Saturday, 2 January 2016

CSVN với những phiên tòa Kangaroo (Đại Nghĩa - Danlambao)






Tiến sỹ Nguyễn Đình Đăng, viết trên blog từ Nhật Bản nói rõ về “Phiên tòa kangaroo” như sau: “Thuật ngữ phiên tòa kangaroo đã xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1853 tại Taxas, để chỉ kiểu xử án ‘đốt cháy giai đoạn’ tựa như cú nhảy của con kangaroo. Theo định nghĩa của từ điển Webster, phiên tòa kangaroo là ‘phiên tòa giả hiệu, bỏ qua hoặc áp dụng sai lạc các nguyên tắc của luật pháp và công lý’, như từ chối những quyền tố tụng cơ bản của bị cáo và luật sư trong đó có quyền triệu tập người làm chứng, quyền loại bỏ bằng chứng sai trái và quyền thẩm vấn, quyền từ chối quan tòa hay luật sư do thiên vị hay mâu thuẫn quyền lợi, quyền không buộc tội chính mình, quyền tự bào chữa, và quyền kháng án.


Phiên tòa kangaroo nhảy vội đến kết luận với một bản án đã có từ trước khi phiên tòa diễn ra, tiếng Việt gọi nôm na là ‘án bỏ túi”. (BBC online ngày 11-4-2011)

Từ nhận định trên, tuần tự so sánh một số vụ án mà CSVN đã xử trước đây như thế nào, có xử như những phiên tòa kangaroo hay không? Theo luật sư Trần Đình Triển, một luật sư kỳ cựu trong nước nhận định “Về những bản án đã định sẵn”như sau:

“Thành ra việc tổ chức phiên tòa mang tính chất hình thức. Chứ thực ra bản án người ta đã có trong túi rồi. Chính tình trạng nầy dẫn đến trường hợp oan sai. Mà oan sai rồi thì không ai chịu xử. Vì từ thẫm phán sai đến chánh, phó tòa, chánh, phó án sai, thậm chí họ đã hỏi ý kiến cấp trên trước khi xử một vụ nào đó rồi, thì ai lại xem xét lại vụ án đó?” (RFA online ngày 5-6-2010)

Cố Luật sư Trần Lâm, nguyên chánh án tòa án nhân dân tối cao nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến “Vì sao có án oan sai?” như những án oan sai đã từng xảy ra cho ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén và nhiều... nhiều nữa...

“Cái án oan sai có thể xảy ra vì ngành tòa án rã riệu. Nhưng vấn đề này không phải do sự thật nó khó tìm hiểu nên mới oan sai mà do con người làm nên oan sai. Con người gây nên oan sai do những nguyên nhân như thế này.

Nguyên nhân thứ nhất trình độ quá kém. Trong mớ bòng bong như thế không tìm ra được ánh sáng. Nguyên nhân thứ hai là vô trách nhiệm, làm qua loa cho xong chuyện. Thứ ba nữa là có tác động của những người làm cho sự thật không được phơi bày. (RFA online ngày 27-11-2011)

Tòa án CS Hà Nội kết án Bác sĩ Phạm Hồng Sơn 13 năm tù giam và 3 năm quản chế với tội danh mà chế độ quy chụp cho ông là “gián điệp và thu thập, cung cấp tài liệu mật của nhà nước cho các tổ chức phản động ở Hải ngoại”. Nhưng thực ra, Bác sĩ Sơn bị bắt chỉ vì dịch một bản văn “Thế nào là dân chủ” lấy từ website của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Sau phiên tòa, cụ Hoàng Minh Chính, nguyên Viện Trưởng Viện Triết học Mác- Lê trả lời phỏng vấn của đài LSR ở California nói như sau:

“Nhưng sau đó tôi được nghe nói rằng trên thế giới này không có một vụ xử nào mà tàn bạo hèn hạ như thế. Vợ của bác sĩ Phạm Hồng Sơn không được dự buổi xử chồng, thậm chí cũng không nhìn thấy được mặt chồng, mà bị giữ ở một phòng khác... Thế mà phiên tòa xử một cách tàn bạo như thế thì tôi thấy đấy là môt sự hèn hạ, biểu hiện cả bộ mặt xấu xa tàn bạo và không biết xấu hổ, không một chút lương tri và bất chấp dư luận trong nước cũng như dư luận thế giới”. (Viet Tide số 103 ngày 4-7-2003)

