Lê Phan
Saturday, January 23, 2016 4:26:05 PM
Lần
đầu tiên tôi thấy một “gated community” là ở thành phố Johannesburg của Nam
Phi. Johannesburg, trong những năm đầu tiên sau khi chế độ apartheid sụp đổ là
một thành phố lộn xộn, bất an. Đi vào trụ sở của Đảng ANC của cố Tổng Thống
Nelson Mandela mà cũng phải qua những cửa dò vũ khí như đi vào phi trường vậy.
Trên con đường từ phi trường về khách sạn, có những nơi đi qua ông tài xế vội
đóng khóa cửa xe. Khi hỏi thì ông chỉ trả lời gọn lỏn “Carjack-ăn cướp xe hơi.”
Đến cả những khách sạn cũng được biến thành những
pháo đài. Ngay ở Luân Đôn, tôi đã ngạc nhiên khi thấy ông bạn Travel Agent của
Thế Giới Vụ chọn cho một khách sạn khá mắc tiền. Khi tôi hỏi tại sao, ông ta cười
bảo “Đây là khách sạn rẻ nhất mà tôi có thể book mà bà sẽ không cần mặc áo giáp
khi đi ra đường.” Tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi taxi vào khách sạn phải đi qua
không những một trạm kiểm soát mà những nhân viên an ninh còn đưa kiếng nhìn xuống
dưới gầm xe nữa. Khi tôi hỏi “Bộ họ sợ bom hả?”, ông tài xế taxi, đang nói chuyện
vui vẻ với tôi, chỉ lắc đầu không trả lời.
Chỉ có một nơi ở Johannesburg không có hàng rào an
ninh, không có tường cao và lính canh, đó là ở xóm nghèo như Soweto chẳng hạn.
“Gated communities,” những đồng nghiệp Nam Phi bảo
tôi là một chuyện cần thiết. Việc đó có thể đúng nhưng khi tôi hỏi lại “Làm sao
các bạn có thể xây dựng một nền dân chủ trên một sự phân biệt đối xử như vậy?”
thì họ cũng không trả lời.
Kể từ những năm của thập niên 1990 đó, gated
communities nay phổ biến khắp thế giới. Nhưng lý do có lẽ hơi khác đi một chút.
Ở những thành phố như Johannesburg, gated communities hầu hết là vì lý do an
ninh. Dĩ nhiên nó cũng là để tách rời người nghèo ra khỏi người khá giả hơn,
nhưng chính vẫn là vì an ninh. Ở những quốc gia đang phát triển hay mới giàu
lên, gated communities là để tách người nghèo ra khỏi người giàu. Và nó xuất hiện
ở khắp nơi.
Thế
nhưng tôi vẫn ngạc nhiên khi đọc một bài mới đây trên tờ The Guardian ở Luân
Đôn về những gated
communities ở Việt Nam.
Tờ báo viết “Khu Ciputra International City trị giá
nhiều tỷ đô la ở phía tây bắc Hà Nội, chiếm 300 ha (741 acres) của đất ruộng
trước đây bao gồm những ngôi nhà đồ sộ, trường tư, một câu lạc bộ và một nhà
hàng bán rượu ngon. Bao quanh bởi những bức tường đồ sộ và cửa có lính canh, nó
là một khu vực của khoe của - một thiên đường cho những nhà đầu tư ngoại quốc
và giới quyền quý địa phương của thủ đô Việt Nam. Bên trong cánh cửa cổng, những
con đường rộng đầy xe sang trọng, cây cọ và những pho tượng thần Hy Lạp khổng lồ.”
Chưa hết “Bên kia thành phố, công
trình đang xây dựng của Ecopark, một công trình
kiến trúc tư vĩ đại trị giá 8 tỷ đô la, đang được xây dựng ở bờ phía
đông của Hà Nội. Được dự trù sẽ hoàn tất năm 2020, nó hứa hẹn sự sang trọng kín
đáo của một viện đại học tư, một 'cổ thành' giả mạo và một sân golf 18 lỗ. Giai
đoạn thứ nhất, mang tên là Palm Springs - bắt chước cái tên của khu nghỉ mát
trong sa mạc nổi tiếng với suối nước nóng, sân golf và khách sạn năm sao - đã vừa
hoàn tất.”
