Sunday, 4 October 2015

Nhà văn Võ Phiến, một ngôi sao trên vòm trời văn học (Nguyễn Ngọc Bích)





Nguyễn Ngọc Bích
Friday, October 2, 2015 8:42:34 PM 

Một nhà văn lớn, một ngôi sao sáng trong vườn văn học Việt Nam vừa mới ra đi. Hôm qua, trong lúc tôi đang lái xe trên đường từ Maryland về thì anh Bùi Bảo Trúc kêu tôi từ Quận Cam nói: “Anh Bích ơi, anh Võ Phiến chắc sắp ra đi rồi. Chị Võ Phiến đã mời Thầy Viên Lý đến tụng kinh cho anh và gia đình đoán là bất cứ giờ nào anh ấy có thể sẽ quy tiên.” Quả như rằng, đến 7 giờ tối Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015, nhà văn Võ Phiến, một cây bút hàng đầu của Việt Nam tự do và của cộng đồng hải ngoại, đã trút hơi thở cuối cùng.

Không bất ngờ
Sự ra đi của ông không phải là một chuyện bất ngờ. Từ nhiều năm nay, ông đã phải ngừng viết vì chứng bệnh Alzheimer của tuổi già, lúc nhớ lúc quên. Nhà văn Trùng Dương, cách đây hơn 5 năm, đã đến thăm ông bà Võ Phiến, kể:

“Buổi viếng thăm anh chị lần này đã để lại trong tôi một xúc động mãnh liệt... Ðến nơi lúc 11 giờ đã thấy chị đứng sẵn ở cổng bên mấy bụi hoa hồng chờ khi tôi lái xe vào khoảng sân trước nhà để xe (nay đã biến thành kho chứa sách vì đã nhiều năm anh chị không lái xe). Bước vào nhà đã thấy anh áo quần tề chỉnh, cả đội mũ nữa, chắc cho ấm đầu, với mái tóc trắng còn lưa thưa, đang chờ khách. Tôi cảm động lắm, vì rõ ràng là anh chi đang ngóng chờ khách phương xa.”

Tác phẩm Võ Phiến. (Hình: Vương Ngọc Minh)

Kinh nghiệm này hoàn toàn ăn khớp với hình ảnh vợ chồng tôi có mỗi khi có dịp sang Quận Cam và đến thăm anh chị Võ Phiến. Vẫn một sự hiếu khách và ân cần săn đón niềm nở dành cho một người chỉ đáng tuổi em mình, vẫn một sự tò mò hỏi han về công việc văn học của khách (khác hẳn nhiều người gặp khách chỉ kể về mình). Tôi còn giữ được không ít những lá thư anh viết cho tôi, khuyến khích tôi trên mỗi chặng đường nghiên cứu của tôi. Như năm 1983, vợ chồng tôi có viết chung một tiểu phẩm mang tên Những địa tầng ngôn ngữ trong lịch sử tiếng Việt được cụ Nguyễn Khắc Kham khen, trong khi anh Võ Phiến thì vui hẳn:

“Bản Tin Văn Hóa của Cung Tiến ở Minnesota liên tiếp mấy kỳ đăng loạt bài về ngữ học của Anh, đọc thích ơi là thích. Không dám khen các tác giả về kiến thức rộng..., tôi lấy làm thích thú đặc biệt là những suy tìm, nghĩ ngợi, nhận xét rất thâm thúy và tinh tế... Tôi ngờ những bài này ở trong một cuốn sách, cắt đăng từng kỳ báo chậm quá, người đọc phải chờ đợi lâu quá. Anh có dự tính nào về việc in cuốn này chăng? Nếu có xin anh báo tin cho tôi biết với. Tôi chắc ở vùng Nam Cali này có nhiều người muốn mua đấy.”

Rồi anh kết luận thật dí dỏm:

“Lâu quá tôi ít thư từ cho ai, không có thư thăm anh, nhưng mới nhận được Bản Tin Văn Hóa mới hôm qua, khoái quá, không thể không ba hoa với anh vài lời.” (Thư từ Los đề ngày 20 tháng 9 năm 1983)

Lần khác, anh nhận định chung về tình hình nghiên cứu ở hải ngoại:

“Tình hình biên khảo về văn học Việt Nam do người Việt hải ngoại lâu nay khá bi quan. Từ sau cụ Hoàng Xuân Hãn, thường thường không mấy ai phát giác ra cái gì mới mà chỉ tổng kết những thành quả khảo cứu của các học giả trong nước. Vì vậy khi được đọc những bài của anh với những phát giác mới, những bài khảo cứu có tinh thần sáng tạo, tôi thật khoái và thêm tin tưởng ở hoạt động văn hóa của bà con hải ngoại chúng ta.” (Thư đề ngày 7 tháng 12, 1983)

Sang đầu năm 1984, anh lại viết cho tôi về hai chữ Nôm nhức óc mà cho đến gần đây chưa mấy ai đọc được cho chính xác:

“Vụ ‘song viết’ tôi cũng nghĩ là anh thắng, các nhà nghiên cứu ngoài Bắc thua... Nhân dịp Ðào Duy Anh bị ‘chôn’ sống [ở ngoài Bắc], tôi có ý kiến là anh nên tìm cách phổ biến bài nghiên cứu của anh càng rộng càng hay. Ðề phòng một ngày kia, Hà Nội dùng ngay những phát giác của anh mà tỉnh bơ không nhắc tới tên anh. Lúc bấy giờ mình lấy những tờ báo đã đăng bài của anh ra làm bằng chứng” (Thư đề ngày 25 tháng 1, 1984) mà tố cáo sự gian lận của họ.

