Mặc Lâm, biên tập viên RFA,
2015-10-13
2015-10-13
Phạm Xuân Hải, thí
sinh duy nhất thi Môn Sử tại điểm thi Trường THPT Yên Thành 2 . Courtesy
doisongphatluat/TT
Bộ GD&ĐT đang công khai Dự thảo Chương trình
Giáo dục phổ thông đến các trường phổ thông trên toàn quốc nhằm lấy ý kiến và
góp ý. Nhiều người cho rằng Dự thảo này sẽ từng bước “khai tử” môn Lịch sử
trong các môn học phổ thông cũng như đi đến việc “nói không” với nó trong các kỳ
thi quốc gia tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Lịch
sử “môn tự chọn”
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã
gạt môn Lịch sử ra khỏi chương trình giáo dục cơ bản, cấp tiểu học và trung học,
và biến môn học này thành “môn tự chọn” đã đẩy sự lo ngại bấy lâu về sự xuống cấp
của việc dạy và học môn lịch sử mà Bộ Giáo dục là cơ quan chịu trách nhiệm trực
tiếp xuống một tầng nấc khác: khai tử môn lịch sử.
Dự thảo môn lịch sử thành tự chọn có phải là biện
pháp phủi tay với môn lịch sử hay không đang là đề tài khá gay gắt bên cạnh các
vấn đề thời sự nóng bỏng khác đang diễn ra trong xã hội.
Trong kỳ tuyển sinh năm 2011 cả nước sửng sốt với
98% có nơi 99% số thí sinh bị trượt môn sử. Từ đó đến nay vẫn không có dấu hiệu
nào khả quan hơn vì nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân lớn nhất khiến môn lịch sử
trở thành gánh nặng cho cả người học lẫn dạy là chán môn lịch sử.
GS-TSKH
Nguyễn Minh Thuyết nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,
Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giải thích việc này như sau:
- Thật ra thì môn lịch sử học sinh học từ tiểu học
cho tới khi lên đến hết trung học cơ sở là học với tất cả các môn khác không phải
là môn tự chọn. Cho tới khi lên trung học phổ thông vì chủ trương học theo ban
để phục vụ cho nghề nghiệp tương lai của học sinh cho nên nếu học sinh nào chọn
con đường Khoa học xã hội thì môn lịch sử sẽ là môn bắt buộc còn nếu học môn
khác thì môn lịch sử là môn tự chọn. Nhưng tự chọn là như thế này, nếu học
sinh học môn khoa học tự nhiên thì sẽ phải chọn các chuyên môn khoa học xã hội
là môn tự chọn. Một trong các môn khoa học xã hội ấy có thể là ngữ văn hay lịch
sử vì vậy tôi nghĩ không có gì ảnh hưởng lắm.
GS
Trần Đức Cường nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam cho biết suy
nghĩ của ông nếu môn lịch sử bị khai tử:
-Tôi đã nghe nói và biết về chuyện này. Tôi nghĩ rằng
nó không thỏa đáng bởi vì lịch sử có một vai trò hết sức quan trọng trong việc
giáo dục truyền thống yêu nước cho mọi thế hệ và nhất lả tình hình đất nước đang
có những khó khăn như chúng ta đã biết. Đứng trước những thách thức hiện nay
trong tình hình quốc tế hết sức phức tạp thì việc giáo dục bồi dưỡng tinh thần
yêu nước cho mỗi người dân dù rằng họ ở vị trí nào là hết sức quan trọng và do
đó tôi nghĩ rằng môn sử không được coi là môn bắt buộc là không thỏa đáng.
Tôi cũng xin nói ngay là Hội Khoa học lịch sử là cái
nơi mà hiện nay chúng tôi đang cộng tác với nhau thì đã nhiều lần góp ý với Bộ
giáo dục và Đào tạo về việc cần phải nâng cao chất lượng môn sử cũng như chất
lượng sách giáo khoa. Chúng tôi cũng đã có ý kiến để có thể tiến tới việc cải
tiến sao cho nó ngắn gọn hơn, tập trung vào trọng điểm hơn và tạo nên được sự hấp
dẫn cho học sinh, sẵn sàng tham gia hệ thống của Bộ Giáo dục và đào tạo về việc
cải tiến sách giáo khoa.