Bên kia đường của khu Ciputra là những người như ông
Lam, 40 tuổi. Ông lớn lên ở rìa phía tây thành phố Hà Nội giữa những cánh đồng
lúa, vườn đào quất. Ngày nay ông sống qua ngày nhờ bán những khung hình tự làm
lấy ở một cửa tiệm chiếm mặt tiền căn nhà mình ở. Cánh đồng đã biến mất, băng
qua bên kia đường, những tường cao chia cách bên của ông Lam, một khu lộn xộn
xe gắn máy, ghế nhựa bên lề bán nước trà và giây điện chằng chịt khắp nơi, với
bên kia của Ciputra City với nhân viên an ninh tư canh gác 24 trên 24. Ông bảo
“Trước đây, hầu hết mọi người đều nghèo.
Nay khác rồi.” Kế bên tiệm của ông là quán nước của bà Miên, 59 tuổi. Bà
than phiền, “Bên này chỉ là người bình
thường như chúng tôi. Bên kia họ giàu lắm. Bên này chúng tôi chỉ đủ sống.”
Giáo
Sư Lisa Drummond, giáo sư đô thị học của Viện Đại Học York ở
Toronto, Canada, đã nghiên cứu Hà Nội từ nhiều thập niên nay. Bà bảo “đã có
một cái hố mở ra” giữa người giàu và người nghèo, và những khu như Ciputra và
Ecopark phản ảnh - nhưng cũng duy trì - những bất bình đẳng này.
Vào một buổi sáng ngày đi làm, xe cộ bên ngoài khu
Ciputra như mắc cửi, ồn ào náo nhiệt. Nhưng bên trong khu này, vốn được quảng
cáo là “một ốc đảo bình yên giữa những ồn ào nhộn nhịp” của Hà Nội, mọi sự yên
tĩnh và trật tự. Những người bán hàng rong không được vào bên trong, âm thanh
duy nhất là từ tiếng trẻ em đang chơi trong sân của một trong những trường tư của
khu đô thị này.
Ở đầu kia của thành phố, Ecopark quảng cáo “một sự hài hòa giữa con người và thiên
nhiên” khoe là “nhiều khoảng trống nơi bạn và gia đình có thể đi bộ hay ngồi dưới
bóng mát của một cây cao để ăn picnic, hưởng thiên nhiên tốt đẹp nhất!”
Tờ báo nhắc đến là hồi năm 2006, việc xây dựng
Ecopark đã bị gián đoạn vì sự phản đối của dân chúng mất ruộng, mất đất cho dự
án. Các cuộc phản đối lại bùng lên trong năm 2009 và 2012. Tháng 4 năm 2012, công
an đổ bộ xuống làng để tấn công vào người dân vũ trang bằng đá và bom xăng.
Công an bắn hơi cay vào đám đông, rồi xông vào đàn áp, một trong những vụ tranh
chấp đất đai bạo động nhất trong những năm gần đây. Nhiều người biểu tình bị bắt.
Nhà báo tường thuật vụ cưỡng chiếm đất đai bị công an hành hung.
Giáo
Sư Danielle Labbé, chuyên về kiến thiết đô thị của Viện Đại Học
Montreal, đã theo dõi sự bùng nổ của những “khu đô thị mới” này ở Hà Nội trong
nhiều năm nay. Bà dự đoán có
35 dự án tương tự đã hoàn tất và có đến 200 dự án đang được phát triển.
Tuy không phải khu nào cũng kín cổng cao tường, nhưng tất cả những khu này đều
nhắm vào cùng một nhóm khách hàng, những người mà nay trong nước gọi là “siêu
giàu” và hứa hẹn cho họ một cuộc sống cách biệt.
Trên
toàn Việt Nam, những dự án này, dựng lên qua việc chiếm đất ruộng, đã gặp phải
phản đối vì mức bồi hoàn cho dân rẻ mạt. Bà Labbé thêm “Đã
có những cuộc phản đối, ở mọi nơi trên toàn quốc, trong mấy năm gần đây.” Bà
thêm, “Họ biết đất đai của họ trị giá bao nhiêu,” vả lại họ là những người mất
tất cả. Họ không được công ăn việc làm ở những dự án này. Những khu đô thị mới
này không được hoạch định để tạo bao nhiêu công ăn việc làm ngoại trừ đi làm
người hầu kẻ hạ, làm bồi, làm bếp, vốn là những điều không người nông dân nào
muốn cho mình và cho con cái mình.
