Sunday, 4 October 2015

Đỗ Thông Minh: Người Tìm Đường (Giao Chỉ San Jose)





03/10/2015

Đường đời trăm vạn nẻo
Đâu lối về cố hương?

(LGT: Mời độc giả tham dự ngày "Đỗ Thông Minh Hành Trình 45 Năm Hoạt Động" được tổ chức tại tại San Jose. Lúc 1:30 PM và 6:00 PM Chủ Nhật Oct 18.. LL: Huỳnh Lương Thiện (415) 720-5247. Sau đây là bài giới thiệu ông Đỗ Thông Minh viết năm 2006.)

*

              Ông Đỗ Thông Minh năm nay 56 tuổi, sinh năm 1950, quê Nam Định, có vợ và 3 con, hiện định cư tại Đông Kinh, Nhật Bản.

              Hơn 30 năm trước, các sinh viên Việt Nam còn trẻ du học tại Nhật Bản tên tuổi đều lịch sự ngon lành. Người thì “Thông Minh” người thì “Lương Thiện”. Tên tuổi cha mẹ đặt cho như thế thì thật là vất vả một đời. Phải cố gắng học hành và làm ăn tử tế.

              Sau 30 tháng 4-1975, đám sinh viên quốc gia chống Cộng du học trên thế giới đều bị hụt hẫng. Các anh chị em Việt Nam ở Đông Kinh cũng như vậy. Sau khi nỗ lực tìm cách giúp đỡ người tỵ nạn di tản thì nhóm này là những người đầu tiên nghĩ đến đầu cầu Thái Lan khi tìm đường trở về.

              Tuy nhiên, tổ chức “Người Việt Tự Do” tại Nhật Bản gồm toàn các thanh niên còn trẻ, dưới 30 tuổi. Lòng hăng hái nhiệt thành sẵn có, nhưng hoàn toàn không có kinh nghiệm, không có phương tiện, chưa tạo được sự tin tưởng và hoàn toàn vô danh đối với cộng đồng tỵ nạn đã bắt đầu hình thành tại Hoa Kỳ. Họ đã từng đi qua Thái Lan, khi thăm dò, gặp sứ quân tướng lãnh Thái Lan, ai cũng bảo rằng, phải đi Mỹ tìm cho được một người đã từng đeo sao trên cổ áo.

              Vì vậy, con đường về quê hương phải bắt đầu bằng chuyến đi tìm lãnh tụ.

              Đỗ Thông Minh, trong những chuyến đi khởi đầu năm 1978, từ Đông Kinh qua Hoa kỳ đã tiếp xúc với các hội đoàn và các vị tướng lãnh tỵ nạn. Ông muốn đi tìm một tướng công Việt Nam Cộng Hòa thật sự muốn dấn thân trở về.

              Ông đã đi gặp nhiều các niên trưởng lãnh đạo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau cùng, ông đã gặp một người thợ sơn bất đắc dĩ ở Virginia đang bồn chồn nóng nảy muốn vất cây cọ để cầm lại cây súng, người đó là Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh.


              Ngày 15 tháng 6-1981, có ba người đại diện cho ba tổ chức đã ngồi lại để mở đường cho chuyến đi lịch sử. Tướng Hoàng Cơ Minh đại diện Lực Lượng Quân Dân, ông Trần Văn Sơn của tổ chức Phục Hưng Việt Nam và ông Đỗ Thông Minh của tổ chức Người Việt Tự Do. Ông Minh và ông Sơn đều thuộc Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã ngoài 45 tuổi, còn Đỗ Thông Minh mới có 31 tuổi.

              Sau chuyến mở đường tiếp xúc với phe quân sự Thái Lan được sự hứa hẹn đầy triển vọng, phái đoàn trở về chuẩn bị.

              Ngày 20 tháng 8-1981, nhóm công tác chính thức của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam lên đường đi lập chiến khu. Tổng cộng là 7 người và hầu hết hiện nay đã hy sinh. Trong đó có các ông Hoàng Cơ Minh, Lê Hồng, Nguyễn Trọng Hùng, Trần Thiện Khải v.v...

              Ngày 20 tháng 10-1981, tổ chức Phục Hưng Việt Nam lúc đó có ông Trần Văn Sơn và ông Đỗ Chí Dũng từ Hoa Kỳ lên đường qua Thái Lan tìm hiểu tình hình tại chỗ.

              Ngày 20 tháng 2-1982, Người Việt Tự Do gửi các ông Ngô Chí Dũng và Bùi Bằng Đoàn từ Nhật Bản qua Thái Lan. Ngô Chí Dũng phụ trách Trưởng đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến, nay đã mất tích và Bùi Bằng Đoàn tức là Lý Thái Hùng của Việt Tân ngày nay.