Nhưng quan trọng hơn tôi nghĩ vấn đề còn ở chỗ phải
thực sự coi trọng môn sử và đồng thời tạo nên trong học sinh và thầy cô giáo nữa
sự yêu mến môn khoa học lịch sử và thấy nó có tầm quan trọng đặc biệt thì lúc bấy
giờ mới giải quyết được vấn đề hiện nay.
GS-TSKH
Vũ Minh Giang Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, một
thành viên trong ban biên soạn Bộ sách lịch sử quốc gia sắp tới cho biết:
- Quan điểm của tôi có lẽ không nên coi lịch sử như
một môn học giống như những môn học khác bởi mỗi một dân tộc thì lịch sử còn có
ý nghĩa trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, hiểu biết về truyền thống và vì vậy nó cần
được hiểu như phần kiến thức nền tàng chứ không phải là những hiểu biết thông
thường. Vì vậy để nó thành một môn tự chọn theo tôi thì không thỏa đáng đúng với
tính chất của môn đó. Tôi đã có ý kiến nhiều lần còn những quyết định cuối cùng
là của người quản lý. Với tư cách là người nghiên cứu lịch sử tôi thấy không những
không nên để nó là môn tự chọn mà còn phải dành cho nó thời lượng cần thiết
hơn.
Từ năm 2011 phụ huynh học sinh như bừng tỉnh và cách
mà họ phản ứng là nếu học sinh cả nước không muốn học lịch sử thì không lý gì bắt
con em họ phải học một môn học mà dù có giỏi cách mấy cũng không có đất dụng võ
sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh môn lịch sử “lắm thầy nhiều ma” này là các môn
khác hấp dẫn và thực dụng hơn. Từ suy nghĩ đó, những lời khuyên “kinh tế” được
hướng dẫn cho con em của họ.
Khi Bộ giáo dục và Đào tạo thấy không còn cách cứu
chữa cho bộ môn này nên bản dự thảo được sinh ra xem như vuốt ve học sinh và phụ
huynh của chúng hơn là một hành động mang tính khoa học và có mục đích cải tổ
giáo dục.
Lịch
sử không phải là những con số
GSVS
Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng
thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM chia sẻ về sự thật
này:
- Giáo dục ngày xưa thì có truyền thống mục đích học
ra làm quan, nó tạo ra sự háo danh. Chúng ta cứ nói là ham học thực ra theo cái
nhìn của tôi thì dân tộc ta hiếu danh chứ không phải là hiếu học. Nghĩa là học
nhằm đạt các mục tiêu khác, đạt đến danh vọng địa vị trong xã hội chứ không
quan tâm thực chất của việc học vì vậy cứ thích con ngoan trò giỏi.
Cứ thích là vâng lời chứ không đào tạo ra con người
nó biết phản biện, biết suy nghĩ vì vậy trong những môn này thì thường rất hình
thức của các con số. Học sử mà học các con số trong khi cái quan trọng đối với
sử không phải là các con số mà quan trọng là tư duy lịch sử, bài học lịch sử của
cha ông mà cứ bắt học các con số thì làm sao học sinh nó thích?
Học sinh chán học môn lịch sử không phải từ bản năng
mà là một phản ứng có điều kiện. Có rất nhiều nguyên nhân mà trước hết là sách
giáo khoa, phương pháp dạy và các câu hỏi đánh đố trong thi cử. Môn lịch sử được
mang tới cho các em bằng những con số ngày, tháng, năm xảy ra sự kiện, con số của
kẻ thù bị giết, con số vũ khí quân dụng của kẻ thù bị tịch thu hay phá hủy, con
số của những trận đánh trong các thời kỳ và đặc biệt các con số mỗi lúc một nhiều
hơn trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Sự thiếu vắng các bài học luân lý, nhân cách trong lịch
sử khiến các em mỏi mệt và chán nản đặc biệt khi gặp các câu hỏi đánh đố của
các kỳ thi càng làm cho môn lịch sử khó tiêu hóa hơn.