Để
phát triển Ecopark, nhiều ngàn gia đình đã bị buộc phải bán đất, với nhiều gia
đình nông dân nay thất nghiệp và mang công mắc nợ vì mất kế sinh nhai. Cụ Phú là một người như vậy. Năm nay ngoại 80, cụ là một nông dân sống ở
làng Xuân Quang, không xa Ecopark. Cụ nói gia đình mình mất gần 1,000 mét vuông
mà họ chỉ nhận được có 50 triệu đồng tiền bồi thường (khoảng 1,500 đô la). Cụ bảo,
“Dân chúng bảo không muốn bán đất vì nông
dân mà không có ruộng thì như là công nhân không có xí nghiệp. Nay chúng tôi mất
đất rồi, chúng tôi làm gì bây giờ?”
Và cuộc sống ở hai bên con đường ngày càng xa cách.
Ông Lam, làm nghề làm khung hình, nói ông chả có bao nhiêu khách từ bên kia.
Trên bàn của ông, dựa vào tường là ba bức tranh lòe loẹt, được đóng khung một
cách lịch sự chỉ dùng gỗ đen, là hàng hiếm có được một nhà bên kia đường đặt
hàng. Ông bảo, “Người giàu và người ngoại
quốc họ đi sắm đồ ở những shopping malls lớn, sang trọng. Chúng tôi sống ngay kế
cận nhưng không mấy ai tìm đến.”
Ngay ở Hoa Kỳ, gated communities chỉ xuất hiện khi
chênh lệch giàu nghèo gia tăng. Thời thập niên 1960, chỉ có một vài nhà tỷ phú
hay tài tử xây lâu đài chứ không có những khu cách biệt như ngày nay. Vẫn biết
những gated communities ở Hoa Kỳ hầu hết là dành cho giới trung lưu. Những người
thật giàu không cần vì họ sống tách biệt ra rồi.
Nhưng tôi vẫn nghĩ là những gì các cộng đồng này biểu
tượng là một dấu hiệu không tốt cho một xã hội lành mạnh. Chính sự thiếu lành mạnh
đó đã làm cho người ta thích luận điệu của những người như ông Donald Trump.
Cái may của một nền dân chủ là những bất công uất ức của những người đang bị
thiệt thòi được bộc lộ. Ông Donald Trump đã nói lên tiếng nói của những người
da trắng trung lưu mà vị thế đang bị đe dọa khi công ăn việc làm biến mất, khi
đồng lương không tăng và khi con đường tương lai mờ mịt.
Ở một quốc gia độc tài, những uất ức
đó không được bộc lộ trong khuôn khổ chính trị của chế độ. Những người dân Văn
Giảng, Dương Nội, những nông dân mất đất, mất kế sinh nhai không được ai để ý tới,
không có tiếng nói. Nhưng họ vẫn phải sống kế bên những kẻ đã tước đoạt đất đai
của họ. Và hàng ngày họ phải chứng kiến sự giàu sang của những kẻ đó.
Sự uất ức của họ sẽ chồng chất lên nhưng không có lối
thoát. Karl Marx khi kêu gọi giai cấp công nhân vùng lên đã bảo là họ “không
còn gì để mất.” Những người nông dân bị cưỡng chiếm đất đai ở Việt Nam cũng
“không còn gì để mất nữa!”
Dĩ nhiên một cuộc nổi dậy còn tùy thuộc vào nhiều yếu
tố nội tại và ngoại lai, từ lãnh đạo, tổ chức đến hoàn cảnh thế giới. Trước khi
Cách Mạng Hoa Lài bùng lên ở Tunisie là còn biết bao nhiêu bất mãn chất chứa
tích tụ. Và sự bùng nổ thường rất khó tiên đoán. Sự bùng nổ đó có thành công
hay không cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là khi nào
kẻ cầm súng từ chối bắn vào người dân.
No comments:
Post a Comment