Thursday, 7 January 2016

THOÁT VÒNG LUẨN QUẨN ĐỂ LÀ CHÍNH MÌNH & CÓ SỨC MẠNH (Nguyễn Gia Kiểng - Thông Luận)





Được đăng ngày Thứ ba, 05 Tháng 1 2016 17:28

Chúng ta bắt đầu một năm mới hứa hẹn rất nhiều biến chuyển. Cùng với những lời chúc nhau sức khỏe và hạnh phúc, đây cũng là dịp để nhận định tình hình đất nước và trả lời câu hỏi tại sao chúng ta vẫn chưa có dân chủ, chẳng hạn như dân tộc Myanma cách đây vài năm còn thua chúng ta về mọi mặt nhưng đang sắp qua mặt chúng ta vì đã có dân chủ?

Không phải vì chế độ cộng sản mạnh

Vừa qua tôi có tham dự một số cuộc thảo luận, trực tiếp cũng như trên mạng. Đa số anh em cho rằng phong trào dân chủ vẫn còn rất yếu và họ vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm toàn trị. Theo họ cuộc vận đông dân chủ vẫn còn đang dậm chân tại chỗ.
Chắc chắn không phải vì đảng và chế độ cộng sản vững mạnh. Tất cả đều nhìn nhận là cả đảng lẫn chế độ đều đang chao đảo.
Đại hội 12 của Đảng Cộng Sản chưa họp nhưng đã thất bại.
Mục tiêu chính của nó, đặt ra ngay từ đại hội 11 là để thực hiện hiến pháp mới -đáng lẽ đã phải ban hành từ năm 2011- rập khuôn theo chế độ cộng sản Trung Quốc, tập trung quyền lực vào tay một tổng bí thư đồng thời cũng là chủ tịch nước như tại Trung Quốc. Nói cách khác là để thể chế hóa sự lệ thuộc Trung Quốc. Nhưng ngay từ bây giờ ta đã có thể thấy là mục tiêu này sẽ không thực hiện được, như nó đã không thực hiện được trong đaị hội 11, vì đấu đá nội bộ quá dữ dội.

Đại hội này phơi bày sự lúng túng của ĐCSVN. Họ đã chỉ hoàn tất và công bố dự thảo cương lĩnh chính trị -gồm báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế xã hội- vào cuối tháng 9, trễ nửa năm so với các đại hội trước. Các cấp lãnh đạo đã rất chật vật mới hoàn tất được báo cáo chính trị, và chỉ để công bố một văn kiện rỗng nghĩa, hoàn toàn không đưa ra được một giải pháp nào cho các thử thách ngày càng chồng chất, nghiêm trọng và khẩn cấp cho đất nước và cho chính chế độ. Tất cả mọi cố gắng của Đảng chỉ nhắm giải quyết những tranh giành quyền lực và sắp xếp ban lãnh đạo mới. Nhưng ngay cả mục tiêu tối thiểu này cũng sẽ không đạt được.

Đại hội này cũng đánh dấu một sự ly dị dứt khoát giữa Đảng Cộng Sản và xã hội Việt Nam. Khác với các đại hội đảng trước đây, lần này hầu như không có ai đóng góp ý kiến nào với Đảng Cộng Sản cả. Chỉ có một kiến nghị với 127 nhân sĩ ký tên và được đưa ra trong sự lãnh đạm tuyệt đối của dư luận. Nhân dân Việt Nam, nhất là những người dân chủ, đã dứt khoát nhìn Đảng Cộng Sản như một lực lượng chiếm đóng và không còn gì để nói với nó nữa.

