Wednesday, 6 January 2016

ĐÔI LỜI VỚI ÔNG HUY ĐỨC (Nguyễn An Dân)





Nguyễn An Dân
Posted by adminbasam on 07/01/2016

Trước tiên, tôi biết về ông Huy Đức qua cuốn “Bên Thắng Cuộc” do ông là tác giả. Cũng gửi lời cảm ơn ông vì cuốn sách đó giúp tôi có thêm nhiều thông tin để viết báo và tranh đấu dân chủ.

Xét trên góc độ thông tin, thì cuốn sách do ông viết đã đóng tốt vai trò của nó, làm cho nhiều quần chúng có thêm nhiều thông tin về quá khứ chính trị của đất nước.

Xét về hiệu quả chính trị đóng góp cho tranh đấu dân chủ, cuốn sách đó cũng chỉ có chức năng kể chuyện, nó không đạt đến tầm chính luận khai sáng cho quần chúng như những cuốn cùng loại là Đêm Giữa Ban Ngày hay Thép Đen…(ý kiến cá nhân tôi).

Xét về góc độ đảng Cộng Sản Việt Nam, tôi nghĩ nó không làm đảng e ngại, vì chỉ nói lại những cái mà nhiều người biết, tuy nhiên nói tốt hơn vì được hệ thống hóa. Nếu tôi là các lãnh đạo đảng đương nhiệm (thời điểm cuốn sách ra đời) tôi còn cảm ơn Bên Thắng Cuộc, vì nhờ nó mà đảng hiện nay có chỗ để đổ lỗi. Các lãnh đạo đảng hiện nay có cớ (dùng Bên Thắng Cuộc) như 1 tài liệu để ngầm nói rằng đảng có sai là do các lãnh đạo quá khứ sai, chứ đảng hiện nay đã tốt lên.

Những chuyện này tôi không muốn viết ra, vì nó cũng “nhỏ” thôi. Nhưng dạo này gần đây đọc một số bài viết trên facebook của ông (được bạn bè chia sẻ cho xem) tôi có vài lời tâm sự.

Tư cách công dân và tư cách nhà báo

Trước tiên, chúng ta là người viết báo, ông là nhà báo, nhưng tôi chỉ là người viết báo. Tôi ít viết và không có nhiều danh vị trong làng báo như ông. Tuy nhiên tôi xin lưu ý với ông, trước khi là nhà gì, chúng ta vẫn là 1 công dân của Việt Nam.

Có một bài viết ngày 16/11/2015 trên facebook của ông có nội dung về chính trị Campuchia hiện nay. Bài viết nói rằng Hunsen đã “xử ép” Sam Rainsy, và mập mờ nói ông Hunsen “chơi không đẹp”, không biết thoái vị (là để nhường ngôi cho Sam Rainsy chăng, thưa ông Huy Đức).

Chắc quần chúng không lạ gì các hành vi chống phá dân tộc và tổ quốc Việt Nam của ông Sam Rainsy, liệu nếu ông Hunsen “biết khôn, chơi đẹp” mà nhường ngôi cho Sam Rainsy như “mong muốn” của ông Huy Đức qua bài viết đó, thì Việt Nam sẽ thiệt hại như thế nào?

Là một người viết báo, tôi hiểu chúng ta có quyền đưa ra quan điểm chính trị, nhưng trước tiên chúng ta là một công dân, và chúng ta đòi hỏi dân chủ. Nếu chưa có cách nào để biết được một cách trung thực là cuộc bầu cử ở Campuchia vừa qua có gian lận hay không thì việc ông Huy Đức viết rằng Hun Sen nên rút lui và “nhường” cho Sam Rainsy lãnh đạo cho thấy ông Huy Đức vừa không có đủ tư duy dân dân chủ, vừa mang ý nghĩa phản bội lại VN…

Với việc viết bài chê bai một chính khách có chủ trương đối ngoại quốc phòng có lợi cho VN (ông Hunsen)… và ngầm ủng hộ một chính khách có chủ trương lệ thuộc, tương nhượng chủ quyền đất nước của ông ta cho Trung Quốc, có quá nhiều hành vi chống phá Việt Nam lên cầm quyền (ông Sam Rainsy) thì liệu anh Huy Đức có làm tròn vai trò công dân yêu nước?

