Tuesday 5 July 2016

"BẬT MÍ" (Nguyễn Minh Cần)





Chủ Nhật, ngày 03 tháng 7 năm 2016

Ngày Tết được đọc những giai phẩm xuân vừa đẹp vừa hay, như Người Việt, Thế Kỷ 21, Việt Tide... thì thật là thú vị! Thú vị còn hơn “thịt mỡ dưa hành...”!

Để cảm tạ các bạn làm báo đã đem lại cho độc giả những phút giây đầy khoái cảm, với tư cách một người đọc tôi xin... “bật mí” ở đây một điều nhân đọc bài của Phạm Xuân Đài trong Thế Kỷ 21 số Xuân Nhâm Ngọ vừa rồi.

Trong bài “Đọc Lại Những Bài Báo Xưa Của Vũ Trọng Phụng,” nhà văn họ Phạm viết: “Tại miền Nam các tác phẩm của ông (Vũ Trọng Phụng - NMC) được in đi in lại nhiều lần, đã có nhiều công trình nghiên cứu về ông, ... Trong khi đó tại miền Bắc, từ khoảng cuối thập niên 1950 không hiểu vì lý do gì và nhân danh cái gì, đảng Cộng sản (ĐCS) đã ra lệnh cấm toàn dân không được đọc Vũ Trọng Phụng, cấm sách của ông không được lưu hành, và dĩ nhiên dẹp bỏ luôn cả việc nghiên cứu, tìm hiểu tác giả này...” (tr. 186, TK21 số 153 & 154).

Quả đúng như vậy! Và đúng là có rất nhiều người “không hiểu vì lý do gì và nhân danh cái gì” mà ĐCS đã hành động như thế thật! Cũng dễ hiểu thôi: xưa nay, trong những việc mà chính thâm tâm mình cảm thấy “không ổn” lắm, “không sạch sẽ” lắm, không chính đáng lắm, thì ĐCS có cái tật thích làm thầm vụng, chùng lén nên chẳng bao giờ người dân biết được “lý do” vì sao cả. Có thể dẫn ra rất nhiều việc. Chẳng hạn như việc “động trời” gần đây nhất là việc Bộ chính trị ĐCS cắt đất, cắt biển của Tổ quốc dâng cho Bắc triều. Việc đó họ cũng làm vụng trộm, sau nhiều năm lén lút đi đêm với những kẻ mà cách đây vài chục năm họ từng gọi là “bọn bành trướng phương Bắc,” “kẻ thù truyền kiếp” (đây là lời lẽ chính thức thốt ra từ miệng các lãnh tụ cộng sản Việt Nam in rành rành trên báo chí hồi cuối thập niên 1970 và thập niên 1980). Đến mãi gần đây, khi buộc lòng phải làm “lễ cắm mốc” đầu tiên ở Mông Cái rồi, mà họ vẫn cứ giấu tịt những điều đã thoả thuận với Bắc Kinh. Lãnh thổ quốc gia là của toàn dân. Thế mà, thử hỏi, trừ Bộ chính trị ĐCS thì có ai biết mô tê gì về nội dung của các hiệp định đã ký kết, cũng như “lý do” vì sao phải ký như vậy? Có lẽ phần đông đại biểu ù lỳ trong cái quốc hội bù nhìn cũng mù tịt! Còn nhiều ví dụ khác nữa, nhưng thôi, xin quay lại chuyện văn học nghệ thuật.

Để “bật mí” điều thắc mắc mà Phạm Xuân Đài đã nêu ra thì xin nói rõ là sau khi ĐCS tiếp quản Hà Nội hồi tháng 10 năm 1954, một vấn đề “công tác tư tưởng” đặt ra cho ban lãnh đạo ĐCS là phải xác định thái độ của Đảng đối với các nhà văn gọi là “thời tiền chiến.” Vì, chẳng những trí thức trong “vùng tạm bị chiếm” cũ, mà cả trí thức “kháng chiến” mới về thành còn rất quý trọng và ngưỡng mộ thành tựu văn học của lớp văn nghệ sĩ thời này. Mà trong giới này, như chúng ta biết, trừ một số đi theo ĐCS còn có không ít người không theo hoặc thậm chí tích cực chống lại. ĐCS “cố quên đi, không nhắc tới” những nhà văn này để người dân và nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên không biết đến họ, không bị ảnh hưởng của họ, do đó dễ phục tùng “sự lãnh đạo” của Đảng. Đảng không ra văn bản công khai (dại gì Đảng phải làm lộ liễu thế!) về nhận xét và chủ trương đối với các nhà văn“thời tiền chiến,” mà thông qua Ban tuyên huấn Trung ương của Đảng truyền miệng xuống cho các cấp về nhận định của “Trên” đối với một số người trong bọn họ...

