------------------
Tham gia vào phong trào đấu tranh chống dự án hóa-dầu Kuokuang:
Sau
chuyến đi khảo sát thực tế ngày 28-7-2010 của bà chủ tịch đảng Thái Anh Văn,
phát ngôn viên của đảng Dân Tiến tuyên bố đảng sẽ không ủng hộ việc mở rộng
ngành công nghiệp hóa-dầu nếu họ được bầu lại vào năm 2012 vì những quan ngại về
sức khỏe và môi trường. Có thể coi đây là một sự thay đổi lập trường, đánh dấu
một bước ngoặt quan trọng của đảng Dân Tiến. Theo bà Thái, điều mà Đảng Dân Tiến
cần làm là “trở lại với nguồn gốc của đảng: đặt bảo vệ môi trường và tiêu
chuẩn cuộc sống lên hàng đầu.”(1)
Vào
lúc này, phong trào chống dự án Kuokuang (國光 Quốc Quang) đã trở
nên sôi nổi. Dự án hóa dầu khổng lồ này do công ty quốc doanh China Petroleum
Corporation (CPC) đề xướng và bị các nhà hoạt động môi trường phản đối vì một số
lý do:
-
Địa điểm đặt nhà máy là xã Đại Thành (Tacheng 大城) - huyện Chương Hóa.
Đây là vùng đầm lầy ven biển lớn nhất của Đài Loan, với một hệ sinh thái phong
phú về thực vật và động vật. Một nhà máy naphtha cracking đặt tại đây có thể
phá hủy môi trường sống của giống cá voi lưng gù (humpbacked dolphin) đang có
nguy cơ bị tiêu diệt. Những con cá heo lưng gù này còn được gọi tên là cá heo
trắng Trung Quốc (Chinese white dolphin), trong tiếng Hoa có tên 中華白海豚 (Trung Hoa bạch hải
đồn)(2). Tại Đài Loan chỉ còn có một số lượng từ 80 đến 90 con, vì thế được
đưa vào “Sách đỏ”.
-
Dự án hóa dầu Kuokuang nếu hình thành sẽ đe dọa một vùng nông nghiệp lâu đời, một
nguồn cung cấp cá và sản phẩm chăn nuôi quan trọng của cả nước, không chỉ làm ô
nhiễm không khí mà còn đe dọa cả an toàn thực phẩm. Địa điểm đặt nhà máy lại rất
gần với nhà máy naphtha cracker số 6 chỉ cách nhau dòng sông Jhuosheui (Trọc Thủy
濁水).
Nếu có hai nhà máy naphtha cracker lớn nằm gần nhau thì sẽ càng nguy hiểm hơn,
nhất là có thêm người chết vì các bệnh về tim mạch và ung thư.
Điều
đáng nói là dự án hóa dầu Kuokuang lại được chính Đảng Dân Tiến thông qua năm
2005, vào nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trần Thủy Biển. Đáng lẽ dự án đã được
khởi công nhưng phải hoãn lại vì chưa thông qua được khâu đánh giá tác động môi
trường (environment impact assessement, thường viết tắt là EIA). Năm 2008, khi
Mã Anh Cửu đắc cử chức vụ tổng thống, QDĐ trở lại địa vị cầm quyền, dự án
Kuokuang được tái khởi động và coi như “đã có sự chấp thuận của cả hai đảng”.
Nhưng
một số yếu tố bất ngờ xảy ra khiến cho tình hình diễn biến theo một chiều hướng
hoàn toàn khác. Trước hết, những tai nạn xảy ra liên tiếp tại khu công nghiệp Mạch
Liêu đã làm cho người dân Đài Loan thức tỉnh trước mối nguy hiểm của các nhà
máy naphtha cracker. Mặt khác, thất vọng trước sự xa rời mục tiêu bảo vệ môi
trường của Đảng Dân Tiến trong thời gian cầm quyền, các tổ chức bảo vệ môi trường
đã chủ động tìm cách liên kết đấu tranh với tư thế độc lập, không còn chịu sự
lãnh đạo của một đảng chính trị như trước. Vì thế, khi phong trào bùng lên, một
số chính trị gia thuộc Đảng Dân Tiến phải tìm cách khôi phục lòng tin của người
dân bằng cách tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
Phong
trào chống dự án Kuokuang đã bùng lên hết sức mạnh mẽ trong năm 2010 do được tiếp
sức bởi các cuộc đấu tranh của huyện Vân Lâm. Dưới sự lãnh đạo của nhà thơ người
gốc Chương Hóa là Ngô Thịnh (Wu Sheng, 吳晟), giới trí thức – từ
các văn nghệ sĩ, nhà giáo cho đến các bác sĩ,… đã phát động chiến dịch lấy chữ
ký rộng rãi để bảo vệ vùng sinh thái đầm lầy Đại Thành. Hình tượng “cá heo lưng
gù” được yêu mến xuất hiện thường xuyên trong suốt quá trình vận động
này.
