Lê Mạnh Hùng
Wednesday,
January 6, 2016 6:43:30 PM
Những
ngày đầu năm nay có hai việc làm cho ngay những người đang sống tại Châu Âu hoặc
Mỹ cũng phải quay nhìn sang Trung Quốc. Thứ nhất là những biến động trong thị
trường chứng khoán tại Trung Quốc nay có thể lan truyền sang và ảnh hưởng đến cả
Luân Đôn hay New York. Và thứ hai việc mất tích của năm nhân vật của một nhà xuất
bản tại Hồng Kông vốn dám xuất bản những cuốn sách nói về các chuyện thâm cung
bí sử của chế độ như nhật ký của Triệu Tử Dương hoặc là nói Chu Ân Lai là “gay”
cho thấy những nhà lãnh đạo nước này đã không còn tự giới hạn mình vào việc chỉ
bịt miệng những người trong nước.
Trung
Quốc sau ba mươi năm đổi mới nay đã càng ngày càng lấy lại phong độ của một xã
hội phong kiến. Thành ra một lần nữa Lỗ Tấn, nhà văn mà những chỉ trích gay gắt
xã hội phong kiến thời xưa đột nhiên trở thành thời thượng lại ở Trung Quốc.
Những
tuần gần đây, chụm từ “Triệu gia nhân” (gia đình họ Triệu) từ truyện ngắn nổi
tiếng “A Q chính truyện” của Lỗ Tấn đã xuất hiện trở lại như là một cụm từ ám
chỉ những nhà giầu có và thần thế của Trung Quốc.
Cụm từ
này bắt đầu hấp dẫn sự chú ý của mọi người khi nó xuất hiện trong một bài viết
có tựa đề là “Môn khẩu đích dã man nhân, bối hậu đích Triệu gia nhân” (Kẻ dã
man đứng trước cửa đằng sau có gia đình họ Triệu) được lưu hành trên mạng. Bài
viết này, được tác giả giấu tên đưa lên mạng mô tả cố gắng của Vạn Khoa Tập
đoàn (China Vanke), một công ty địa ốc trong việc chống lại bị nuốt bởi Bảo
Năng, một tập đoàn địa ốc và bảo hiểm và cũng là cổ đông lớn nhất của Vạn Khoa.
Vạn
Khoa ngưng buôn bán cổ phần của mình vào ngày 18 Tháng Chạp năm ngoái lấy cớ là
dừng lại để cải tổ cơ cấu tích sản. Hành động này được coi như là một cố gắng để
làm giảm bớt ảnh hưởng của Bảo Năng và ngăn chặn công ty nuốt Vạn Khoa. Vương Thạch,
chủ tịch của Vạn Khoa, gọi Bảo Năng là “kẻ dã man” và hoan nghênh hành động của
một cổ đông khác An Bang bảo hiểm trong việc gia tăng tỷ lệ cổ phần của mình
vào Vạn Khoa.
Trong
lúc “dã man nhân” trong bài viết nói đến Bảo Năng, “Triệu gia nhân” nói đến An
Bang và là một dấu hiệu cho thấy công ty này có sự ủng hộ của giới quyền quý đảng
Cộng Sản. Chủ Tịch An Bang Ngô Tiểu Hội lấy cháu của lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu
Bình và một trong các quản trị viên hội đồng quản trị công ty là Trần Tiểu Luật,
con trai Trần Nghị, một trong những sáng lập viên của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Thành
ra việc dùng câu “Triệu gia nhân” để ám chỉ tầng lớp quyền quý đã trở thành phổ
biến.
Kiều Mục,
một giáo sư về truyền thông tại trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh giải thích: “Đây
là một cách sử dụng phản loạn ngôn ngữ chính thức trong thời đại Internet.
Trong quá khứ chúng ta gọi các quan chức là công bộc nhưng thật tế hiện nay ta
có chế độ tư bản bè phái. Tại Trung Quốc những gia đình giầu có và quyền quý phần
nhiều là con cái các lãnh tụ. Nhưng đó là một điều tế nhị khó nói về chính trị
thành ra người ta dùng câu ‘Triệu gia nhân’ thay thế.”
Ông Kiều
đưa lên mạng ba bài viết về “Triệu gia nhân” và các thành viên của gia đình này
chi phối cái mà ông gọi một cách diễu cợt là “nước họ.” Ba bài này nay đã bị
xóa đi, nhưng chúng lại xuất hiện tại các nơi khác.
Câu
“Triệu gia nhân” như ông Kiều chỉ ra xuất phát từ truyện ngắn nổi tiếng của Lỗ
Tấn “A Q. chính truyện.” A Q. là một nông dân nghèo và có tư cách điển hình của
người dân Trung Quốc, đội trên đạp dưới tuy rằng vẫn bị những người trên nhìn một
cách khinh bỉ. Khi A Q. lên tiếng reo mừng khi được biết con trai của ông địa
chủ họ Triệu đã đỗ kỳ thi hương thì bị Triệu địa chủ tát vào mặt và mắng “Mày
tưởng mày họ Triệu hay sao?”
Tuy
nhiên ngay trước khi bài viết về An Bang xuất hiện, câu nói “Triệu gia nhân”
cũng đã xuất hiện để ám chỉ giới thượng lưu Trung Quốc. Các cuộc tranh luận
trên “Tri Hồ?” một địa chỉ mạng của Trung Quốc trong đó người ta có thể đặt câu
hỏi và trả lời cho thấy trước đó câu này đã được dùng trong một bài trên Vi Báo
Tháng Năm, 2013 trong đó tác giả, ký tên là Muhaogu viết: “Vào cuối tuần trong
lúc ngồi ăn với một người bạn làm việc cho ban tuyên huấn, tôi hỏi, tụi bay,
cán bộ đang làm việc về ý thức hệ nghĩ gì về cái đám tình nguyện 50 xu?”
“50 xu”
là câu nói chỉ những người mà nhà nước Trung Quốc thuê để viết ủng hộ cho các
chính sách của nhà nước trên mạng. Còn “tình nguyện 50 xu” là những người tự động
ca tụng đảng mà không được trả tiền.
Muhagu
kể lại câu trả lời của người bạn như sau: “Như câu của Triệu địa chủ nói với A
Q. ‘Mày tưởng mày họ Triệu sao?’”
Hệ thống
truyền thông của Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ và không thể nói lên cái gì đụng
đến các lãnh tụ và các địa chỉ mạng của New York Times và Blomberg đều bị chặn
khi những cơ quan truyền thông này đăng những bài nói về tài sản khổng lồ của
các gia đình cựu thủ Tướng Ôn Gia Bảo và Chủ Tịch Tập Cận Bình. Thành ra người
ta phải nói lách. Và Lỗ Tấn với tư cách là một thần tượng văn học của chế độ là
người mà người ta có thể mượn văn chương an toàn nhất.
“Triệu
gia nhân” không phải là câu đầu tiên của Lỗ Tấn mà người ta dùng để bình luận
những chuyện xảy ra trong hiện tại. Sau cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989, nhiều
người đã nhắc lại câu nói của ông năm 1926 khi chính quyền quân phiệt tại Bắc
Kinh bắn vào những sinh viên biểu tình: “Những lời nói dối viết bằng mực không
thể nào che dấu những sự thật viết bằng máu.”
Năm
1990. nhà văn và nhà báo Trung Quốc Tra Diên Anh bình luận về Lỗ Tấn viết: “Sự kiện
ông còn rất có ý nghĩa vào lúc này thì thật là đáng buồn.”
No comments:
Post a Comment