Luật sư
Vũ Đức Khanh
Gửi riêng cho
BBCVietnamese.com từ Canada
13
tháng 7 2016
Hôm 12/7/2016, Tòa Trọng
Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration "PCA") ở The Hague
(Hà Lan) đã ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines.
Tuyên bố của tòa là "không có cơ sở pháp lý" cho việc Trung Quốc đòi
hỏi "quyền lịch sử" trên những tài nguyên tại các vùng biển nằm trong
bản đồ "đường 9 đoạn" ở Biển Đông mà Thủ tướng Chu Ân Lai trong tuyên
bố ngày 15/8/1951 đã chính thức đưa yêu sách đòi toàn bộ "chủ quyền"
Biển Đông, gây tranh chấp với các nước Brunei, Đài Loan, Mã Lai, Philippines và
Việt Nam.
Trong
phán quyết của mình, tòa PCA kết luận, "mặc dù các ngư dân và nhà hàng hải
của Trung Quốc, cũng như của những nước khác, trong lịch sử đã từng sử dụng các
"đảo" ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc
trong lịch sử đã từng "độc quyền kiểm soát" các vùng biển và các nguồn
tài nguyên tại đây."
Xin
nhắc lại rằng Philippines hôm 22/2/2013 đã đệ đơn kiện Trung Quốc, theo đó yêu
cầu tòa PCA xác định rằng yêu sách chủ quyền về "đường 9 đoạn" của Bắc
Kinh là vô hiệu và vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Tuy
nhiên, cũng cần nói rõ rằng mặc dù phán quyết của tòa PCA trong vụ kiện này có
giá trị pháp lý đối với cả Trung Quốc lẫn Philippines vì hai nước đều là thành
viên của UNCLOS nhưng đây không phải là phán quyết về "chủ quyền biển đảo",
mà chỉ xác định là những "thực thể" nào trên biển có thể tạo ra chủ
quyền lãnh thổ trên các vùng biển xung quanh theo luật quốc tế.
Phản
ứng của các bên liên quan và quốc tế
Chủ tịch Tập Cận
Bình, Trung Quốc, tuyên bố phán quyết này không ảnh hưởng gì tới Trung Quốc
Tân
Hoa Xã đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch
Hội đồng Châu Âu, Donald Tusk, và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker,
ở Bắc Kinh ngày 12/7 rằng "chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không bị ảnh
hưởng bởi phán quyết của tòa PCA."
Thông
cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng xác nhận, "quyền chủ quyền và quyền
lãnh thổ" của nước này tại khu vực Biển Đông "không bị ảnh hưởng bởi
phán quyết của tòa PCA". Trung Quốc phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận
bất cứ khiếu nại hay hành động nào dựa trên phán quyết trên.
"Chính
phủ Trung Quốc nhắc lại rằng, liên quan đến vấn đề lãnh thổ và lãnh hải tranh
chấp trên biển, Trung Quốc không chấp nhận bất cứ phán quyết hay giải pháp nào
của bên thứ ba áp đặt với Trung Quốc", lập trường nhất quán của phía Trung
Quốc về việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông dựa theo nguyên tắc
"song phương", giữa các nước trực tiếp liên quan, trên cơ sở
"tôn trọng luật pháp quốc tế".
Và
"Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy tắc
cơ bản trong quan hệ quốc tế, được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bao gồm
các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và giải quyết các tranh
chấp bằng biện pháp hòa bình, tiếp tục hợp tác với các quốc gia liên quan trực
tiếp để giải quyết các tranh chấp có liên quan ở Biển Đông thông qua đàm phán
và tham vấn, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhằm duy trì hòa bình và ổn định
trong khu vực".
Trung Quốc đã tăng cường
việc cải tạo đảo ở vùng Biển Đông trong mấy năm gần đây Image copyright AP
Về
phía Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố nói "phán quyết của tòa PCA là
đóng góp quan trọng cho mục tiêu chung nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng
biện pháp hòa bình".
Mặc
dù "Hoa Kỳ vẫn còn đang nghiên cứu về phán quyết này và hiện giờ chưa có
bình luận gì về các giá trị của vụ kiện" nhưng Phát ngôn nhân Bộ ngoại
giao Mỹ, John Kirby, nói rằng "phán quyết có tính ràng buộc pháp lý với cả
hai phía và, Mỹ hy vọng Trung Quốc và Philippines tuân thủ các nghĩa vụ của
mình."
Thông
cáo cho biết thêm, Hoa Kỳ "khuyến khích các bên tuyên bố chủ quyền làm rõ
yêu sách trên biển của họ phù hợp với luật pháp quốc tế – như được phản ánh
trong Công ước Luật Biển – và làm việc với nhau để quản lý và giải quyết tranh
chấp của họ.