              Ngày 24 tháng 2-1982, các ông Đại Tá Phạm Văn Liễu, Ký Giả Hoàng Xuân Yên và Giáo Sư Trương Bổn Tài từ Mỹ qua Thái dự lễ công bố công lĩnh chính trị. Một phóng viên TV của CBS đã đi theo và quay được đoạn phim 5 phút lịch sử mở đường cho giai đoạn hào hùng nhất của câu chuyện Kháng Chiến ra đời. Buổi lễ này tổ chức vào ngày 8 tháng 3-1982.

              Ngày 31 tháng 3-1982 với mấy phút trong bản tin thời sự buổi chiều truyền đi khắp nước Mỹ do Dan Rather của CBS giới thiệu đã làm rung động toàn thể cộng đồng Việt hải ngoại. Hòa nhịp theo những xúc động của mọi người, Giao Chỉ đã viết bài văn đầu tiên cho Kháng Chiến có tựa đề là “Đường Mòn Hoàng Cơ Minh.”

              Rồi Tổng Vụ Hải Ngoại thành lập trong giai đoạn sơ khởi tổ chức đã từng chỉ định ông Huỳnh Lương Thiện làm Tổng Vụ Phó cho cựu Đại Tá Liễu trong chức vụ Tổng Vụ Trưởng, nhưng về sau ông Thiện chỉ thực sự nhận làm báo Kháng Chiến.

              Trong vai trò đại diện tổ chức Phục Hưng, Giáo Sư Ngô Đức Diễm cũng đã từng đảm trách Tổng Thư Ký của Mặt Trận một thời gian ngắn. Nhưng về sau vì bất đồng quan điểm nên chỉ còn Người Việt Tự Do và Lực Lượng Quân Dân chính thức giải tán để thành lập Mặt Trận. Riêng tổ chức Phục Hưng rút lui.

              Bắt đầu từ 1 tháng 4-1982, tờ nguyệt san Người Việt Tự Do tại San Jose cải tổ thành cơ sở chính thức của Mặt Trận. Ông Đỗ Thông Minh làm Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút báo Kháng Chiến đầu tiên, phát hành 10 ngàn số mỗi kỳ. Cách nay 25 năm, đây là con số phát hành kỷ lục.Tuy nhiên đến năm 1983, bắt đầu có xích mích nặng ở thượng tầng, ông Đỗ Thông Minh về lại Nhật Bản, báo Kháng Chiến do Ký Giả Lê Thiệp đảm trách một năm rồi giao lại ông Huỳnh Lương Thiện cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng Mặt Trận bể làm hai giữa ông Liễu và ông Minh.

              Như vậy, lịch sử Kháng Chiến Phục Quốc của tướng Minh thật sự đã ra đời và nằm trong nôi tại San Jose với nhiều tên tuổi, nhân chứng vẫn còn có mặt hôm nay. Các ông Hoàng Xuân Yên, Trương Bổn Tài, Đỗ Chí Dũng, Ngô Đức Diễm, Huỳnh Lương Thiện cùng nhiều người khác và đặc biệt với người nhân chứng mở đường là Đỗ Thông Minh.

              Có người ghé qua chốc lát, có người đi bên nhau chỉ một đoạn đường. Rồi sau đó...

              Anh đi đường anh, tôi đường tôi.
              Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.

              Xem ra, cuộc giã từ sớm sủa của Phục Hưng và lưu luyến thêm vài năm sau của Người Việt Tự Do đối với Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh lại là những cuộc chia ly đẹp đẽ nhất vào thời kỳ 80.

*       *       *


              Từ giã Kháng Chiến, Đỗ Thông Minh trở lại Đông Kinh gây dựng cơ sở Tân Văn. Theo gương người xưa, ông đi con đường của một thời Đông Kinh Nghĩa Thục.

              Từ Nhật Bản, Đỗ Thông Minh ngày nay không còn vất vả đi tìm lãnh tụ. Ông lấy công việc biên khảo và xuất bản là trọng tâm công tác. Ông nghiên cứu để phát huy văn hóa Việt Nam tại hải ngoại cũng như trong nước và giao lưu Việt-Nhật.

