Wednesday, 14 October 2015

Mưu đồ của Trung Quốc qua đảo nhân tạo ở Biển Đông (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Tuesday, October 13, 2015 4:08:12 PM

Trong ít ngày sắp tới, người ta sẽ chờ xem hành động của hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đông và phản ứng của Trung Quốc như thế nào. Liệu Hoa Kỳ có công khai thách thức bằng hành động cụ thể và Trung Quốc có cương quyết bảo vệ mưu đồ của họ như đã khẳng định hay không?

Hôm Thứ Hai, Hoa kỳ thông báo cho các nước đồng minh Á Châu về kế hoạch cho các chiến hạm hải quân tuần tiễu gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở Biển Đông. “Gần” nghĩa là có thể tới sát các đảo nhân tạo ấy trong khoảng cách dưới 12 hải lý, không công nhận lệnh cấm mà Trung Quốc đã loan báo vì coi lệnh này là trái luật pháp quốc tế.
Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đã quy định tống nhất rằng mỗi quốc gia có quyền ấn định lãnh hải, hay hải phận, là vùng biển cách xa bờ không quá 12 hải lý.  Nhưng lãnh hải chỉ có giá trị đối với lãnh thổ hay những hải đảo thiên nhiên thuộc chủ quyền của quốc gia mình.  Những mỏm đá, bãi ngầm chìm dưới mặt biển khi thủy triều lên, không phải là hải đảo và các đảo nhân tạo thành lập trên những thực thể đó không là hải đảo và không được quyền quy định vùng lãnh hải, Cũng không được nhận Vùng Đặc Quyền Kinh Tế xung quanh các đảo nhân tạo.

Trong vòng một năm rưỡi cho đến nay, Trung Quốc đã bồi đắp 7 bãi đá ngầm ở vùng quần đảo Trường Sa thành những đảo nhân tạo diện tích tổng cộng khoảng 2,000 acres (800 hectares). Tiến thêm bước nữa, Trung Quốc xây dựng nhiều cơ sở – trong số có 3 phi đạo – và tuyên bố vùng 12 hải lý xung quanh là khu vực an ninh quân sự cấm tàu thuyền và máy bay xâm phạm.

Những hành động kiến tạo đảo nhân tạo của Trung Quốc còn là sự  vi phạm Luật Biển quốc tế năm 1982, theo đó  không được phép cố tình thay đổi hiện trạng trong tự nhiên của những mỏm đá, những bãi cạn hay cả những hòn đảo, vì nó ảnh hưởng đến những quy định của pháp luật quốc tế về khai thác thiên nhiên và tác động tới môi trường.

“Một số nước xem tự do hàng hải là thứ có sẵn để chiếm đoạt và tự áp đặt những giới hạn, đe dọa ổn định ở Biển Đông”, hãng tin Reuters dẫn lời phát biểu hôm 6 tháng 10 của Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Ông không nêu đích danh một quốc gia nào nhưng tất cả mọi người đều hiểu đó là Trung Quốc.

Trong bài phát biểu tại buổi hội thảo về hàng hải ở thành phố Sydney, Úc ngày 6 tháng 10, Đô Đốc Swift khẳng định Mỹ tiếp tục duy trì cam kết bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. “Một số quốc gia tiếp tục đưa ra những lời cảnh báo không cần thiết và những giới hạn về tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của họ và tuyên bố chủ quyền lãnh hải trái với UNCLOS”,  Hoa Kỳ  đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động phi pháp ở quần đảo Trường Sa, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh ngừng lại.

Còn Bắc Kinh tố ngược lại Mỹ quân sự hóa Biển Đông bằng những cuộc tập trận chung và tuần tra chung trên Biển Đông. Tháng trước, chính quyền Trung Quốc còn bày tỏ “quan ngại sâu sắc” sau khi một chỉ huy cấp cao của quân đội Mỹ yêu cầu các tàu và máy bay quân sự Mỹ nên thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc (nuốt trọn gần cả Biển Đông) bằng cách tuần tra, áp sát những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Trường Sa.

Theo tạp chí Foreign Policy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã yêu cầu các chỉ huy quân sự vạch phương án đối phó các hoạt động của Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh tăng tốc bồi đắp ở quy mô chưa từng thấy vào đầu năm nay. Dẫu vậy, Washington đã chần chừ triển khai tàu hải quân vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo này vì muốn để cho các nhà ngoại giao có thêm thời gian thương thuyết về một thỏa thuận “đóng băng” hoạt động bồi đắp và quân sự hóa ở khu vực. Kế hoạch nói trên của bộ quốc phòng Mỹ là dấu hiệu cho thấy cuộc hội đàm giữa chủ tịch Tập Cân Bình và Tổng Thống  Obama không diễn ra suôn sẻ như những gì báo giới Trung Quốc tường thuật.

