Monday, 11 January 2016

Ý KIẾN ĐA CHIỀU VỀ ĐẠI HỘI ĐẢNG 12 (Nam Nguyên - RFA)





Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016-01-11

Cuộc đua tranh quyền lực trước Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12, bước vào giai đoạn cuối với Hội nghị Trung ương 14 khai mạc sáng 11/1 và kéo dài 3 ngày, sau đó là Hội nghị Trù bị ngày 20 và qua ngày 21 thì khai mạc Đại hội Đảng.

Phe thân Trung Quốc thắng thế

Đến chiều tối ngày thứ hai 11/1/2016 thì những tin tức được bật mí từ Hà Nội đã nhanh chóng loan truyền trên mạng cả trong và ngoài nước. Theo đó Bộ Chính trị đã chốt danh sách đề cử Tứ Trụ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ ngồi lại nửa nhiệm kỳ, hoặc ít nhất 1 năm. Đại tướng Trần Đại Quang Bộ trưởng Công an vào chức vụ Chủ tịch Nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Thủ tướng và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được đôn lên làm Chủ tịch Quốc hội.

Mặc dù tin rò rỉ như vừa nêu khó thể kiểm chứng, nhưng nó có vẻ khớp với những lời đồn đoán là phe bảo thủ thân Trung Quốc đã thắng thế vào giai đoạn cuối.

Mặc dù không muốn bình luận về một danh sách tứ trụ chưa được loan báo chính thức, nhưng TS Nguyễn Quang A nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, nhà hoạt động xã hội dân sự cổ vũ thực thi dân quyền đã từ Hà Nội phát biểu với Đài Á châu Tự do:

“Thực sự là không muốn nhận xét gì, tôi cũng có nghe phỏng đoán như anh vừa nói không phải ngày hôm nay (11/1) mà mấy hôm trước rồi. Tôi nghĩ rằng, nếu mà nó như thế thì có thể chẳng có thay đổi gì cả. Bởi vì cũng vẫn là những gương mặt ấy, vẫn là cái ông đảng trưởng ấy, một cái ông vô cùng trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Ông ấy vẫn nói là cương lĩnh của Đảng ông ấy là còn trên cả Hiến pháp thì tôi nghĩ là không có kỳ vọng gì cả. Chỉ có cách là người dân phải quên các ông ấy đi, phải quyền của mình thì mình cứ thế mình làm, bất luận ông ấy muốn làm gì hay muốn áp đặt gì.”

Cùng ngày 11/1/2016 Hội nghị Trung ương 14 khai mạc, TS Nguyễn Quang có bài viết trên trang Facebook, khuyên thành phần dân chúng không phải đảng viên cộng sản, hay cảm tình viên của đảng, không nên bị cuốn vào vòng tranh chấp phe đảng ủng hộ ông này người kia và thậm chí còn mạt sát nhau.

Theo TS Nguyễn Quang A, thái độ mà người dân có thể bày tỏ là không thể ủng hộ những thành phần thể hiện thái độ và việc làm nhằm duy trì chế độ độc tài, làm tay sai bán nước; đồng thời cũng không thể ủng hộ thành phần tham nhũng, trục lợi.

TS Nguyễn Quang A khuyên người dân nên làm những việc có thể làm, trong khả năng của mình để tiến tới dân chủ hóa một cách hòa bình. Mục đích tối thượng là chuyển đổi chế độ mà ông gọi là độc tài và ngày càng cảnh sát hóa sang chế độ dân chủ thực sự một cách ôn hòa. TS Nguyễn Quang A giải thích:

"Thí dụ Hiến pháp của Việt Nam qui định là người dân có quyền lập hội, thế thì người dân cứ thế mà lập hội, không phải đợi ông nào cho phép cả. Việc nhà nước chưa có luật để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền lập hội của mình một cách văn mình, thì đấy là lỗi của các ông ấy, lỗi của Quốc hội, không phải lỗi của dân và người dân cứ thế mà thực thi. Hiến pháp qui định người dân có quyền bầu cử ứng cử, thế thì người dân cứ ra ứng cử và phản đối kịch liệt việc ông ấy nhân danh Tổng Bí thư Đàng Cộng sản để bảo phải chọn như thế này, thế kia, thế là ông ấy cướp quyền của dân, phải phản đối kịch liệt điều này.
Đấy là những việc lớn, còn những nhỏ hàng ngày ở ngoài đường ở Tổ dân phố và trong công việc làm ăn, bao nhiêu quyền nữa mà người dân chứ biết và cứ thế mà thực hiện. Người ta bảo có quyền xuất bản, tôi có tác phẩm thì tôi cứ xuất bản còn luật kiểm duyệt của ông là một chuyện khác…”

Liệu có thay đổi chính sách?