Những
bước đi như vậy có thể cung cấp cơ sở cho các cuộc thảo luận nhằm thu hẹp phạm
vi địa lý của các tranh chấp hàng hải của họ, thiết lập các tiêu chuẩn về hành
xử trong các khu vực tranh chấp, và cuối cùng là giải quyết tranh chấp tiềm ẩn
của họ mà không có sự ép buộc hoặc sử dụng hoặc đe dọa vũ lực."
Trong
khi đó, Ngoại trưởng Philippines, Perfecto Yasay, ra tuyên bố chỉ vài phút sau
khi tòa PCA ra phán quyết rằng "Philippines hoan nghênh phán quyết
này" nhưng không quên giải thích rằng "các chuyên gia của họ còn đang
phân tích về phán quyết của tòa PCA" và nêu lên sự quan ngại về việc thi
hành “một cách miễn cưỡng và có kiềm chế” phán quyết được cho là “quyết định
mang tính lịch sử”.
Ông
Yasay "kêu gọi các bên kiềm chế và tỉnh táo", và khẳng định
Philippines cam kết sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Quốc tế
về Luật Biển (UNCLOS).
Philippines tuyên bố
hoan nghênh phát quyết của Tòa Trọng tài Thường trực
Dường
như Chính phủ Philippines đương nhiệm không muốn làm lớn chuyện và cũng không
muốn ăn mừng cho "thắng lợi" này! Tân tổng thống Duterte đã tỏ ra thận
trọng và ra chỉ dấu cho thấy ông "sẵn sàng hòa giải" để đổi lại thu
hút đầu tư Trung Quốc.
Đài
Loan cũng lên tiếng rằng phán quyết này đã "làm thiệt hại nghiêm trọng quyền
lợi của họ."
"Chúng
tôi xin long trọng tuyên bố rằng chúng tôi chắc chắn sẽ không chấp nhận phán
quyết này", Bộ Ngoại giao Đài Loan loan báo.
Một
diễn biến khác cũng đáng chú ý, đó là trong lúc Ngoại trưởng Nhật, Fumio
Kishida, ra tuyên bố cho rằng phán quyết của tòa PCA là phán quyết cuối cùng và
mang tính ràng buộc pháp lý, theo đó các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết
này, thì Bộ Ngoại giao Ấn cho biết nước này đang nghiên cứu vấn đề này một cách
cẩn thận! Việt Nam, cũng như Philippines, hoan nghênh phán quyết của tòa PCA và
cho biết Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.
Người
phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình, cho biết "Việt Nam một lần
nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện
đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa PCA...
Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện
pháp hòa bình...
“Việt
Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối
với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với
Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và
lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa".
Cơ
sở pháp lý và giải pháp chính trị
Trung Quốc diễn tập
quân sự sử dụng đạn thật ở Biển Đông ngay trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết
một vài ngày
Phán
quyết của tòa PCA có hai điều quan trọng: thứ nhất, tòa bác bỏ yêu sách
"chủ quyền về đường 9 đoạn trên Biển Đông" của Trung Quốc dựa theo
"quyền lịch sử" và thứ hai, tòa xem xét "tư cách pháp lý" đối
với những thực thể như "bãi đá ngầm, bãi đá và đảo" trong vùng biển
nói trên.
Tòa
kết luận rằng không một "thực thể" nào do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền
có đủ điều kiện xác lập "vùng đặc quyền kinh tế" theo Công ước Liên
Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Và theo quan điểm của tòa, những "thực thể"
này phải được xem xét, đánh giá dựa trên "nguyên trạng tự nhiên" bằng
"những chứng cứ lịch sử", chứ không phải dựa trên "hiện trạng".
Rõ
ràng với phán quyết này, "Biển Đông" sẽ trở lại nguyên trạng như trước
ngày Philippines kiện Trung Quốc ra tòa năm 2013.
Vấn
đề "chủ quyền" Biển Đông không thể giải quyết bằng pháp lý vì đây là
vấn đề chính trị nên chỉ có thể giải quyết bằng chính trị.
Trung
Quốc đã tuyên bố không nhìn nhận phán quyết và phủ nhận quyền tài phán của tòa
PCA.
Trong
lịch sử cũng chưa có một quốc gia nào trong năm nước thành viên thường trực của
Hội đồng Bảo an LHQ chấp nhận một phán quyết tương tự của tòa PCA thì việc
Trung Quốc không tuân thủ không phải là chuyện lạ. Hơn thế nữa, Mỹ cũng không
phải là thành viên của UNCLOS.
Chúng
ta cũng biết rằng việc tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế phụ thuộc vào
thiện chí cũng như những tính toán của từng quốc gia một.