Bên cạnh việc lịch sử được diễn dịch theo văn phong
của tiểu thuyết, cho phép người soạn lịch sử trong sách giáo khoa toàn quyền kể
tội một phía và tâng bốc hết lời ở phía bên kia. Cách viết sử cảm tính và một
chiều ấy khiến học sinh nảy sinh các câu hỏi có tính mô phạm nằm sâu trong tiềm
thức của các em với các câu hỏi mà càng lớn lên các em càng dễ trả lời: Phải
chăng cách mạng bao giờ cũng thắng?
Khi câu chuyện Lê Văn Tám không có thật được nhà sử
học Trần Huy Liệu bộc bạch thì Bộ Giáo dục bối rối và không biết làm cách nào để
sửa sai. Kết quả là môn lịch sử chấp nhận búa rìu dư luận, tiếp tục nhắm mắt bắt
học sinh học bài học Lê Văn Tám xem như chưa có gì xảy ra. Cách làm này khiến
môn lịch sử biến dạng, nó trở thành môn dã sử chứ không còn là lịch sử nữa.
GS-TSKH
Nguyễn Minh Thuyết thừa nhận sự thật này:
- Tôi phải nói thực là nếu lịch sử mà viết như hiện
nay thì học sinh không thích đâu dần dần nếu môn ấy trở thành môn bắt buộc và
viết sách sử như hiện nay thì tôi nghĩ có khi còn có hại hơn. Lịch sử thì nó phải
trung thực dựa trên những sự kiện thực tế khách quan.
Người viết sách giáo khoa lịch sử phổ thông người ta
không hoặc ít có điều kiện để bộc lộ. Lịch sử do mỗi một nhà nước công bố người
viết sách giáo khoa không thể đưa ý kiến riêng của mình vào trong đó. Đó là trường
phổ thông thôi chứ không phải đại học vì vậy trước nhất là phải đổi mới ở các vị
viết chính sử thí dụ như GS Phan Huy Lê và những người đang phụ trách viết cuốn
sử cận đại thì dần dần sẽ công bố và cũng sẽ nhận ra. Tôi tin rằng trong tương
lai chúng ta sẽ có cái nhìn bình tĩnh, khách quan đầy đủ hơn về lịch sử.
Các chuyên gia về khoa học nhân văn đều cùng một
quan điểm việc phải giữ môn sử trong nhà trường và hơn thế, lịch sử phải là môn
bắt buộc, phải học cặn kẽ và thấu đáo để hình thành một nhân cách cùng lúc
trang bị các thứ kiến thức khoa học tự nhiên khác.
Môn sử không phải là các con số hiển thị mà là diễn
tiến cốt lõi trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Tất cả yếu tố khách quan đó sẽ
làm nên diện mạo lịch sử. Học sinh sẽ biết thế nào là thiếu niên anh hùng Trần
Quốc Toản. Khí phách kiêu bạc Trần Bình Trọng hay lẫm liệt uy nghi nhưng vô
cùng nhân ái của Hưng Đạo Đại vương… Đặc biệt là gương xấu bán nước của những
nhân vật như Lê Chiêu Thống mà lịch sử điểm mặt. Những tấm gương từ lịch sử ấy
sẽ là thành trì cho học sinh chống lại sự cám dỗ từ mọi mua chuộc của quân thù
khi chúng có ý đồ dấy quân xâm lược.
Những bài học lịch sử cũng làm nên trải nghiệm cho
cuộc sống và ứng phó với tương lai của các biến chuyển chính trị khác, hơn là
khích động lòng kiêu hãnh hào nhoáng. Học sinh sẽ biết nói không với việc đầu
hàng quân thù ngay trên bàn hội nghị qua các bài học lịch sử được dạy từ trường.
GS
Trần Đức Cường sau nhiều năm phụ trách Viện Sử học và với cương vị
Phó chủ tịch viện KHXHVN cho biết ý kiến của ông:
- Rất tán thành với ông về cái điều này. Tức là
chung chung phải giáo dục truyền thống yêu nước cho mỗi người dân Việt Nam. Bởi
vì chúng ta biết rằng từ xưa tới nay rất nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc
cũng như nhà cầm quyền Trung Quốc những giai đoạn sau đã tiến hành nhiều hành động
xâm lược đối với Việt Nam. Tôi nghĩ đây là điểu mà mỗi một người Việt Nam phải
thấy rõ là bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên vùng biển đảo thì nó gắn với việc
giáo dục tinh thần yêu nước cho mỗi người công dân của mình và tôi cho rằng đây
là điều hết sức quan trọng cho nên đúng như ông nói tôi tán thành là trong lúc
này thì việc coi trọng môn lịch sử lại là đòi hỏi cấp thiết đối với đất nước.