Điều mà cương lĩnh chính trị dài hơn 60.000 chữ này không nói thẳng ra nhưng để lộ, bởi vì không thể che giấu, là Đảng Cộng Sản đã thất bại trong tất cả các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2011 – 2015, là đất nước vẫn tiếp tục tụt hậu dù đã tụt hậu bi đát, là tệ quan liêu, tham nhũng vẫn tiếp tục gia tăng dù đã rất nghiêm trọng, tư tưởng và đạo đức chính trị của cán bộ, đảng viên vẫn tiếp tục suy thoái dù đã rất suy thoái. Cũng vì thế đây là lần đầu tiên một báo cáo chính trị nhìn nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản bị thách thức nghiêm trọng và sự tồn vong của chế độ đang bị đe dọa.

Vũ khí của chúng ta

Vậy tại sao phong trào dân chủ vẫn không mạnh lên được?
Chúng ta đã thảo luận nhiều về đề tài này và hầu như mọi lý do đều đã được đưa ra. Có một lý do có thể xem như là lý do của nhiều lý do khác.

Nhưng trước hết là một nhận xét. Trong nhiều bài viết về chính trị người ta thấy các tác giả ký tên cùng với học vị và chức vị, như “giáo sư tiến sĩ, nguyên vụ trưởng…” v.v.  Tôi đã đọc sách báo của nhiều nước và không thấy như vậy. Đôi khi, với những quan điểm đặc biệt trên một số chủ đề, họ có một khung giới thiệu tác giả để cho thấy quan hệ của ông hay bà ta với chủ đề đang thảo luận, nhưng họ không xưng bằng cấp và chức vụ như là một trọng lượng của bài viết. Đây là một đặc sản Việt Nam. Nó phản ánh một di sản văn hóa coi chính trị như một trò chơi danh vọng để tranh giành quyền lực và địa vị chứ không phải là một hoạt động có đào tạo chuyên nghiệp và có đạo lý riêng của nó. Trong quan điểm này trọng lượng của một phát biểu tùy thuộc nhiều vào địa vị xã hội của người viết hơn là vào những gì được viết ra; giá trị của một lập trường chính trị trước hết tùy thuộc nó là của ai hơn là nó đúng hay sai. Miệng kẻ sang có gang có thép và bằng cấp, địa vị khiến người ta trở thành sang. Quan niệm bệnh hoạn này có thể khiến nhiều người mắc phải những sai lầm lớn về mặt đạo đức, nhưng quan trọng hơn nó khiến họ không thấy cần phải rèn luyện bản lĩnh chính trị và vì thế không biết sức mạnh của hoạt động chính trị ở đâu để vận dụng nó.

Hình như vào lúc này ai cũng đồng ý rằng quốc gia nào cũng phải do trí thức lãnh đạo vì quốc gia nào cũng cần được quản lý một cách thông minh và với sự hiểu biết; cuộc cách mạng nào cũng phải do trí thức lãnh đạo để đừng đi vào ngõ cụt. (Một trong những sai lầm tệ hại của chủ nghĩa Mác-Lênin là tạo ra ảo tưởng rằng những người vô học cũng có thể là những cấp lãnh đạo tốt nếu thuộc giai cấp vô sản hay bần cố nông). Nhưng các trí thức này không phải là trí thức vì có bằng cấp và địa vị. Họ là những trí thức chính trị, nghĩa là những người nhờ học hỏi và được đào tạo đã có kiến thức chính trị, có khả năng suy nghĩ độc lập, dám có lập trường và sẵn sàng chấp nhận hy sinh để tranh đấu cho lập trường của mình. Những người này biết họ phải làm gì và biết sức mạnh của họ ở đâu. Những người này Việt Nam chỉ có rất ít.

