S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Mon,
01/04/2016 - 16:44 — tuongnangtien
Quản
giáo hống hách như các "cô mậu" thời bao cấp.
*
Có lẽ
vì tuổi đời chưa được nhiều, và vì không am hiểu rõ về phong
tục cùng tập quán của dân tộc Việt nên mới đầu năm/ đầu tháng – thay
vì kiêng cữ cho nó lành – blogger Đoan Trang đã buông đôi lời không được
nhã nhặn cho lắm đối với bộ công an (nói chung) và giới quản giáo
coi tù (nói riêng) như sau:
Quản
giáo hống hách như các "cô mậu" thời bao cấp...
Buổi
sớm 2/1/2016, Hà Nội vẫn hơi lạnh và mờ mờ tối như những sáng mùa đông khác,
nhưng chị Lê Thị Minh Hà (vợ blogger Ba Sàm) và chị Vũ Minh Khánh (vợ luật sư
Nguyễn Văn Đài) đã dậy từ sớm để chuẩn bị đồ tiếp tế, mang vào trại B14 nuôi chồng.
Đây
là lần thăm nuôi đầu tiên của họ trong năm 2016. Từ tháng 11 vừa qua, Trại tạm
giam B14 (thuộc Cục An ninh Điều tra, Bộ Công an) đã lên lịch “gửi quà” cho người
bị tạm giam, tạm giữ trong cả năm 2016. Theo đó, mỗi tháng Trại ấn định hai
ngày cho thân nhân đến thăm nuôi người bị nhốt bên trong - nói trắng ra là
NUÔI, vì chẳng ai sống nổi nếu không có đồ tiếp tế mà chỉ dựa vào trại.
Có đến
đây mới thấy vô vàn cái bất cập và vô nhân đạo của hệ thống nhà tù, trại giam ở
Việt Nam. Hay nói đơn giản hơn, đây là nơi mà sự chà đạp quyền con người trong
xã hội được thể hiện một cách thô thiển và trêu ngươi nhất...
Cán
bộ quản giáo nắm quyền xét duyệt đồ thăm nuôi, coi như có toàn quyền quản lý dạ
dày của người bị giam, nên oai lắm, hống hách lắm, hét ra lửa mửa ra khói y như
mậu dịch viên thời bao cấp. Ở họ, toát lên một thái độ kỳ lạ: luôn sẵn sàng ngồi
lên đầu dân ngay lập tức, nếu thấy dân có vẻ run, yếu thế, dễ bị bắt nạt.
Trong
căn phòng đăng ký chật chội ở bên ngoài trại (là nơi người nhà khai báo và gửi
đồ vào trong trại, cán bộ tiến hành kiểm tra, kiểm duyệt, cân đong đo đếm
v.v.), luôn nghe thấy tiếng cán bộ la lối: “Chị Vinh đâu nhở?”, “Bà X. khai
xong chưa? Làm cái gì lâu thế?”. Hễ viết sai một chữ là người đi thăm nuôi phải
làm lại tờ khai mới, trong khi liên tục bị thúc giục, quát lác xơi xơi.
Chị
Lê Thị Minh Hà đang nộp phiếu gửi đồ cho trại thì Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Oanh,
số hiệu 204-291, cao giọng: “Lần sau đi thăm nuôi thì chị đi một mình thôi. Một
mình chị. Nhá”. Chị Hà hỏi có chuyện gì, cô thiếu tá này trỏ tay vào mấy bạn trẻ
đi cùng (đưa chị Hà và chị Khánh đến trại): “Thì chị nhìn đấy. Họ đến đây làm mất
trật tự”.
Thiếu
tá Nguyễn Thiện Khánh, số hiệu 009-268, tranh thủ ngay: “Mời các anh chị ra
ngoài. Đi về. Về”. Mọi người bực bội: “Chưa xong việc, về cái gì mà về?”.
Cô
Kim Oanh lại hống hách: “Tôi không làm việc với các anh các chị. Tôi chỉ làm việc
với chị Hà đây thôi. Nhá. Mời các anh chị về”...
Khách
quan mà nói thì qúi vị quản giáo của trại giam B14 đã làm việc
hoàn toàn theo “đúng qui trình,” và ngôn từ của họ (nghe) cũng
đâu đến nỗi nào:
- Chị
Vinh đâu nhở?
- Bà X. khai
xong chưa? Làm cái gì lâu thế?
- Mời
các anh chị ra ngoài. Đi về. Về.
Thì
cũng ông/bà hay anh /chị đàng hoàng, chứ có phải là thằng này/ con
nọ gì đâu – đúng không? Thế mà Đoan Trang vội vàng kết luận là “quản
giáo hống hách như các ‘cô mậu’ thời bao cấp!"
Tôi e
rằng nhà báo của chúng ta cũng chả rõ gì mấy về cái thời bao cấp
này đâu. Trong lúc nóng giận cô chỉ nói (đại) thế thôi.
