Tiến sĩ Trần Công Trục
07:00 | 26/10/2015
07:00 | 26/10/2015
http://petrotimes.vn/neu-tau-my-vao-12-hai-ly-cac-thuc-the-viet-nam-dong-giu-o-truong-sa-341496.html
Do
đó, để trả lời câu hỏi của một số quan điểm lo ngại nếu tàu Mỹ hay nước khác tiến
vào 12 hải lý xung quanh các thực thể chúng ta đang đóng quân ở Trường Sa thì
phải phản ứng ra sao, chúng ta cần nắm rõ UNCLOS và chấp nhận các hoạt động hợp
pháp. Đồng thời chúng ta sẽ phản đối mọi hoạt động nếu nó bất hợp pháp.
LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên
giới chính phủ phân tích về hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ xung quanh đảo
nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa, Khánh Hòa, và
phản ứng của Việt Nam cùng hệ thống căn cứ pháp lý. Xin trân trọng gửi tới quý
bạn đọc bài phân tích này của ông.
Mấy tuần qua, dư luận Việt Nam cũng như khu vực và
quốc tế đặc biệt quan tâm đến cục diện Biển Đông bởi Hoa Kỳ đã thông qua nhiều
kênh thông tin khác nhau để loan báo rằng, Hải quân Mỹ sẽ tiến hành tuần tra ở
Trường Sa.
Hoạt động mà Mỹ tuyên bố là bảo vệ tự do hàng không,
hàng hải trên vùng biển, vùng trời quốc tế phạm vi 12 hải lý xung quanh một số
đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp từ 7 thực thể là các
rặng san hô, bãi cạn ở quần đảo Trường Sa do Bắc Kinh chiếm đóng bất hợp pháp từ
năm 1988, 1995 đến nay.
Dư luận có nhiều quan điểm đồng tình, ủng hộ và hy vọng
hoạt động này sớm diễn ra bởi Trung Quốc đang ngày một leo thang, thách thức luật
pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông bằng các hoạt động
xây dựng, bồi lấp, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp với quy mô, tốc độ
chưa từng có.
Hơn nữa, nhà cầm quyền Trung Quốc còn đang tìm cách
hợp thức hóa yêu sách vô lý lãnh hải 12 hải lý, thậm chí là vùng đặc quyền kinh
tế 200 hải lý cho các đảo nhân tạo vốn là các rặng san hô, hoặc bãi cạn lúc
chìm lúc nổi theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 chỉ có một vùng an
toàn bán kính tối đa 500 mét.
Tuy nhiên vẫn còn có những quan điểm, băn khoăn lo
ngại về động thái này của Hoa Kỳ. Những quan điểm này đặt ngược lại vấn đề, nếu
Mỹ cũng tuần tra phạm vi 12 hải lý xung quanh các thực thể khác mà Việt Nam hoặc
các bên còn lại đang đóng giữ ở Biển Đông thì chúng ta nên phản ứng ra sao?
Để giải đáp những thắc mắc này, xin bắt đầu từ căn cứ
pháp lý để Mỹ tuyên bố sẽ tiến hành các hoạt động tuần tra trong 12 hải lý
quanh đảo nhân tạo.
Đảo
nhân tạo Trung Quốc bồi lấp ở Trường Sa không thể có lãnh hải 12 hải lý
Thứ
nhất, 7 thực thể mà Trung Quốc cất quân xâm lược, chiếm
đóng bất hợp pháp trong quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam tháng 3/1988 và
năm 1995 là những rặng san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm. Điều 13 thuộc Mục 2,
Phần 2 của UNCLOS quy định rõ:
1) Một bãi cạn lúc chìm lúc nổi là một vùng đất được
hình thành tự nhiên có biển bao quanh, nhô lên trên mặt nước khi thủy triều thấp,
nhưng bị chìm xuống dưới mặt nước khi thủy triều cao.
Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách đất liền
hoặc một hòn đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì mực
nước lúc thủy triều thấp nhất ở các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở
để tính chiều rộng của lãnh hải.
