Friday, 2 October 2015

Tàu chiến Ấn Độ thăm cảng Đà Nẵng, TQ tuyên bố nước thứ ba không được quyền thăm dò dầu khí ở Biển Đông (RFI | VOA)





Đức Tâm  -  RFI
Đăng ngày 02-10-2015 
.
Tàu chiến đa năng Shivalik lớp tàng hình của Ấn Độ.  @wikimedia

Hải quân Ấn Độ, ngày hôm nay, 02/10/2015 thông báo, tàu chiến INS Sahyadri tới thăm cảng Đà Nẵng, miền trung Việt Nam, trong vòng bốn ngày. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chiến dịch triển khai hải quân tới khu vực Biển Đông và trong chính sách « Hướng đông » của New Delhi.

Theo báo Economic Times, chuyến thăm cảng Đà Nẵng của tàu Sahyadri nhằm mục đích tăng cường quan hệ song phương, nâng cao khả năng phối hợp hành động giữa hải quân hai nước. Tháng 08/2014, các tàu chiến của Ấn Độ đã ghé thăm cảng Hải Phòng, miền bắc Việt Nam.

Tàu Sahyadri thuộc lớp Shivalik, đã được đưa vào sử dụng từ năm 2012. Theo Hải quân Ấn Độ, đây là loại tàu đa năng và được trang bị một hệ thống vũ khí hiện đại, như tên lửa tầm xa chống hạm, các loại tên lửa phòng không tầm trung và tầm ngắn, nhiều loại pháo đối phó với các mối đe dọa trên không và trên bộ. Bên cạnh đó, tàu còn có thêm hai trực thăng đa năng nâng cao đáng kể sức mạnh hỏa lực.

Trong thời gian ở thăm cảng Đà Nẵng, nhiều hoạt động hợp tác giữa hải quân hai nước được dự kiến, như trao đổi gặp gỡ với chỉ huy hải quân Việt Nam, đón tiếp người dân lên thăm tàu. Hải quân hai nước sẽ tiến hành tập trận chung để nâng cao khả năng phối hợp trao đổi thông tin cũng như trong các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Sau Đà Nẵng, tàu Sahyadri sẽ tới vịnh Sagami, Nhật Bản để tham dự Lễ Duyệt binh Hải quân (International Fleet Review).

Để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, năm 2003, Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập cơ chế « Đối thoại an ninh ». Năm 2007, hai nước ký Thông cáo chung về việc « Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược » và năm 2009, New Delhi và Hà Nội ký « bị vong lục hợp tác quốc phòng ». Các tài liệu nói trên làm cơ sở cho việc tăng cường hợp tác hải quân giữa hai nước.

---------------------------

VOA Tiếng Việt
02.10.2015

Tàu hải quân Ấn Độ INS Sahyadri cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 4 ngày khởi sự từ hôm nay 2/10.
Hải quân Ấn cho hay con tàu lớp Shvalik đang thực hiện nhiệm vụ ‘bố trí vận hành’ ở Biển Đông và Tây Bắc Thái Bình Dương, một phần trong chính sách ‘Hướng Đông’ và ‘Hành động hướng Đông’ của Ấn giữa các động thái bành trướng của Trung Quốc tại khu vực.

Các giới chức Ấn cho hay trong thời gian ghé thăm Việt Nam, thủy thủ đoàn trên tàu sẽ tiến hành các hoạt động nhằm tăng cường hợp tác giữa hải quân hai nước.
Báo nhà nước nói  đây là năm thứ 3 liên tiếp tàu hải quân Ấn Độ thăm hữu nghị Đà Nẵng.
Hai nước Việt - Ấn ký Tuyên bố chung về ‘Thiết lập Đối tác Chiến lược’ năm 2007 và Bản ghi nhớ Hợp tác Quốc phòng năm 2009.

Nguồn: One India.com, newkerala.com

---------------------------

VOA Tiếng Việt
02.10.2015

Trung Quốc tuyên bố không một nước thứ ba nào có quyền thăm dò dầu khí trên Biển Đông trong những vùng thuộc quyền tài phán của Bắc Kinh mà không được Bắc Kinh cho phép.
Tờ Hindustan Times dẫn phản hồi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 1/10 đáp các câu hỏi của báo này khẳng định Bắc Kinh có ‘chủ quyền không thể tranh cãi tại Trường Sa và các vùng biển lân cận cũng như chủ quyền và quyền tài phán đối với phần đáy biển và tầng đất liên quan. Trung Quốc phản đối bất kỳ hoạt động thăm dò dầu khí của quốc gia hay tập đoàn nào trong các vùng biển thuộc quyền tài phán Trung Quốc mà không được phép của Trung Quốc”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nêu đích danh Ấn Độ trong bình luận này nhưng Bắc Kinh trước nay nhiều lần phản đối hợp đồng khai thác dầu khí của New Dehli với Hà Nội tại các lô dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
Bắc Kinh nói các cơ chế hiện hành đang vận hành tốt để kiềm chế những tranh chấp và Trung Quốc sẽ không cho phép các nước bên ngoài khu vực can thiệp vào chuyện Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định Bắc Kinh theo đuổi nguyên tắc ‘5 kiên trì’ bao gồm kiên trì duy trì hòa bình ổn định Biển Đông, kiên trì giải quyết tranh chấp với các nước liên quan dựa trên luật quốc tế và tôn trọng chứng cứ lịch sử qua các cuộc thương lượng song phương, kiên trì dựa trên hệ thống luật lệ để kiểm soát tranh chấp, kiên trì gìn giữ tự do hàng không-hàng hải ở Biển Đông và kiên trì thực hiện chính sách cùng thắng lợi thông qua hợp tác.
Phản hồi của Trung Quốc được đưa ra sau khi Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ hôm 30/9 nhấn mạnh cần giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế và tuyên bố tăng cường hợp tác để bảo đảm an ninh hàng hải trong khu vực.

Nguồn: Hindustan Times, Maritime Security.





No comments:

Post a Comment

View My Stats