Đối đầu với chính quyền cộng sản này sức mạnh của những người dân chủ là gì?
Đảng Cộng Sản có hơn bốn triệu đảng viên, hàng chục tỷ đô-la, cả một bộ máy đàn áp đồ sộ và có luôn cả dã tâm sẵn sàng làm tất cả để giữ chế độ toàn trị. Chúng ta không có gì cả và lại phải tự chế. Tuy vậy chúng ta có một vũ khí vô địch đủ để đánh bại họ. Đó là lẽ phải. Chúng ta đúng và vì thế nhất định sẽ thắng, họ sai và vì thế nhất định phải thua. Đây không phải là một niềm tin lãng mạn mà là một sự thực mà nhiều người vì không có kiến thức chính trị và không được đào tạo về chính trị nên không hiểu nổi. Những người này tưởng mình là khôn ngoan khi làm những điều mà họ cho là “thực tiễn” mà không ý thức được rằng trong cuộc đấu tranh này ngay khi chúng ta rời bỏ sự chân thực chúng ta lập tức trở thành những con số không.

Trong kinh Upanishad –hình thành cách đây gần 3.000 năm- có một câu làm người ta phải thán phục tư tưởng Ấn Độ: “Luật là sự tối thượng của sự tối thượng. Không có gì cao hơn luật. Luật khiến kẻ yếu có thể khuất phục kẻ mạnh. Luật là sự thực”. Kinh Upanishad gọi sự thực là Luật, đó cũng là một quan điểm đúng đắn về luật mà sau đó Socrates và Plato cũng chia sẻ khi họ nói rằng luật không đúng không phải là luật. Sự thực là lẽ phải, là cái đúng và có sức mạnh vô địch. Một nhà bác học mà nói rằng mỗi bàn tay có mười ngón cũng vẫn thua, đứa trẻ mới chỉ biết đếm mà nói bàn tay có năm ngón cũng vẫn thắng. Không gì chống được lẽ phải, với điều kiện là dám khẳng định và thể hiện nó.

Lịch sử cũng đã chứng minh

Thời Trung Cổ ở Châu Âu đã là một đêm dài mười thế kỷ của bạo lực và cuồng tín. Khi ánh sáng của trí tuệ ló dạng trong một vài người nó đã bị đàn áp dã man. Các vua chúa và giáo hội cắt lưỡi, chém đầu, đốt sống những người dám có suy tư độc lập. Những nhà tư tưởng tiên phong này rất ít ỏi và hoàn toàn bị cô lập. Họ bị truy lùng bởi cả chính quyền lẫn giáo hội, bị ruồng bỏ bởi cả quần chúng lẫn gia đình. Nhưng rồi hai thế kỷ sau họ đã làm sụp đổ các chế độ quân chủ thần quyền và buộc tôn giáo phải ra khỏi chính trị. Phương Đông đã dậm chân tại chỗ vì không có tư tưởng tiến bộ chứ không phải vì lý trí đã thua bạo lực. 

Khi bản Tuyên Ngôn Nhận Quyền Phổ Cập -cũng là bản tuyên ngôn dân chủ- được biểu quyết năm năm 1948 các chế độ bạo ngược coi nó là trò đùa nhưng chỉ không đầy một nửa thế kỷ sau nó đã làm sụp đổ Liên Xô, các chế độ cộng sản Đông Âu và các chế độ độc tài Châu Mỹ La Tinh. Dù các quân lực hùng hậu của các chế độ độc tài và hàng vạn đầu đạn nguyên tử của Liên Xô vẫn còn nguyên vẹn. Hai mươi năm sau nó làm sụp đổ nhiều chế độ độc tài Bắc Phi và vừa chinh phục được Myanma. Tại Ấn Độ, Nam Phi và Tiệp Khắc các chế độ độc tài phải mời một người từ nhà tù ra để trao quyền. Sức mạnh của dân chủ và nhân quyền, nghĩa là của lẽ phải, đang gia tăng và chẳng bao lâu nó sẽ đánh gục những chế độ độc tài còn lại. Lý do là vì lẽ phải đã được nói ra một cách quả quyết. Người ta nói dân chủ đã thắng vì đã xây dựng được những xã hội tự do và phồn vinh hơn hẳn các chế độ độc tài nhưng đó chỉ là lý do ngoài mặt. Lý do sâu là dân chủ có lẽ phải. Nó là một công thức tổ chức xã hội bảo đảm tự do cho con người và sự thực là mọi con người dù ở điều kiện tinh thần và vật chất nào cũng đều muốn được tự do. Sư thực, lẽ phải, cái đúng, cái thiện, cái tốt, luật, chân lý, chính nghĩa… là những tên gọi khác nhau tùy góc nhìn của cùng một thực thể tối cao và toàn năng mà mọi người đều cảm nhận được. Người nông dân Việt Nam chất phác cũng biết rằng nói phải củ cải cũng nghe. Nó không có tên gọi duy nhất, như Thượng Đế cũng không có tên gọi duy nhất, mỗi tôn giáo gọi một cách. Cái đúng còn cao hơn cả Thượng Đế bởi vì Thượng Đế cũng chỉ đáng tôn kính vì đúng.

