Tuesday, 5 July 2016

ĐÃ ĐẾN LÚC MẶC CẢ VỚI TRUNG QUỐC ? (Bill Hayton - BBC)





Bill Hayton
Nhà nghiên cứu, Chương trình Á châu, Chatham House
5 tháng 7 2016

Chiến lược của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa (mà Việt Nam gọi là Biển Đông) chuẩn bị phải đón cú đảo chiều.

Chỉ trong ít ngày nữa, Tòa Trọng tài Quốc tế sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc.
Tuy chưa có gì là chắc chắn, nhưng có hai điều ta có thể nói được vào lúc này về những gì có thể sẽ xảy ra.
Trước tiên, tòa trọng tài sẽ ra phán quyết là một số yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là không phù hợp với luật quốc tế.
Thứ nhì, người phát ngôn của Trung Quốc sẽ tung ra một loạt những tuyên bố hùng hồn để lên án tòa trọng tài và Philippines, và sẽ tuyên bố Trung Quốc không chấp nhận phán quyết.
Các đại sứ của Bắc Kinh tại nước ngoài đã sẵn sàng cho cuộc chơi. Các quan chức đã soạn thảo những bài viết và mua các khung quảng cáo trên báo chí toàn thế giới.
Một số nhắm tới việc quấy rối cá nhân các thẩm phán của tòa trọng tài (chẳng hạn như tổng biên tập của Tạp chí Luật Quốc tế Trung Quốc, Sienho Yee, đã gọi thẩm phán Thomas Mensah vốn rất được tôn trọng là "một cựu viên chức thuộc địa Anh thấp kém" tại một cuộc hội thảo quốc tế), gửi cho họ những lá thư đe dọa và cáo buộc cựu Chủ tịch Tòa Quốc tế về Luật Biển là thiên vị chỉ bởi ông này là người Nhật.
Thế giới cần phải phớt lờ những lời lẽ đao to búa lớn này. Nền chính trị Trung Quốc cảm thấy mất mặt và họ cần có nơi để xả đi nỗi xấu hổ của mình trước một quốc gia nhỏ bé.

Bắc Kinh sẽ làm gì?

Câu hỏi thực sự ở đây là liệu Bắc Kinh có sẽ làm gì thật không.
Họ có thể sẽ chọn cách làm trầm trọng thêm tình hình bằng cách phong tỏa hoặc đuổi binh lính của Philippines khỏi một trong chín vị trí trên Biển Đông mà họ đang chiếm giữ.
Họ có thể triển khai các chiến đấu cơ hoặc hỏa tiễn tân tiến tới các đảo nhân tạo mới được xây dựng tại Quần đảo Trường Sa, hoặc có thể sẽ tuyên bố "Vùng Nhận dạng Phòng không" (‘Air Defence Identification Zone’ - ADIZ) quanh các đảo này để cảnh báo nước khác chớ tới gần.
Không phải là trùng hợp ngẫu nhiên, khi mà Hoa Kỳ gần đây tuyên bố triển khai đội hình hàng không mẫu hạm thứ hai tại khu vực tây Thái Bình Dương.
Chúng ta có thể đoan chắc là có một số thông điệp cứng rắn đang được chuyển qua lại giữa các nhà ngoại giao ở Washington và Bắc Kinh, nhằm ngăn chặn Trung Quốc có bất kỳ hành động khinh suất nào.
Nhưng chúng ta cũng cần phải thực tế.
Bất kể tòa ra phán quyết thế nào, Trung Quốc cũng không bị thuyết phục về việc các đòi hỏi chủ quyền của họ tại Biển Đông là bất hợp pháp.
Qua nhiều thập niên tuyên truyền sai về lịch sử, Trung Quốc đã tự mình thuyết phục mình rằng Trung Quốc và chỉ Trung Quốc mà thôi là chủ sở hữu hợp pháp của toàn bộ những gì nằm trong phạm vi đường 'Lưỡi bò' mà nước này đòi chủ quyền.
Một số nhà quan sát Trung Quốc tin rằng ông Tập Cận Bình đang biến vấn đề của Trung Quốc ở Biển Đông thành một cuộc thập tự chinh cá nhân.

Có thể áp dụng 'nước cờ' của Philippines?

