Ở Việt Nam ngày nay các câu "phi thương bất
phú”, “nhất bản vạn lợi” (không buôn bán thì chẳng thể giàu và buôn bán là nghề
sinh lợi nhiều nhất) đã lỗi thời vì có một nghề làm giàu nhanh hơn nghề đi
buôn, đó là nghề “làm cán bộ". Ai còn hồ nghi xin mời hãy vào mạng để
chiêm ngưỡng phòng khách của cựu tống bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, nhà
thờ họ của đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, biệt thự của cựu tổng thanh tra
Trần Văn Truyền. Hình ảnh cặp ngà voi, chiếc trống đồng, vườn rau sạch, bức tượng
đồng bán thân đắt tiền, bộ bàn ghế dát vàng... do các báo nhà nước chụp quyết
không thể là ngụy tạo được.
Cảm thấy chưa thuyết phục bạn có thể tới các dinh thự
của lãnh đạo các tỉnh hoặc tương đương. Dù có chó dữ phải đứng ngoài nhìn từ
xa, bạn vẫn thấy được vẻ bề thế, khang trang của nó. Nếu vẫn chưa thỏa mãn bạn
cứ tìm cơ ngơi của lãnh đạo một huyện hoặc thành phố bất kỳ, hoặc của một cán bộ
cỡ vừa vừa nào đó để kiểm chứng. Công dân bình thường muốn làm giàu một cách thực
sự phải là người tài, giỏi làm ăn, mạo hiểm và phải chọn được cách làm giàu phù
hợp cộng với một chút may mắn. Còn với cán bộ nhất là cán bộ càng to thì việc
làm giàu đối với họ càng dễ, thậm chí chẳng cần phải “làm”mà vẫn cứ “giàu”. Chẳng
hạn: Ký một quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng biến đất nông nghiệp thành đất
phân lô để bán ở đô thị bao giờ cũng được những người đề xuất “lại quả” vài mảnh
giá trị bạc tỉ. Cất nhắc, đề bạt thậm chí kỷ luật cán bộ luôn là những cơ hội để
cấp trên nhận những khoản chạy chức, chạy tội không nhỏ từ đương sự. Muốn làm
những công trình, dự án béo bở mà không phải là gia đình, người thân, phe cánh
của quan chức thì chỉ còn cách "lì xì" cho cán bộ có quyền phân phối.
Tổ chức cưới xin, ma chay cho thân nhân của sếp luôn là dịp để cấp dưới hối lộ
hợp pháp bằng cách mừng hoặc phúng những phong bì “dày bất thường”. Vì "một
người làm quan cả họ được nhờ" nên nghề "làm cán bộ" còn tạo cơ
hội làm giàu cho cả người thân trong gia đình, họ hàng thân cận cùng phe nhóm nữa.
Ngoài làm giàu nhanh nghề này còn có một "nhân
thân tốt" nên khi lỡ “bị lộ”, “lâm nạn”, hoặc buộc phải làm "dê tế thần",
đóng vai “Lê Lai” cứu cấp trên cũng dễ dàng thoát tội hoặc chuyển từ nặng thành
nhẹ. Còn nếu chẳng may bị tù cũng nhanh chóng được ân xá. Vụ án mua dâm nữ học
sinh ở Hà Giang những kẻ có tội là hàng loạt quan chức tỉnh có "thân nhân
tốt" nên phiên sơ thẩm được “miễn nêu tên”. Lương Quốc Dũng, Mai Văn Dâu,
Trần Mai Hạnh, Phạm Sĩ Chiến... là những cán bộ cấp cao lỡ bị tù nhưng đều được
nhanh chóng ra trước thời hạn. Các vụ in tiền Pôlime, PCI, PMU18, Vinashin,
Vinaline vì có dính líu tới các nhân vật trong BCT nên đã được ỉm đi, khoanh lại
không làm tới cùng.
Chỉ cần kể sơ sơ như vậy cũng đủ thấy sự "hấp dẫn",
sức “cuốn hút” của nghề “làm cán bộ”. Cộng với tâm lý thích làm quan vốn ăn sâu
bén rễ từ hàng ngàn đời nay nên thiên hạ đua nhau: chưa được làm cán bộ thì phấn
đấu, được rồi thì muốn làm to hơn, to rồi thì muốn làm to nữa, bằng đủ mọi
cách. Nhưng điều 4 hiến pháp quy định đảng cộng sản lãnh đạo đất nước nên có một
tiêu chuẩn bất thành văn: lãnh đạo đơn vị phải là đảng viên và phải có chân
trong cấp ủy của đảng bộ cùng cấp. Chẳng han: Lãnh đạo tỉnh hoặc giám đốc một sở
quan trọng nhất thiết phải là tỉnh ủy viên. Bí thư các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương, bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ đều phải có chân
trong BCH trung ương. Tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội,
bộ trưởng bộ quốc phòng, công an đương nhiên không ai ngoài các ủy viên bộ
chính trị. Bởi vậy cuộc chạy đua giành các vị trí lãnh đạo chủ chốt chính là cuộc
đua giành ghế cấp ủy trong các đại hội đảng bộ. Cuộc đua giữa các đồng chí
(cùng phải thực hiện nghị quyết, chủ trương, đường lối của đảng) nên không có
gì ngoài tranh giành, đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Lãnh đạo cấp càng cao càng có nhiều
“béo bở” do đó mức độ quyết liệt của các cuộc tranh giành nói trên tăng theo cấp
của đại hội đảng bộ. Tất nhiên căng thẳng, quyết liệt hơn cả là tranh giành các
ghế UVTW, UVBCT, "tứ trụ", TBT.
