Bên đường
Quốc lộ 55, đoạn đi ngang xã Sơn Mỹ, Hàm Tân, có một cây cầy. Cầy là một loại
cây có thân rất cứng. Có lẽ vì thế nên nó được để lại bên đường. Lúc đám trẻ
chúng tôi lớn lên (những năm 80), người ta nói cây cầy có ma nên không ai dám
cưa ngã nó. Chuyện này thêu dệt lên chuyện kia, và cứ thế, không ai nghi ngờ gì
chuyện cây cầy này có ma cả. Ký ức của tôi in đậm cảm giác sợ ma, chân nọ đá
chân kia những đêm phải đi bộ về ngang qua cây cầy này. Lần rồi về lại quê, tôi
dừng xe rất lâu bên đường nhìn nó. Nó đã rụng hết lá, tiều tụy, gầy gò. Không
ai biết rằng nó đã từng là một ám ảnh đầy sợ hãi của đám trẻ con chúng tôi. Tôi
mỉm cười về tuổi thơ của mình rồi cho xe chạy đi.
Khi
chúng ta tin vào một điều gì đó bằng sự sợ hãi, hay tuyệt vọng, thì chúng ta sẽ
không còn khả năng quay trở lại chất vấn sự phi lý của điều đã tin vào. Và điều
này không chỉ dừng lại ở đám trẻ con. Tôi chứng kiến điều này rất nhiều lần, và
cứ mỗi lần tôi lại tự hỏi: tại sao chúng ta lại ngây thơ như thế?
Trong
những ngày này, khi không gian mạng đang lên đồng vì những sự kiện sắp diễn ra
trong cuộc giành giật ai chiếu trên ai chiếu dưới, ai ra ngồi bệt trước sân
đình, của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản, thì những niềm tin ngây thơ này lại
đóng vai trò như những điệu chầu văn. Miễn là nó tạo được sự đồng cảm của hiệu ứng
lên đồng, không mấy ai quay lại chất vấn sự phí lý của những điều được tin vào
nữa.
Sự phi
lý của niềm tin ngây thơ #1, “thân Tàu, thân Mỹ”
Không
hiểu từ đâu, người ta tin rằng trong nội bộ Đảng Cộng sản tồn tại một phái
“thân Tàu” và một phái “thân Mỹ” đối nghịch nhau. Không có bằng chứng nào cho
điều này cả. Có lẽ nó đã xuất hiện từ đâu đó bằng những suy đoán mông lung để
phục vụ một luận điểm nào đó về những lục đục nội bộ của nhóm cầm quyền. Sự mường
tượng này ngay lập tức được chấp nhận có lẽ là vì nó khớp với cái khuôn mẫu tư
duy nhị nguyên dễ dãi – trắng/đen, xấu/tốt, đúng/sai, phải/trái, địch/ta, cách
mạng/phản động,... – đã rất quen thuộc trong lối tư duy của chúng ta.
Cùng với
thời gian, cũng không lâu lắc gì, sự mường tượng về một cấu trúc bè phái có-vẻ-rất-hợp-lý
này mặc nhiên trở thành một niềm tin trong công chúng. Nó rất thuận tiện. Hai
phe, thân hai cường quốc, kình chống nhau. Người viết thì chỉ cần viết minh họa
vu vơ. Người đọc cũng không cần động não gì nhiều.
Sự phi
lý của niềm tin ngây thơ #2, “ông Dũng thân Mỹ, ông Trọng thân Tàu”
Một khi
đã dễ dãi tin rằng có một phe “thân Mỹ” và một phe “thân Tàu”, và tin rằng đây
là nguyên nhân của lục đục nội bộ của nhóm cầm quyền, thì chuyện tin rằng mỗi
phe có một người cầm đầu là chuyện đương nhiên. Xin cho tôi hỏi: bạn lấy bằng
chứng nào để nói rằng thủ tướng của các bạn, ông Nguyễn Tấn Dũng, “thân Mỹ”? Và
bằng chứng nào để nói rằng ông Nguyễn Phú Trọng “thân Tàu”? Không có bằng chứng
nào cả, ngoài những suy đoán rất hời hợt. Với bất cứ điều nào mà bạn cho là bằng
chứng ông Dũng “thân Mỹ”, tôi cam đoan với bạn sẽ có hơn một bằng chứng cho thấy
ông ấy “thân Tàu”, và ngược lại. Đối với ông Trọng cũng thế. Tất cả chỉ là sản
phẩm của sự dễ dãi và lười biếng của chúng ta.
Sự phi
lý của niềm tin ngây thơ #3, “chống ông Dũng là thân Tàu”
Và cứ
thế chúng ta cứ trượt dài trên những vỏ chuối, càng lúc càng bi đát hơn. Đã tin
rằng ông thủ tướng “thân Mỹ” thì, bằng lối tư duy nhị nguyên dễ dãi và thuận tiện
kia, ai phê phán ông ta thì người đó là “thân Tàu” trở nên một thứ chân lý. Đã
chân lý thì không cần lý luận gì thêm, không cần bằng chứng, mà chỉ cần chửi bới,
sỉ vả, và bêu riếu. Chúng ta đang chứng kiến sự chửi bới, sỉ vả, và bêu riếu
này ở cường độ tâm thần.