2. Trong trường hợp một bãi cạn lúc chìm lúc nổi
hoàn toàn nằm cách đất liền hoặc một hòn đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng
của lãnh hải, thì bãi cạn đó không có lãnh hải riêng.
Điều 60 thuộc Phần V, UNCLOS quy định: "Đảo
nhân tạo, cơ sở và công trình kiến trúc không có quy chế hải đảo. Chúng không
có lãnh hải riêng, và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng đến việc phân định
lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa".
Những công trình nhân tạo này và các bãi cạn lúc nổi
lúc chìm ngoài biển, cách xa đất liền hay một đảo tự nhiên khác ở một khoảng
cách trên 12 hải lý đều chỉ có vùng an toàn bán kính tối đa 500 mét.
Mặc dù còn những tranh cãi khác nhau về tính chất
pháp lý của 7 thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trước khi bồi lấp, xây dựng đảo
nhân tạo là rặng san hô ngập hoàn toàn dưới mặt nước hay các bãi cạn lúc nổi
lúc chìm, nhưng chắc chắn rằng chúng không phải đảo tự nhiên theo định nghĩa của
UNCLOS, không có đời sống kinh tế riêng, không thể có quy chế lãnh hải 12 hải
lý chứ đừng nói tới vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Theo nội dung Philippines khởi kiện Trung Quốc ra
Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan thì ít nhất 3 thực thể là Vành
Khăn, Ga Ven và Xu Bi là những rặng san hô, bãi cạn lúc chìm lúc nổi và không
thể có lãnh hải 12 hải lý.
Mỹ cũng tuyên bố công khai, sẽ chỉ tuần tra tự do
hàng không hàng hải ở những thực thể không phải đảo, không có lãnh hải 12 hải
lý mà Trung Quốc đã bồi lấp thành đảo nhân tạo bất hợp pháp.
Mỹ
hoàn toàn hợp pháp nếu qua lại vô hại hoặc tuần tra vùng biển, vùng trời phạm
vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp ở Trường Sa.
Vấn đề toàn bộ hay chỉ một số trong 7 thực thể Trung
Quốc chiếm đóng, bồi lấp thành đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa không có
lãnh hải 12 hải lý còn có nhận thức khác nhau. Điều này phụ thuộc vào cách thức
các bên yêu sách xác định bản chất cấu trúc vật lý và hiệu lực pháp lý của từng
thực thể cụ thể trong 7 thực thể Trung Quốc bồi lấp.
Với những thực thể là rặng san hô ngập hoàn toàn dưới
mặt nước biển chúng không có bất cứ quy chế vùng biển nào theo UNCLOS. Các bãi
cạn lúc nổi lúc chìm, chúng không có lãnh hải 12 hải lý và tàu thuyền bất cứ nước
nào cũng có quyền qua lại tự do, thậm chí tiến hành các hoạt động giám sát
trong phạm vi 12 hải lý nhưng ngoài phạm vi bán kính 500 mét vì đó là vùng biển,
vùng trời quốc tế.
Nếu thực thể nào là các bãi đá vẫn nhô lên trên mặt
nước khi thủy triều lên, thì nó vẫn được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý của
UNCLOS, nhưng không thể có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của một đảo tự
nhiên.
Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác không có quyền giám
sát, thực hiện các hoạt động được xem là gây phương hại đến hòa bình, trật tự
hay an ninh của quốc gia đang đóng giữ các bãi đá này. Tuy nhiên, tàu thuyền Mỹ
và các nước khác có quyền qua lại vô hại, tức là cơ động qua đó không làm gì
phương hại hay đe dọa tới lực lượng đóng giữ bãi đá.
Do đó, việc xác định cấu trúc mỗi thực thể trong số
7 điểm Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa là thuộc loại nào theo hệ thống thực
thể trên biển mà UNCLOS phân loại, quy định có ý nghĩa quan trọng. Nó quyết định
về cơ sở pháp lý cho các hoạt động của nước khác triển khai trong khu vực 12 hải
lý quanh thực thể Trung Quốc đang chiếm đóng.