Cuộc tranh giành của những kẻ có quyền, tiền vào bậc
nhất, câu kết thành phe phái, đứng sau là các nhóm lợi ích khổng lồ, không loại
trừ khả năng được ngoại bang hỗ trợ lại diễn ra trong bối cảnh: 5 năm trong nhiệm
kỳ của đại hội 11 kinh tế đất nước bết bát, tham nhũng, lãng phí trầm trọng
trong các ngân hàng, công ty, cơ quan nhà nước gây thất thoát tới hàng trăm tỷ
đô làm gánh nợ công khổng lồ ngày càng chồng chất, hàng loạt các công ty doanh
nghiệp trong nước phá sản, làm ra không đủ trả nên thường xuyên phải đi vay để
đáo nợ. Ngoài biển, Trung Quốc cộng không ngừng gia tăng sức ép đe dọa chủ quyền
nhằm chiếm trọn biển Đông qua các hành động bắt bớ ngư dân, đưa giàn khoan vào
thềm lục địa, bồi đắp trái phép các đảo chiếm được của Việt Nam ở Trường Sa.
Đáp lại, nhà nước cộng sản Việt Nam dù tuyên bố kiên trì đường lối ngoại giao độc
lập, đa phương hóa không liên minh liên kết, nhưng tỏ ra hèn đớn, ngày càng lệ
thuộc mọi mặt vào Tàu cộng, đồng thời tích cực" đu dây" giữa Mỹ
và Trung Quốc để giảm sức ép từ phía phần lớn người dân muốn thoát
Trung. Với các động thái: Viếng thăm và ký kết hợp tác với hàng loạt quốc
gia trong đó đáng kể là chuyến viếng thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ. Gia
tăng đàn áp những người yêu nước chống đối Trung Quốc. Nhượng bộ để vào TPP bằng
được. Các lãnh đạo cao cấp có những hành động, tuyên bố, thái độ không đồng nhất
trong mối quan hệ với Trung Quốc. Làm cuộc giành quyền lực trước và trong đại hội
12 quyết liệt, bất ngờ hơn hẳn so với các đại hội trước. Cuộc tranh giành mà hầu
như các diễn biến của nó đều liên quan tới số phận chính trị của thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng.
Sau nhiệm kỳ "xuôi chèo mát mái" tích lũy
được khá nhiều quyền và tiền ông Dũng đã gặp phải "sóng gió" ngay
trong những năm đầu nhiệm kỳ của đại hội 11. Mở đầu là sự đổ bể của Vinashin tiếp
theo là hàng loạt các tập đoàn kinh tế nhà nước khác - những" quả đấm thép
trong mơ "của ông - xảy ra tham nhũng, lãng phí gây thất thoát hàng chục tỷ
USD. Mặc dù không bị kỷ luật nhưng đây là cơ hội để các đối thủ vốn "ghen
ăn tức ở" tận dụng nhằm hạ uy tín khởi động "cuộc chiến Ba-Tư"
tiến tới hạ bệ ông. Trang blog "quan làm báo" ra đời đăng tải nhiều
bài viết tấn công trực diện vào cá nhân, gia đình, thân cận của ông. Nó không hề
bị chặn, phá hoại như những trang mạng "lề dân" khác chứng tỏ đã có một
thế lực không hề nhỏ đứng đằng sau o bế. Đáp trả, ông Dũng đã có những tuyên bố
khá cứng rắn về chủ quyền biển đảo trên các diễn đàn trong nước và quốc tế. Điều
mà các lãnh đạo cao cấp khác không làm được. Hành động trên giúp ông đánh bóng
tên tuổi và làm lu mờ đi phần nào hình ảnh một thủ tướng tham nhũng bất tài. Mặc
dù nó được dư luận tán thưởng nhưng lại gây ngứa tai, ngứa mắt một số người,
trong số đó có ông TBT Nguyễn Phú Trọng một nhân vật bảo thủ, thân Tàu khét tiếng.
TBT đã nhập cuộc và được dư luận "phong"
thành người đứng đầu phe bảo thủ, giáo điều thân Trung Quốc. Dĩ nhiên phe còn lại
của ông Dũng phải được coi là cải cách, thực dụng, thân Mỹ. Lợi dụng cương vị
TBT ông Trọng đã cho ra đời nghị quyết 4 về chống tham nhũng nhằm hạ bệ ông
Dũng và dự kiến hội nghị TƯ 6 sẽ là thời điểm "knock out" đối thủ. Một
tập tài liệu dày hàng trăm trang A4 kể tội, cùng hình ảnh nhà thờ họ hoành
tráng của ông Dũng đã được phát tận tay cho các đại biểu trước hội nghị.