Hẳn không ai quên được hình ảnh đầy xúc động và cảm phục của linh mục Nguyễn Văn Lý một nhà đấu tranh kiên cường và bất khuất đã bị tên công an bịt miệng trước vành móng ngựa khi ông đã dũng cảm hô to “đả đảo đảng cộng sản”. Hành động bịt miệng của tên công an được nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phán: “Chúng tôi khẳng định việc này là không tốt, không đúng... Những việc này sẽ bị xử lý”. (BBC online ngày 7-4-2007) Nhưng không biết rồi có xử lý ai không?

“Tòa án Thừa Thiên-Huế hôm nay đã kết án tám năm tù về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN’...

Họ thấy linh mục Lý được dẫn vào phòng xử, dáng phờ phạc và tay bị còng. Ông hô to hai lần ‘Đả đảo đảng cộng sản’ trước khi bị một tên công an dùng tay bịt miệng lại”. (RFA online ngày 15-4-2007)

Trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Trần Lâm, nguyên Chánh án Tòa án Tối cao trả lời Trà Mi đài RFA với những lời nhận định như sau:

“Mà thực ra như mấy cái vụ xử án sơ thẩm đó người ta chả cho Đài cũng như chả cho Công Nhân biện hộ tranh luận mà chỉ xử ào ào cho xong thôi. Ngay đấy là hai luật sư ra tòa và vừa rồi 6-7 luật sư ra tòa, nhưng tóm lại người ta chỉ xử ào ào cho xong thôi chứ họ cũng chẳng được bảo vệ gì”. (RFA online ngày 5-10-2007)

Một vụ án chính trị quan trọng xử 4 nhà hoạt động dân chủ: Luật sư Lê Công Định, doanh gia Lê Thăng Long, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung và doanh gia Trần Huỳnh Duy Thức bị xử một cách qua loa theo thông cáo báo chí Ân xá Quốc tế ngày 20-1-2010 gọi phiên xử những nhà đối kháng là “sự nhạo báng công lý”. Brittis Edman, nhà nghiên cứu về Việt Nam của Amnesty International nói trong thông cáo:

“Phiên tòa rõ ràng sự nhạo báng công lý, phiên xử tước bỏ nhân quyền cơ bản như giả định là vô tội và quyền được bào chữa.

Amnesty nói hội đồng xét xử chỉ hội ý 15 phút và sau đó đọc bản án mất 45 phút, và theo họ, điều đó chứng tỏ bản án đã được sắp đặt từ trước. Điều này cho thấy rõ ràng bản án đã được chuẫn bị trước phiên xử”. (BBC online ngày 21-1-2010)

-Vụ án xử Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ được tướng cộng sản Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết: “Dư luận họ cho rằng, không phải ông Chánh án phiên tòa xử, mà ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xử đấy”. (Boxitvn online ngày 7-4-2011) Ngoài ra còn nhận định của các giáo sư về phiên tòa không có tang chứng, vật chứng như sau:

“Giáo sư Phạm Toàn thì cáo giác rằng: ‘Đó là một phiên tòa lưu manh, ô nhục’.

Giáo sư Trần Khuê: ‘Chính vụ Cù Huy Hà Vũ thể hiện rằng giới cầm quyền Việt Nam sợ lắm. Không sợ sao lại cho mấy trăm công an ra ngăn cản người đến dự phiên tòa? Rồi họ không dám trình bày chứng cứ buộc tội, không dám xử đàng hoàng…Những yếu tố chứng tỏ họ sợ lắm’…

Giáo sư Ngô Bảo Châu không quên đề cập tới những người bắt TS Cù Huy Hà Vũ ‘bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra…và là ông tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh né tranh luận về nội dung bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ... có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc khó mà làm hơn mấy ông bà này...