Trước khi Hội nghị Trung ương 14 diễn ra, chúng tôi có nêu câu hỏi với học giả Đinh Kim Phúc, một nhà nghiên cứu Biển Đông hiện sống và làm việc tại Saigon về kỳ vọng một Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản sắp tới có khả năng thiết lập lập quan hệ cân bằng với Trung Quốc, thay vì bị  lép vế như hiện nay. Học giả Đinh Kim Phúc phát biểu:

“Tôi không phải đảng viên, không phải thành phần đại biểu đi dự Đại hội Đảng nên rất khó trả lời. Nhưng có thể nói là đối với những người trong nước theo dõi tình hình chính trị trong nước cũng như những mối quan hệ quốc tế, tôi có thể nói thẳng khi Việt Nam năm 1986 thực hiện chính sách đổi mới, tôi đánh giá rất cao vấn đề đổi mới tư duy chính trị, nhìn mối quan hệ quốc tế nó khác với thời kỳ chiến tranh lạnh.
Và đường lối của Đại hội 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra là không đi với một nước này để chống một nước khác, mà không bao giờ để các siêu cường trên thế giới mất quyền lợi ở Đông Nam Á thì sẽ giữ được môi trường hòa bình và ổn định của khu vực này, trong đó có phần của Việt Nam. Tôi mong Ban Lãnh đạo mới của Việt Nam đừng nêu ra cái gì mới chỉ thực hiện đổi mới tư duy chính trị quốc tế như Đại hội 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, thì tôi nghĩ rằng sẽ có biện pháp để đối phó với Trung Quốc.”

Nếu như những người ngoài Đảng như TS Nguyễn Quang A, Học giả Đinh Kim Phúc có cách nhìn của những nhà quan sát thời cuộc, thì TS Trần Công Trục, Đảng viên Đảng Cộng sản nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam, lại vẫn đặt kỳ vọng vào Ban Lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản sau Đại hội 12 sẽ bảo vệ được chủ quyền biển đảo của Việt Nam, dù theo lời ông người láng giềng phương Bắc lúc này lúc khác đẩy Việt Nam vào thực tế khó khăn. TS Trần Công Trục phát biểu:

 “Tôi rất kỳ vọng tin tưởng rằng sau Đại hội này, Việt nam chúng tôi sẽ có một đội ngũ lãnh đạo mới và đội ngũ đó vẫn phải phát huy được truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất kiên cường của ông cha người Việt Nam chúng tôi từ trước đến nay, đặc biệt trong việc giữ vững chủ quyền thiêng liêng và sự toàn vẹn lãnh thổ mà các thế hệ Việt Nam chúng tôi đã đổ máu, đổ mồ hôi nước mắt để giữ gìn. Tôi vẫn kỳ vọng điều đó, những thế hệ của chúng tôi và thế hệ tiếp nối sau này nữa có thể tiếp tục con đường đó.”

Được biết Việt Nam có trên 3 triệu đảng viên cộng sản, gia đình họ hàng bạn bè của họ có thể chịu ảnh hưởng nhất định về quyền lợi của chế độ. Như thế số lượng cảm tình viên Đảng Cộng sản không nhỏ so với dân số.

Mặc dù khuynh hướng tích cực hiện nay cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam khó thay đổi đường lối chính trị của mình, nhưng trên thế giới cũng đã có những nhà lãnh đạo đảng Cộng sản có ảnh hưởng nhất định về cải cách dân chủ và vô hình chung giúp vào tiến trình thay đổi thể chế độc đảng ở nước họ. Đại hội Đảng Cộng sản VN lần thứ 12 bầu chọn thế hệ lãnh đạo tương lai như thế nào, là câu hỏi sẽ sớm có câu trả lời.





No comments:

Post a Comment

View My Stats