              Những sự đóng góp về văn hóa của ông qua nhiều năm đã trở thành một kho tàng biên khảo đồ sộ với các loại tự điển Hán, Việt, Anh, Nhật và tự điển tin học. Ông cũng là người tổ chức kỷ niệm và ra sách 100 Năm Phong Trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu và Cường Để, cũng như 100 Năm Phong Trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp…

              Qua hệ thống điện toán, ông đã cộng tác với rất nhiều cơ quan truyền thông hải ngoại, đã du thuyết hàng trăm lần trên khắp thế giới, đặc biệt đẩy mạnh từ năm 2002, với mục tiêu sơ khởi là đi nói chuyện trong 10 năm và đồng thời cũng đã được các chương trình Radio, TV khắp nơi phỏng vấn về mọi đề tài.


              Với địa vị đặc biệt đã xây dựng nhiều năm tại Đông Kinh, ông là người Việt bắc nhịp cầu giữa Nhật Bản và cộng đồng Việt hải ngoại. Tính từ 1978 đến 2006, ông đã đi gần khắp năm châu bốn bể nhiều lần để thuyết trình, sau này chủ yếu là về các đề tài văn học. Đặc biệt từ Tokyo, ông đã đi Hoa Kỳ tổng cộng 27 lần. Nhiều phái đoàn Việt Nam từ hải ngoại qua Nhật Bản đều nhờ sự hướng dẫn của cơ sở Mekong do Đỗ Thông Minh thành lập.

              Mặc dù còn trẻ nhưng Đỗ Thông Minh không phải là người hoàn toàn khỏe mạnh. Người học giả tâm huyết và nhiệt thành của cộng đồng Việt hải ngoại hiện đã hoàn toàn bị hư hai trái thận. Suốt bao nhiêu năm qua, ông còn sống được là nhờ một trái thận do vợ hiền trao tặng từ năm 1990.

              Con người một thời mở đường cho Kháng Chiến, con người đã đóng vai kẻ tìm đường từ năm 1980. Một “Pathfinder” của thế giới người Việt tỵ nạn, thành viên sáng lập của tổ chức Người Việt Tự Do ở Nhật Bản một thời mơ mộng: “Mai này chúng ta cùng về Việt Nam.”.Bây giờ ông đã tìm thấy lối đi. Con đường về quê hương của Đỗ Thông Minh đi theo ngả văn hóa, với hành trang tin học, tự điển, bài viết về Việt - Hán - Nôm… và loạt bài Tự Vấn với hoài bão thay đổi tư duy của người Việt, hầu vượt thoát quãng tụt hậu hiện nay.

              Một trái thận của vợ luôn luôn đeo trong mình. Trên chuyến bay viễn du vòng quanh thế giới để đi nói chuyện văn hóa, học giả Đỗ Thông Minh của chúng ta mỗi khi nhớ thương vợ hiền để lại quê người, ông không để tay lên trái tim như thiên hạ thường tình, ông để tay vào bụng, để chắc chắn rằng, trái thận của tình yêu vẫn còn đang làm việc.

              Tháng 9 năm nay, Đỗ Thông Minh từ Đông Kinh trở lại Hoa Kỳ lần thứ 28 trong chuyến đi 7 tuần, nói chuyện tại 14 nơi. Ông sẽ không nói chuyện văn hóa hay luận bàn về chuyện người Việt xấu tốt ở chỗ nào. Sau khi chia tay với Kháng Chiến 20 năm trước, lần này Đỗ Thông Minh trở lại Thung Lũng Hoa Vàng San Jose, Cali để làm nhân chứng cho Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh.


Ông Đỗ Thông Minh sẽ thay mặt cho kháng chiến quân Phạm Hoàng Tùng, tác giả cuốn hồi ký kháng chiến Hành Trình Người Đi Cứu Nước, còn đang mang nặng kiếp lưu đày ở Cam Bốt, đem đến San Jose bản báo cáo cuối cùng của một kháng chiến quân còn sống sót. Ông sẽ nói về cái chết của tướng Hoàng Cơ Minh, người mà ông đã một thời tin tưởng là sẽ mở được đường về và các kháng chiến quân...

           Đây là một cuốn sách được chờ đợi 25 năm sẽ ra mắt lần đầu tiên tại San Jose.

              Xin nhắc lại vào đầu thập niên 80, Kháng chiến Hoàng Cơ Minh ra đời tại San Jose và bây giờ vào năm 2006, tác phẩm viết về câu chuyện người đi cứu nước bên kia biên giới sẽ được coi như bản phúc trình tổng kết của một giai đoạn tranh đấu bằng võ lực.

              Câu chuyện dài hào hùng, đau thương và cay đắng vẫn kéo dài những thắc mắc đến ngày nay.

              Bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu người còn sống. Bao nhiêu lần ngồi lại và bao nhiêu lần chia tay.