Thêm
vào đó, sự thay đổi về đường lối của đảng Dân Tiến có ảnh hưởng mạnh đến tình
hình chính trị Đài Loan. Tháng 9 năm 2010, bà Weng Chin-chu (Ông Kim Châu 翁金珠) – đảng viên Dân Tiến,
nguyên huyện trưởng Chương Hóa (nhiệm kỳ 2000-2005), đã chính thức tham gia
phía chống đối. Đầu năm 2011, Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) và Thái Anh Văn
(Tsai Ing-wen) – hai đối thủ nặng ký trong hội nghị chọn ứng cử viên tổng thống
của đảng Dân Tiến, cũng tham gia vào phong trào chống-Kuokuang. Với việc Đảng
Dân Tiến giờ đây đứng hẳn về phía chống đối dự án, QDĐ cầm quyền đối diện với
áp lực chính trị ngày càng lớn, trong khi cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra
trong năm tới (2012). Vì vậy, Tổng thống Mã Anh Cửu quyết định bỏ rơi dự án
Kuokuang như một món nợ chính trị. Trong một cuộc họp báo khẩn cấp vào ngày
22/4/2011, Mã thông báo rút lui sự ủng hộ đối với dự án gây tranh cãi này. Việc
bác bỏ dự án hóa dầu Kuokuang trị giá 24 tỷ đô-la Mỹ đánh dấu một bước ngoặt
trong phong trào bảo vệ môi trường tại Đài Loan. Kể từ nay, có lẽ không còn ai
đủ can đảm đề xuất xây dựng một nhà máy NC nữa.
Hình
5: Nhóm bảo vệ môi trường của huyện Vân Lâm tham gia cuộc biểu tình tuần hành
ngày 13/11/2010
Trong
sự thay đổi đường lối của Đảng Dân Tiến, có công lao không nhỏ của bà Tô Trị Phần.
Ngày 13/11/2010, những nhà hoạt động và các tổ chức bảo vệ môi trường trên toàn
quốc đã tổ chức một biểu tình tuần hành tại thủ đô Đài Bắc để phản đối dự án
Kuokuang. Cùng với hai nghị sĩ Lưu Kiến Quốc (Liu Chien Kuo 劉建國) và Điền Thu Cận
(Tien Chiu-chin 田秋堇), bà Tô Trị Phần đã
đích thân dẫn đầu nhóm đại diện cho huyện Vân Lâm tham gia cuộc biểu tình lớn
nói trên. (3)
Hình
6: Từ trái sang phải: nghị sĩ Lưu Kiến Quốc, nghị sĩ Điền Thu Cận, huyện trưởng
Tô Trị Phần
Hành
động tích cực của bà Tô Trị Phần đã dần dần thu phục lòng tin của những nhà hoạt
động môi trường và nhân dân địa phương, sau một thời gian bị nghi ngờ vì lập
trường “ủng hộ phát triển kinh tế, lơ là mục tiêu bảo vệ môi trường” của
Đảng Dân Tiến trong thời kỳ Trần Thủy Biển (2000-2008).