Xin lưu ý là chúng ta đang nói về quy chế các vùng
biển của UNCLOS, không đề cập đến vấn đề chủ quyền vì đó là câu chuyện khác,
theo hệ thống nguyên tắc pháp lý khác.
Bởi vậy, có hai khả năng, hai lựa chọn cho Hoa Kỳ và
các bên quan tâm đến tự do, an ninh, an toàn hàng không hàng hải ở Biển Đông
trong ứng xử với 7 thực thể Trung Quốc đang chiếm đóng:
Thực thể nào có lãnh hải 12 hải lý thì có quyền qua
lại vô hại; Thực thể nào không có lãnh hải 12 hải lý thì ngoài 500 mét bán kính
vùng an toàn là vùng biển quốc tế, tàu thuyền được tự do hoạt động, kể cả giám
sát các hoạt động của Trung Quốc trên đảo nhân tạo bồi lấp ở thực thể này, Bắc
Kinh không có quyền ngăn cản.
Việt
Nam nên phản ứng ra sao?
Qua những phân tích nêu trên và các tuyên bố chính
thức của phía Hoa Kỳ có thể thấy, hành động dự kiến tuần tra phạm vi 12 hải lý
quanh một số đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp phi pháp ở Trường Sa không có quy
chế lãnh hải là hoàn toàn hợp pháp.
Việc tàu thuyền Mỹ qua lại vô hại phạm vi 12 hải lý
của các thực thể có quy chế lãnh hải ở Trường Sa cũng là quyền lợi hợp pháp, được
quy định rõ trong UNCLOS.
Việt Nam là một thành viên phê chuẩn Công ước UNCLOS
thì có nghĩa vụ tuân thủ toàn bộ các quy định của Công ước này. Mặt khác, Việt
Nam luôn chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, trên cơ
sở luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng, bảo vệ
UNCLOS thì không có lý do gì chúng ta không ủng hộ, hoan nghênh các hoạt động
này của Mỹ
Thậm chí chúng ta cần kêu gọi Hoa Kỳ nói ít, làm nhiều,
nhanh chóng thực hiện những gì đã tuyên bố để bảo vệ UNCLOS ở Biển Đông.
Việt Nam là nước có chủ quyền hợp pháp đối với quần
đảo Trường Sa hiện là đối tượng bị một số nước nhảy vào tranh chấp. Hiện tại
chúng ta đang kiểm soát 29 thực thể, bao gồm cả đảo tự nhiên, các bãi đá nổi
trên mặt biển khi thủy triều lên và các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, nếu Hoa Kỳ
hay một bên nào đó cơ động trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể này, việc
đầu tiên phải xem xét thực thể đó có quy chế lãnh hải 12 hải lý hay không.
Nếu có thì tàu nước ngoài chỉ được qua lại vô hại, nếu
không thì đó là vùng biển quốc tế, chúng ta phải chấp nhận các hoạt động mà
UNCLOS đã quy định.
Chính Trung Quốc là một nước phê chuẩn UNCLOS nhưng
lại đòi yêu sách riêng, chỉ chấp hành những điều khoản có lợi cho mình, những
điều khoản bất lợi thì họ từ chối. Đó là hành vi khôn lỏi không thể chấp nhận
được. Bất kỳ quốc gia nào đã phê chuẩn UNCLOS là phải tuân thủ trọn gói các quy
định của Công ước chứ không phải chỉ phần nào có lợi.
Việt Nam chúng ta cũng như thế, không có gì khác.
Quan điểm nào không ủng hộ hoặc phản đối hành vi hợp pháp của Hoa Kỳ trong việc
tuần tra/qua lại vô hại 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp ở Biển
Đông là vô hình chung tiếp tay cho Trung Quốc bành trướng.
Do đó, để trả lời câu hỏi của một số quan điểm lo ngại
nếu tàu Mỹ hay nước khác tiến vào 12 hải lý xung quanh các thực thể chúng ta
đang đóng quân ở Trường Sa thì phải phản ứng ra sao, chúng ta cần nắm rõ UNCLOS
và chấp nhận các hoạt động hợp pháp. Đồng thời chúng ta sẽ phản đối mọi hoạt động
nếu nó bất hợp pháp.