Tới đây ta có thể trả lời câu hỏi tại sao phong trào dân chủ Việt Nam vẫn chưa có sức mạnh. Đó là vì chúng ta chưa tận dụng vũ khí duy nhất mà chúng ta đáng lẽ phải có, đồng thời cũng là vũ khí vộ địch. Chúng ta chưa thực. Có những người dân chủ chưa phải, hay chưa thể coi, là những người dân chủ chân chính. Nhưng nếu không có vũ khí của sự thực thì chúng ta không là gì cả, chúng ta lập tức trở thành những con số không.

Một trường hợp cụ thể

Có lẽ chúng ta sẽ nhìn rõ hơn với một thí dụ cụ thể. Sự kiện thời sự đang thu hút nhiều chú ý nhất của người Việt Nam trong lúc này là đại hội 12 của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong đại hội này vấn đề nóng nhất là tương lai của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng có thể thắng với những hậu quả lớn và cũng có thể thua với những hậu quả lớn khác. Một số trí thức ít nhiều được coi hoặc tự nhận là dân chủ đã vận động ủng hộ ông.

Trước khi nhận định về thái độ “phò Dũng” này tôi xin minh định một điều. Đó là tôi không ủng hộ và cũng không có cảm tình với một ai trong số những người đang nhắm bốn chức vụ cao nhất của chế độ cả. Đối với tôi họ đều là những sản phẩm điển hình nhất của một bộ máy đảng đặt quyền lực và quyền lợi của mình lên trên đất nước, sử dụng những phương tiện bạo lực và gian trá và lấy cứu cánh để biện minh cho phương tiện. Họ hoàn toàn xa lạ với mẫu người hoạt động chính trị mà tôi hình dung. Hơn nữa họ đều chấp nhận lệ thuộc Trung Quốc để duy trì chế độ toàn trị. Tôi chấp nhận họ như những đồng bào và không mong điều gì xấu xảy ra cho họ, đó là tất cả những gì tôi có thể nhân nhượng chứ tôi không thể ủng hộ ai cả. Vả lại tôi coi là vớ vẩn và vô duyên việc những người ở ngoài guồng máy quyền lực kêu gọi ủng hộ ông này hay ông kia. Những tiếng nói này, cũng như tiếng nói của các đảng viên cộng sản cơ sở, không có tác dụng nào cả trên sự sắp xếp nhân sự lãnh đạo. Đó là quyết định của một thiểu số rất nhỏ trong ĐCSVN và quan thày Bắc Kinh của họ.

Nhưng đã có những người ra mặt ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng. Họ vô tình cho chúng ta một cơ hội để nhìn rõ hơn lý do tại sao phong trào dân chủ Việt Nam chưa mạnh.