Tiếp tục đối đầu với Tập đoàn Formosa:
Sau
khi dự án hóa dầu Kuokuang bị hủy bỏ, Formosa loại bỏ được một đối thủ cạnh
tranh trong lĩnh vực hóa dầu (tức là công ty China Petroleum Corporation thuộc
sở hữu nhà nước). Mặc dù vậy, trong thực tế tập đoàn vẫn không được hưởng lợi từ
thế “độc quyền” đó vì những mâu thuẫn vẫn tiếp tục nổ ra giữa tập đoàn Formosa
với phong trào bảo vệ môi trường tại Đài Loan:
-
Ngày 12/5/2011, một đám cháy kéo dài 9 giờ lại xảy ra tại nhà máy NC số 6 tại Mạch
Liêu. Đây là đám cháy thứ ba tại Mạch Liêu trong vòng 10 tháng sau hai vụ cháy
gây tai tiếng tháng 7 năm 2010. Đó là chưa kể đến đám cháy tại một nhà máy ở
Gia Nghĩa – một huyện lân cận, thuộc công ty Nan Ya (cũng thuộc tập đoàn
Formosa). Theo tường thuật của Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), bộ trưởng
kinh tế Thí Nhan Tường (Shih Yen-shiang 施顏祥) đã tỏ ra “rất giận
dữ”. Bà huyện trưởng Tô Trị Phần đã phê bình gay gắt Formosa vì tập đoàn đã
không giữ được lời hứa quản lý tốt các nhà máy ở Mạch Liêu và đã để cho các tai
nạn tiếp tục xảy ra. [“Gov't furious over Formosa plant fire”, The China Post,
May 14, 2011]
Trong
tấm ảnh in kèm (hình 7), chúng ta thấy Tổng giám đốc của Formosa là Vương Văn
Uyên (Wang Wen-yuan 王文淵, còn được gọi là William Wang) đang làm điệu
bộ xin lỗi vì đám cháy nói trên. Nhưng hình như đây cũng là cung cách lễ nghi
quen thuộc của những người lãnh đạo tập đoàn Formosa – một thứ lễ nghi mang
tính hình thức, không có tác dụng thực tế vì sau đó… các đám cháy lại tiếp tục
xảy ra (vậy mà tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo cộng sản lại tỏ ra rất “hài lòng”
với cung cách xin lỗi này).
Hình
7: TGĐ Formosa chắp tay xin lỗi vì đám cháy xảy ra hôm 12/5/2011.
-
Ngày 18/5/2011 (nghĩa là chưa đầy một tuần sau), tại khu tổ hợp công nghiệp Mạch
Liêu lại xảy ra thêm một đám cháy nữa.
Bốn
đám cháy xảy ra chỉ trong vòng 11 tháng khiến cho bà huyện trưởng Vân Lâm mất
ăn mất ngủ. Vì vậy vào ngày 27/5, bà đã thi hành một biện pháp chưa từng có
trong ngành công nghiệp hóa dầu Đài Loan: quyết định đóng cửa 6 nhà máy của tập
đoàn Formosa tại khu công nghiệp hóa dầu Mạch Liêu. Theo biên bản thỏa thuận giữa
chính quyền huyện và hai công ty thuộc tập đoàn Formosa, 5 nhà máy thuộc công
ty Nam Á (Nan Ya) sẽ lần lượt đóng cửa trong thời gian từ 1/6 đến 20/6, ngoài
ra 1 nhà máy thuộc công ty Formosa Plastics Corporation (FPC) cũng sẽ đóng cửa.
Theo đánh giá của tập đoàn Formosa, việc đóng cửa 6 nhà máy sẽ dẫn đến thiệt hại
hơn 34 triệu Đài tệ mỗi ngày, tương đương 1,2 triệu đô la Mỹ (US$1.2 million).