Tư cách dân chủ

Thời gian qua, việc anh viết nhiều bài mang chủ đề “chống tham nhũng” trong đó nói về chuyện các tướng tá, quan chức ngân hàng tham ô thì có nhiều ý kiến gán ghép cho anh phe này phái nọ thì tôi không quan tâm vì suy cho cùng anh cũng góp tay vào việc chống tham nhũng, là tốt. Tuy nhiên bài viết mới đây nhất trên facebook của anh. Bài “Bộ Tứ” viết ngày 6/1/2016 thì tôi muốn góp ý.

Lẽ ra tôi không phản biện về bài viết này của anh, nhưng do phần kết anh nêu ra một số ý để “định hướng” quần chúng về dân chủ. Cũng như anh, tôi là người viết báo và là người dân chủ nên tôi tranh luận.

Anh viết rằng “”Bộ Tứ” sẽ chính thức được quyết định vào đầu tuần tới. Xin chưa đề cập đến các vị trí khác. Chỉ mong các bạn đừng quá thất vọng nếu ông Nguyễn Phú Trọng thì ở lại mà ông Nguyễn Tấn Dũng lại ra đi.”

Tôi xin phép “võ đoán” là có lẽ anh viết mở đề như thế này để dọn đường cho ông Nguyễn Phú Trọng đỡ bị quần chúng chỉ trích khi ông ta tái cử chăng?

Trích: “Ông Trọng đã làm mỏi mệt chúng ta bởi những tuyên bố rất lỗi thời. Nhưng, cũng như các tổng bí thư khác, người đứng đầu đảng cộng sản làm sao có thể tuyên bố từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Nghe giọng văn giống như anh “minh định” thay cho ông Trọng. Thế nếu chúng ta “thông cảm” cho ông Trọng, tại sao chúng ta không thể “thông cảm” cho ông Dũng. Giống anh, tôi nói “vì là nhân vật cộng sản số 2 sau ông Trọng, nên ông Dũng cũng làm sao có thể tuyên bố từ bỏ định hướng XHCN”.

Trích: “Nhưng ông (Trọng) vẫn đưa “quốc doanh chủ đạo” vào Hiến pháp và không đa sở hữu hóa đất đai”.

Anh Huy Đức có biết chính vì cái “quốc doanh chủ đạo” này đã tạo tiền đề đẻ ra biết bao vấn nạn về doanh nghiệp nhà nước mà các chuyên gia kinh tế như Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan đã phản biện và phê phán không? Anh có biết vì sao đảng cần “quốc doanh chủ đạo” không? Hay anh biết mà anh giả lơ không viết các tai hại của nó.

Rồi anh có biết cái chủ trương không đa sỡ hữu đất đai mà là “đất đai sỡ hữu toàn dân” nó gây ra bao nhiêu thảm cảnh dân oan trên khắp mọi miền đất nước, có thể đưa đất nước vào loạn lạc hay không? Trách nhiệm do ai? Sao anh không viết?

Trích: “Còn các nhà ngoại giao phương Tây mà tôi tiếp xúc đều cho rằng, không có phe thân Mỹ hay thân Tàu trong các nhà lãnh đạo Việt Nam, họ tin là chính sách ngoại giao sẽ vẫn như thế bất luận ai lên, ai xuống”.

Anh viết như thế nó giống kiểu nói chung chung của đảng CSVN quá. Nếu vậy tôi cũng nói được. Tôi xin nói “Có nhiều nhà ngoại giao mà tôi (Nguyễn An Dân) tiếp xúc họ nói rằng có phe thân Mỹ và thân Tàu trong đảng CSVN, chỉ khác nhau là 1 phe thân Mỹ để giữ đảng và 1 phe thân Tàu để giữ đảng. Chính vì 2 phe chơi với 2 cường quốc là đối đầu nhau, nên hai phe chưa có phe nào thua phe nào”.