Thể hiện lịch sử đúng đắn là bổn phận của nhà sử học
và vì vậy tranh đấu được viết đúng và đủ sự kiện lịch sử cũng là nhân cách và
dũng khí của người viết sử trong mọi thời đại, đặc biệt trong hoàn cảnh lịch sử
của Việt Nam.
“Sự thật lịch sử” là câu nói kinh điển
cho mọi thời đại nhưng sách giáo khoa hình như không tôn trọng nguyên lý căn bản
này. Trong khi vụ thảm sát Mậu thân 1968 tại Huế vẫn còn nhiều
uẩn khúc vì tài liệu khác nhau, hoặc do thiếu chứng cứ hoặc do lấy tài liệu từ
một phía, hoặc lịch sử bị diễn giải theo lăng kính chạy tội nên chưa thể đưa
vào sách giáo khoa thì có thể hiểu được. Thế nhưng những vụ việc xảy ra trong
chiến tranh Việt Nam làm rúng động thế giới thì người viết sử không thể im lặng
hay cố tình diễn giải theo khuynh hướng khuất tất trong thời kỳ mà cả thế giới
lên án khủng bố. Trong chiến tranh Việt Nam, ít nhất ba vụ trọng án do khủng bố
gây ra làm nhân loại thức tỉnh bất kể mục đích và thời điểm mà chúng mang tới.
Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 16 tháng 9
năm 1971, đặc công Mặt trận giải phóng miền Nam đặt chất nổ tại vũ trường Tự Do
Sài Gòn giết hơn 40 người và làm bị thương hơn 100 người khác.
Gần hai tháng sau, ngày 10 tháng 11
năm 1971 ban an ninh T4 đánh bom ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông lúc ấy đang giữ
chức Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh.
Vụ thứ ba, hai năm sau ngày 9 tháng 3
năm 1974 Mặt trận giải phóng miền Nam pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy thuộc
tỉnh Định Tường, bây giờ là tỉnh Tiền Giang, giết chết 32 học sinh và làm bị
thương nặng nhẹ 55 học sinh khác.
Ngày 9 tháng 3 năm
1974 Mặt trận giải phóng miền Nam pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy thuộc tỉnh
Định Tường, bây giờ là tỉnh Tiền Giang, giết chết 32 học sinh và làm bị thương
nặng nhẹ 55 học sinh khác
Cả ba vụ đều được báo chí quốc tế đưa tin với những
hình ảnh và nhân chứng cụ thể. Tuy nhiên trong tất cả các vụ vừa nói sách giáo
khoa không cho học sinh biết một vụ nào mặc dù mới đây báo chí trong nước nhắc
lại việc ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông như một kỳ tích, một thành quả cách mạng
mà trong đó mọi dàn xếp, chuẩn bị và tiến hành cuộc đánh bom không cần che đậy,
xem như một trận đánh lịch sử. Tiếc rằng người bị giết là một trí thức và hoàn
toàn không có một tấc sắt trong tay.
Lịch sử đã viết rất rõ về Mỹ Lai thì không thể từ chối
không nhắc lại ba vụ vừa nói, kể cả nhắc lại để làm sáng tỏ một giai đoạn chiến
tranh khốc liệt và nhìn nhận nó như một sai lầm chiến lược.
GS-TSKH Vũ Minh Giang trong tư cách cùng tham gia
biên soạn Bộ lịch sử Việt Nam mới nhất cho biết ý kiến của ông về các câu hỏi
này:
-Tôi nghĩ rằng các sự kiện mà có ý kiến còn chưa thống
nhất thì chắc chắn là phải thảo luận, nhưng nó có hai cấp độ thảo luận. Một là
các nhà học giả thì sẽ thảo luận có tính cách chuyên nghiệp. Thế còn đưa ra quần
chúng thì có tính chất thẩm định những người mà không có chuyên môn hay tính
chuyên nghiệp thì có thể họ biết được những chiều cạnh mà người chuyên nghiệp
không biết. Vì vậy tôi nghĩ cần có nhiều ý kiến đóng góp vào những vấn đề hay
những sự kiện lịch sử mà còn có những ý kiến này khác tôi cho là rất cần thiết
và đó là việc làm rất khoa học.
