Friday, 8 July 2016

CHIẾN TRANH TRONG SUỐT (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 06/07/2016

Có nhiều chữ dịch từ tiếng Anh -dịch với tối đa thận trọng- cũng vẫn cần giải thích; 4 chữ “chiến tranh trong suốt” là một điển hình. Đa số độc giả Việt Nam hiểu những chữ “the war's transparency” là tính chất minh bạch của chiến tranh, và là đòi hỏi của người công dân Hoa Kỳ không chấp nhận những mập mờ chiến sự, những “bí mật quân sự. Đòi hỏi “chiến tranh trong suốt” của người Mỹ vừa được tổng tư lệnh Barack Obama đáp ứng với bản tường trình “The Drone Strike Statistics” (những thống kê về hoạt động tấn công của drone [máy bay không người lái).”

Khẩu đại bác 6 nòng, 20 ly M61 

Là một người lính, mặc quân phục nhiều năm tháng hơn một số tướng lãnh Mỹ, tôi mê drones và những công trận hiển hách của “nó” (chữ “nó” trong ngoặc kép vì nó không là ai cả), hoặc nhiều lắm, nó cũng chỉ là những anh, những chị phi công ngồi trong phòng lạnh, cách xa chỗ “nó” giết người, lập chiến công, vài trăm hoặc vài ngàn dậm; họ là những quân nhân có tham chiến, nhưng không bao giờ được gắn “anh dũng bội tinh” vì chỉ tham dự chiến tranh theo kiểu salon -đầy tiện nghi và không nguy hiểm.

Không đầy nửa năm nữa, ông Obama sẽ cởi áo tổng tư lệnh, sẽ không còn cất chức những tướng lãnh tài ba như đại tướng Stanley McChrystal, tư lệnh chiến trường A Phú Hãn, trung tướng David Petraeus, giám đốc CIA, thiếu tướng Bryan Roberts, chỉ huy trưởng Lữ Đoàn 2, trung tướng Gregg A. Sturdevant -trưởng khối Chiến Lược tại bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương, và hàng chục tướng lãnh khác.

Thành tích quân sự của cá nhân tổng tư lệnh Obama là ông chưa đi lính ngày nào cả, nhưng xét về khả năng thì ông quả là một thiên tài quân sự đã tiết kiệm được tối thiểu vài ngàn sinh mạng lính Mỹ, trong gần 8 năm ông lãnh đạo cuộc chiến tranh phản du kích tại Trung Đông -loại chiến tranh chống du kích chiến đã giết trên 58,000 lính Mỹ trong 9 năm giao tranh trên chiến trường Việt Nam.

Obama cũng đánh chống du kích chiến, nhưng không tổn thất vì bí quyết chiến thuật của ông: sử dụng tối đa hỏa lực không quân (trong đó có hỏa lực của drones), và bí quyết chiến lược: lính Mỹ không chạm gót xuống chiến trường.

Ba vị tổng tư lệnh Mỹ chịu trách nhiệm về chiến trường Việt Nam là John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson, và Richard Nixon; không ông nào biết bí quyết chiến thắng này, ông Nixon còn tháo chạy, sau khi bán quân đội VHC H cho cộng sản.

Vị tổng tư lệnh tiền nhiệm đánh cuộc chiến chống du kích trên chiến trường Trung Đông trước Obama là tổng thống George W. Bush; ông cũng ôm đầu máu về dưỡng thương với lời nghiêm huấn của ông Bush Bố bảo ông: Sadham Hussein không phải là một minh quân, cũng không phải là một quốc trưởng, nhưng hắn có công trị an Trung Đông; con đem treo cổ hắn lên, ném đi khối thép đè trên 1.3 tỉ tín đồ Hồi Giáo mỗi người thờ Allah một cách, và người nào cũng sẵn sàng lủi xe bom vào những thánh đường Hồi Giáo khác, không cử hành thánh lễ giống mình.

Không chạm gót xuống chiến trường là lối tác chiến rất khó chết. Những anh phi công trẻ mới ra trường, tiềm năng quân sự chỉ giới hạn vào khả năng biết đọc những con số trên bảng điều khiển khu trục phản lực, đọc bản đồ chiến trường, và nhấn nút đánh bom những địa điểm được ấn định trước phút cất cánh.

Ăn lót lòng, uống cà phê xong vào khoảng 7 rưỡi sáng, anh phi công leo lên một chiếc F/A-18E/F Super Hornet - loại phi cơ chiến đấu Hải Quân Mỹ đang sử dụng trên chiến trường Trung Đông, rồ máy và cất cánh theo khẩu lệnh nhận được qua hệ thống truyền tin gắn trong mũ bay. Lên cao độ, nhập đoàn với những chiếc F18 đã cất cánh trước, anh bay vào chiến trường dưới khẩu lệnh chỉ huy của một phi công mang cấp bực cao hơn -thường là trung úy hay đại úy- và có thâm niên, có kinh nghiệm chiến đấu lâu dài hơn.

Với tốc độ siêu thanh, anh chỉ cần nửa tiếng đồng hồ để bay từ hàng không mẫu hạm vào chiến trường, rồi với 2 quả hỏa tiễn nhỏ anh đánh phá những hầm chỉ huy, những kho vũ khí của quân IS; ngoài hỏa tiễn anh còn sử dụng một khẩu đại bác 20 ly M61, với 6 nòng quay tròn.