Tôi nói thế anh có phản đối gì không? Hay anh yêu cầu tôi chỉ ra đó là những nhà ngoại giao nào, tên gì, ở đâu?

Trích: “Tôi phải nói với các bạn “thích Mỹ” rằng, nếu giờ đây Hà Nội đối đầu với Bắc Kinh, “nhất biên đảo” với Washington, Obama sẽ cuống lên ngay vì… khó xử”

Cũng chả có gì khó xử cả, nếu Hà Nội quay lưng với Bắc Kinh, thực hiện dân chủ hóa đất nước, hình thành cơ chế đồng minh lâu dài với Mỹ như Israel và Mỹ thì chả có ông Tàu nào dám đụng Việt Nam cả. Một Israel quan hệ sâu xa với Mỹ, lập quốc và giữ được độc lập trong 1 khối A-rập thù địch, hà cớ gì Việt Nam không học theo được mà áp dụng với vị trí sát nách Trung Quốc. Đó là tôi còn chưa nói về chính sách xoay trục sang Châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ sẽ còn làm Việt Nam “hưởng ké” nhiều thứ.

Cũng vậy, làm sao mà anh Huy Đức biết Obama cuống lên vì khó xử mà không phải cuống lên vì… mừng rỡ là chính sách xoay trục bắt đầu đơm hoa kết trái ở Việt Nam?

Hay vì đảng CSVN có thói quen “đại diện” cho nhân dân nên anh Huy Đức cũng tự cho phép mình “đại diện” cho ông Obama luôn chăng?

Trích: “Khi Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào biển Đông. Ông Trọng cho nhóm họp BCT ngay và đưa ra những kết luận và nguyên tắc ứng xử rất rõ ràng.”

Đầu tiên, xin hỏi đó là những kết luận và nguyên tắc ứng xử gì, anh Huy Đức cho biết nội dung được không? “Rất rõ ràng” sao không công bố cho dân biết???

Tôi còn nhớ sau khi giàn khoan 981 vào Biển Đông, Ba tuần sau đó, ông Dũng có chuyến thăm Philippine và ông đã rất xuất sắc khi đưa ra khái niệm “không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng lấy tình hữu nghị viển vông”. Còn ông Trọng im ru một thời gian dài (hơn cả ông Dũng) và sau đó xuất hiện với phát biểu… chống tham nhũng, không hề có 1 chữ nhắc đến Trung Quốc, dù lúc đó đã có ngư dân và tàu cá Việt Nam chìm ở khu vực giàn khoan. Anh Huy Đức quên chăng?

Trích: “Trong phần đặt câu hỏi, một nữ quân nhân Trung Quốc đề nghị ông chỉ ra những hành động “cường quyền” đó đến từ đâu, Thủ tướng Dũng đã đực ra không tìm được một từ đáp trả”

Tại sao ông Dũng phải đáp trả, nữ quân nhân này hỏi với tư cách nhà báo, hay chính khách tham gia phản biện, hay với tư cách cá nhân? Xin lỗi ông Huy Đức, trong ngoại giao, nếu không thật cần thiết phải trả lời, thì im lặng cũng là 1 cách trả lời, và để tránh làm bẽ mặt nhau ở những nơi nhạy cảm như họp báo hay hội nghị quốc tế. Chứ ai mà không biết những hành vi “cường quyền” đó đến từ Trung Quốc.

Trích: “Trong tất cả các đời thủ tướng của chính thể cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN, Nguyễn Tấn Dũng là người có nhiều quyền lực nhất. Nhưng rất tiếc là ông đã không tận tâm sử dụng quyền lực đó cho quyền lợi quốc gia”.

Ở Việt Nam, với cơ chế đảng lãnh đạo, thì tổng bí thư quyền mạnh hơn thủ tướng, ông Dũng dù có thế nào cũng chẳng bằng ông Tổng Bí Thư, nếu nói ông Dũng đã không tận tâm sử dụng quyền lực đó cho quyền lợi quốc gia, vậy ông Tổng Bí Thư có tận tâm không?