Lịch sử là cái nó vốn có. Khoa học lịch sử không thể
diễn giải hay nhặt nhạnh từ lời khai của những cá nhân bất mãn hay được mua chuộc.
Lịch sử phải được viết công khai và người còn sống trong các biến cố gần nhất
có trách nhiệm nói lên những gì họ thấy. Các nhà sử học có bổn phận tập trung mọi
chi tiết từ nhiều phía, nhiều nguồn và tổng hợp bằng phương pháp khoa học để lịch
sử được tái hiện lại một cách minh bạch và công bằng nhất.
Với vị trí của người góp sức biên soạn bộ sách lịch
sử mới nhất GS-TSKH Vũ Minh Giang cho biết quan điểm của ông:
-Lịch sử nó là một khoa học và vì vậy cho nên nó phải
có những đặc tính của khoa học. Thứ nhất đúng như anh nói là khách quan. Khách
quan là những gì đã diễn ra không thay đổi được nó là khách thể chứ còn những
cái ta viết lại là nhận thức khoa học thôi chứ không phải cái bao giờ chúng ta
cũng kỳ vọng là nó đúng hoàn toàn với lịch sử bởi vì nó tái tạo lại lịch sử.
Về mặt khoa học tái tạo phải có phương pháp, đòi hỏi
có những cách tiếp cận để rồi làm sao đó cho dù nhận thức lịch sử, phải gần với
sự thật nhất. Cái thứ hai đã nói đến khoa học thì nó phải có cái mở cho sự phát
hiện tiếp theo. Không bao giờ có một cuốn sách lịch sử nào cho dù hay đến đâu
mà là bản thảo cuối cùng của lịch sử cả. Rồi có thể chúng ta sẽ phát hiện ra tư
liệu mới. Chúng ta có thể tiếp cận phương thức mới và có nhiều cái có thể chúng
ta phải thay đổi những nhận thức hôm nay mà chúng ta cho là đúng.
Cái thứ ba để nhận thức quá khứ thì ta cần mấy thứ nữa,
Tức là cần phải có một cái nhìn toàn diện vì đôi khi người ta trình bày một
giai đoạn lịch sử nó thiên vể một hoạt động nào đó thí dụ chiến tranh hay chính
trị chẳng hạn thì chưa hẳn là cho hậu thế nhìn được đầy dủ về cái giai đoạn lịch
sử ấy mà còn về văn hóa, nghệ thuật và nhiều thứ khác nữa thì tôi cho đấy là những
việc cần phải xem xét. Tất cả các vấn để này chúng tôi có bàn thảo rất kỹ khi
biên soạn Bộ lịch sử Việt Nam nhiều tập sắp tới.
Lấn cấn trong cách nhìn nhận lịch sử của hai triều đại
Tây Sơn và Nhà Nguyễn là một góc tối khác trong cách tiếp cận lịch sử cận đại
đã nảy sinh nhiều câu hỏi khó giải đáp cho giáo viên dạy sử. Một dòng sử học
không chính thống trên Internet đang song song với cách giảng dạy lịch sử hiện
nay không thể không quan tâm. Từ sự thật này vai trò của những người được giao
cho việc viết bộ lịch sử quốc gia trở nên nặng nề và khó khăn hơn.
Câu chuyện học sinh trả lời Nguyễn Huệ và Quang
Trung là hai anh em đã vẽ nên diện mạo của giáo dục Việt Nam một cách trung thực
và khó biện luận sự thiếu vắng giảng dạy trong ngành sử học. Nếu môn lịch sử
không còn quan trọng trong chương trình tiểu học và trung học cơ sở thì đừng hỏi
tại sao học sinh không biết gì về họa phương Bắc gần đây nhất. Nếu sách giáo
khoa không nhắc tới, hay nhắc với mức độ dè sẻn việc Trung Quốc xâm lược vào
năm 1979 thì liệu Hoàng Sa và Trường Sa có cần thiết để cả nước phải ra sức giữ
gìn nếu có đột biến xảy ra?
No comments:
Post a Comment