Trong vài tháng qua, Hoa Kỳ có vẻ như đã tỏ ra dứt khoát tại khu vực Bãi cạn Scarborough. Mỹ triển khai máy bay chiến đấu tới Philippines và sau đó, theo tin từ Washington, các tàu nạo vét của Trung Quốc ở nơi này đã phải rút đi.
Nhưng Trung Quốc sẽ không dừng lại và các hàng không mẫu hạm của Mỹ không thể đóng tại đó mãi mãi.
Chính sách kiềm chế không thể được áp dụng dài hạn. Một đất nước Trung Quốc giận dữ và mất mặt là điều không có lợi cho cả Hoa Kỳ lẫn khu vực, và nơi này cần có một cách duy trì hòa bình, ổn định dài hạn hơn.
Nói cách khác, Trung Quốc cần một lối thoát phụ để ra khỏi cuộc đối đầu hiện thời, một giải pháp mà Bắc Kinh có thể chấp nhận mà không sợ bị mất mặt.
Hay nói một cách ngắn gọn là Trung Quốc cần chiến thắng. Thêm nữa, thế giới cần thuyết phục Trung Quốc chớ có cố thử tiếp tục thay đổi tình hình ở Biển Đông.
Nếu như Trung Quốc muốn xoay chuyển tình thế, họ có thể tính đến chuyện làm với Nhật đúng những gì mà Philippines đang làm với họ.
Nhật Bản đòi vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý xung quanh khu vực Okinotorishima hoang vắng, chiếm chừng nửa triệu cây số vuông trên biển, nơi hiện các đội tàu đánh cá và các công ty dầu khí nước ngoài không được vào khai thác.
Bất chấp việc Nhật nói Okinotorishima đáp ứng điều kiện để tạo ra một vùng Đặc quyền Kinh tế xung quanh, nhưng thực ra không có mấy khác biệt giữa kích thước, điều kiện của địa điểm này nếu đem so với Bãi cạn Scarborough.
Tòa Trọng tài nhiều khả năng sẽ ra phán quyết rằng Bãi cạn Scarborough chỉ là khu vực đá cho nên không tạo thành điểm hình thành nên Đặc quyền Kinh tế.
Nếu như Trung Quốc muốn có một thắng lợi dễ dàng, tất cả những gì họ cần làm sẽ là bắt chước Philippines và gửi hồ sơ kiện Tokyo.
Tokyo sẽ phải chịu thua nếu muốn giữ nguyên tắc "duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật định".

Liệu có thể duy trì giải pháp 'Giữ nguyên hiện trạng'?

Về mặt dài hạn, trật tự quốc tế dựa trên luật định sẽ phải cần có sự chấp thuận của Trung Quốc.
Có những bằng chứng cho thấy tình hình đang diễn biến theo chiều hướng này.
Chương trình Luật Quốc tế tại viện nghiên cứu Chattham House nói Trung Quốc đã có nhiều bước đi, "gồm cả việc chính phủ xây dựng một bộ máy ra quyết định nhằm thúc đẩy sự tuân thủ luật pháp quốc tế, thuê ồ ạt các luật sư quốc tế và một ủy ban cố vấn mới cho Bộ Ngoại giao", theo một bản phúc trình sắp được công bố.
Nhưng điều này không có nghĩa là giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ quyết định ngưng hoạt động ở Biển Đông. Cả quyết rằng mình có chính nghĩa, họ sẽ không dừng bước trừ phi có một lý do nào đó rất thuyết phục.
Việc Hoa Kỳ và các nước khác triển khai hải quân, "Chiến dịch tự do di chuyển hàng hải", các tuyên bố ngoại giao trong khu vưc, và những bình luận riêng đang ngày càng tăng từ các quốc gia láng giềng giận dữ sẽ ít nhiều có ảnh hưởng, nhưng đổi lại, cái giá sẽ là sự căng thẳng gia thăng và nguy cơ đối đầu trở nên lớn hơn bao giờ hết.
Điều gì sẽ khiến Trung Quốc chấp nhận giữ nguyên hiện trạng ở Biển Đông?
Có thể việc trông đợi Bắc Kinh chính thức công nhận đòi hỏi của các nước láng giềng là quá nhiều, nhưng liệu có thể đạt được sự nhân nhượng không chính thức về cả vấn đề lãnh thổ lẫn Luật Biển?
Các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở đây đã làm như vậy. Họ không chính thức rút đi các tuyên bố của mình đối với các vùng biển, đảo mà nước khác hiện chiếm giữ, nhưng họ thống nhất với nhau rằng sẽ không làm gì để theo đuổi thêm nữa.
Nay, khi đã bảo đảm được vị trí chiến lược tại Trường Sa với bảy căn cứ lớn đã gần như được hoàn tất xây dựng [trên các đảo cơi nới], liệu Trung Quốc có thể cùng tham gia vào thỏa thuận đó không?