Nhưng ông Dũng đã thoát hiểm một cách ngoạn mục vì
đa phần các UVTƯ không tán thành với BCT kỷ luật ông. Sau thất bại này của đối
thủ, giấc mơ trở thành TBT sau đại hội 12 của ông Dũng đã nhen nhóm. Vừa củng cố,
thâu tóm thế lực bằng cách cất nhắc vây cánh vào các chức vụ quan trọng vừa triệt
hạ đối thủ. Cái chết của trưởng ban nội chính Nguyễn Bá Thanh bị nghi ngờ là
đòn trừng phạt tới những kẻ đâm ngáng đường ông. Trang "chân dung quyền lực"
tố cáo một loạt các lãnh đạo cấp cao tham nhũng, tung tin "bộ trưởng quốc
phòng Phùng Quang Thanh bị ám sát" có thể nằm trong lộ trình thâu tóm quân
đội. Tiếp tục có các phát biểu về chủ quyền biển đảo, về dân chủ nhân quyền nên
ông Dũng liên tục được dư luận tung hô, kỳ vọng là một Thein Sein của Việt Nam.
Và gần đây khi được Tập Cận Bình ngỏ lời mời tới thăm Trung Quốc vào năm tới
thì hy vọng trở thành TBT của ông càng tràn trề.
Sau thất bại ở hội nghị TƯ 6 tưởng như đã phải
"yên bề chịu trận" qua những lời thủ thỉ với cử tri "đánh chuột
sợ vỡ bình", "sang đất Phật còn phải hối lộ..." Thì bất ngờ từ hội
nghị TƯ 10 nhân danh TBT, ông Trọng đã đưa ra hàng loạt tiêu chí để loại ông
Dũng.
Tới thời điểm này, khi khai mạc đại hội đảng toàn quốc
lần thứ 12 chỉ còn tính từng ngày, đã có liên tiếp 3 hội nghị bàn về nhân sự
nhưng vẫn còn phải cần tới một hội nghị TƯ 14 nữa để hoàn tất danh sách bầu 4 vị
trí cao nhất và TBT. Các thư tố cáo, ý kiến góp ý về chọn nhân sự dồn dập đăng
tải trên các trang mạng không chính thống. Đã liên tiếp xảy ra các vụ đánh đập,
bắt bớ người hoạt động trong công đoàn độc lập và luật sư nhân quyền khi TPP còn
chưa ráo mực. Phải chăng đã có những kẻ cố tình phá hỏng TPP để kiếm điểm của
"thiên triều" nhằm giành quyền lực? Rất có thể, vì với họ TPP chẳng
có ý nghĩa gì nếu không còn chức còn quyền. Chuyến thăm Trung Quốc vào thời điểm
"năm cùng tháng tận", cận kề đại hội 12 của chủ tịch quốc hội Nguyễn
Sinh Hùng càng tăng thêm yếu tố bất ngờ về vấn đề nhân sự. "Gió" đã đổi
chiều hay thổi theo hướng khác? Hội nghị TƯ 14 có phải là "phút bù giờ"
cuối cùng? Cuộc tranh giành quyền lực chóp bu trở nên hết sức căng thẳng, quyết
liệt và đầy dẫy bất ngờ.
Như thông lệ, kịch bản của đại hội đảng các cấp cũng
như trung ương là: các đại biểu nghe báo cáo chính trị về tổng kết, đánh giá
nhiệm kỳ trước, đề xuất phương hướng cho nhiệm kỳ tiếp theo hoặc lâu dài hơn, đại
biểu phát biểu dưới dạng tham luận, biểu quyết nghị quyết đề ra, cuối cùng là bầu
ban chấp hành khóa mới và bầu đại biểu đi dự hội nghị cấp cao hơn (nếu là đại hội
cấp địa phương). Nhưng báo cáo chính trị, phương hướng, nghị quyết, tham luận vốn
là món "rượu cũ" đã "hết men" từ hàng chục năm nay. Dù có
được "hâm nóng" lại cũng chẳng còn hấp dẫn được ai. Thành thử, mối
quan tâm nhất của các đại biểu trong đại hội là phần bầu bán vì nó cho biết cá
nhân, phe cánh nào còn "ghế", còn "phần" trong nhiệm kỳ 5
năm tới. Đại hội 12 thực chất là cuộc tranh giành quyền lực. Cuộc tranh giành dễ
làm người ta liên tưởng tới trích đoạn "mẹ Đốp" của vở chèo cổ
"Quan âm Thị Kính", tả cảnh các chức sắc tranh ăn giữa đình, trong một
làng phong kiến thuở xưa.
1/2016
No comments:
Post a Comment