Điều đáng ngạc nhiên là quyết định lần này của chính quyền huyện Vân Lâm đã được
sự ủng hộ của các bộ thuộc chính quyền trung ương. Điều này phản ánh sự thay đổi
của xu hướng chính trị chung sau khi Tổng thống Mã Anh Cửu tuyên bố không ủng hộ
dự án hóa dầu Kuokuang. [“Work Suspension at the Sixth Naphtha Cracker
Plant: Why is Su Chi-fen so brave?”, Tian Sia Magazine No. 473, May 2011]
-
Mặc dù người đứng đầu Formosa xin lỗi và chính quyền huyện có biện pháp mạnh,
chỉ hai tháng sau (ngày 30/7/2011), một đám cháy khác lại xảy ra tại nhà máy lọc
dầu của Formosa tại khu công nghiệp hóa dầu Mạch Liêu. Chủ tịch Hội đồng quản
trị Vương Văn Triều (Wilfred Wang, 王文潮) và Tổng giám đốc Tô
Khải Ấp (Su Chi-yi, 蘇啟邑) của Công ty Hóa dầu
Formosa (Formosa Petrochemical Corp) phải tuyên bố từ chức. [Executives quit
over blazes at Formosa Petrochemical Corp”, Taipei Times Jul 31, 2011”]
Vào
tháng 9 năm 2011, Formosa Petrochemical mời ông Trần Bảo Lang – cựu chủ tịch
Công ty Xăng dầu Đài Loan (China Petroleum Corporation) và là người đứng đầu dự
án hóa dầu Kuokuang vừa bị đình hoãn, giữ chức vụ chủ tịch công ty thay cho ông
Tô Khải Ấp vừa từ chức. Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Trần cho biết việc giải
quyết các vấn đề an toàn cho các nhà máy tại Mạch Liêu sẽ mất từ 2 đến 3 năm. Tập
đoàn cam kết chi tổng cộng 12 tỷ Đài tệ (416 triệu đô-la Mỹ) cho đến tháng 6
năm 2014 để thay mới và tái cấu trúc 1063 đường ống dài khoảng 1266 km tại tổ hợp
Mạch Liêu (tổ hợp công nghiệp này có tổng cộng 3000 km đường ống).
Những
vụ tai nạn liên tục xảy ra đã khiến chính phủ QDĐ phải áp dụng biện pháp mạnh
hơn đối với khu tổ hợp hóa dầu Mạch Liêu. Theo một bản tin của Kevta Fire
Systems đề ngày 28/3/2013, vì những đám cháy liên tục xảy ra tại các nhà máy của
tập đoàn Formosa trong hai năm 2010-2011, chính phủ Đài Loan đã ra lệnh đóng cửa
hơn 50 nhà máy trong vòng một năm tại khu công nghiệp Mạch Liêu. Trước khi có
thể cho phép các nhà máy này sản xuất trở lại, Formosa buộc phải thực hiện các
cuộc thanh tra về an toàn dưới sự giám sát của một tổ chức quốc tế - với tư
cách một bên thứ ba. FPG đã chọn chi nhánh của Công ty TüV Rheinland (CHLB Đức)
với 140 năm lịch sử. Công ty này đã đánh giá an toàn công nghiệp đối với 13 nhà
máy hóa dầu và năng lượng. Sau gần 9 tháng làm việc, vào tháng 9 năm 2012, TüV
Rheinland đã giao hơn 3 ngàn điểm phát hiện (kèm theo lời khuyến cáo) để tập
đoàn Formosa sửa chữa theo yêu cầu của chính phủ.(4)
Trở thành nhà lập pháp:
Sau
khi làm huyện trưởng huyện Vân Lâm hai nhiệm kỳ (2005-2014), bà Tô rời chức vụ
huyện trưởng. Người trúng cử vào chức vụ này vẫn là một đảng viên Dân Tiến: ông
Lý Tiến Dũng (Lee Chin-yung 李進勇). Cuộc đấu tranh với khu tổ hợp Mạch
Liêu của Formosa vẫn còn phải tiếp tục vì theo các nhà khoa học, khí thải từ
các nhà máy ở đây vẫn còn vượt quá các quy định cho phép.
