Lê Phan
Saturday,
January 9, 2016 2:50:33 PM
Sự mất
tích đột ngột của một đồng chủ nhân của một tiệm sách và một nhà xuất bản
chuyên phát hành những cuốn sách về các câu chuyện “thâm cung bí sử” của các
lãnh tụ của Trung Cộng đang gây chấn động ở Hồng Kông. Vợ ông đưa đơn báo mất
tích với sở cảnh sát. Sau đó bà đột ngột rút lại đơn sau khi một bức thư với thủ
bút của ông chồng cho biết là ông đã đi tự ý đi Hoa Lục, và đang hợp tác với một
cuộc điều tra. Các viên chức biên giới Hồng Kông không có hồ sơ gì về việc ông
rời lãnh địa. Bà vợ cũng nói ông đi không mang theo thông hành vào Hoa Lục.
Vụ ông
Lee Bo, hay là Paul Lee, một công dân Anh, và bốn đồng nghiệp của ông đã có đủ
tình tiết cho một cuốn tiểu thuyết gián điệp.
Nhưng đối
với rất nhiều trong số 7.2 triệu người dân ở cựu lãnh địa Anh này, sự mất tích
và rồi có vẻ tái xuất hiện bên kia biên giới phân chia Hồng Kông với phần còn lại
của Trung Cộng đã làm bùng lên một mối hoảng sợ, bởi nó đã vi phạm đến một bảo
đảm pháp lý là họ có thể được che chở khỏi bàn tay của Bắc Kinh cho đến giữa thế
kỷ theo một thỏa thuận được biết dưới cái tên nghe rất hấp dẫn: Một quốc gia,
hai thể chế.
Vụ này
cũng đe dọa sẽ tạo căng thẳng giữa Hoa Lục và Anh Quốc, vốn gần đây đã tiến gần
hơn với Trung Cộng, tuyên bố sự khởi đầu của một “thập niên hoàng kim” trong
liên hệ song phương, và Nữ Hoàng Elizabeth II mới đón tiếp Chủ Tịch Tập Cân
Bình như là một quốc khách. Hôm thứ ba, Ngoại Trưởng Philip Hammond của Anh,
tuyên bố khi đang công du Bắc Kinh là ông Lee là một công dân Anh. Ngày hôm
sau, ở Manila, đang công du Philippines, ông nói sẽ là “một vi phạm trắng trợn”
thỏa thuận năm 1984 vốn đã mở đầu cho việc trả Hồng Kông về cho Trung Cộng nếu
ông Lee, như nhiều người ở Hồng Kông lo sợ, đã bị bắt từ thành phố để đưa sang
Hoa Lục rồi đưa ra tòa.
Khi
Trung Cộng nhận Hồng Kông từ tay Anh Quốc hồi năm 1997, Bắc Kinh đồng ý cho
lãnh địa “một mức độ tự trị cao.” Những người công khai chỉ trích đảng Cộng Sản
Trung Quốc vẫn tiếp tục tự do để bày tỏ lập trường của mình không sợ bị “thủ
tiêu” bởi công an, một chuyện vốn thường xảy ra cho những người như họ ở Hoa Lục.
Như một nhà bình luận trên tờ South China Morning Post đã viết: “Tiếng đập cửa vào lúc nửa đêm là điều chúng
tôi không lo ngại xảy ra ở Hồng Kông. Nhưng nếu nay chúng ta phải lo ngại thì
đó sẽ là sự kết thúc lối sống của của chúng ta.” Ngay chính các nhà báo
trong tờ Post hẳn cũng lo ngại bởi tờ báo mới bị chủ nhân của Alibaba, một đại
công ty Hoa Lục mua.
Lo ngại
về những trò đen tối của Hoa Lục ngày càng gia tăng từ hôm tháng 10, khi bốn
người trong nhà xuất bản mất tích. Ông Gui Min Hai, chủ nhân của nhà xuất bản
“Mighty Current,” nhà xuất bản cũng là chủ nhân của tiệm sách, là người đầu
tiên mất tích. Ông Gui, một công dân Thụy Điển, mất tích từ cái condo của ông ở
Thái Lan hôm giữa tháng 10.
