Saturday, 23 January 2016

BIỂN ĐÔNG : NƯỚC SÔNG KHÔNG PHẠM NƯỚC GIẾNG (Hồng Thủy - GDVN)





Hồng Thủy  -  GDVN
22/01/16 06:15

GDVN) - Bài học Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988, Scarborough 2012 lại nhắc người viết rằng, hãy nhìn những gì nước lớn làm, chớ nghe những gì nước lớn nói.


Tiếp theo bài "Dựa vào Hoa Kỳ chống Trung Quốc bành trướng, Philippines hớ nặng?", câu hỏi hiện nay đặt ra là, liệu Mỹ có chấp nhận, quyết định đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông hay không? Câu trả lời theo cá nhân người viết, e rằng là không.

Hoa Kỳ rất thực dụng, thực tế. Việc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông chắc chắn không phải lợi ích quốc gia cốt lõi của họ trong thời điểm này. Cứ nhìn vào những gì Mỹ đã làm chứ không phải nghe những gì Mỹ nói, có thể thấy điều đó.

Khi nước sông không phạm nước giếng

Thứ nhất, trong cuộc khủng hoảng Scarborough tháng 4/2012, Mỹ nhắm mắt làm ngơ để Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này từ tay Philippines.

Lúc Washington đứng ra môi giới cho hai bên rút tàu khỏi bãi cạn vì lý do mùa mưa bão đang đến, Manila thật thà đã mất quyền kiểm soát bãi cạn, ngư trường truyền thống vào tay đối thủ lớn xác và nham hiểm. Kẻ môi giới không phải chịu trách nhiệm gì, và cũng không có hành động nào thể hiện trách nhiệm với đồng minh.

Từ đó đến nay, Hoa Kỳ thả con săn sắt, bắt con cá rô thông qua việc viện trợ một khoản gọi là cho Philippines, để rồi bán lại cho nước này 2 tàu tuần tra cũ đã loại khỏi biên chế của Cảnh sát biển để hải quân Philippines tuần tra. Những dự án xúc tiến bán vũ khí khác cho Manila vẫn đang được Washington và đồng minh thúc đẩy.

Thứ hai, rõ ràng Hoa Kỳ không có ý định đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông dù với lý do gì đi nữa.

South China Morning Post ngày 26/8 năm ngoái dẫn lời Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ nói rằng, nước này đang tìm kiếm một thỏa thuận ứng xử trong tình huống chạm trán bất ngờ với Cảnh sát biển Trung Quốc trên Biển Đông.

Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ thời điểm đó, Đô đốc Greenert Jon đã đề xuất điều này với ông Ngô Thắng Lợi, trong khi Tư lệnh Cảnh sát biển Hoa Kỳ, Đô đốc Paul Zukunft đã sang tận Bắc Kinh để trình bày ý tưởng này. Ấy vậy mà Ngô Thắng Lợi vẫn còn bảo cứ để xem đã.

Vấn đề đặt ra là, phạm vi áp dụng quy chế chạm trán bất ngờ này đến đâu trên Biển Đông? Nếu là toàn bộ Biển Đông, thì vô hình chung Hoa Kỳ chấp nhận yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, bởi Cảnh sát biển nước này họ mặc nhiên tuyên bố họ có quyền hoạt động khắp Biển Đông.

Ngoài ra, Cảnh sát biển Trung Quốc được xác định là lực lượng "chấp pháp" phi vũ trang, mặc dù tàu tuần tra của họ được trang bị vũ khí hạng nặng, số lượng nhiều và phần lớn là chiến hạm hải quân cải tạo sang. Số đóng mới thì có kích thước lớn vào hàng đầu thế giới. Những tàu này Hoa Kỳ còn "ngán" chạm trán, lo đối đầu thì nói chi đụng độ hải quân?

Thứ ba và quan trọng hơn cả là Hoa Kỳ chẳng được gì ngoài cái "tiếng" hão nếu đối đầu với Trung Quốc. Trong khi thiệt hại là rõ ràng và hiện hữu, bởi đã đối đầu thì không sứt đầu cũng mẻ trán.

Vấn đề bảo vệ tự do an toàn, hàng hải ở Biển Đông có thể là một lý do để Mỹ cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, còn thực chất Trung Quốc có thể bắt nạt nước nhỏ chứ không dại gì bắt nạt Mỹ. Dù có "diễn" trước dư luận thế nào, thì Bắc Kinh và Washington đều ngầm hiểu, nước sông không phạm nước giếng, trên Biển Đông việc ai người ấy làm.

Thứ tư, hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ quanh một số bãi cạn lúc nổi lúc chìm bị Trung Quốc đảo hóa trái phép ở Trường Sa vừa qua có nhiều điều khiến ngay cả các học giả và chính khách Hoa Kỳ như Thượng nghị sĩ John McCain cũng cảm thấy "có điều gì mờ ám".

Cuối cùng sự thừa nhận của ông chủ Lầu Năm Góc Ash Carter rằng, hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ trong 12 hải lý quanh đá Xu Bi, Vành Khăn phù hợp với ...cả hai tiêu chuẩn, đi lại tự do và đi qua vô hại: "Hoạt động tự do hàng hải mà hải quân Hoa Kỳ thực hiện là quá trình đi qua liên tục và nhanh chóng, phù hợp với cả hai loại hình đi lại tự do trong vùng biển quốc tế, và đi qua vô hại trong lãnh hải 12 hải lý của một thực thể".