Thành
quả bà Tô Trị Phần để lại cho người dân huyện Vân Lâm là công trình nghiên cứu
mà chính quyền huyện đặt hàng với Giáo sư Chiêm Trường Quyền (Chan Chang-chuan 詹長權) của Đại học Quốc
gia Đài Loan vào năm 2009. Ba năm sau, vào tháng 7 năm 2012, giáo sư Chiêm đã
trình bày kết quả điều tra, cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ung thư của cư dân sống
trong vòng 10 km xung quanh nhà máy từ 2008 đến 2010 cao hơn 4,07 lần so với
giai đoạn từ 1999 đến 2001. Công trình nghiên cứu này chính là cơ sở khoa học để
74 cư dân tại xã Đài Tây, huyện Vân Lâm đưa đơn kiện Formosa về hậu quả ô nhiễm
môi trường đã gây ra bệnh ung thư cho chính bản thân hay gia đình họ. [“Taisi
residents with cancer sue operator of Mailiao cracker”, Taipei Times Aug 15,
2015]
Chính
là dựa trên kinh nghiệm này mà huyện Chương Hóa lân cận phía bắc cũng mời giáo
sư Chiêm tiến hành điều tra tình trạng sức khỏe của các cư dân sống gần nhà máy
NC số 6. Kết quả điều tra công bố hồi tháng 4 năm 2015 cho thấy cư dân ở một số
làng thuộc xã Đại Thành (huyện Chương Hóa) bị ảnh hưởng của ô nhiễm không khí
còn nặng hơn so với cư dân huyện Vân Lâm, vì hứng chịu không khí ô nhiễm do gió
thổi sang. [“Naphtha cracker hurts Changhua most: report”, Taipei Times
Apr 12, 2015]
Trong
bài báo đăng trên tạp chí Tian Sia số 473 (tháng 5/2011) bà Tô có kể lại cho
nhà báo nghe một kỷ niệm đáng nhớ. Vào ngày 12/5/2011, lúc xảy ra đám cháy lớn
tại khu tổ hợp Mạch Liêu, bà đang đứng thị sát thì gió đổi chiều, nước từ các
vòi rồng cứu hỏa bắn tung tóe vào người bà. Lúc này bà chợt nhớ lại lời cảnh
báo của một chuyên gia hồi tháng 4, khi ông này nói sẽ có điều xấu xảy ra trong
mùa hè. Lúc nghe câu đó, bà lạnh toát mồ hôi. Sợ hãi, bà hỏi tại sao ông lại
nói như thế. Vị chuyên gia này trả lời rằng dựa theo kinh nghiệm trong các cuộc
họp về an toàn lao động cũng như sự hiểu biết của ông về văn hóa tổ chức
(organizational culture) của Formosa, tập đoàn này không chú ý đến an toàn lao
động. “Ngạc nhiên thay, lời nói đó chỉ một tháng sau đã trở thành sự thật”.(5)
Kinh
nghiệm của những năm làm huyện trưởng, khi phải đấu tranh với Formosa – một con
quái vật khổng lồ có thế lực rất lớn - gắn bó với các quan chức Quốc Dân Đảng,
khiến bà Tô hiểu rằng để giải quyết nạn ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra,
không thể chỉ dựa vào sức mạnh của một địa phương nhỏ, mà phải dựa vào sức mạnh
của toàn dân, thậm chí vào dư luận toàn thế giới. Có lẽ vì thế mà khi trở thành
nghị sĩ, nghe tin về thảm họa đã xảy ra đối với các tỉnh miền Trung Việt Nam,
bà rất thông cảm với người dân ở đây. Chúng ta có thể đoán được lý do sâu xa
khiến bà Tô tham gia cuộc họp báo và cùng với các đồng sự trong Viện Lập pháp,
phát biểu những ý kiến rất mạnh mẽ.
Hình
8: Bà Tô Trị Phần (người thứ ba từ trái sang) trong một chuyến công tác.
Về
mối quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc (đại lục), quan điểm của bà Tô Trị Phần
cũng rất rõ rệt. Vào tháng 6 năm 2013, Hiệp ước thương mại dịch vụ xuyên-Eo-biển
(Cross-Strait Service Trade Agreement, CSSTA) được ký kết giữa hai tổ chức đại
diện cho Trung Quốc và Đài Loan nhằm mở rộng tự do mậu dịch trong nhiều lĩnh vực
kinh doanh dịch vụ. Hiệp định này đã vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của các nghị
sĩ đối lập, vì họ cho rằng việc mở cửa cho đầu tư kinh tế của Trung Hoa (cộng sản)
một cách dễ dãi sẽ gây nguy hại đến nền kinh tế Đài Loan. Với tư cách là huyện
trưởng Vân Lâm, bà Tô Trị Phần tuyên bố không công nhận và không áp dụng hiệp định.
[“Pan-green camp threaten a recall over service pact”, Taipei Times Jun
25, 2013.] Kết quả sau cùng là những cuộc biểu tình rầm rộ của sinh viên Đài
Loan trong năm 2014 (Phong trào Hoa Hướng Dương, Sun Flower Movement) đã khiến
cho Viện Lập pháp không thể thông qua hiệp định.
