Việt Nam Thời Báo
(Ba
Sàm) Đôi lời:
Bài viết nêu lên quan điểm của một độc giả
trang Ba Sàm về nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. Với chủ trương thông tin đa chiều, xin
được đăng lại đây để độc giả cùng tham khảo.
Nhà báo Phạm Chí Dũng
---------------------
Thành Long
5-1-2016
Tôi đã
đọc bài của nhà báo Mạnh Kim, thất vọng về những đồn
đoán mơ hồ, hay đầy dụng ý về nhân sự đại hội 12 ĐCSVN, trong đó có những dự cảm
“quái lạ và nhảm nhí” của TS Phạm Chí Dũng về một ông tổng bí thư tương lai,
cao khoảng “1 mét 74, hay 75, khá đẫy đà, mặc áo trắng”. Tôi sẽ không viết tiếp
những dòng dưới đây, nếu ông Phạm Chí Dũng không phải là chủ tịch Hội nhà báo độc
lập VN, và là người mang kỳ vọng của rất đông người Việt Nam mong chờ một thay
đổi chính trị cho đất nước.
Truyền
thông độc lập ở cái xứ sở này cần lắm những nhà báo chân chính, tại sao ta có
thể tin vào một người như Phạm Chí Dũng? Tôi nói rõ từng điểm một.
1- Trong bài trả lời đài Pháp RFI cuối năm,
ông Phạm Chí Dũng đã phổ biến một cách nhìn vô cùng nguy hại cho một nền
truyền thông dân chủ và khai sáng. Ông đưa ra một dự báo về tổng bí thư
tương lai dựa trên phương pháp “dự cảm”, được phóng viên tán là “gieo quẻ đầu
năm”. Giả thử ông Dũng sai thì không sao, nếu ông đúng ắt không ít người trầm
trồ là nhà “chiêm tinh”, “ngoại cảm”.
Thay vì
giúp cho người đọc thông tin và phân tích sáng tỏ, để hiểu được chừng nào hay
chừng ấy những diễn biến rối rắm trong hậu trường thượng tầng quyền lực của
ĐCS, thì ông Phạm Chí Dũng lại đưa ra những lời phán, hệt như thầy bói, khiến
tình hình đã mù mờ, lại càng mù mờ hơn. Đúng sai mặc kệ, tiền thầy bỏ túi. Tiền
đây là niềm tin của người đọc.
Đúng
sai mặc kệ, phán đã là một bài khác của ông trên đài Hoa Kỳ VOA, về “82 nhân sự lưu chuyển…” trước hội nghị 13 của ĐCS. Tình
tiết 82 nhân sự được ông cho là “một thế cờ khá liều lĩnh” cho phép phe đảng
cân bằng với thế một chiều đi lên của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Với những lời
tô vẽ “bất ngờ”, “thế cờ khá liều lĩnh”, ông gán những việc này với thời
điểm đầu 2015. Cái mốc 2015 rất tiện để ông chứng minh. Thậm chí ông còn cho biết
là theo một số thông tin không chính thức, có lẽ để cho thêm phần bí hiểm, ly kỳ.
Có vẻ như không ai phản đối sự sai lạc chút ít về thời gian trong những lời
vàng ngọc của nhà bình luận, nhà báo độc lập, tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
Chỉ cần
để ý so sánh là có thể thấy thông tin về các vụ luân chuyển cán bộ về địa
phương xuất hiện tràn ngập trên báo chính thống đầu năm 2014, một người đứng đầu
danh sách là con trai ông thủ tướng. Còn toàn bộ cái mà ông Phạm Chí Dũng gọi
là thế cờ “liều lĩnh” và “bất ngờ” đã được từ từ chuẩn bị trong suốt năm 2012,
như một nội dung chính của nghị quyết trung ương 4 của ĐCS về nhân sự. Mà nghị
quyết trung ương 4 cũng không phải là nghị quyết duy nhất về vấn đề này, chắc vị
cựu cán bộ bảo vệ an ninh nội chính thành uỷ TP HCM phải biết rất rõ.
Những
chi tiết được truyền thông chính thống quảng bá rầm rộ như vậy tại sao ông Phạm
Chí Dũng không biết, hay ông cố tình nhầm lẫn? Xin mời ông trả lời trước những
người hoạt động vì dân chủ.
2- Đầu
năm 2014 chắc chưa xa với ông Phạm Chí Dũng, người mới được tôn phong làm nhà
báo độc lập. Chỉ vài tuần sau đợt điều chuyển cán bộ hiếm có tại Việt Nam,
Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa, một sự kiện gây chấn động. Cùng lúc
đó là một sự kiện gây chấn động khác, nhưng bị chìm đi trong không khí này. Việc
ông Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm) bị bắt. Ông Phạm Chí Dũng đã phản ứng thế nào về vụ
này? Đọc kỹ những gì ông phát biểu có thể hiểu nhiều về ông.