Người dân Philippines
biểu tình trước tòa lãnh sự của Trung Quốc trước khi phán quyết của Tòa Trọng
tài được công bố
Liệu
Trung Quốc có tuân thủ phán quyết này không, tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố
nhưng cái chính vẫn là tương quan quyền lực và cán cân quyền lợi. Trung Quốc vẫn
phải tính thiệt hơn khi ra quyết định cuối cùng.
Theo
tinh thần đó, bất cứ một quyết định nào liên quan đến khu vực Á Châu-Thái Bình
Dương cũng không thể loại bỏ Trung Quốc, nếu như không muốn thất bại.
Với
phán quyết này của tòa PCA, Trung Quốc đã gần như mất trắng Biển Đông. Cho dù
đây có là một tính toán sai lầm của Trung Quốc đi chăng nữa thì thời điểm này vẫn
còn có cơ hội trước khi quá muộn.
Một
giải pháp đôi bên cùng có lợi vẫn còn kịp để giúp Trung Quốc và các bên liên
quan thoát cảnh "đối đầu" thậm chí "phiêu lưu quân sự" vì
chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ đơn phương từ bỏ chủ quyền trên Biển
Đông cho dù họ thật sự không muốn chiến tranh.
Và
vì tòa PCA cũng không ra phán quyết về vấn đề chủ quyền của Biển Đông nên đây
là cơ hội để các bên có tranh chấp tại Biển Đông "tạm gác lại hoặc từ bỏ hẳn"
vấn đề chủ quyền và tuyên bố đặt toàn bộ vùng đang có tranh chấp dưới quyền tài
phán của Liên Hiệp Quốc, từ đó thảo luận và đi đến thành lập một ủy ban quốc tế
quản trị sự hợp tác và phát triển chung khu vực tranh chấp.
Điều
này cũng phù hợp với thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 12/7/2016 rằng Mỹ
"khuyến khích các bên tuyên bố chủ quyền làm rõ yêu sách trên biển của họ
phù hợp với luật pháp quốc tế... và làm việc với nhau để quản lý và giải quyết
tranh chấp của họ."
Như
đã trình bày, đây chỉ là một biện pháp tạm thời, vì thế, vấn đề chủ quyền nên
được đặt sang một bên trong việc chấp nhận một "modus vivendi", tức
là một "thoả thuận của những điểm bất đồng", đặc biệt là liên quan đến
tranh chấp chủ quyền của quần đảo Trường Sa, vì tính đa phương của nó.
Bản
chất của sự tranh chấp đặc biệt này sẽ buộc tất cả các quốc gia có yêu sách
cùng nhau làm việc, hướng tới việc tìm kiếm một giải pháp khả dĩ chấp nhận được
cho tất cả.
Bản dồ tranh chấp Biển
Đông
Cuối
cùng, một hợp tác để khai thác chung các nguồn tài nguyên ở Trường Sa có thể sẽ
không được chấp nhận bởi tất cả các nước có liên quan. Tuy nhiên, nó sẽ là một
bước tiến vững chắc để làm giảm bớt căng thẳng trong khu vực.
Hoa
Kỳ có thể không dám nói Trung Quốc phải làm gì, nhưng Hoa Kỳ có thể thuyết phục
các đối tác, đồng minh của họ có can dự vào các tranh chấp chủ quyền Biển Đông
để xem xét một chương trình hợp tác phát triển dưới sự giám sát quốc tế.
Luật
pháp quốc tế chưa chắc đảm bảo hoà bình, ngay cả trong ngắn hạn, nhưng một giải
pháp đa phương qua hình thức của một hợp tác phát triển và thăm dò tài nguyên
chung dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, mặc dù có khó khăn để thực hiện, là một
giải pháp hoàn toàn khả thi.
Đối
với những quốc gia liên quan không muốn tham gia, Mỹ nên nói rõ với họ rằng đây
không phải là một giải pháp lâu dài nhưng là một biện pháp tạm thời để ngăn chặn,
hoặc ít nhất là giảm, khả năng đối đầu thù địch, vì hòa bình, an ninh và thịnh
vượng chung cho khu vực.
Tóm
lại, vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề của khu vực mà là vấn đề của thế giới.
Mà đã là vấn đề của thế giới nên để cho thế giới giải quyết. Xin nhắc lại quan
điểm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, đưa ra tại Hà Nội hồi tháng 7 năm
2010 rằng, Hoa Kỳ không đứng về phía bên nào trong tranh chấp này, mà Hoa Kỳ chỉ
đóng vai trò giúp đỡ các nước tranh chấp đi đến đàm phán và sử dụng một cơ chế
quốc tế để giải quyết vấn đề này.
-----------------------
Bài
viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada.
Tin
liên quan
No comments:
Post a Comment