Phải nói ngay rằng việc ủng hộ ông Dũng rất vô đạo đức và vô lý. Trong mười năm làm thủ tướng, chưa kể chín năm làm phó thủ tướng thường trực cho ông thủ tướng mờ nhạt Phan Văn Khải, ông Dũng đã tỏ ra rất thiếu khả năng và đã gây thiệt hại lớn cho đất nước. Một cấp lãnh đạo như vậy phải bị chế tài đích đáng và sa thải không thương tiếc. Nhưng bất tài không phải là điều nghiêm trọng nhất của ông Dũng. Điều nghiêm trọng hơn là tham nhũng. Trái với cam kết khi mới lên làm thủ tướng, ông Dũng đã để cho tham nhũng bùng nổ. Hiện nay không có chức vụ nào mà không phải mua, không có công việc gì mà không có hối lộ, lãng phí, ăn chặn. Hậu quả là Việt Nam đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Có lẽ nhiều người chưa ý thức được một cách đầy đủ những tác hại của tham nhũng. Tham nhũng làm hỏng tất cả, dù là kinh tế, tài chính, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, an ninh, quốc phòng, chủ quyền. Tất cả. Một quốc gia bị tham nhũng tàn phá –dù không cần ở mức độ của Việt Nam- sẽ lụn bại và tiêu vong chắc chắn nếu không nhanh chóng đảo ngược được tình thế. Và kinh nghiệm của mọi quốc gia đã chứng tỏ rằng chỉ có một giải pháp để ngăn chặn tham nhũng là thay thế chính quyền tham nhũng bằng một chính quyền khác. Người ta không bao giờ có thể cải tổ một chính quyền tham nhũng để nó bớt tham nhũng. Chấm. Chính quyền cộng sản phải bị thay thế khẩn cấp nếu người Việt Nam còn muốn đất nước có một tương lai. Ông Dũng là người có trách nhiệm lớn nhất về quốc nạn tham nhũng. Làm sao có thể ủng hộ ông ấy được?

Những người ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng hình như không ý thức được rằng họ đang phạm một sai lầm lớn về cả đạo đức lẫn chính trị. Họ nói ông ấy tuy có bất tài và tham nhũng (hình như những yếu tố này không quan trọng đối với họ) nhưng chống lại sự lệ thuộc Trung Quốc và có khuynh hướng cởi mở thân phương Tây.

Họ cố tình lờ đi những sai phạm nghiêm trọng như để cho hàng lậu Trung Quốc thả cửa tràn qua biên giới, cho Trung Quốc thuê dài hạn những khu rừng đầu nguồn, cho Trung Quốc lập những khu gần như tự trị như Vũng Áng, cho Trung Quốc đấu thầu gần hết những công trình xây dựng kết cấu hạ tầng v.v. Những việc này không thể đổ lỗi cho bộ chính trị bởi vì chúng thuộc phạm vi điều hành, thuộc quyền hạn và trách nhiệm của thủ tướng. Ông Dũng cũng là người duy nhất trong số những người lãnh đạo cao nhất lên tiếng quyết liệt bảo vệ dự án bôxit Tây Nguyên hoàn toàn phi kinh tế và rất nguy hiểm cho đất nước, nhưng vừa lòng Trung Quốc.

Lập luận cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng muốn mở cửa về phương Tây lại càng ngược ngạo vì trái hẳn với những gì ông đã nói và làm. Từ ngày ông Dũng làm thủ tướng những bản án dành cho những người bất đồng chính kiến đã nặng hơn hẳn lúc trước. Những bản cáo trạng và những phiên tòa cũng tùy tiện và trắng trợn hơn nhiều. Công an giả làm côn đồ và sử dụng bọn côn đồ để đánh dân oan và những người đối lập ôn hòa. Những vụ đánh chết người trong đồn công an trở thành thường xuyên. Không thể nói đây là những quyết định của bộ chính trị được. Đây là những hành động của chính phủ và công an, chắc chắn đã không thể có nếu ông Dũng không muốn. Ông Dũng cũng đã nói rất nhiều lần, và một cách đanh thép, là sẽ không dung túng một hình thức bất đồng chính kiến nào. Có gì là cởi mở và hướng về phương Tây? Tuy vậy vẫn có những người biện luận loanh quanh để bênh vực ông.