Khẩu đại bác nhỏ, với nhịp tác xạ 6,600 viên đạn “cắc chùm” thoát nòng mỗi phút đã từng làm nản lòng bọn chỉ huy Việt Cộng thích dùng chiến thuật biển người trong những cuộc tấn công đồn bót Việt Nam; giờ này nó vẫn là hỏa lực mạnh hơn, và nhanh hơn sức bắn của một tiểu đoàn bộ binh với quân số 800 binh sĩ.

Cất cánh lúc 8 giờ sáng, sau 3 tiếng đồng hồ đánh 2 mũi hỏa tiễn và bắn 40,000 viên đạn đại bác nhỏ vào hệ thống chiến hào của địch, anh trung úy phi công quay trở về hàng không mẫu hạm kịp bữa ăn trưa, và dự trận bóng rổ, hay bóng chuyền buổi chiều.

Lối đánh giặc nhàn hạ đó là già nửa thế công của tổng tư lệnh Obama, nửa kia non hơn, ít nhân lực, ít tốn kém hơn -là cái nửa đánh bằng drones, thường được gọ là drone war.

Ưu điểm vô địch của chiếc drone là tính vô cùng chính xác của nó; ưu điểm này dĩ nhiên không chỉ mang tính chất kỹ thuật mà còn là thành quả phối hợp với chiến thuật và tình báo nữa. Nhiều người chống việc dùng drones trên chiến trường, lập luận chống đối gọi việc sử dụng drones là ám sát đích danh -targeted killing.

Một trong những người bị “ám sát đích danh” là ông đạo Anwar al-Awlaki -quốc tịch Mỹ, gốc Yemen; thành tích của Awlaki là giảng đạo, thuyết phục nhiều người Mỹ gốc Hồi chống Mỹ, ngay cả những quân nhân đang tại ngũ, điển hình là thiếu tá Nidal Malik Hasan, một bác sĩ tâm thần đã nổ súng giết 13 quân nhân Mỹ tại Fort Hood, và gây thương tích cho 31 người khác.

Tháng Tư 2010, tổng thống Barack Obama đưa tên ông Awlaki vào danh sách những tên khủng bố mà CIA có quyền hạ sát, và Awlaki đã bị giết bằng drone ngày 30 tháng Chín 2011; hai tuần sau, con trai của Awlaki -cậu Abdulrahman al-Awlaki, 16 tuổi, công dân Mỹ vì sinh ra trên đất Mỹ, cũng bị drone giết trong rừng già Yemen.

Một lãnh tụ quân sự tên tuổi của Al-Qaeda, ông Jalal Baleedi, cũng bị hạ sát đích danh bằng drone, sau khi mạng sống bị treo giá $5 triệu; ông này đang lái xe trên bờ biển tỉnh Abyan với 2 người nữa thì bị drone bắn chết.

Khả năng của drone giết đích danh những lãnh tụ quân sự và chính trị của địch, mà vẫn giới hạn không gây quá nhiều chết chóc cho những người chung quanh vì tên bay đạn lạc là một ưu điểm đáng ca ngợi và chiến thuật phối hợp giữa tiền (để mua tin) và drone cần được đẩy mạnh hơn nữa, để tiết kiệm máu dân địa phương, và máu lính Mỹ.

Một tín hiệu nhỏ, khó phát hiện, được dán trên xe của Awlaki, và xe của Baleedi đã hướng dẫn drones đến giết họ; và $5 triệu đồng là một số tiền rất lớn, thừa khả năng đổi đời cho một người, hay một gia đình, nhất là gia đình người Yemen nghèo khó, lợi tức mỗi tháng dưới 100 mỹ kim. Triển vọng đổi đời đó đã làm những cộng tác viên thân tín của nhóm lãnh tụ al-Qaeda và IS thay lòng đổi dạ.

Những người chống sử dụng drones gọi việc giết những lãnh tụ Hồi Giáo là targeted killing -giết đích danh, ám sát. Gia đình ông Awlaki đưa tổng thống Obama ra tòa về tội ám sát bố con ông. Dư luận chống drone còn gọi Obama là vua drone, ghép hình ông ngồi trên ngai vũ khí targeted killing.

Ngày Tổng Thống Richard Nixon lên cầm quyền, tổn thất của quân Mỹ tại Việt Nam mỗi tuần là 300 người -chết và bị thương; đó là một trong những yếu tố khiến Quốc Hội Mỹ chống chiến tranh Việt Nam bằng cách đần độn nhất là cắt viện trợ, và ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, chống chiến tranh Việt Nam bằng cách thô bỉ nhất là bắt tay đối phương Trung Cộng, cấm không cho tổng thống Nguyễn văn Thiệu sử dụng không lực trợ chiến Hải Quân Việt Nam trong trận hải chiến Hoàng Sa.

So sánh những việc làm đó với việc sử dụng drone và không quân để giảm thiểu tối đa tổn thất của quân đội Hoa Kỳ trong một cuộc chiến tranh phản du kích có thể còn dây dưa kéo dài nhiều năm nữa, phải công bằng khẳng định là tổng tư lệnh Obama giỏi hơn và có tư cách hơn tổng tư lệnh Nixon.

Nỗ lực của ông giữ tính trong suốt cho cuộc chiến tranh đang bị xuyên tạc gọi là Drone War đáng ca ngợi, nhưng chưa đủ để duy trì chiến thuật tác chiến bằng drones, và phát triển chiến thuật đó đến mức 80%, 90% phi công Mỹ chỉ cần tác chiến trong phòng lạnh, không có nhu cầu cất cánh rời phi đạo nữa, và cũng không bao giờ được gắn bội tinh vì hành động anh dũng ngoài chiến địa không còn là điều kiện cần thiết để thắng trận nữa.

Nguyễn Đạt Thịnh




No comments:

Post a Comment

View My Stats