Sở dĩ tôi hơi dông dài nhắc về một vài kỷ niệm của tôi (cái tôi đáng ghét) với anh Võ Phiến như trên đây là để thấy là như một người đàn anh trong văn đàn, anh lúc nào cũng ưu ái theo dõi công việc của người khác mà anh coi như đồng nghiệp chứ không phải đòi ăn trên ngồi trốc như một ông tiên chỉ trong làng văn. Ðó là một đặc điểm của cái mà nhà văn Mai Thảo gọi là “Cộng Hòa chữ nghĩa” (“la République des lettres” nói theo kiểu Pháp) trong đó chỉ có anh em chứ không có ai chiếu trên, ai chiếu dưới - một điểm đặc thù của văn học miền Nam và của hải ngoại.

Một tổng tác phẩm đồ sộ

Sinh năm 1925 ở Bình Ðịnh, ông có tên thật là Ðoàn Thế Nhơn nhưng lấy tên vợ, Viễn Phố, đảo lại thành bút hiệu Võ Phiến - một ý tưởng vừa ngộ nghĩnh vừa đáng yêu. Bắt đầu viết từ rất sớm (1943 trên Trung Bắc Tân Văn), tham gia kháng chiến xong bỏ về thành, cùng với một số bạn ra tạp chí văn học Mùa Lúa Mới ở miền Trung. Thời gian trước năm 1975 vì làm trong ngành kiểm duyệt của Bộ Thông Tin nên có dịp theo dõi rất sát sinh hoạt văn học của miền Nam. Nhờ những hiểu biết này mà về cuối đời, ông đã viết được ra một cuốn văn học sử rất giá trị mang tên “Văn học Miền Nam: Tổng quan” (Văn Nghệ, 1987, đã được Võ Ðình dịch sang tiếng Anh và G.S. Nguyễn Xuân Thu xuất bản ở Úc) và dựa vào quyển này ông lại thu thập và tuyển chọn được một bộ hợp tuyển “Văn học miền Nam” gồm 7 quyển, trong đó có ba quyển giới thiệu truyện dài và truyện ngắn, một quyển dành cho ký, một quyển dành cho kịch và tùy bút, và một quyển dành cho thơ (tất cả đều do nhà xuất bản Văn Nghệ của ông Võ Thắng Tiết in ra).

Bên cạnh đó nhà xuất bản Văn Nghệ cũng in ra Toàn Tập Võ Phiến gồm Tùy bút (I và II), Tạp Luận, Tiểu Luận, Truyện Ngắn (I và II), Tiểu Thuyết (I và II), Tạp Bút. Tóm lại, một tổng tác phẩm rất đồ sộ. Sau này, nhà xuất bản Người Việt cũng lại cho in một Tuyển Tập Võ Phiến bìa dầy rất trang trọng. Trong những tác phẩm của ông mà được người ta nhắc đến nhiều có: các tiểu thuyết Mưa Ðêm Cuối Năm (Giải văn chương toàn quốc 1960), Giã từ (Bách Khoa, 1962), Một mình (Thời Mới, 1965), Ðàn ông (Thời Mới, 1966), và các tập truyện ngắn Chữ tình (Bình Minh, 1956), Người tù (Qui Nhơn, 1957), Mưa đêm cuối năm (Tự Do, 1958), Ðêm xuân trăng sáng (Nguyễn Ðình Vượng, 1961), Thương hoài ngàn năm (Bút Nghiên, 1962), Ảo Ảnh (1967), Phù Thế (1969), chưa kể ông còn có một số tác phẩm dịch (Hăm bốn giờ trong đời một người đàn bà dịch Stefan Zweig, Các trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại dịch André Maurois, Truyện hay các nước I và II, dịch với Nguyễn Minh Hoàng, và Ông chồng muôn thuở dịch Dostoyevsky). Ðặc biệt mê Võ Phiến thì có Võ Ðình (có lần anh tả cho tôi cái óc quan sát đặc biệt tinh tế về một con ruồi của Võ Phiến trong truyện “Một ngày để tùy nghi”), Thụy Khuê cũng đã viết một thiên khảo cứu về Võ Phiến trên Hợp Lưu số 103 (tháng 12/2008) và Nguyễn Hưng Quốc đã có nguyên một cuốn sách dài viết về Võ Phiến (1996). Một giáo sư người Mỹ, ông John C. Schafer, cách đây gần 10 năm cũng đã có Võ Phiến and the Sadness of Exile (“Võ Phiến và nỗi buồn lưu vong”), một cuốn chuyên đề do Northern Illinois University in ra (Monograph Series on Southeast Asia, 2006).