Nếu Luật Biển Việt Nam có các quy định khác cụ thể
yêu cầu tàu thuyền nước ngoài cần tuân thủ khi qua lại vô hại hoặc tuần tra phạm
vi 12 hải lý quanh các thực thể này, chúng ta phải thông báo cho đối phương biết
và thực hiện, nhưng quy định không được trái với UNCLOS mà chúng ta đã ký.
Chính Việt Nam cũng sẽ lúng túng, khó khăn bởi hiện
tại chúng ta chưa công bố đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của các đảo,
các bãi đá nổi trên mặt nước khi thủy triều lên và toàn bộ quần đảo Trường Sa.
Do đó xác định lãnh hải 12 hải lý trên thực địa cũng không phải chuyện đơn giản,
dễ dàng.
Chúng ta nên ủng hộ hoạt động này của Mỹ, thậm chí
tàu Mỹ có qua lại vô hại hoặc tuần tra tự do hàng hải hàng không quanh các thực
thể mà Việt Nam hay các bên khác đóng giữ cũng là điều tốt, miễn là đúng
UNCLOS. Bởi như vậy Bắc Kinh không có cớ nói Hoa Kỳ thiên vị hay có ý bao vây,
kiềm chế Trung Quốc.
Ủng
hộ hành động hợp pháp của Mỹ là giúp mình, bảo vệ luật pháp quốc tế
Mỹ không tiến hành tuần tra hoặc qua lại vô hại bên
trong phạm vi 12 hải lý, bên ngoài bán kính 500 mét quanh 7 đảo nhân tạo Trung
Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa thì sẽ đồng nghĩa với việc UNCLOS bị
Trung Quốc vô hiệu hóa. Bao nhiêu công sức, trí tuệ của nhân loại để xây dựng
nên bộ luật được coi như Hiến pháp của biển và đại dương này sẽ bị Bắc Kinh ném
vào sọt rác.
Do đó là thành viên UNCLOS, Việt Nam không chỉ có
trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc tất cả các điều khoản của UNCLOS, mà còn phải bảo
vệ UNCLOS. Ủng hộ việc làm hợp pháp của Hoa Kỳ là bảo vệ chính mình, bảo vệ luật
pháp quốc tế ở Biển Đông.
Nếu cứ để Trung Quốc tùy tiện đòi 12 hải lý cho các
thực thể không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý ở vùng biển nước này nhảy
vào tranh chấp, thì các bên yêu sách khác cũng sẽ làm được. Điều này tạo ra một
xu thế nguy hiểm là bồi lấp đảo nhân tạo, biến đổi hiện trạng các thực thể để
đòi các vùng biển mở rộng, ít nhất là 12 hải lý lãnh hải, nhiều hơn nữa là 200
hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Như vậy thế giới này loạn mất.
Đặc biệt là ở Biển Đông, khi Trung Quốc bồi lấp đảo
nhân tạo đồng loạt ở 7 thực thể chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa cùng các rặng
san hô, bãi cạn ở Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough thì họ có thể đòi yêu sách vô
lý 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, chỉ 3 chân vạc này là có thể phủ kín Biển
Đông, hiện thực hóa đường lưỡi bò.
Điều này xảy ra có nghĩa Biển Đông thành ao nhà
Trung Quốc, tàu thuyền các nước muốn qua lại như trước, ngư dân các nước muốn
đánh bắt như trước phải xin phép, nộp tô cho Trung Quốc. Đó thực sự là một thảm
họa.
Bởi vậy đã đến lúc Việt Nam cần tỏ rõ lập trường và
trách nhiệm của một thành viên phê chuẩn UNCLOS, cũng như một bên có yêu sách,
có chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông nói chung, Trường Sa nói
riêng đang bị Trung Quốc đe dọa. Chần chừ hay mập mờ chỉ càng bất lợi cho ta, lợi
cho âm mưu bành trướng của Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment