Người dịch: Trần Văn Minh
Tư Mã Thiên, một nhà sử học Trung Quốc sống ở thế kỷ
thứ 1 trước Công nguyên đã viết, “Các kho thóc ở tất cả các thị trấn đều đầy ắp,
và các hòm gỗ đầy châu báu và vàng bạc, trị giá muôn vạn. Tiền quá nhiều đến nỗi
những sợi dây xâu chuỗi những đồng tiền với nhau đã mục nát và đứt đoạn, một số
lượng không thể đếm nổi. Các kho thóc ở thủ đô thì đầy tràn đến nỗi trở nên hư
thối và không thể ăn được”.
Ông mô tả sự thặng dư huyền thoại của nhà Hán, một
thời đại tiêu biểu cho sự mở rộng bờ cõi đầu tiên của Trung Quốc về phía tây và
phía nam, và sự thành lập tuyến đường thương mại mà sau này được biết đến với
tên Con đường Tơ lụa, trải dài từ thủ đô Tây An cũ đến tận nơi xa như La Mã cổ
đại.
Nếu đi tới trước một hoặc hai ngàn năm, và câu chuyện
tương tự về sự bành trướng sẽ được kể như thặng dư của Trung Quốc gia tăng một
lần nữa. Không có sợi dây nào để giữ 4 ngàn tỷ dự trữ ngoại tệ – lớn nhất thế
giới – và cộng với kho thóc đầy tràn, Trung Quốc có thặng dư rất lớn về bất động
sản, xi măng và thép.
Sau hai thập niên tăng trưởng nhanh chóng, Bắc Kinh,
một lần nữa, đi tìm những cơ hội đầu tư và thương mại bên ngoài biên giới của họ,
và để làm điều đó, họ quay trở lại thời đại hoàng kim của đế quốc trước đây để
tìm mô hình là “Con đường Tơ lụa” quen thuộc. Việc tạo ra một phiên bản mới của
tuyến đường thương mại cổ xưa đã nổi lên như một sáng kiến về chính sách đối
ngoại đặc thù của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
“Đây là một trong số ít từ ngữ mà người ta nhớ từ những
lớp lịch sử mà không dính dáng đến quyền lực cứng… và đó chính là sự liên quan
chính yếu mà người Trung Quốc muốn nhấn mạnh”, Valerie Hansen, giáo sư về lịch
sử Trung Quốc tại Đại học Yale cho biết.
Sử gia Tư Mã Thiên: “Tiền quá nhiều đến nỗi những
sợi dây xâu chuỗi những đồng tiền với nhau đã mục nát và đứt đoạn, một số lượng
không thể đếm nổi. Các kho thóc ở thủ đô thì đầy tràn đến nỗi trở nên hư thối
và không thể ăn được“.
Ý tưởng
lớn của ông Tập
Nếu xác định giá trị của tất cả các dự án của Trung
Quốc, Con đường Tơ lụa mới được hoạch định để trở thành chương trình lớn nhất
trong ngoại giao kinh tế kể từ kế hoạch Marshall do Mỹ dẫn đầu để tái thiết Âu
châu thời hậu chiến, bao gồm hàng chục quốc gia với dân số tổng cộng trên 3 tỷ
người. Quy mô đó cho thấy tham vọng rất lớn. Trong bối cảnh của một nền kinh tế
đang chậm lại và sức mạnh quân sự ngày càng tăng, kế hoạch này mang ý nghĩa lớn
hơn như một cách để xác định vị trí của Trung Quốc trên thế giới và mối quan hệ
– đôi khi căng thẳng – với các nước láng giềng.
Về phương diện kinh tế, ngoại giao và quân sự, Bắc
Kinh sẽ dùng dự án này để khẳng định vai trò lãnh đạo khu vực ở châu Á, các
chuyên gia cho biết. Đối với một số người, điều này biểu lộ ước muốn thiết lập
một vùng ảnh hưởng mới, một phiên bản thời đại của tình hình chính trị vào thế
kỷ 19, là khu vực mà Anh và Nga đã giao chiến để giành ảnh hưởng tại Trung Á.
“Con đường Tơ lụa từng là một phần của lịch sử Trung
Quốc, từ niên đại nhà Hán và nhà Đường, hai trong số những đế quốc lớn nhất
Trung Quốc”, Friedrich Wu, một giáo sư của trường đại học Rajaratnam S về
Nghiên cứu Quốc tế tại Singapore cho biết. “Sáng kiến này là một lời nhắc nhở
đúng lúc rằng Trung Quốc dưới sự cai trị của đảng Cộng sản đang xây dựng một đế
quốc mới”.
Theo các cựu quan chức, viễn ảnh về Con đường Tơ lụa
mới bắt đầu nhen nhúm một cách khiêm tốn từ Bộ Thương mại của Trung Quốc. Trong
khi tìm kiếm phương cách để đối phó với vấn đề thặng dư nghiêm trọng trong
ngành thép và sản xuất, các quan chức thương mại bắt đầu ươm mầm một kế hoạch
xuất khẩu nhiều hơn. Trong năm 2013, chương trình nhận được sự phê chuẩn đầu
tiên của lãnh đạo cao cấp khi ông Tập tuyên bố “Con đường Tơ lục mới” trong
chuyến thăm Kazakhstan.
Kể từ khi ông Tập nói tới kế hoạch này trong bài diễn
văn quan trọng thứ hai vào tháng Ba – khi những lo ngại về suy thoái kinh tế
gia tăng – nó đã nhanh chóng trở thành một chính sách quan trọng và có một cái
tên thô kệch hơn: “Nhất Đới Nhất Lộ”. “Đới” ám chỉ tuyến đường thương mại trên
đất liền nối kết Trung Á, Nga và châu Âu. “Lộ”, một cách kỳ lạ, ám chỉ tuyến đường
hàng hải thông qua phía tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Đối với một số nước, Bắc Kinh đang thúc đẩy chính
sách mở cửa. Thương mại giữa Trung Quốc và năm quốc gia Trung Á – Kazakhstan,
Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan – đã gia tăng đáng kể từ năm
2000, đạt tới 50 tỷ USD trong năm 2013, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Hiện nay,
Trung Quốc muốn xây dựng đường sá và ống dẫn dầu để dễ dàng tiếp cận các nguồn
nguyên liệu cần thiết cho công cuộc phát triển của họ.
Ông Tập khởi sự cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch
này vào đầu năm nay với một thông báo đầu tư và vốn tín dụng 46 tỷ USD cho hành
lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan đã được dự tính từ trước, kết thúc tại cảng
biển Ả Rập ở Gwadar. Vào tháng Tư, Bắc Kinh công bố kế hoạch bơm 62 tỷ USD dự
trữ ngoại hối cho ba ngân hàng nhà nước để tài trợ cho việc khuếch trương Con
đường Tơ lụa mới. Một số dự án, đã được hoạch định, có vẻ như được bổ sung vào
chương trình mới này bởi các quan chức và doanh nhân đang tìm cách gắn kết kế
hoạch của họ vào chính sách của ông Tập.
“Họ chỉ đặt một khẩu hiệu mới lên những thứ mà họ từng
muốn làm từ lâu”, một nhà ngoại giao phương Tây cho biết.
Scott Kennedy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến
lược và Quốc tế ở Washington nói: “Giống như một cây Giáng sinh, bạn có thể
treo rất nhiều mục tiêu chính sách trên đó, nhưng chưa có ai thực hiện một cuộc
phân tích kinh tế thích ứng. Số tiền nhà nước mà họ chi ra là chưa đủ; họ hy vọng
sẽ có nguồn vốn tư nhân, nhưng nguồn vốn tư nhân có muốn đầu tư hay không? Họ sẽ
có lời hay không?”
Như để cung cấp một cái nhìn thoáng qua về tham vọng
của Trung Quốc, Con đường Tơ lụa mới cho thấy chính sách kinh tế vĩ mô được Bắc
Kinh thực hiện như thế nào – thường là thiếu chuẩn bị, với các quan chức vội vã
mổ xẻ các lời tuyên bố mơ hồ và đôi khi mâu thuẫn của cấp cao. “Một phần thì từ
trên xuống, một phần thì từ dưới lên, cho đến nay vẫn không có gì ở giữa”, một
cựu quan chức Trung Quốc cho biết.
“Phần còn lại của bộ máy hành chánh là cố gắng bắt kịp
những nơi ông Tập cắm cờ”, Paul Haenle, giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở
Bắc Kinh nói. “Đây là điều mà ông Tập tuyên bố và sau đó bộ máy hành chánh phải
làm điều gì đó về nó. Họ phải đắp thịt lên khúc xương”.
Vài đầu mối xuất hiện vào tháng 3, khi Ủy ban Cải
cách và Phát triển đầy quyền lực, cơ quan kế hoạch trung ương Trung Quốc, công
bố một tài liệu thô sơ, “Viễn ảnh và kế hoạch hành động cùng lúc xây dựng kinh
tế cho Con đường Tơ lụa trên bộ và Con đường Tơ lụa hàng hải của thế kỷ 21”.
Tài liệu ghi chép rất chi tiết ở một số điểm – chẳng hạn như những hội chợ sách
nào sẽ được tổ chức – nhưng lại chắp vá ở những chỗ khác, như những nước nào được
bao gồm trên Con đường Tơ lụa. Peru, Sri Lanka và thậm chí cả Vương quốc Anh được
bao gồm trong một số phiên bản của bản đồ bán chính thức nhưng không có trong
những phiên bản khác.
Tuy nhiên, một danh sách đầy đủ có vẻ đã có. Vào
ngày 28 tháng 4, Bộ Thương mại thông báo rằng các nước bao gồm trong Con đường
Tơ lụa chiếm 26% thương mại nước ngoài của Trung Quốc, một thống kê thật chính
xác. Tuy nhiên, khi Financial Times yêu cầu cho biết chi tiết cụ thể hơn về
danh sách các quốc gia thì đã không được trả lời.
Cũng không có dấu hiệu nào về cách thức Con đường Tơ
lụa sẽ được điều hành như thế nào – thông qua bộ máy hành chánh của chính họ,
hoặc như những bộ phận riêng biệt trong các bộ khác nhau và các ngân hàng chính
sách. Đối với các chính phủ ngoại quốc và các ngân hàng đa quốc gia vội vã chạy
theo những lời lẽ mơ hồ từ Bắc Kinh để tìm hiểu ý nghĩa của nó, sự mơ hồ và lẫn
lộn đã không phải là không được chú ý.
Một nhà ngoại giao của một nước láng giềng cho biết:
“Nếu chúng tôi muốn nói chuyện về Con đường Tơ lụa, chúng tôi không biết ai để
gọi”.
Khi lợi ích kinh tế của quốc gia mở rộng ra nước
ngoài, bộ máy an ninh và quân sự khổng lồ của họ có thể sẽ được kéo vào một vai
trò lớn hơn trong khu vực. Trung Quốc không có căn cứ quân sự ở ngoại quốc và
kiên quyết khẳng định rằng họ không can thiệp vào chính trị nội bộ của bất cứ
nước nào. Nhưng một dự thảo luật chống khủng bố, lần đầu tiên, hợp thức hóa việc
đưa lính Trung Quốc ra ngoại quốc, với sự đồng ý của nước chủ nhà.
Quân đội Trung Quốc cũng mong muốn chia phần trong
phần thưởng chính trị và tài chính đi kèm với việc xây dựng Con đường Tơ lụa mới.
Một cựu viên chức Mỹ nói ông được các tướng lĩnh cấp cao trong Quân đội Trung
Quốc cho biết chính sách Nhất Đới Nhất Lộ sẽ có một “bộ phận an ninh”.
Các dự án trong các khu vực bất ổn chắc chắn sẽ thử
thách chính sách né tránh những vướng mắc an ninh ở nước ngoài của Trung Quốc.
Pakistan đã phái 10.000 quân để bảo vệ các dự án đầu tư của Trung Quốc, trong
khi đó ở Afghanistan, quân đội Mỹ cho đến nay vẫn bảo vệ một mỏ đồng do Trung
Quốc đầu tư.
Việc xây dựng cảng ở các nước như Sri Lanka,
Bangladesh và Pakistan đã khiến một số nhà phân tích đặt câu hỏi phải chăng mục
đích tối hậu của Trung Quốc là các cơ sở hậu cần hải quân với tác dụng kép có
thể được đưa vào phục vụ kiểm soát các tuyến đường biển, một chiến lược được đặt
tên là “Chuỗi Ngọc trai”.
Đạt được sự tin tưởng của các nước láng giềng có
nghi ngại bao gồm Việt Nam, Nga và Ấn Độ không phải là điều tự nhiên và luôn bị
phá hoại bởi sự phô trương sức mạnh liên tục của Trung Quốc ở những nơi khác. Ở
Biển Đông, ví dụ, các cuộc đối đầu hải quân đã tăng lên cùng với các tuyên bố
chủ quyền hung hăng của Bắc Kinh.
Xuất
khẩu thặng dư
Lý thuyết của Lenin nói rằng chủ nghĩa đế được thúc
đẩy bởi thặng dư tư bản dường như đã đúng, mỉa mai thay, tại một trong những quốc
gia Leninist (bề ngoài) cuối cùng trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà chiến
lược Con đường Tơ lụa trùng hợp với kết quả của sự bùng nổ đầu tư, đã tạo ra
tình trạng thặng dư khổng lồ và cần phải tìm kiếm thị trường mới ở nước ngoài.
Tom Miller của công ty tư vấn Bắc Kinh Gavekal
Dragonomics nói: “Tăng trưởng xây dựng đang chậm lại và Trung Quốc không cần phải
xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc mới, đường sắt và cảng biển, do đó họ phải
tìm các nước khác đang cần. Một trong những mục tiêu rõ ràng là đạt được nhiều
hợp đồng cho các công ty xây dựng Trung Quốc ở nước ngoài”.
Giống như kế hoạch Marshall, bề ngoài của sáng kiến
Đường Tơ lụa mới được thiết kế với việc sử dụng những phần thưởng kinh tế như một
cách để lấp những lỗ hổng khác. Biên giới phía tây của Trung Quốc và các nước
láng giềng Trung Á là nơi có trữ lượng dầu và khí đốt to lớn. Vùng Tân Cương, tọa
lạc trên nguồn dự trữ năng lượng lớn nhất của Trung Quốc và quan trọng đối với
dự án Con đường Tơ lụa, cũng là quê hương của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ mang
văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ, nghèo hơn nhiều so với các công dân ven biển của Trung Quốc
và đang muốn ly khai khỏi Bắc Kinh. Khu vực này đã từng xảy ra những vụ bùng
phát bạo lực nghiêm trọng trong những năm gần đây.
Tiến vào Trung Á một phần sẽ lấp vào khoảng trống do
sự rút quân của Moscow để lại sau chiến tranh lạnh, tiếp theo với sự rút quân của
Washington khỏi Afghanistan trong năm tới. Với việc Bắc Kinh nói rằng họ đang đối
mặt với các đe dọa khủng bố tăng cao, việc ổn định khu vực rộng lớn hơn là một
ưu tiên.
Nhưng, khi làm như vậy, Trung Quốc sẽ gặp phải vấn đề
con gà và quả trứng như đã từng hành hạ Mỹ trong nỗ lực “xây dựng quốc gia” –
phải chăng an ninh và ổn định là một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển
kinh tế, hoặc phải chăng, như Bắc Kinh có vẻ tin rằng, họ có thể bình định các
cuộc xung đột địa phương với cả một biển đầu tư và chi tiêu cơ sở hạ tầng.
Đối
phó với Hồi giáo cực đoan
Nếu phương pháp này không hiệu quả, Trung Quốc sẽ phải
đối mặt với một số lựa chọn u ám khác – hoặc là quay gót và bỏ cuộc, hoặc có
nguy cơ bị sa lầy trong các cam kết an ninh và chính trị địa phương. Trung Quốc
đã từng nói rõ rằng họ không muốn thay thế Mỹ ở Afghanistan cũng như không đóng
vai trò cảnh sát khu vực. “Trung Quốc sẽ không rơi vào những sai lầm tương tự”,
Jia Jinjing, một chuyên gia về Nam Á tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nói.
Phát triển kinh tế, chiến lược gia tại Bắc Kinh lập
luận, sẽ loại bỏ sự hấp dẫn của Hồi giáo cực đoan ở Trung Quốc và Pakistan,
Afghanistan và Trung Á. Nhưng các nhà phê bình lưu ý rằng, chính sách không lưu
tâm đến văn hóa, sự hiện diện của bộ máy an ninh khổng lồ và chiến lược kinh tế
làm lợi cho cộng đồng người Hoa hơn người dân địa phương, cho đến nay chỉ làm
gia tăng căng thẳng ở Tân Cương, một vùng sa mạc với 22% trữ lượng dầu nội địa
của Trung Quốc và 40% dự trữ than đá.
Đường sá và ống dẫn dầu qua Pakistan và Myanmar cuối
cùng sẽ cho phép Trung Quốc tránh được điểm yếu chiến lược khác – điểm nút chặn
của eo biển Malacca, với khoảng 75% lượng dầu nhập khẩu của họ phải đi ngang
qua. Hiện tại, một nửa lượng khí đốt của Trung Quốc được dẫn vào bằng đường bộ
từ Trung Á, nhờ vào chiến lược tốn kém của người tiền nhiệm của ông Tập để cắt
giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu qua đường biển.
Trong khi có một số nước láng giềng sẽ chào đón đầu
tư, nhưng không rõ họ có muốn hàng thặng dư của Trung Quốc. Nhiều nước có tỷ lệ
thất nghiệp cao và những nhà máy thép hiệu suất thấp của riêng mình, hoặc có
tham vọng để phát triển ngành công nghiệp của họ hơn là nhập khẩu của người
khác.
Đầu tư quy mô lớn cũng có thể gây ra những lo ngại về
việc mở rộng cửa cho sự thống trị kinh tế của Trung Quốc – như họ đã từng làm ở
Myanmar và Sri Lanka – và xa hơn nữa, là ảnh hưởng chính trị. Nhưng Trung Quốc
hy vọng miếng mồi của sự chi tiêu khổng lồ sẽ chứng tỏ là một động lực lớn đến
nỗi các nước láng giềng khó có thể chống lại.
“Họ [Bắc Kinh] không có nhiều quyền lực mềm, vì ít
quốc gia tin tưởng họ”, ông Miller nói. “Họ không thể cũng như không muốn sử dụng
sức mạnh quân sự. Những gì họ có là một khoản tiền khổng lồ”.
Với sự cộng tác của Michael Peel và Ma Fangjing
No comments:
Post a Comment