Có dấu
hiệu cho thấy những người cầm quyền đang thao túng niềm tin ngây thơ của chúng
ta. Họ có vẻ hiểu rất rõ thói quen tư duy nhị nguyên dễ dãi của chúng ta. Họ
cũng bước vào cuộc chơi “nhị nguyên” này. Một bạn nói với tôi, ông Nguyễn Tấn
Dũng là một chính khách tài năng, ông đã chơi rất thành công lá bài “chống Tàu”
và đã thuyết phục được một tầng lớp rất đông trí thức tin một cách cuồng nhiệt
rằng ông là người chống Tàu. Thật ra, nếu so sánh với các chính khách phải sống
còn trong những môi trường chính trị dân chủ thì ông Dũng không thể so sánh được
trong trò chơi “mị dân” này. Trong một không gian chính trị mà ở đó sự tuyệt vọng
của trí thức đã đến mức tột cùng và mỗi câu nói vô thưởng vô phạt của chính
khách đều được đón nhận với những tràng pháo tay cuồng nhiệt thì ông Dũng không
phải làm gì nhiều. Trên thực tế, ông đã không phải làm gì nhiều để tạo nên những
niềm tin ngây thơ của chúng ta. Những chửi bới, sỉ vả, và bêu riếu ở cường độ
tâm thần đối với những người phê phán ông chính là sự thành công trong trò chơi
“nhị nguyên” này của ông.
Sự phi
lý của niềm tin ngây thơ #4, “ông A lên tốt hơn ông B”
Có thể
nói, trong tất cả những cả những luận bàn cuồng nhiệt về nhân sự của sự kiện
đang diễn ra, không có luận bàn nào đáng thương hơn là luận bàn về chuyện ai đi
ai ở trong nội bộ của nhóm cầm quyền. Nếu một người là đảng viên thì sự luận
bàn này còn có thể hiểu được vì nó là chuyện của họ. Nhưng nếu một người không
phải là đảng viên thì có lý do nào chính đáng để bàn về chuyện ai tổng ai thủ của
một hội kín mà hội kín này không hề đếm xỉa gì đến ý kiến của người đó không?
Không có lý do nào chính đáng cả. Cứ cho là chúng ta có bằng chứng thuyết phục
với một xác suất nào đó về chuyện “ông A lên tốt hơn ông B”, thì đối với những
người đang bị một nhóm quyền lực tước đoạt các quyền căn bản, họ chỉ còn một
chuyện xứng đáng để nói: đòi lại các quyền đó! Hình ảnh những nạn nhân của sự
tước đoạt hóng hớt lăn tăn chuyện ai đi ai ở trong nhóm chủ mưu tước đoạt là một
hình ảnh rất đáng thương. Chúng ta sợ hãi và tôn thờ quyền lực đến mức tự nhận
thấy mình trong họ.
Nhưng
chúng ta lại không hề có bằng chứng nào, với mức thuyết phục nào, về việc “ông
A lên tốt hơn ông B”. Sự thoái hóa của hệ thống chính trị hiện nay là sự thoái
hóa có tính định chế. Sự tham lam, bạo ngược ở một quốc gia toàn trị là sự tham
lam bạo ngược có tính định chế. Và cho đến khi có dấu hiệu thay đổi các định chế
thoái hóa, tham lam, và bạo ngược đó thì không thể chứng minh được một “ông A”
nào đó sẽ làm tốt hơn một “ông B” nào đó.
Chúng
ta đã quá tuyệt vọng. Và như những con thuyền lạc trên biển nhìn những đám mây
cuối chân trời mà ngỡ là đất liền, chúng ta trông chờ vào những ảo giác. Tất cả
những lập luận xây trên cái nên tảng “ông A lên tốt hơn ông B” là những ảo giác
như thế. Những lập luận này nguy hiểm: nó đánh lừa chúng ta.
Vẫn còn
một câu hỏi: giải thích như thế nào về sự quan tâm cuồng nhiệt của chúng ta đối
với cuộc tranh giành quyền lực đang diễn ra?
Tôi biết
chắc bạn sẽ nói: vì chúng ta quan tâm đến đất nước. Tôi nghi ngờ điều này. Quan
tâm đến đất nước là một lý do quá cao thượng để chúng ta chấp nhận sự ngây thơ
và dễ dãi của chúng ta. Tôi có một giải thích khác.
Đâu đó
hơn mười năm trước, tôi có việc đưa vài người bạn lên Connecticut. Ở đó có một
sòng bạc rất nổi tiếng. Chúng tôi ghé thăm. Ngay trước cửa sòng bạc có một tấm
biển ghi tên sáu người vừa đoạt giải poker cuối tuần rồi. Trong sáu giải này chỉ
có một giải nhì là thuộc về một người có cái tên không phải Việt Nam. Năm cái
tên còn lại là tên Việt Nam. Tất cả những sòng bạc lớn nhỏ trên nước Mỹ này có
một điểm chung: luôn có người Việt Nam ở đó. Người Việt Nam chúng ta rất máu me
chuyện thắng thua.
Chúng
ta sợ hãi quyền lực cùng lúc thờ phượng nó. Và chúng ta đam mê chuyện thắng
thua. Sự kết hợp này tạo nên một cơn lên đồng cuồng nhiệt đối với chuyện thắng
thua của quyền lực. Như tôi đã nói, cơn lên đồng đó chỉ còn chờ những niềm tin
ngây thơ từ thói quen tư duy quyền lực dễ dãi làm công việc của chúng - những
điệu chầu văn.
Một
tháng sau giờ này, khi ngôi vị đã dàn xếp xong, câu chuyện ai đi ai ở của chốn
cung đình không còn là chuyện thời thượng nữa. Và chúng ta đi tìm những câu
chuyện khác. Chúng ta sẽ có cơ hội nhìn lại chính mình những ngày này như tôi
đã có cơ hội nhìn lại cây cầy có ma
No comments:
Post a Comment