Những lập luận này chẳng thuyết phục được ai bởi vì chúng gượng gạo một cách quá lộ liễu. Chúng chỉ làm mất uy tín và làm yếu đi phong trào dân chủ khi những người sử dụng chúng tự coi hay được coi là những người dân chủ. Sức mạnh duy nhất của những người dân chủ là sự thật, là điều đúng. Khi không lý luận một cách thành thực và đánh mất sự thực họ chỉ còn là những con số không.

Thỏa hiệp, nhưng ai có thể thỏa hiệp?

Những trí thức “phò Dũng” có lẽ đã bị dẫn tới sai lầm này vì một sai lầm khác, của chung những người chủ trương “hợp tác để cải tổ từ bên trong”. Lần này là một sai lầm chính trị. Họ nói rằng phải thực tiễn, phải nhìn nhận một thực tế là không có lực lượng nào đánh bại được Đảng Cộng Sản, như vậy dù muốn hay không cũng phải thỏa hiệp. Nhưng lý luận này cũng sai. Đúng là phải thỏa hiệp nhưng họ không có tư cách và khả năng để thỏa hiệp. Thỏa hiệp hay không với chính quyền này, thỏa hiệp trên cái gì, thỏa hiệp như thế nào và vào lúc nào là chọn lựa của các tổ chức dân chủ chứ không phải là chuyện của các cá nhân. Một tổ chức có thể thỏa hiệp vì về bản chất chính nó cũng đã là một thỏa hiệp của nhiều người để hành động chung. Nhưng đối với một cá nhân thỏa hiệp hoàn toàn vô nghĩa, nó chỉ là sự hợp tác và đánh mất chính mình.  Lech Walesa, lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết tại Ba Lan trước đây, và Aung San Suu Kyi, lãnh tụ của Liên Minh Dân Chủ của Myanma gần đây, đã thỏa hiệp để đảng cầm quyền được có trước một số ghế quan trọng trong quốc hội. Họ đã được hoan hô như những lãnh tụ sáng suốt vì là đại diện của một tổ chức tranh đấu. Nếu họ chỉ là những cá nhân mà kêu gọi như vậy họ chắc chắn bị lên án -một cách rất đúng- như những tay sai của chế độ. Sai lầm này, hậu quả của sự thiếu hụt kiến thức chính trị và văn hóa tổ chức, có thể là thành thực nhưng trong nhiều trường hợp nó là lý cớ hơn là lý do. Người ta hợp tác với chế độ hay ủng hộ một ai đó trong chế độ vì một lý do khác không tiện nói ra.

Thoát vòng luẩn quẩn

Cái vòng luẩn quẩn là chúng ta không nhìn ra sức mạnh của lẽ phải nên thấy mình yếu, vì thấy mình yếu nên chấp nhận những thỏa hiệp xúc phạm đối với lẽ phải, mất lẽ phải nên không có sức mạnh của lẽ phải, rồi vì thế không nhìn ra sức mạnh của lẽ phải.

Người ta vô lễ với lẽ phải rồi tưởng rằng lẽ phải không có sức mạnh và hành động quờ quạng. Đó là nguyên nhân sâu xa khiến đối lập dân chủ Việt Nam chưa mạnh lên được.

Làm thế nào để bẻ gẫy cái vòng luẩn quẩn này?

Câu trả lời giản dị là hãy tin ở sức mạnh toàn năng và vô địch của lẽ phải và hãy ứng xử một cách thẳng thắn và trách nhiệm. Hãy lạc quan để tự xác nhận mình.

Đảng Cộng Sản hành xử như một lực lượng chiếm đóng chứ không phải như lực lượng dân tộc thì chúng ta không thể làm bất cứ gì có thể gây hiểu lầm là chúng ta tán thành nó, thí dụ như ủng hộ người này người nọ vào vai trò lãnh đạo. Chúng ta càng không thể thèm muốn -trái lại còn phải khinh bỉ- những ân huệ và vinh dự mà nó ban phát.