Nhóm Tự Lực văn đoàn là “đối tượng” bị kết án nặng nề nhất vì nhiều người đứng đầu nhóm đó, như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, v.v... đã từng lãnh đạo các đảng phái quyết liệt chống lại ĐCS, nhất là hồi những năm 40. Tên tuổi của họ ĐCS cấm  nhắc đến, còn tác phẩm của họ thì cấm xuất bản. Điều đó thì có thể hiểu được. Nhưng đối với Vũ Trọng Phụng, tác giả của những tiểu thuyết độc đáo, như “Số Đỏ”, “Giông Tố”, và một loạt phóng sự xã hội sắc sảo, như “Kỹ Nghệ Lấy Tây”, “Cơm Thầy Cơm Cô”, v.v... lại có thái độ rõ rệt đứng về giới lao động và tầng lớp nghèo khổ thì cớ sao lại không được nói đến và tác phẩm không được in ra?

Giữa năm 1955, trong một cuộc nói chuyện riêng tôi đem thắc mắc ấy trực tiếp hỏi Tố Hữu, lúc bấy giờ phụ trách Tuyên huấn của Trung ương. Ông ta trả lời tôi rất ngắn gọn: “Hắn ta là Đệ Tứ. Hồi trước chiến tranh (chiến tranh thế giới thứ hai – NMC) có lần hắn đã tuyên bố “Adieu Moscou!” (Vĩnh biệt Moskva! - NMC) rồi đấy.”

Thế là – đối với ĐCS – nhà văn họ Vũ có hai cái “tội”: “tội” Đệ Tứ và “tội” “Adieu Moscou!” Chữ “Đệ Tứ” trong con mắt người cộng sản thời nào cũng vậy, nó dữ dằn lắm, kinh khủng lắm: nó đồng nghĩa với “phản cách mạng,” “mật thám,” “tay sai đế quốc.” Những người cộng sản Việt Nam thuộc lòng những lời của Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh chửi rủa phái Đệ Tứ, nào là “một lũ bất lương,” “những con chó săn của chủ nghĩa phát xít Nhật và chủ nghĩa phát xít quốc tế,, “đàn chó trotskistes,” “những kẻ đầu trâu mặt ngựa,” v.v... (Hồ Chí Minh, Toàn Tập, t.3, tr.97, 100). Mà ông Hồ chửi thế cũng là phụ hoạ theo gần đúng nguyên văn những lời Stalin chửi rủa Trotsky và phái Đệ Tứ. Thực tình mà nói, người đảng viên cộng sản bình thường ở Việt Nam chẳng biết rõ “ông Đệ Tam khác ông Đệ Tứ thế nào,” nên chỉ biết nói thuội theo “Trên”. Riêng tôi, hồi đó tôi cũng không biết Vũ Trọng Phụng có phải là đảng viên Đệ Tứ hay không và cũng không hình dung nổi cái “tội” “Adieu Moscou!” nó nặng đến thế nào? Sau này đến vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, thì thấy có mấy người nữa cũng bị ghép “tội” Đệ Tứ, là nhà văn Trương Tửu, nhà triết học Trần Đức Thảo, những người mà theo cụ Hoàng Khoa Khôi, một nhà chí sĩ yêu nước chân thành và là đảng viên Đệ Tứ chính cống cho biết, cả ông Trương lẫn ông Trần hoàn toàn chẳng dính dáng gì đến Đệ Tứ cả. À ra thế! Cần ghép tội thì Đảng cứ ghép thôi, không Đệ Tứ thì Đại Việt, Quốc Dân Đảng, v.v... đều được cả, Đảng “độc quyền lãnh đạo” cơ mà! Cho nên buộc cho Vũ Trọng Phụng cái “tội” Đệ Tứ rõ ràng là điều vu khống, cũng như với Trương Tửu và Trần Đức Thảo.