Nếu ông Tổng Bí Thư tận tâm, đảng có nát bét và đất nước hết sạch tiền như bây giờ không? Quốc gia yếu kém thì trách nhiệm của vua là cao nhất, sau đó mới đến tể tướng, anh Huy Đức lại đánh tráo chủ thể chăng?

Với cơ chế vua tập thể như ông Nguyễn Văn An, nguyên chủ tịch Quốc Hội, đã nói, thì ông Nguyễn Tấn Dũng không thể làm gì được một mình. Nếu tập thể làm xấu thì một cá nhân lãnh đạo muốn làm ngược lại cũng không phải dễ. Việc đảng xử lý ông Trần Xuân Bách khi ông này công khai hô hào cải cách, hay giam lỏng ông Võ Văn Kiệt sau khi ông Kiệt về hưu là những ví dụ.

Anh Huy Đức ơi, đã viết chính luận thì phải viết đa chiều để quần chúng cân đong đo đếm, chứ không thể đánh lận con đen và đánh tráo chủ thể-khái niệm được đâu anh ạ.

Đoạn cuối anh viết về dân chủ thì tôi không bàn, nhưng tôi muốn góp ý với anh, hãy là một công dân yêu nước đã, rồi đến làm một nhà báo tốt, viết chính luận khách quan, trung thực, rồi bàn đến việc góp ý cho phong trào dân chủ.

___

Tư liệu dùng trong bài viết

1/ Bài viết của Huy Đức về chính trị Campuchia trên FB Trương Huy San ngày 16/11/2015
HUN SEN vs SAM RAINSY
Sam Rainsy tuyên bố sẽ về lại Phnom Penh tối nay, 16-11-2015 lúc 22:20, (sau chuyến công du Mông Cổ, Nhật Bản, Hàn Quốc) cho dù ông vừa bị Quốc hội tước quyền miễn trừ và Bộ Nội vụ đã lập Ủy ban thi hành việc bắt giữ. Lãnh tụ đối lập Sam Rainsy kêu gọi dân chúng không biểu tình. Năm 2013, khi ông trở về CPC sau một thời gian lưu vong, hàng trăm nghìn người dân ủng hộ đã đổ ra đường đón ông từ sân bay về trung tâm thành phố.
Lý do để Hun Sen lại giở trò bắt Sam Rainsy là, như năm 2011, vẫn vì một nhận xét của Sam Rainsy về Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong hồi 2008. Cũng như năm 2011, Hun Sen lại đánh đối lập dưới thắt lưng hòng mong tránh được thất bại thảm hại trong mùa bầu cử 2018. Một mùa bầu cử mà nếu Hun Sen muốn thắng, rất có thể lại phải gian lận thêm lần nữa.
Đa đảng, tự do chính trị, mới chỉ là một điều kiện (cần nhưng chưa đủ) của dân chủ. Một khi đa đảng chưa đi cùng với nhà nước pháp quyền; một khi công an, quân đội, tòa án vẫn ở trong tay đảng cầm quyền… thì con đường đi tới dân chủ vẫn còn đầy trắc trở.
Hun Sen làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thủ tướng CPC liên tục từ năm 1985. Suốt 30 năm qua, Hun Sen chứng minh ông là một trong vài người quyền biến nhất trong lịch sử hiện đại của Đông Nam Á. Nhưng Hun Sen đã không thể trở thành một chính khách lớn.
Cho dù về chính trị CPC đã đi trước VN khá xa, nhưng tham quyền cố vị của Hun Sen, dẫn đến dung túng tham nhũng, đang là một nguyên nhân khiến cho đất nước này chưa thể thoát ra nghèo đói. Nếu Hun Sen không tìm cho mình một con đường để chuyển giao quyền lực trong hòa bình, về chung cuộc ông sẽ là người thất bại.









No comments:

Post a Comment

View My Stats