Hiến pháp của chế độ này sai vì nó vi phạm những quyền tự nhiên và căn bản nhất của nhân dân Việt Nam, nó cũng không chính đáng vì không do những người đại diện chân chính của nhân dân làm ra, do đó nó và các luật xuất phát từ nó không có giá trị luật pháp. Chúng ta phải nói lên điều này bằng lời nói và thái độ, ngay cả nếu phải tạm thời sống trong khuôn khổ luật pháp của chế độ.

Chính quyền này ngược với lẽ phải, nó sẽ bị đào thải vì không gì có thể thách thức lẽ phải. Nó đã gây quá nhiều thiệt hại vật chất cũng như tinh thần và đã khiến đất nước quá tụt hậu, vì thế nó phải chấm dứt càng sớm càng tốt. Chúng ta phải nói lên điều này bằng lời nói và thái độ.

Chúng ta sẽ sử dụng tối đa không gian tự do đã giành được trên mạng Internet cũng như trong sinh hoạt xã hội để phổ biến những ý kiến về tự do dân chủ, để vạch trần sư sai trái của chế độ, để gây áp lực buộc chế độ phải liên tục nhượng bộ hơn nữa và để xây dựng hoặc hỗ trợ cố gắng xây dựng lực lượng dân chủ. Lời nói là hành động mạnh nhất nếu chuyên chở lẽ phải. Hiện nay không gian tự do đã giành được đủ để cho phép chúng ta xây dựng lực lương dân chủ và giành thắng lợi nếu chúng ta thực sự có quyết tâm.

Xác nhận căn cước dân chủ như trên không phải là một thái độ cực đoan. Nó chỉ là một thái độ lương thiện cần thiết để cảnh cáo những người cầm quyền mù quáng và khuyến khích những người có thiện chí trong Đảng Cộng Sản mạnh dạn hơn.

Tự xác nhận mình để ra khỏi vòng luẩn quẩn và có sức mạnh là điều mà chúng ta có thể chúc nhau trên thềm năm mới này.

Một lời chúc nữa là những người có lòng với đất nước và tin ở sức mạnh của lẽ phải hãy mạnh dạn tìm đến với nhau để nắm tay nhau cùng phấn đấu cho một tương lai Việt Nam chung. Hoạt động chính trị đòi hỏi đào tạo, tổ chức chính là lò đào tạo. Tổ chức cũng là phương tiện để thể hiện sức mạnh của lẽ phải.

Chúng ta ít nhất đã có một đồng thuận đấu tranh cho dân chủ bằng đường lối ôn hòa và bất bạo động. Một cách cụ thể đồng thuận này có nghĩa chúng ta chấp nhận rằng thắng lợi của dân chủ sẽ đến qua những thỏa hiệp giai đoạn. Nhưng thỏa hiệp là điều mà chỉ có một tổ chức mới có quyền và có thể làm. Như vậy chúng ta cần xây dựng hoặc ủng hộ việc xây dựng một tổ chức dân chủ để làm công việc thỏa hiệp cần thiết này.

Một lời sau cùng. Dù đại hội 12 của Đảng Cộng Sản kết thúc như thế nào, dù Nguyễn Tấn Dũng thắng lớn hay thua to hay sẽ có một thỏa hiệp, nó cũng có mọi triển vọng sẽ là đại hội cuối cùng của Đảng Cộng Sản. Tình thế đã quá chín muồi. Thắng lợi của dân chủ có thể rất gần. Với điều kiện là chúng ta tin ở sức mạnh vô địch của chính nghĩa để dám khẳng định chính mình. Đồng thời hành động một cách sáng suốt.







No comments:

Post a Comment

View My Stats