Còn cái chuyện “Adieu Moscou!” thì nó như thế này. Trước chiến tranh thế giới thứ hai, đang lúc các nước cố thu xếp với nhau để lập những liên minh nhằm tạo lợi thế cho mình khi bước vào cuộc chiến, thì hồi tháng 8 năm 1939, sau những lần bí mật trao đổi thư từ giữa Hitler và Stalin, chính phủ Liên Xô đã mời bộ trưởng ngoại giao phát xít Đức là Ribbentrov đến Moskva đàm phán. Liên Xô làm việc đó sau khi cắt đứt cuộc đàm phán với  chính phủ Anh và Pháp. Thế rồi ngày 23 tháng 8 năm 1939, Liên Xô đã ký tại Moskva Hiệp ước thân thiện, không tấn công lẫn nhau giữa Liên Xô và Đức. Hiệp ước đó còn có tên là Hiệp ước Molotov - Ribbentrov. Trong cuộc hội đàm đó, Liên Xô và Đức đã bí mật thoả thuận với nhau đánh chiếm Ba Lan. Phát xít Đức dàn kịch quân nhân Ba Lan tấn công đài phát thanh ở một thị trấn nhỏ của Đức rồi lấy cớ đó gây chiến với Ba Lan ngày 1 tháng 9. Và tiếp theo, Liên Xô viện cớ bảo vệ cho “những người anh em miền Tây Ukraina và miền Tây Belorussia” cũng tung quân vào xâm chiếm một phần đất Ba Lan. Thế là hai nhà nước độc tài toàn trị (khác nhau ở màu cờ cộng sản và phát xít) đã cùng xông vào cắn xé và chia nhau đất nước Ba Lan. Ngoài ra, phát xít Đức còn đồng ý để cho Liên Xô tràn quân thôn tính ba nước nhỏ láng giềng ở vùng Bantic là Latvia, Estonia và Lithuania. Trước mắt toàn thế giới, đế quốc cộng sản và đế quốc phát xít công nhiên thông đồng nhau trong hành động xâm lược và bộc lộ dã tâm kẻ cướp. Điều đó làm cho nhiều ĐCS trên thế giới hết sức lúng túng (ngay cả các đảng viên cộng sản Liên Xô cũng rất bối rối), họ không biết ăn nói làm sao với dân chúng, còn giới trí thức tự do trên thế giới thì hết lời nguyền rủa, chê bai Liên Xô. Nhiều người trí thức trước đấy có cảm tình với cộng sản Liên Xô đã phải thốt lên câu nói “Adieu Moscou!”, như là một sự “vỡ mộng” đối với cộng sản. Cũng cần nói thêm là trong lúc báo chí và công luận thế giới kịch liệt lên án Stalin và Liên Xô vì hành động đáng xấu hổ đó, thì Trotsky và phái Đệ Tứ cũng không bỏ lỡ cơ hội nguyền rủa Stalin. Trotsky, kẻ thù không đội trời chung của Stalin, bị “kẻ độc tài đỏ” trục xuất khỏi Liên Xô và đang cư trú chính trị tại Mexico, đã viết: “Stalin và Hitler đã dang tay ra với nhau. Mặt nạ đã lật bỏ. Chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa phát xít đã liên minh nhau”. (xem sách “Stalin” của D.Vologonov, t.2, tr.34).  Vì thế, những ai lên án hành vi này của Stalin và Liên Xô đều bị những người cộng sản lu loa đổ vấy cho là “Đệ Tứ”. 