So
sánh hai gia đình họ Vương (chủ nhân của Formosa) và họ Tô (một trong những hạt
nhân của Đảng Dân Tiến), chúng ta thấy có sự tương phản rõ rệt:
Anh
em họ Vương (Vương Vĩnh Khánh và Vương Vĩnh Tại) – những người sáng lập Formosa
không phải là người từ lục địa (mainlander) mà là những người gốc Đài Loan. Tô
Đông Khải (và vợ ông là Tô Hồng Nguyệt Kiều) - những người đi đầu trong công cuộc
dân chủ hóa Đài Loan, cũng là những người gốc Đài Loan. Thế nhưng hai gia đình
và con cái của họ đã đi theo hai hướng hoàn toàn khác nhau. Một bên thì dựa vào
chính quyền Quốc Dân Đảng để làm ăn giàu có, và khi đảng này mở cửa giao thương
với đại lục theo nguyên tắc “Một nước Trung Hoa” thì vội vàng nhảy sang đại lục
làm ăn, bất kể đúng sai, miễn là có lợi. Tệ hơn nữa, họ đã câu kết với một tập
đoàn kinh doanh của Trung Quốc (MCC) để tạo ra một “đội quân thứ năm” của Trung
Quốc trên lãnh thổ Việt Nam, và ngày nay gây ra thảm họa “cá chết”. Phía bên
kia là một gia đình khác đã hy sinh, gánh chịu nhiều đau khổ, nhưng quyết tâm bảo
vệ quyền lợi của người dân Đài Loan, không bị ru ngủ bởi khẩu hiệu ái quốc giả
hiệu “Một nước Trung Hoa”.
Vì
vậy, chúng ta có quyền hy vọng những người Đài Loan chân chính như bà Tô Trị Phần
sẽ góp phần làm trong sạch môi trường thiên nhiên của Đài Loan bằng cách trước
hết “làm trong sạch” giới doanh nhân Đài Loan, để không còn có kẻ hám lợi nào
cam tâm làm tay sai cho Đảng Cộng sản Trung Quốc trong âm mưu bành trướng kiểu
Đại Hán của họ.
Người
Việt Nam lâu nay vẫn tín nhiệm “thương hiệu Đài Loan”, sẵn sàng đón nhận làn
sóng đầu tư từ Đài Loan, nhưng nhất định không bao giờ chấp nhận loại doanh
nhân thiếu đạo đức – mang danh hiệu Đài Loan nhưng lại núp bóng cộng sản Trung
Quốc, gây tổn hại đến lợi ích của nhân dân Việt Nam.
Hết
Đà
Lạt 8/7/2016
______________________________________
Chú
thích:
(1)
“DPP turns on petrochemicals”, Taipei Times Jul 29, 2010:
(2)
Những con cá heo lưng gù lúc mới sinh ra có màu đen, khi lớn lên đổi thành màu
xám, rồi thành màu hồng nhạt với các đốm xám, khi trưởng thành lại trở thành
màu trắng.
(3)
“Thousands march in antipetrochemical protest in Taipei”, 14 November
2010:
(4)
“Taiwan Refinery Fire Assessment”, March 4, 2013:
(5)
“Work Suspension at the Sixth Naphtha Cracker Plant: Why is Su Chi-fen so
brave?”, Tian Sia Magazine No. 473, May 2011. Bản dịch tiếng Anh đăng trên
trang blog “Save the Taiwan Pink Dolphins”: http://taiwansousa.blogspot.ch/2011/06/work-suspension-at-sixth-naphtha.html
Tài
liệu tham khảo:
-
Ming-sho Ho (Ph. D. in Sociology, National Taiwan University), “Resisting
Naphtha Crackers”, A historical survey of environmental politics in Taiwan,
Published in China Perspectives, 2014/3.
-
Hsiang Yuan Wu (MA in China Studies, Jackson School - University of
Washington), “Taiwan’s Environmental Movement: the Case of Anti-Kuo Kuang
Petrochemical Industry Movement and Anti-Nuclear Waste Movement in Orchid
Island”, 2014.
-
Các dữ liệu khác lấy từ Wikipedia (bản tiếng Anh), các tạp chí Đài Loan Taipei
Times, The China Post, các trang blog tiếng Anh của các tổ chức bảo vệ môi trường
Đài Loan,…
No comments:
Post a Comment