Saturday, 9 July 2016

ĐỊA ỐC NƯỚC ANH RUNG CHUYỂN SAU BREXIT (RFI, Lê Hải)





Đăng ngày 07-07-2016 

Sau thị trường chứng khoán, giờ đến lượt thị trường địa ốc của nước Anh đang phải gánh chịu hậu quả của cơn địa chấn Brexit. Thông tín viên Lê Hải từ Luân Đôn phân tích và nhận định thêm về tình hình thị trường bất động sản tại quốc gia này.

RFI : Sau cơn địa chấn Brexit, thị trường địa ốc cũng như các quỹ đầu tư xây dựng nhà cửa của Anh hiện nay ra sao?

Lê Hải : Tin tức mới nhất sáng nay tràn ngập trên các tờ nhật báo là ba tập đoàn địa ốc Henderson, Threadneedle Columbia và Canada Life ngưng mua bán vào hôm qua, khiến cho giờ đây có đến 14 tỷ bảng Anh đầu tư vào xây dựng các trung tâm mua sắm, cao ốc văn phòng và kho bãi bị khóa lại để khỏi bị các nhà đầu tư kéo tới rút tiền ồ ạt. Trước đó, nguồn tiền đã bị cắt từ các ngân hàng đầu tư như Standard Life, Aviva và M&G của Prudential. Để quí thính giả hình dung được về qui mô thì đây là một nửa lượng tiền đang đổ vào ngành địa ốc của nước Anh, theo tính toán của công ty Hargreaves Lansdown. Và đây chưa phải là điểm dừng trong cơn khủng hoảng này. Hôm nay có thêm một quĩ đầu tư nữa là Aberdeen Asset Management cho biết giá cổ phiếu đã giảm mất 17% và cũng định sẽ ngưng mua bán. Nếu xét trong một quá trình dài từ suốt năm 2009 cho tới nay, ngành địa ốc luôn tăng trưởng với tỷ lệ 40%, thì đây là cú đột quị vô cùng nguy hiểm. Hiện tại tỷ giá đồng bảng Anh so với đô la tiếp tục suy giảm khiến cho kinh tế nói chung sẽ đình trệ và khả năng tuần sau ngân hàng trung ương sẽ phải cắt giảm lãi suất cơ bản.


RFI : Như vậy thì đây là cú ngã do thị trường mất lòng tin và người dân hoang mang đi rút tiền, hay biểu hiện thực sự của suy thoái kinh tế Anh?

Lê Hải : Có lẽ hiện còn quá sớm để phân định rõ ràng, nhưng quyết định tạm ngưng mua bán của các ngân hàng và quĩ đầu tư là để ngăn dân chúng rút tiền ồ ạt, tức là biện pháp để ngăn chặn phá sản hàng loạt và kéo theo là suy thoái kinh tế. Theo tổng kết của Reuters thì đa số nhà đầu tư rút tiền vì dự đoán là giá nhà ở Anh sẽ rớt, và hiện có khoảng 18 tỷ bảng đang bị 7 quĩ đầu tư đóng băng để ngăn chặn, một tình huống được coi là tệ hại nhất kể từ cơn khủng hoảng tài chính hồi năm 2008 cho tới nay. Giới chuyên gia lo ngại tình hình có thể xấu thêm nếu dư luận tiếp tục lo ngại thêm và tiếp tục rút tiền đầu tư làm giảm giá trị cổ phiếu. Và điều đáng lo nhất là đây không phải là chuyện riêng của nước Anh, vì các quĩ đầu tư địa ốc trên thế giới liên thông với nhau, với tổng trị giá khoảng 183 tỷ bảng lưu thông trong năm ngoái, thì nước Anh đã chiếm đến một nửa là 90 tỷ bảng. Hồi đầu tuần thống đốc ngân hàng Anh Mark Carney đã lên tiếng trấn an dư luận rằng đây không phải là chuyện nghiêm trọng cho ngân hàng Anh, nhưng mới gần đây đã có một số triệu chứng có thể được coi là biến động ở thị trường địa ốc của Đức.


RFI: Sau cuộc khủng khoảng tài chính hồi năm 2008 nước Anh đã có cuộc cải tổ về cơ chế trong hệ thống ngân hàng. Vậy liệu cú đột quị lần này có kéo theo việc “đổ dàn” như trước?

Lê Hải : Nếu xét cụ thể thì chỉ có Henderson Global Investor là ngưng chi trả số tiền quĩ lên tới 3.9 tỷ bảng Anh, còn lại Canada Life chỉ ngưng khoản tiền trị giá 222 triệu, và Threadneedle là 1.4 tỷ. Đây chỉ là tiền đầu tư trong ngành địa ốc tạm gọi là thương mại, tức là nhà xưởng hay kho bãi, văn phòng và trung tâm mua sắm, cho nên chỉ là lượng tiền trong giới tư bản đầu tư. Số tiền đó nếu so ra thì không đáng kể so với dòng luân chuyển trong thị trường địa ốc chuyên cho vay để người dân mua nhà để ở, như con số 25 tỷ của RBS cho vay, hay 18 tỷ của Lloyds, theo phân tích của các chuyên gia từ tập đoàn JP Morgan. Do vậy, một chuyên gia khác từ quĩ đầu tư Hermes cho rằng việc các nhà đầu tư sợ hãi đi rút tiền là quyết định hoang mang thiếu cơ sở tính toán cụ thể. Hiện nay thị trường địa ốc nhà ở vẫn hoạt động tốt, và ngân hàng Anh mới khuyến khích nới lỏng điều kiện trong việc cho vay mua nhà. Nhiều chuyên gia và giới đầu tư lớn cho rằng cú đột quị vừa rồi của ngành tài chính không có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên họ không phải là đám đông đầu tư đang giữ số đông cổ phiếu và mới thực sự là người quyết định vận mạng của ngành ngân hàng như hiện nay. Ngân hàng Anh cảnh báo ngành địa ốc là điểm yếu cho toàn ngành kinh tế hiện nay, và vấn đề trong khu vực địa ốc thương mại đã xuất hiện từ trước khi có quyết định Brexit, giảm 50% trong ba tháng đầu năm nay, còn giá bán ra thì lại quá cao. Do vậy, tình hình của bệnh nhân Anh sau cú đột quị có vẻ như là vẫn tiếp tục nguy hiểm trong những ngày tới, cần được theo dõi liên tục và điều trị chứ chưa thấy được khả năng hồi phục nhanh chóng.





No comments:

Post a Comment

View My Stats