Trong bài trả lời phỏng vấn đài RFI, ngay sau khi ông Vinh bị bắt,
ông Phạm Chí Dũng đã đưa ra hàng loạt nhận xét, mang lại nhiều hiểu ngầm, rằng
việc xét xử Anh Ba Sàm đã có cơ quan điều tra lo, chính quyền lo : “… cơ
quan an ninh điều tra, một khi đã dám bắt một blogger nổi tiếng như Nguyễn Hữu
Vinh, thì phải đính kèm trách nhiệm làm rõ ông ấy vi phạm cái gì, có đủ chứng cứ
để truy cứu trách nhiệm hình sự hay không”. Kèm theo đó là một giả thuyết
ngầm về việc ông Vinh có thể dính đáng đến một phe phái nào đó trong nội bộ ĐCS
“việc bắt ông Vinh ngay trong bối cảnh Nhà nước Việt Nam đang phải nhượng bộ
trước áp lực nhân quyền… cho thấy phải có một lý do thực sự đặc biệt, nhà nước
mới dám bắt ông. Dù (tôi nhấn mạnh chữ dù này) tôi vẫn tin rằng ông là một người
dám đấu tranh cho sự thật…”
Gần hai
năm sau khi ông Nguyễn Hữu Vinh bị bắt, theo ông Phạm Chí Dũng, “cơ quan an
ninh điều tra” đã trưng ra được bằng chứng gì, “lý do thật sự nào”? Bây giờ ông
Phạm Chí Dũng đã đủ thông tin để trả lời cho các phỏng đoán của ông chưa?
Hay bây
giờ ông hiểu rằng chính quyền trong tay ĐCS cần bắt lúc nào thì bắt, huống chi
ông NHV là người kiên cường lên án chế độ từ gốc, và cũng nổi tiếng là người
thúc đẩy xã hội và chính quyền Việt Nam thay đổi tận gốc rễ.
3- Nhân
dịp này tôi trở lại với một nghi vấn mà nhiều người đặt ra, nhưng ít được chú
ý: ông Phạm Chí Dũng chọn chỗ đứng nào trong cuộc đấu tranh vì dân chủ? Đối tượng
của ông là sự toàn trị của ĐCS dưới mọi hình thức, hay chỉ là các “nhóm lợi
ích” “tham nhũng” “lộng hành”, đúng như đường lối của Đảng mới đây?
Đọc bài
phỏng vấn nói trên, tôi không thể không nghĩ đến một cam kết ngầm của ông
với chế độ này: không dính đến những “chuyện nhân sự nơi cung đình chính trị”.
Ông có thể nói về nhiều chuyện, nói rất mạnh cũng được, thậm chí càng
mạnh càng tốt, nhưng chỉ cần trừ cho điều cốt tử này. Và nếu phải nói, hãy nói
theo kiểu thầy bói, hay tung tin sai lệch, ai hiểu thì hiểu.
Mọi thế
lực độc tài đều muốn bưng bít chuyện cung đình để dễ dàng điều khiển xã hội.
Chuyện nhân sự cung đình không phải là tất cả, nhưng nói chính xác, nói
cho ra lẽ những bí ẩn nội bộ của giới lãnh đạo cao cấp, chuyện liên quan đến
sinh mệnh của toàn xã hội là điều mà một nền truyền thông khai sáng dứt khoát
không thể coi nhẹ.
Độc quyền
về tư tưởng, ý thức hệ và độc quyền về nhân sự là hai bảo bối cũng là hai tử
huyệt của chế độ toàn trị. Hai điểm này ông Phạm Chí Dũng đều tránh.
4-
Trong một thời gian, ông Phạm Chí Dũng là một đảng viên cộng sản bí mật chống
tiêu cực, việc này có vẻ hợp với nghề an ninh nội chính của ông. Ông quyết định
ra khỏi đảng, chỉ mới hai năm trước, nhân dịp ông Lê Hiếu Đằng ra đảng. Ông
cũng từng bị tạm giam bốn tháng để điều tra, rồi được thả, vụ của ông đã
được báo chính thống cải chính và xin lỗi. Nhân cơ hội chế độ CSVN mở ra để được
hội nhập với thế giới vào một thời điểm chắc không thể trễ hơn được, ông nhanh
chóng nắm lấy ngọn cờ truyền thông dân chủ.
Nhiều
người nghi ông là thành phần hai mang. Theo những gì ông làm tôi thấy ông là
người lợi dụng rất tốt các cơ hội mới mở ra, để có một chỗ đứng vững chắc trong
hàng ngũ dân chủ. Thực tế ông đã góp gì đáng kể cho nền truyền thông khai
sáng mà nhiều người trót đặt vào ông khá nhiều hy vọng?
Để đưa
chế độ cộng sản VN chuyển đổi ôn hoà sang dân chủ, công chúng và bản thân những
người cộng sản, những người đảng viên bình thường, cần hiểu thật rõ về thế giới
bên trong của chế độ cộng sản, không phải là một thế giới bị tô vẽ do
các kỳ vọng hay định kiến, để ngõ hầu tìm ra cách tự giải thoát, tự mở hướng.
Chế độ cộng sản toàn trị đang tan rã, đang tìm cách lột xác, nhưng để cho sự
tan rã của nó không gây nhiều thiệt hại cho xung quanh, và sự lột xác của nó
không dẫn đến những hình thức độc tài mới, công chúng rất cần đến một nền truyền
thông khai sáng, trung thực và dũng cảm.
Chúng
ta có thể đặt nhiều hy vọng vào ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội nhà báo độc lập,
vào “thành tâm chính trị” và kể cả trình độ thực sự của ông?
Xin gửi thêm Quý Anh Chị các link của một số
bài được dẫn:
No comments:
Post a Comment