Muốn
biết thực/hư ra sao, phải nghe qua đôi lời từ những người tù thời
đó kìa. Trước hết, xin giới thiệu ông Nguyễn
Hữu Đang, một người tù nổi tiếng hồi thập niên 60, nói qua
(chút xíu) về nội qui của trại mình:
“Án bao nhiêu năm chẳng quan trọng, chẳng
đáng kể. Không một mối liên hệ với bên ngoài, không thư từ, không thăm nom,
không tiền hay quà hay lương thực gửi tới – không, anh không nhận được chút gì
của bạn bè hay gia đình. Anh không có quyền nhận thăm nom, không tiếp xúc với
bên ngoài. Anh chỉ sống chuyên giữa các anh với nhau, những người tù, những tù
nhân chính trị. Thế giới của anh, nhân loại đối với anh là 200 người tù – không
có những người đồng tổ quốc, đồng công dân; với anh, không có gì hết, chỉ có
200 người đồng ngục cùng một số phận…”
Kế
tiếp là một người tù nổi tiếng (không kém) khác, cũng bị bắt giam
vào năm 1959, ông Kiều
Duy Vĩnh:
"Mẹ tôi đến Bộ Công An ở phố Trần Bình
Trọng hỏi về anh con bị tù. Gác cửa không cho vào. Nhưng từ nhà tôi ở chợ Hôm
ra hồ Thiền Quang chưa đến 1 km nên hầu như liên tục khi nào mẹ tôi đi đâu là mẹ
tôi lại tạt vào Bộ Công An quấy rầy họ. Đến nỗi người thường trực cứ trông thấy
mẹ tôi là tránh mặt không tiếp.
Mẹ tôi cứ đến hỏi. Hỏi mãi. Riết rồi họ phải
trả lời. Nhưng cũng mất hơn 3 năm họ mới cho mẹ tôi cái địa chỉ trại tù Cổng Trời:
Công Trường 75A Hà Nội. Mẹ tôi lại hỏi tiếp: Thế cái công trường này nó ở chỗ
nào ở cái đất Hà Nội này? Họ bảo họ không biết...”
Đến
thập niên 70 thì tình trạng ở trại giam ở Việt Nam đã được cải
thiện rất đáng kể, tử tế hơn thấy rõ. Thân nhân người tù được cho
biết nơi giam giữ và được cho phép vào thăm nom, và chuyện trò với
phạm nhân – theo lời của người tù Bùi
Ngọc Tấn:
“Hắn bước lên bậc cấp. Người đầu tiên hắn
nhìn thấy là ông Thanh Vân. Vợ hắn và Bình ngồi ở phía cuối chiếc bàn hình chữ
nhật to dài. Ông Thanh Vân ngồi đầu này.
- Báo cáo ông, tôi có mặt.
Ông Thanh Vân chỉ tay vào một cái ghế ở giữa:
- Anh ngồi xuống. Trại giải quyết cho anh được
gặp chị ấy, nhưng anh không được nhận đồ tiếp tế.
Lại thế nữa. Nhưng thôi. Không đề nghị, không
van xin. Đồ tiếp tế là những thứ cứu sống mình nhưng cũng không là gì cả. Điều
quan trọng là được gặp vợ, hai vợ chồng đôí thoại. Được nhìn nhau. Được nhìn
Bình, người bạn không bao giờ bỏ hắn.
Những câu đối thoại không biết bắt đầu từ
đâu, luôn bị ám ảnh bởi sợ hết giờ. Những câu đối thoại có sự hiện diện của ông
quản giáo, chỉ là những điều dối trá. Thì thôi, hãy nói cho nhau nghe những điều
dối trá. Chúng ta đã học cách nghe những lời dối trá để qua đấy biết được sự thật.
Ông Thanh Vân đã lại lúi húi vào quyển sách giáo khoa. Lần này là quyển Vật lý
lớp 10. Ông là một người vừa thâm canh, vừa quảng canh trí tuệ.
Vợ hắn lên tiếng trước:
- Anh có khoẻ không?
Hắn nhìn vợ. Nhìn thẳng vào mắt vợ. Vợ hắn
cũng nhìn vào mắt hắn. Hai người nhìn nhau. Họ đọc trong mắt nhau tình yêu
thương, nỗi khổ cực, sự đau đớn, niềm tin, sự phẫn uất, nỗi tuyệt vọng, lòng
xót thương không bờ bến, sự khao khát bên nhau và nỗi hận không làm được cả vũ
trụ nổ tung lên...
Hắn thở dài.
Hắn không muốn thở dài trước những ông quản
giáo, vì hắn cho rằng tiếng thở dài của người tù sẽ đem lại niềm vui cho họ. Hắn
không muốn tỏ ra mềm yếu trước mặt người khác. Nhưng lúc này tiếng thở dài là
cái van xả xúp-páp an toàn. Nếu không người hắn sẽ nổ tung lên mất. Cả người hắn
như một quả núi lửa, nghẹn ngào...
Ngọc giàn giụa nước mắt, những dòng nước mắt
lặng lẽ. Hắn nhìn vợ không bằng lòng. Cái nhìn ấy muốn nói: Đừng khóc em. Có ai
thương chúng mình đâu. Những giọt nước mắt của em anh không trả được." (Bùi Ngọc
Tấn.Chuyện
Kể Năm 2000, tập I. CLB Tuổi Xanh, Hoa Kỳ: 2000, 31- 34).
Đến
đây – hy vọng – bà Lê Thị Minh Hà, bà Vũ Minh Khánh, cũng như nhà báo Đoan
Trang, nếu không hoàn toàn hạ hoả thì cũng đã nguôi (giận) phần nào.
Từ thời Nguyễn Hữu Đang đến thời của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Văn
Đài mới có hai thế hệ, hay nửa thế kỷ thôi – chỉ một cái chớp mắt
của lịch sử chứ mấy – vậy mà lịch sử của hệ thống lao tù ở nước
ta đã tiến một bước rất dài, gần như là nhẩy vọt (great leap
forward) chứ đâu phải bỡn.
Lịch sử (vốn) tính bằng thế kỷ mà,
không thể nào vội vàng được. Và cũng chả phải vội làm gì. Cứ từ
từ vì sẽ còn
nhiều thế hệ người Việt vào tù nữa, nếu chế độ hiện hành vẫn còn
có thể tiếp tục hoành hành ở Việt Nam.
No comments:
Post a Comment