* Cần hành động cụ thể

Nhưng những  lời kêu gọi của Mỹ về một giải pháp ngoại giao không mang lại kết quả cụ thể. Do đó, chính quyền Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực cho rằng đã đến lúc cần phải hành động để làm rõ quan điểm của Washington.

Trong bài phát biểu tại khóa họp thường niên của Đại Hôi Đồng Liên Hiệp Quốc mới đây, Tổng thống Obama tuyên bố: “Tại Biển Đông, Mỹ không có yêu sách lãnh thổ. Chúng tôi không phán xét các yêu sách. Nhưng như mọi quốc gia tề tựu ở đây, chúng tôi có lợi ích trong việc duy trì các nguyên tắc căn bản của quyền tự do hàng hải và tự do giao thương, và trong việc giải quyết các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, chứ không phải luật lệ của vũ lực.

Scott Harold, phó giám đốc trung tâm chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức nghiên cứu Rand Corporation., cho rằng việc đưa tàu và máy bay vào gần các tiền đồn nhân tạo sẽ nhấn mạnh lập trường của Washington là không công nhận các yêu sách phi lý của Trung Quốc cũng như những phương pháp hung hăng nhằm áp đặt chúng. Theo ông “Hiện có lo ngại là nếu Mỹ không giữ vững lập trường của mình, người Trung Quốc sẽ xem điều đó như là bằng chứng rằng Mỹ  không sẵn lòng bảo vệ những điều đã tuyên bố là nguyên tắc của mình”, ông Harold nói.

Các giới chức tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài cho hay thời điểm và kế hoạch tuần tra chi tiết theo các nguyên tắc tự do hàng hải vẫn đang được tính toán. “Vấn đề không còn là có hay không mà là bao giờ”, một viên chức bộ quốc phòng xác nhận. Động thái này chắc chắn sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quố, nhưng giới chức Mỹ đã kết luận rằng nếu không thực hiện, Washington sẽ bị xem là ngầm chấp nhận những yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.

Tuy nhiên Washington vẫn cần phải cân nhắc nguy cơ đụng độ quân sự với Bắc Kinh khi hải quân Mỹ xuất hiện thường xuyên hơn ở Biển Đông. Washington không muốn trở thành phía nổ súng trước và ngược lại thì Bắc Kinh cũng chẳng muốn “khai hỏa” trước.  Ngoài phản ứng tiềm tàng từ hải quân Trung Quốc, chiến hạm Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải còn phải đương đầu với lực lượng tàu đánh cá dày đặc mà Trung Quốc triển khai như là lực lượng dân quân trên biển để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền. Trong quá khứ, tàu cá Trung Quốc từng đóng vai trò quan trọng trong nhiều vụ khiêu khích tại Biển Đông  với Mỹ cũng như Việt Nam.

Các đảo nhân tạo sẽ không thể tạo nên những quyền mới, sẽ vẫn phải coi đó là những đảo nhân tạo theo quy định của pháp luật quốc tế. Vả lại những đảo san hô, mỏm đá, bãi ngầm trong quần đảo Trường Sa không phải thuộc về Trung Quốc.

Việt Nam vẫn xác định chủ quyền toàn thể Hoàng Sa và Trường Sa bao gồm những thực thể Trung Quốc đã lấn chiếm bằng vũ lực. Bảy đảo nhân tạo Trung Quốc đã bồi đắp nằm xen lẫn giữa nhiều đảo khác thuộc Việt Nam, Philippines, Đài Loan trong một khu vực khoảng 90 hải lý từ Nam lên Bắc và 200 hải lý từ Tây sang Đông. Các đảo nhân tạo được xây dựng  trên những bãi đá bao gồm:  West Reef, Fiery Cross Reef, Johnson South Reef, Hughes Reef, Gaven Reef, Subi Reef và Mischief Reef. Nếu chấp nhận phải tránh xa các đảo này ở khoảng cách tối thiểu 12 hải lý có nghĩa là việc hải hành qua khu vực này hầu như bị hoàn toàn ngăn chặn và do Trung Quốc kiểm soát.

Việt Nam, Philippines, Đài Loan trong nhiều năm qua cũng đã bồi đắp mở rộng nhiều đảo có dân cư hay quân đội trấn giữ, tuy nhiên chỉ với quy mô nhỏ không thể sánh. Trên những đảo nhân tạọ cách  xa lục địa Trung Quốc trên 400 hải lý, những bến cảng, phi trường, căn cứ quân sự đã được xây dựng. Mặc dầu quá nhỏ bé, không thể phòng thủ và thực tế ít có giá trị về mặt quân sự, đây có thể dùng làm căn cứ tiếp vận cho tàu và máy bay tuần thám, đồng thời gia tăng sự kiểm soát ngư nghiệp ở vùng biển rất nhiều cá này.

Nhưng có lẽ mục tiêu chính của Trung Quốc là  muốn bằng những đảo này chứng tỏ sự hiện diện và xác định quyền kiểm soát toàn thể Biển Đông trong tương lai . 






No comments:

Post a Comment

View My Stats