Trong trường hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyễn sang công tác khác, phù hợp hơn. Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ”. (RFA online ngày 7-4-2011)

-Vụ án cưỡng chế đất của anh em ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, các quan chức cường hào ác bá địa phương đã xua quân đi phá nhà, phá hoa màu của người dân nên bị “chống người thi hành công vụ”, nhưng chỉ xử phạt tù gia đình ông Vươn còn các quan chức thì chỉ xử cho có lệ. Ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng cho rằng “Phiên tòa xử các quan chức Tiên Lãng là một trò hề”, ông Luân nói:

“Chúng tôi tôi cho rằng đó là một trò hề, vì trước đó chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều thông tin rằng anh em ông Hiền, ông Liêm từng nói đã chạy được tất cả án treo. Thế thì đây là một vấn đề rất là nhức nhối. Hôm nay chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi đại diện Viện kiểm sát đề nghị các bị cáo trong vụ án ‘hủy tài sản’ mức độ như một trò hề như thế...

Họ đề nghị mức án đó cho các bị cáo thì thực sự chúng tôi cho đó là một trò chơi, một trò hề của ngành tư pháp Hải Phòng trong phiên tòa này”. (RFI online ngày 9-4-2013)

- Luật sư Võ An Đôn, người giúp gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều miễn phí đi tìm công lý nói “Luật pháp Việt nam bảo vệ chế độ hơn là bảo vệ người dân” và sau khi xử “Vụ 5 công an dùng nhục hình” ép cung nạn nhân cho đến chết thì ông Lương Quang-Chánh án TAND TP Tuy Hòa khi trả lời phỏng vấn báo Nguoi Lao Đong tỏ ra “tâm tư” như sau:

“Vụ án hết sức phức tạp, nhạy cảm, cả trung ương cũng rất quan tâm. Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực... chúng tôi phải biết chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn. Trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt (?) (Nguoi LaoDong online ngày 4-4-2014)

- Trong “Một phiên tòa áp đặt” xử người thanh niên Nguyễn Viết Dũng được luật sư Võ An Đôn tường thuật thì rõ ra là đúng với “nguyên tắc của phiên tòa kan garoo”. Những nhân chứng muốn tham gia không được chấp thuận, bị cáo thiếu sức khỏe xin hoản phiên xử cũng không được và sau cùng khi tuyên án không có mặt luật sư bảo vệ.

“Tòa án chỉ triệu tập duy nhất một mình bị cáo Nguyễn Viết Dũng đến tham gia phiên tòa, không triệu tập bất kỳ người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nào đến dự phiên tòa để làm sáng tỏ vụ án. Điều này hoàn toàn không đúng với qui định của pháp luật...

Đến phần tranh luận Chủ tọa phiên tòa liên tục ngắt lời bào chữa của các luật sư, không cho tranh luận, cả 4 luật sư đều bị Chủ tọa nhiều lần cảnh cáo vì nội dung tranh luận không theo ý chí chủ quan của Chủ tọa phiên tòa. Sau ba lần bị cảnh cáo, Chủ tọa phiên tòa đã đuổi luật sư Lê Văn Luân ra khỏi phòng xử án, tất cả các luật sư còn lại thấy quyền bào chữa của mình không được bảo đảm nên đồng loạt đứng dậy bỏ ra về.

Sau khi chúng tôi bỏ về, thì được bố mẹ Nguyễn Viết Dũng cho biết, Dũng bị tòa án quận Hoàn Kiếm tuyên xử 15 tháng tù giam”. (Danlambao online ngày 14-12-2015)

Luật pháp của CSVN được nói rõ trong một lần hội luận với luật sư Trần Thanh Hiệp ở Pháp do Trà Mi điều hợp cố luật sư Trần Lâm ở Hải Phòng nói:

“Chính ông Phạm Văn Đồng khi bàn về việc làm luật đã nói một câu rằng: ‘Nếu làm luật thì còn quản lý làm sao được, còn lãnh đạo làm sao được?’ Cả ông Đỗ Mười cũng nói như thế: ‘Muốn làm luật thì làm sao cai trị được?’ Hai cụ gọi là ‘ghê gớm’ mà đã nói hai câu như thế, thì rõ ràng rằng nếu luật pháp công minh thì làm sao còn toàn trị được...

Như bà Ngô Bá Thành, một luật gia có tên tuổi của Việt Nam, nhận xét rằng: ‘Ở Việt Nam có một rừng luật, nhưng khi thực hiện lại áp dụng luật rừng”. (RFA online ngày 27-1-2009)






No comments:

Post a Comment

View My Stats