Ông Gui
còn có cái tài là có thể viết một cuốn sách trong một tháng. Những cuốn sách của
nhà xuất bản của năm ông vốn là những cuốn sách viết về những scandal về các
lãnh tụ, dám nói đến những chuyện mà các nhà xuất bản khác né tránh, chẳng hạn
như cuộc đời tình ái của Chủ Tịch Tập Cận Bình, hay mới đây, một cuốn khác khẳng
định cố Thủ Tướng Chu Ân Lai là đồng tính. Những cuốn sách này rất được dân
chúng Hoa Lục ưa thích bởi nó bị cấm ở trong nước.
Đối với
các nhà học giả về tư pháp và các nhóm nhân quyền, trường hợp của ông Lee, và của
bốn đồng nghiệp của ông ở nhà xuất bản Mighty Current Media, là thí dụ mới nhất
cho thấy “cánh tay ngày càng dài” của nhà nước Trung Cộng, vốn với sức mạnh
kinh tế mới, có vẻ sẵn sàng vượt khỏi phạm vi pháp lý của họ để tìm cách bắt
người. Ở Hoa kỳ, các điệp viên của chính phủ Bắc Kinh đã gây áp lực cho những
người Tàu hải ngoại bị cáo buộc về tội tham nhũng phải trở về Hoa Lục. Tháng 10
vừa qua, công an bắt cóc một thiếu niên ở Miến Điện mà bà mẹ, một luật sư nhân
quyền, đang bị tù ở Hoa lục, rồi đưa em trở về Trung Quốc.
Luật Sư
Jerome A. Cohen, đồng giám đốc của Viện Luật Pháp Hoa Kỳ-Á Châu của Viện Đại Học
New York University giải thích: “Với
Trung Quốc ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với thế giới, những vấn đề này sẽ xảy
ra thường xuyên hơn. Nó không phải là nới rộng cánh tay của luật pháp Trung Quốc,
nó là sức với của sự vô luật lệ hay luật rừng của Trung Quốc.”
Đối với
người dân Hồng Kông, Trung Cộng không cần đi xa. Bắc Kinh vẫn coi những người gốc
Hoa ở Hồng Kông là công dân của Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc, ngay cả khi họ
có thông hành ngoại quốc, và ngày nào mà họ chưa được cho phép từ bỏ tư cách
công dân của họ với Hoa Lục. Thành ra khi Ngoại Trưởng Philip Hammond tiết lộ
là ông Lee là công dân Anh, Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Cộng ngay lập tức
tuyên bố ông Lee “trước hết và trên hết là một công dân Trung Quốc.”
Nhà
nghiên cứu Maya Wang của Human Rights Watch ở Hồng Kông giải thích: “Vụ những ông bán sách mất tích đã đánh
vào đến tâm khảm của người Hồng Kông, và họ đang theo dõi vụ này rất kỹ.”
Như tờ
New York Times giải thích, và như chúng ta cũng đã biết qua ảnh hưởng Trung Hoa
trong khái niệm pháp lý của chúng ta, ý niệm sắc tộc, ái quốc và công dân có
liên hệ chặt chẽ, khuyến khích các viên chức có thể diễn dịch rộng rãi lập trường
về ai phải trung thành với Bắc Kinh. Ông Gary F. Locke, đại sứ Hoa Kỳ ở Trung
Quốc từ năm 2011 đến 2014, lúc đầu đã được báo chí và dư luận trên Internet
chào đón bởi họ coi ông được chọn làm đại sứ chính là vì ông là gốc Hoa. Nhưng
khi rõ ràng là ông đến Trung Cộng với tư cách là đại sứ cho Hoa Kỳ, báo chí nhà
nước trở mặt gọi ông là “phản bội” dân tộc.
Giáo Sư
Liang Ying Ming, một giáo sư nghiên cứu quốc tế đã về hưu của Viện Đại Học Bắc
Kinh giải thích: “Từ thời cổ đại, dân tộc
Trung Hoa tin là nếu đã là gốc Hoa, ngay cả khi đi đến tận cùng của trái đất
cũng vẫn là người Hoa.”