Thứ năm, Mỹ còn nhiều điểm nóng có lợi ích trực tiếp trên toàn cầu cần phải giải quyết như Syria, Trung Đông, Iran, Bắc Triều Tiên và cần sự hợp tác của Bắc Kinh, đặc biệt là vấn đề Bình Nhưỡng tuyên bố thử bom nhiệt hạch. Hai siêu cường này cần nhau và có nhiều thứ để đổi chác với nhau.

Không lẽ bó tay?

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận sạch trơn vai trò của Hoa Kỳ hay các nước thứ 3 ở Biển Đông, mà người viết chỉ muốn nhấn mạnh rằng, chớ nên bỏ hết trứng vào một giỏ.

Ngược lại, Việt Nam hay Philippines cần khai thác tối đa sự hiện diện của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và các bên khác để bảo vệ hòa bình, ổn định, trật tự và luật pháp ở Biển Đông, chống vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, chứ không phải theo nước này đánh nước kia.

Hầu hết dư luận các nước liên quan và khu vực đều tin rằng, Mỹ đang cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt với Bắc Kinh ở Biển Đông để bảo vệ tự do hàng không, hàng hải và luật pháp quốc tế, kể cả bản thân người viết cũng đã từng nghĩ như vậy.

Nhưng thực tế những gì diễn ra và bài học Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988, Scarborough 2012 lại nhắc người viết rằng, hãy nhìn những gì nước lớn làm, chớ nghe những gì nước lớn nói. Mỹ chỉ bảo vệ lợi ích của Mỹ, tự do hàng không - hàng hải ở Biển Đông là một lý do thích hợp, đồng thời cũng là cái Việt Nam và Philippines cần tận dụng nên phải tận dụng tối đa.

Những động thái phản ứng của Hoa Kỳ trước các hoạt động leo thang của Trung Quốc chỉ mang tính chất đối phó ngoại giao nhằm "lấy le" với các đồng minh và đối tác. Mọi hoạt động của Mỹ là để bảo vệ lợi ích của Mỹ, kể cả việc cam kết bảo vệ đồng minh.

Biển Đông càng loạn, các nước càng chạy đua mua sắm vũ khí thì những tay lái buôn vũ khí quốc tế càng có lợi. Đó mới là điều các nước lớn cần, trong đó có Hoa Kỳ. Do đó làm sao khuyến khích các nước lớn bao gồm Hoa Kỳ tăng tiếng nói về mặt chính trị, ngoại giao để bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông và phản đối dùng vũ lực mới là chuyện nên làm.

Việc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc...kêu gọi bảo vệ tự do hàng không hàng hải, luật pháp quốc tế ở Biển Đông là điều hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với lợi ích của các bên, cũng là nơi các nước đoàn kết lại chống bành trướng, cường quyền áp đặt, chống sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông.

Việc nâng cao năng lực phòng thủ và đề cao cảnh giác là yêu cầu thường trực đối với các nước nhỏ, đối tượng mà Trung Quốc nhảy vào tranh chấp, đe dọa. Có điều việc này không cần và không nên khoa trương, làm nóng tình hình và chỉ tạo cớ cho đối phương gây hấn.

Với Việt Nam và Philippines, thiết nghĩ không nên tạo cớ cho Trung Quốc có cảm giác rằng hai nước đang tìm cách vận động cả khu vực đang "quây" họ, dù điều này thực tế khó có thể xảy ra. Bởi lẽ nếu để chiến tranh xảy ra thiệt thòi luôn thuộc về các nước nhỏ.

Không phải ngẫu nhiên ông Tập Cận Bình gần đây 3 lần công khai tuyên bố về cái gọi là "chủ quyền từ thời cổ đại đối với các đảo ở Biển Đông". Khi người đứng đầu đất nước đã nói như đinh đóng cột, tức là họ đã không chừa đường lùi, đã có kế hoạch và có sự chuẩn bị.

Do đó, ngoài thực địa Philippines cũng như Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ tình hình, kiềm chế tối đa và kiên quyết không tạo cớ cho Trung Quốc leo thang. Một phát đạn nổ có thể tạo cớ cho Trung Quốc đánh chiếm một thực thể. Họ có thừa sức lực và hung hãn để làm điều này. Lúc đó cũng đừng hy vọng Hoa Kỳ hay bất cứ nước nào nhảy vào cứu mình.

Trong khi Trung Quốc đang rất mạnh về thế và lực xét trên phương diện quân sự cũng như kinh tế, đầu họ đang nóng thì không nên làm cho nó nóng thêm. Thiết nghĩ, Việt Nam cũng như Philippines cần lấy phán quyết của PCA tới đây làm đòn bẩy để đẩy mạnh đấu tranh chính trị - ngoại giao - pháp lý kết hợp, buộc Trung Quốc ngồi xuống bàn đàm phán thay vì tạo cớ cho họ lấn thêm, chiếm thêm.

Đó mới là kênh cần phát huy vai trò của bên thứ 3 như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ. Để nổ ra chiến tranh với Trung Quốc trên Biển Đông lúc này, thiệt hại nhiều khả năng sẽ thuộc về nước nhỏ.

Tình hình Biển Đông tới đây sẽ còn rất phức tạp, Trung Quốc có rất nhiều con bài có thể chơi. Họ cắm giàn khoan nghi binh chỗ này, nhưng có thể đang âm mưu hành động chỗ khác. Lúc này cần hết sức tỉnh táo và bình tĩnh, nên dùng trí chứ không phải dùng sức để đối phó với họ.

Hồng Thủy


No comments:

Post a Comment

View My Stats