Tỵ nạn sang Mỹ, ông bắt đầu viết lại với Thư Gửi Bạn (1976), rồi Lại Thư Gửi Bạn (1978), Ly Hương (1977, viết chung với Lê Tất Ðiều) và truyện dài Nguyên Vẹn (1978, đã được James Banerian dịch sang tiếng Anh). Tiểu-luận của ông viết ở Mỹ đã được Nguyễn Ngọc Bích, Huỳnh Sanh Thông dịch sang tiếng Anh và truyện ngắn của ông (do Võ Ðình, Phan Phan, và Huỳnh Sanh Thông dịch) cũng đã được đưa vào sách Landscape and Exile (Marguerite Bouvard, ed., Boston: Rowan Tree Press, 1985). Sang thập niên 1990, ông còn có thêm các tác phẩm Truyện thật ngắn (1991), Quê (1992), Viết (1993), Ðối Thoại (1993), Sống và Viết (1996), và Thơ Thẩn (1997), tất cả cũng do nhà xuất bản Văn Nghệ ở California in ra.
Không chỉ viết, ông là một trong những cây bút cột trụ của báo Bách Khoa trước năm 1975, ông còn lập ra nhà xuất bản Thời Mới để in sách của mình và của những tác giả trẻ mà ông tin tưởng là có tương lai nên muốn giới thiệu với công chúng.

Lăng xê các cây bút trẻ

Một vài người ác ý cho rằng Võ Phiến chỉ thích giúp và giới thiệu các cây bút nữ ra với công chúng. Nhưng theo Hồ Trường An, viết trong sách Cảo thơm lần giở (Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ xb, 2015), nhà xuất bản Thời Mới của ông, ngoài sách của chính Võ Phiến, còn in sách của Võ Hồng, Lê Tất Ðiều, Thế Uyên, Y Uyên, Ðỗ Tấn bên cạnh Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ... Ngoài ra, tuy không in tác phẩm của họ, ông Võ Phiến vẫn làm cho công chúng chú ý đến Hoàng Ngọc Tuấn, Trùng Dương...

Sang Mỹ, Võ Phiến là một trong những người đầu tiên cầm bút trở lại mặc dù ông thừa biết là nhà văn mà mất đi độc chúng thì cũng như cá bị ném lên trên cạn. Mặc dầu vậy, ông vẫn viết và cho rằng chỉ cần còn bạn tri kỷ là còn “thư gửi bạn” được. Ông tin tưởng đủ ở văn học Việt Nam hải ngoại để cùng Nguyễn Mộng Giác lập ra một trong những tạp chí văn học đầu tiên ở xứ người, tờ Văn Học Nghệ Thuật, sau này trở thành tờ Văn Học (do Nguyễn Mộng Giác chủ trì một thời gian dài).

Mô tả cách viết của Võ Phiến, Trùng Dương nói khá chính xác:

“Mặc thời đại vi tính với Internet, anh vẫn viết tay. Tôi còn nhớ có lần nghe anh nói anh phải cảm ơn thấy da thịt của tay mình tiếp xúc với mặt giấy mới yên tâm sáng tác được, hay một ý tưởng tương tự. Tôi hình dung mặt tờ giấy đối với anh có lẽ cũng giống như cái 'security blanket' đối với nhiều trẻ nhỏ. Nhưng từ vài năm nay anh không viết nữa. Một đời gắn liền với chữ nghĩa bỗng như hụt hẫng, thừa, chị nói với riêng tôi, nước mắt ứa ra. Anh không biết tại sao mình sống lâu như vậy. Tôi vỗ về cánh tay trái mới té gãy và còn băng bột của chị. Chị rất sợ lỡ phải ‘đi’ trước anh, vì không biết ai sẽ chăm sóc anh được như chị chăm sóc anh. Chị không muốn con cái phải bận tâm nhiều về cha mẹ già. Hôm chị té gẫy tay, mãi sau khi đi bác sĩ băng bó xong, đến tối mấy người con mới hay..
.
“Tôi ra về, trong đầu lởn vởn ba câu thơ của anh làm năm 1986, mà chị đọc cho tôi nghe trước đó. Tôi đã hỏi chị ‘sao chỉ có ba câu, thay vì bốn?’ Chị đáp, ‘ai mà biết, cô hỏi tác giả xem.’ Tôi đáp, nhìn sang cửa phòng đã khép, ‘thôi để anh nghỉ.’ Tôi xin phép về, cũng để chị nghỉ nữa. Tôi nghĩ với riêng mình, có những điều tốt hơn không cần giải thích. Vả, tôi nghĩ là tôi hiểu vì sao bài thơ chỉ có ba câu: 

Ra đi, tuổi chẳng năm mươi.
Năm mươi tuổi nữa, nào nơi ta về?
Ngàn năm mây trắng lê thê...”







Bài liên quan
















No comments:

Post a Comment

View My Stats