              Chương trình ra mắt sách vào chiều thứ Bảy 30 tháng 9-2006 tại San Jose sẽ được chuẩn bị chu đáo, có chiếu phim về công cuộc kháng chiến phục quốc từ Trần Văn Bá (Pháp Quốc) đến Võ Đại Tôn (Úc Châu) và Hoàng Cơ Minh (Hoa Kỳ).

              Quan khách sẽ được nghe các bản nhạc chiến khu bất hủ của kháng chiến quân Trần Thiện Khải, người đã tự sát tại Hạ Lào để khỏi rơi vào tay địch.

              Trong chúng ta ai mà chẳng nghĩ đến quê hương đất nước. Nếu muốn biết sự thật về câu chuyện 10 năm kháng chiến từ 1981 đến 1990 tại Đông Nam Á, buổi ra mắt sách sẽ là câu trả lời cho mọi trăn trở suốt bao năm qua.

              Từ sau 1990 cho đến nay, một trang lịch sử đấu tranh mới đã mở ra mặt trận chính trị. Con đường mới là con đường đòi hỏi dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Nhưng lòng người vẫn còn thắc mắc chưa giải tỏa về giai đoạn ngày xưa đã mở đường về nước bằng súng đạn nhưng không thành. Bộ hồi ký 2 cuốn dày 932 trang của một người đi cứu nước sẽ giúp chúng ta có các chứng liệu để suy ngẫm.

              Mặc dù tác phẩm có giá trị nhân chứng nhưng thực tế vẫn có thể còn đem đến nhiều sự phê phán. Những nhận xét của tác giả về chuyện xảy ra trên thế giới, trong nước và về cộng đồng Việt hải ngoại phải được coi như hoàn toàn có tính cách cá nhân với sự hiểu biết và tin tức giới hạn. Ngoài ra, phần viết về quan điểm xây dựng đất nước đều hoàn toàn chủ quan với nhận xét riêng của tác giả.

              Ngoài ra, một vài đoạn ghi lại những dữ kiện trong những năm đi kháng chiến vẫn còn có thể coi như chưa phải là chính thức. Những sự kiện mắt thấy tai nghe còn lẫn với chuyện được tác giả nghe kể lại trong tù. Độc giả đọc sách vẫn cần phải tự gạn lọc để nhận thức các điểm nào xác tín và các điểm hoài nghi.

              Sau cùng, đây là một cuốn sách cần tìm đọc và việc thẩm định sau cùng trong tay quý độc giả. Người đem cuốn sách từ Đông Kinh đến San Jose là Đỗ Thông Minh, người tìm đường của thập niên 80. Hy vọng rằng, cuốn hồi ký là bản báo cáo của những người vừa thông minh vừa lương thiện.

              Thế hệ sau này học được nhiều qua gương thành công của tiền nhân. Nhưng hậu thế cũng học được qua những bài học thất bại của người đi trước. Những người đã xả thân viết nên bài học đau thương để làm nền móng đấu tranh cho đời sau. Từng thế hệ nối tiếp phải thay nhau lên đường.

              Xa xa phía trước vẫn là những kẻ dò đường. The “Pathfinder” Đỗ Thông Minh là một trong những người tìm đường của chúng ta.

              Một lần nữa, San Jose chào đón con người đã có lần tạm cư ở đất này, làm báo “Người Việt Tự Do” ấn bản Bắc Mỹ và sau trở thành báo Kháng Chiến.

              Đó là thời kỳ của những năm 80.

              Cuốn sách ông giới thiệu sẽ nằm trong thư viện của Viện Bảo Tàng Việt Nam tại San Jose. Trong phần thư mục của trang sử Kháng Chiến Phục Quốc hết sức hào hùng và bi thảm. Chính những trang sử của thất bại sẽ hạ sinh những thành quả vẻ vang trong tương lai. “Thất bại là mẹ thành công.” Những sự hy sinh cao quý không bao giờ vô ích, vì vậy sẽ không bao giờ bị lãng quên.

              Xin mời quý vị đến với “Hồi Ký Của Người Đi Cứu Nước.”
              Thứ Bảy 30 tháng 9-2006, một ngày làm sống lại cả 25 năm trước.   

Giao Chỉ 


Giao Chỉ, SanJose City, VietMuseum, Book 1, 2 đã phổ biến, sẽ in 3, 4, 5 đến 12.
Một cuốn $10 Mua sách ghi IRCC 3017 Oakbridge Dr. San Jose CA 95121
Lịch sử ngàn người viết, tác giả ghi chép lại, giữ sách là giữ lửa cho mai sau.





No comments:

Post a Comment

View My Stats