VOA Tiếng Việt
06.01.2016
Vấn đề Biển Đông đã được đề cập đến trong cuộc
họp báo thường lệ của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 5/1, một ngày sau khi Chủ tịch Ủy
ban Quân vụ Thượng viện Mỹ chỉ trích chính quyền Tổng thống Barack Obama là đã
trì hoãn hoạt động tuần tra trên Biển Đông, nêu bật tầm quan trọng cao hơn của
cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông trên chính trường Mỹ.
Trong
cuộc họp báo thường lệ chiều hôm 5/1, Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ
Peter Cook tái khẳng định chính sách của Washington, nói rằng các cuộc tranh chấp
Biển Đông phải được giải quyết qua đường lối ngoại giao, và ‘bất cứ hành động
nào thách thức điều đó, làm leo thang căng thẳng trong Biển Đông, đều không có
ích gì’. Ông Peter Cook nhấn mạnh đó là một khu vực quan trọng của thế giới, một
khu vực quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ, và cho nước Mỹ nói chung.
Trả lời
câu hỏi về liệu Bộ Quốc phòng Mỹ có một vai trò trong việc đảm bảo Biển Đông vẫn
là một vùng lãnh hải quốc tế? Ông Peter Cook nói rằng “Như Bộ trưởng Quốc phòng
Mỹ đã nói, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng một vai trò thiết yêu tại khu vực đó của thế
giới để bảo đảm ổn định khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, và chính sách xoay trục
sang Châu Á thể hiện lập trường đó”.
Người
phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý rằng quân đội Mỹ đã duy trì sự ổn định và
an ninh trong khu vực từ lâu, và vai trò đó cũng đó là lý do quân đội Mỹ bấy
lâu nay hiện diện trong khu vực và xa hơn thế nữa.
Trong một
diễn biến khác liên quan tới Biển Đông, Thượng nghị sĩ John McCain, hôm 4/1 đã
lên tiếng chỉ trích chính phủ của Tổng thống Obama là đã trì hoãn, không tiếp tục
các hoạt động tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung
Quốc xây ở Biển Đông, để khẳng định quyền tự do hàng hải và đi lại trên vùng biển
quốc tế này.
Ông
McCain, nhà lập pháp rất có thế lực trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng
viện Mỹ, cho rằng việc Hoa Kỳ có thái độ do dự, không quyết đoán đã cho phép
Trung Quốc tiếp tục các hành động hung hăng hơn để áp đặt chủ quyền ở Biển
Đông. Hành động mới nhất, theo ông McCain, là Bắc Kinh vẫn tiếp tục quân sự hoá
các đảo tân tạo và hôm 2/1 đã cho đáp thử máy bay trên các phi đạo mới xây trên
đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cho là thuộc chủ quyền của
mình.
Thượng nghị sĩ McCain nói việc chính phủ Mỹ không thực hiện các chuyến tuần tra vào cuối năm 2015 như dự định trước đó là một điều "đáng thất vọng" nhưng không làm ông ngạc nhiên.
Từng là
đối thủ tranh giành chức Tổng Thống với ông Obama, Thượng nghị sĩ John McCain
chỉ trích chính phủ do ông Obama lãnh đạo là "hoặc không có khả năng giải
quyết những sự phức tạp trong quan hệ hợp tác liên cơ quan trong tiến trình làm
quyết định về vấn đề an ninh quốc gia, hoặc là có thái độ quá e dè, sợ rủi ro
nên đã không thực hiện những hành động cần thiết để bảo vệ trật tự ở khu vực
châu Á - Thái Bình Dương dựa trên luật pháp quốc tế”.
Hôm thứ
Hai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng việc Trung Quốc lần đầu
tiên đáp máy bay trên một hòn đảo trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông làm
‘tăng căng thẳng và đe doạ sự ổn định khu vực.’
Các nhà
phân tích nói rằng sự hiện diện quân sự ngày càng được củng cố của Trung Quốc
trong vùng rốt cuộc sẽ dẫn tới quyết định của Bắc Kinh thiết lập một khu nhận dạng
phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Trung
Quốc đang hoàn tất một loạt các cảng biển cùng các kiến trúc trên các đảo nhân
tạo và trong tương lai sẽ đặt những trạm radar cảnh báo sớm và trạm thông tin
liên lạc quân sự tại các đảo mới xây ở quần đảo Trường Sa.
Giáo sư
Ian Storey, một chuyên gia khu vực nói rằng một khi các cơ sở này đi vào hoạt động,
máy bay quân sự và dân sự của các nước khác sẽ bị cảnh cáo thường xuyên hơn, và
đó là “tiền thân của một vùng nhận dạng phòng không trên thực tế, nếu không phải
là một vùng nhận dạng phòng không chính thức. Nếu xảy ra thì căng thẳng sẽ leo
thang hơn nữa tại Biển Đông”.
Theo DOD, Reuters.
----------------------
No comments:
Post a Comment