Ông
Cohen và các nhà học giả tư pháp khác nói ý tưởng là ông Lee tự nguyện rời Hồng
Kông, để lại giấy tờ ở nhà rồi không biết cách nào trốn qua được một biên giới
kiểm soát chặt chẽ, thật là khó tin. Việc bắt người bị bắt cóc viết thơ để cho
nhà cầm quyền khỏi liên lụy là một thủ thuật thường tình theo chính quyền. Hơn
thế, hôm Thứ Tư, tờ South China Morning Post tường thuật là trong một cuộc phỏng
vấn với tờ báo trước khi mất tích, ông Lee đã nói ông không sợ cho sự an toàn của
mình sau khi bốn đồng nghiệp biến mất bởi vì ông không đi Hoa Lục “từ nhiều năm
nay” và không có ý định tính đi.
Chưa hết,
một vị dân biểu thân Trung Cộng ở Hồng Kông, ông Ng Leung-Sing đã làm mọi người
bực tức hơn khi hôm thứ ba nói là “một người bạn cũ” nói với ông là ông chủ bút
và các đồng nghiệp bị mất tích của ông ta thực sự đã trốn sang Hoa lục để đi
chơi gái và bị bắt. Trước sự phản đối mãnh liệt và tức giận, hôm sau ông Ng đã
xin lỗi.
Cựu
khoa trưởng Luật Khoa của Viện Đại Học Hồng Kông, ông Johannes Chan, viết trên
một email được sinh viên phổ biến rộng rãi là: “Đề nghị mới nhất là nhà xuất bản đi Thẩm Quyến và bị bắt vì đi chơi
gái điếm ở Thẩm Quyến là nực cười và là một chiến thuật bôi nhọ quen thuộc của
Cộng Sản.” Tưởng cũng xin thêm là Giáo Sư Chan đã bị một ủy ban của chính
quyền Hồng Kông từ chối không chịu bổ nhiệm là viện trưởng Viện Đại Học, một việc
mà nhiều đồng nghiệp của ông và các sinh viên phản đối mãnh liệt và bảo là
chính quyền đã đầu hàng Bắc Kinh.
Nhưng
không hiểu có phải lần này Bắc Kinh đã đi quá xa hay không. Hôm 4 tháng 1 vừa
qua, Trưởng Quan Lương Chấn Anh, trong một cuộc họp báo triệu tập vội vã, đã
tuyên bố với báo chí là bất cứ một sự xâm phạm không cho phép nào của các nhân
viên công an của Hoa lục sẽ là một sự vi phạm Luật Căn Bản “không chấp nhận được.”
Luật Căn Bản (Basic Law) được coi như là “mini” Hiến Pháp của lãnh địa. Tuy vậy
ông cũng thêm là “chưa có chỉ dấu” là có sự can thiệp của bên ngoài. Và mặc cho
bức thư được một cơ quan thông tấn ở Đài Loan phổ biến nói là thủ bút của ông
Lee, ông Lương và cảnh sát Hồng Kông nói cuộc điều tra sẽ tiếp tục.
Ở khu
Cause Bay tuy tiệm sách của ông Lee -một tiệm sách khiêm nhường- đóng cửa, ở kế
bên trong các tiệm sách khác những cuốn sách của nhà xuất bản vẫn được bày bán
và theo một phóng viên của Thông tấn xã Reuters, số người từ Hoa lục đến mua vẫn
đều đặn. Khi Reuters hỏi một ông chủ tiệm là bộ ông không sợ sao, ông ta trả lời
“Không, tôi không sợ. Người ta ở Hoa Lục
bị kiềm chế quá nên có nhu cầu muốn đọc loại sách này. Ngày nào họ còn mua thì
tôi còn bán. Vả lại nếu không xuất bản ở đây thì sẽ có người khác xuất bản ở
Đài Loan hay cả ở Nhật Bản. Có nhu cầu thì có người cung cấp.”
Nếu ông
chủ tiệm sách tính đúng thì uy hiếp năm nhà xuất bản này cũng chẳng giúp gì cho
Bắc Kinh trong việc ỉm đi những chuyện thâm cung bí sử mà họ muốn giấu.
No comments:
Post a Comment