Tôi không biết thật sự Vũ Trọng Phụng có thốt lên “Adieu Moscou!” hay không, như Tố Hữu nói, nhưng nếu ông có thốt lên câu đó thật thì chỉ tỏ rõ nhân cách đáng kính của ông mà thôi: đã lên án một sự câu kết xấu xa với Hitler và chủ nghĩa phát xít.  Câu chuyện chỉ như vậy, thế mà các lãnh tụ cộng sản Việt Nam đã thù dai nhà văn đến thế và trả thù ông một cách quá hèn hạ: không cho in sách của ông, không cho nghiên cứu về ông trong suốt 30 năm trời. Nhưng hành động như thế chỉ có thiệt cho nền văn hoá, văn nghệ nước nhà mà thôi, chứ ở thế giới bên kía, nếu có biết thì chắc Vũ Trọng Phụng chỉ mỉm cười khinh bỉ những kẻ đã có hành vi phản văn hoá này, như Trường Chinh, Tố Hữu...

Nhân thể xin nói thêm. Sau khi ĐCS tiếp quản Hà Nội, Trần Thiếu Bảo, từ vùng kháng chiến “về thành”, đã nhanh chóng khôi phục lại Nhà xuất bản Minh Đức của ông và tích cực ấn hành các sách văn nghệ. Minh Đức là một nhà xuất bản trả tiền nhuận bút cho văn nghệ sĩ khá hậu và có lòng giúp đỡ họ. Điều này nhiều nhà văn ở Hà Nội hồi giữa thập niên 1950 đã biết rõ. Ông lại là người mê thích Vũ Trọng Phụng. Có lẽ vì không biết “đường lối của Đảng ta” đối với nhà văn họ Vũ, nên ông nghiễm nhiên in sách của họ Vũ, và “liều lĩnh” hơn nữa, năm 1955, Minh Đức đã tổ chức cuộc lễ tại Nhà hát Lớn Hà Nội để tưởng nhớ nhà văn Vũ Trọng Phụng. Trong cuộc lễ đó có đông đủ giới văn nghệ sĩ, các nhà giáo và các đại biểu trí thức thủ đô. Cả bà Phụng và nhiều người thân thích của nhà văn cũng có mặt.

Sau cuộc lễ, Tố Hữu lồng lộn lên, trách ban lãnh đạo Hà Nội sao lại cho Minh Đức thuê Nhà hát Lớn để làm lễ kỷ niệm Vũ Trọng Phụng, Hà Nội trả lời là chúng tôi nào có được phổ biến chủ trương của “Trên” đối với nhà văn đó, hơn nữa, Hà Nội không hoàn toàn quản lý Nhà hát Lớn mà Bộ văn hoá có quyền hạn và trách nhiệm chính đối với Nhà hát. Thế là xong!

Sau cuộc lễ, ông Minh Đức còn dùng số tiền xuất bản sách để xây lại ngôi mộ của nhà văn và giúp đỡ cho gia đình Vũ Trọng Phụng. Đến hồi năm 1956, khi ông bị dính vào vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, vì ông có in báo và hình như có giúp đỡ gì đó khi ra mấy tập Giai Phẩm. Thế là người ta cộng cả hai “tội” – kỷ niệm, in sách của Vũ Trọng Phụng,  và tiếp tay cho Nhân Văn – Giai Phẩm –  ghép lại thành một... “tội gián điệp”, và ngày 12 tháng 1 năm 1960 Trần Thiếu Bảo Minh Đức bị toà án Hà Nội xử 15 năm tù ngồi và toàn bộ gia sản bị tịch thu! (Mời các bạn đọc lại những bài báo phê phán kiểu “đấu tố” đối với Trần Thiếu Bảo Minh Đức in trong tập sách “Bọn “Nhân Văn – Giai Phẩm” Trước Toà Án Dư Luận” xuất bản tại Hà Nội để thấy rõ thêm “tội” của ông. Trong đó, cũng có một câu thoáng qua về Vũ Trọng Phụng). Tôi không rõ số phận của Trần Thiếu Bảo Minh Đức sau đó thế nào, nhưng mỗi lần nghĩ đến thì thấy rất xót xa cho số phận một người vì yêu quý văn học nghệ thuật mà bị khổ nạn. 

(Nguồn: Báo Thế Kỷ 21 số 155 Tháng Ba 2002)




No comments:

Post a Comment

View My Stats