Vai trò của Hoa Kỳ

Vào lúc này, Trung Quốc không có mấy lợi ích trong việc thỏa thuận với các nước láng giềng cũng đang đòi chủ quyền ở vùng biển này.
Như lời cựu Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, thì "Trung Quốc là một nước lớn, và các nước khác là những nước nhỏ, đó là thực tế".
Điều mà Trung Quốc đang muốn có chính là việc được Hoa Kỳ thừa nhận.
Theo đuổi quyết liệt hình mẫu câu lạc bộ "các đại cường quốc" nhưng mãi không được hồi âm, Trung Quốc thật bẽ bàng.
Hoa Kỳ từng có lúc suýt thuận tình tham gia quan hệ mới này, khi Tổng thống Obama gặp Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng Ba 2014.
Tuy nhiên, sau khi vấp phải những chỉ trích chính tại Hoa Kỳ và sự phản đối từ Nhật Bản, Washington đã từ bỏ ý định.
Có lẽ nay đang có lý do thỏa đáng để làm sống lại ý tưởng này?
Cần phải làm điều gì để đạt được hòa bình ổn định tại các vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông?
Trung Quốc cần phải thừa nhận tình hình thực tế (de facto), nếu không phải là theo luật định (de jure), của một số các đảo đá, rạn san hô và các đảo đang có tranh chấp, cũng như việc áp dụng Luật Biển đối vơi toàn bộ các vùng nước lân cận quanh đó.
Hoa Kỳ có lẽ cũng muốn thiết lập một cơ chế kiểm soát hỏa tiễn trong khu vực nhằm loại trừ đe dọa nhắm vào các tàu chiến và phi cơ đang qua lại của họ.
Để đổi lại, Hoa Kỳ sẽ phải đưa ra bảo đảm rằng sẽ không đe dọa các tuyến hải hành của Trung Quốc trong khu vực.
Washington cũng sẽ cần xoa dịu nỗi sợ hãi của giới lãnh đạo Bắc Kinh về hoạt động lật đổ bị cho là do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Các cuộc đàm phán sẽ rất phức tạp còn bởi các "lợi ích cốt lõi" khác của Trung Quốc, như vấn đề liên quan an ninh Đài Loan và những quan ngại của Hoa Kỳ đối với an ninh của các đồng minh của mình.
Đó đều là những vấn đề lớn và không rõ là bên này liệu có tin được bên kia hay không để mà mặc cả. Để đạt thỏa thuận sẽ cần rất khéo léo về ngoại giao.
Đông Nam Á không muốn một "Hội nghị Yalta của Á châu" - nhằm đưa ra một trật tự lưỡng cực trong khu vực - nhưng cũng không muốn việc cạnh tranh giữa các nước đại cường hủy hoại 40 năm hòa bình và tiến bộ.
Khu vực, và thế giới, cần có một Biển Đông ổn định. Để đạt được điều đó, Trung Quốc cần chấp nhận hiện trạng. Nếu những điều kiện này đạt được, thì có lẽ rốt cuộc nay là lúc cần cho Trung Quốc thực hiện ý tưởng về các nước đại cường.

-------------------
Nhà báo Bill Hayton, từng có thời gian thường trú ở Việt Nam cho BBC, là tác giả quyển sách về Biển Đông, "The South China Sea: the struggle for power in Asia" (2014). Ông viết bài này với tư cách thành viên nghiên cứu (associate fellow) tại Chatham House, London.




No comments:

Post a Comment

View My Stats