựu quan trọng
bậc nhất của nhân loại trong lịch sử chính trị thế giới: trật tự toàn cầu sau
Chiến tranh Thế giới II. Trật tự đó dựa trên các thiết chế siêu quốc gia, ví
như Liên Hợp Quốc và EU, mà các thiết chế này chỉ có thể phát huy tác dụng nếu
các nước thành viên kiềm chế chủ nghĩa dân tộc của mình và tuân theo khuôn khổ
chung để cai trị thế giới. Nhờ trật tự đó, thời kỳ hậu chiến là giai đoạn thịnh
vượng nhất và ít bạo lực nhất trong lịch sử loài người.
Ngay
sau khi có kết quả Brexit, lãnh tụ Nigel Farage của Đảng Độc lập Anh Quốc (UKIP),
đảng có chủ trương chống nhập cư, hồ hởi phát biểu rằng ngày 23-6 nên được xem
là ngày độc lập của UK. Điều đáng sợ là Brexit có thể mới là sự khởi đầu của
trào lưu dân tộc chủ nghĩa. Donald Trump gần như chắc chắn đại diện Đảng Cộng
hòa ứng cử tổng thống Mỹ, và các đảng dân túy chống nhập cư đang có tỷ lệ ủng hộ
tăng mạnh trong các cuộc thăm dò dư luận ở Pháp, Hà Lan, Đức, và Thụy Điển. Những
nước này cũng có tầng lớp cử tri thu nhập thấp, học vấn thấp không nhận ra những
lợi ích lớn nhất của trật tự toàn cầu.
Sau
Chiến tranh Thế giới II, trật tự chính trị ở các nước Châu Âu chủ yếu do các đảng
trung hữu và trung tả thống lĩnh. Nay sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy của các
đảng cực hữu và cực tả đang gợi nhớ lại thập niên 1930. Các đảng dân túy hiện đã
lên nắm quyền ở Hy Lạp, Hungary và Ba Lan. Liên minh cực tả Unidos Podemos
giành được 21% số phiếu trong cuộc bầu cử ở Tây Ban Nha hôm Chủ nhật 26-6. Nỗi
lo ngại rằng mối gắn kết của Châu Âu đang suy yếu có thể một lần nữa là mồi lửa
gây biến động kinh tế ở khu vực sử dụng đồng euro.
Kết
quả Brexit càng khơi dậy những lời kêu gọi rời bỏ EU ở các nước thành viên
khác. Ngay sau khi có kết quả Brexit hôm 23-6, lãnh tụ Geert Wilders của Đảng
vì Tự do, đảng cực hữu chống nhập cư, kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân để rời khỏi
EU. Khoảng phân nửa cử tri ở Hà Lan muốn có trưng cầu ý dân. Nếu có trưng cầu ý
dân, theo các thăm dò dư luận hiện tại, đa số sẽ chọn ở lại, dù tỷ lệ khá sít
sao. Tình hình tương tự ở Đan Mạch. Tại Thụy Điển, thăm dò dư luận cho thấy chỉ
32% cử tri chọn ở lại EU nếu có trưng cầu ý dân.
Còn
ở Pháp, kết quả Brexit chắc chắn là tin vui cho Marine Le Pen, chủ tịch đảng Mặt
trận Dân tộc. Lãnh tụ đảng cực hữu này đã nhiều lần nói rằng EU là cái ung nhọt
hút cạn sinh lực nước Pháp. Bà cho rằng chẳng có lý do gì để EU tiếp tục tồn tại,
và nếu bà đắc cử tổng thống Pháp vào tháng 5 sang năm (kịch bản không tưởng?),
hành động đầu tiên của bà sau khi nhậm chức sẽ là đòi các thiết chế EU trả lại
chủ quyền của nước Pháp. “Tôi muốn giành lại quyền kiểm soát đồng tiền và các
biên giới của chúng ta.”
Sâu
xa hơn, Brexit bộc lộ những con sóng ngầm đang lay động EU. Người ta không còn
nghĩ tới những điểm chung làm chất keo gắn kết các nước thành viên, mà xoáy vào
những điểm khác biệt. Ngay cả tại Ý, một trong sáu nước sáng lập EU, gần một nửa
những người được khảo sát cho biết họ có quan điểm tiêu cực về EU. Còn ở Pháp,
một nước sáng lập khác và từ lâu ủng hộ EU mạnh mẽ, chỉ có 38% người trả lời khảo
sát của Pew Research còn thiện cảm với EU, thấp hơn 6 điểm phần trăm so với UK.
Ở những nước được khảo sát, không có nước nào có tỷ lệ cao ủng hộ trao quyền lực
cho Brussels.
Mỗi
nước thể hiện tâm lý bất mãn mỗi kiểu. Với kinh tế yếu kém, dân Ý và Hy Lạp phẫn
nộ trước chính sách thắt lưng buộc bụng do Đức áp đặt. Dân Pháp kêu ca EU quá tự
do (trong khi dân UK lên án tệ quan liệu hành chính của EU). Tại các nước Đông
Âu, giới dân tộc chủ nghĩa truyền thống trách EU áp đặt các giá trị phổ
quát toàn cầu như hôn nhân đồng tính.
Song,
ngay cả những người chống EU mạnh mẽ nhất ở Đông Âu cũng không đòi chia tay vì
EU quá quan trọng đối với họ. Trước khi diễn ra bỏ phiếu Brexit, thủ tướng
Hungary Viktor Orbán, người kịch liệt phản đối chính sách tị nạn, đã bỏ ra
32.000 bảng Anh mua một trang quảng cáo trên tờ Daily Mail để
kêu gọi người Anh đừng chia tay với EU.
Nếu
UK ra đi, EU sẽ mất nước thành viên có nền kinh tế lớn thứ nhì và dân số đông
thứ ba khối liên hiệp. Đông Âu nay e ngại sẽ mất đối tác quan trọng UK, mất thị
trường xuất khẩu quan trọng, và Brexit sẽ khiến Đức độc diễn trong EU. Các nước
Estonia, Latvia và Lithuania nghĩ rằng khác với Berlin, London luôn muốn cứng rắn
với Moskva.
Cuộc
ly dị của UK với EU còn phức tạp và có thể kéo dài ít nhất hai năm theo điều 50
của Hiệp ước Lisbon. Chỉ khi tất cả 27 nước thành viên còn lại đồng thuận tuyệt
đối thì UK mới được chia tay EU.
(Một
phần của bài này đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 3-7-2016)
© 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ
No comments:
Post a Comment