Ngọc Lan/Người Việt
Monday, October 12, 2015 1:55:03 PM
MIDWAY
CITY, Calif. (NV) – Có bao giờ bạn nhớ lại là bằng cách nào bạn biết khi
mình cất tiếng nói “Bạn tên gì?” hay “What’s your name?” thì người đối diện sẽ
biết trả lời cho bạn là “Mình tên Hương” hay “My name is Huong” không?
Có bao giờ bạn nhớ lại là bằng cách nào mà mình biết
cách đếm số, biết nhìn ra đó là số 1-one, số 2-two, biết nhận ra đó là màu đỏ-red
chứ không phải màu đen-black, đó là đôi giày-shoes chứ không phải đôi
dép-sandals, không?
Tất cả những điều cơ bản ấy bỗng trở về một cách rộn
ràng, sống động khi chúng tôi bước chân đến lớp Mẫu Giáo Song Ngữ của trường tiểu
học DeMille ở Midway City ngay Little Saigon.
Đặc biệt, đây là lớp học song ngữ Việt-Anh đầu tiên
trên toàn tiểu bang California. Và 42 em học sinh trong lứa tuổi 5-6, Việt có,
Mỹ gốc Việt có, và Mỹ không phải gốc Việt cũng có, chính là những “người lính”
đi tiên phong cho chương trình học đầy tự hào này.
Cô giáo Hương Đặng trong giờ dạy tiếng Việt ở lớp mẫu
giáo song ngữ Việt-Anh (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
“Này
bạn ơi nhanh nhanh xếp hàng vào lớp”
7 giờ 45 sáng, cổng trưởng mở ra, những cha, mẹ,
ông, bà lần lượt nắm tay “cục cưng” của mình dẫn đến ngay trước cửa lớp K2.
Trong khi các em trò chuyện rít ríu đùa giỡn với bạn, những phụ huynh đứng nơi
một góc dõi nhìn, hạnh phúc.
Đúng 8 giờ, cô giáo Hương Đặng, thật trẻ so với tuổi
44, vừa giơ cao tấm tranh in hình con ếch to, dưới ghi chữ Frog-Ếch cho các học
sinh nhìn thấy, vừa cất giọng hát trong trẻo “Này bạn ơi nhanh nhanh xếp hàng
vào lớp! Này bạn ơi nhanh nhanh xếp hàng vào lớp”. Nghe cô hát, những bạn lớp Ếch
đứng ngay vào hàng, chờ nối đuôi nhau vào trong lớp.
“Cô chào các em.” Cô Hương cất giọng dịu dàng, chầm
chậm, một giọng nói rất riêng mà người lớn vẫn thường dành cho trẻ con mới tập
nói.
“Chào cô” Vài giọng non nớt, nhẹ hều của học sinh cất
lên.
“Giờ cô sẽ gọi tên xem bạn nào có mặt ở đây. Khi các
em nghe cô, các em nói ‘Dạ có" - Bài học “tiên học lễ, hậu học văn”, biết
“dạ, thưa” theo đúng văn hóa Việt Nam đã được cô giáo đưa vào lớp học tại Mỹ một
cách gọn gàng, tự nhiên như thế.
Vẫn là tiếng Việt – để ngỡ như mình đang đứng trong
một lớp Mẫu giáo lịch sự nào đó nơi quê nhà – cô Hương nói, “Nào các em nhìn
lên bảng đọc theo cô. Nội qui.” Tiếng các em như chim vang lên “Nội qui”
“Số 1: Nhìn cô” – “Nhìn cô” – “Nghe cô” – “Nghe cô”
Cứ giọng cô cất trước, giọng của các em họa theo sau.
“Thứ mấy?” – Thứ Ba. “Màu gì?”– Màu cam. “Số mấy?” –
Số 6
Thật không gì dễ thương và xúc động cho bằng khi
nhìn những gương mặt ngây thơ, những cái miệng mở ra đọc theo cô giáo trong
cách phát âm tiếng Việt, dù có thể em vẫn còn chưa kịp hiểu đó là gì trong tiếng
Anh-thứ ngôn ngữ mà em đã nói ngay từ những câu bi bô đầu đời.
Rồi cô Hương cho cả lớp đứng lên. Cô làm động tác đi
bộ, miệng nói “đi đi.” Rồi cô vỗ vỗ vào chân bảo “Mỏi chân quá, mỏi chân quá.”
Rồi cô hát, dĩ nhiên cũng có những em ê a hát theo
“Một cây số mỏi chân rồi đường còn xa lắm không? Một cây số mỏi chân rồi, tội
nghiệp quá…” Cô giơ hình đôi giày lên cho các em nhìn và nói “đôi giày”. “Đôi
giày” giọng học sinh lặp lại. Âm “đôi giày” từ miệng các học sinh bật ra, có âm
nghe thật tròn, có âm lơ lớ, có âm ngọng nghịu. Nhưng mà sau cùng vẫn nghe ra
“đôi giày.”
Đó là những giờ đầu trong phần học tiếng Việt của lớp
Mẫu Giáo Song Ngữ do cô Hương Đặng phụ trách tại trường DeMille thuộc học khu
Westminster.
Nửa
ngày học tiếng Việt, nửa ngày học tiếng Anh
Có 42 học sinh mẫu giáo tham gia chương trình song
ngữ Việt-Anh ở năm học 2015-2016 trên toàn tiểu bang California.
“Trong đó, một phần ba các em là người Việt Nam,
rành tiếng Việt Nam. Một phần ba các em gốc Việt nhưng không biết tiếng Việt,
do các em lớn lên trong gia đình mà bố mẹ chỉ nói tiếng Anh với các em. Và một
phần ba còn lại thì không phải người Việt Nam.” Cô Hương cho biết.
Các em được chia làm hai lớp, một lớp con Ếch-Frog và
một lớp con Vịt-Duck. Cô Hương phụ trách dạy tiếng Việt, cô Pelton dạy tiếng
Anh.
Tranh thủ lúc cho học sinh tô màu, có thêm ba người
làm việc thiện nguyện phụ giúp trông coi lớp con Ếch, cô Hương dừng lại đôi
phút để giải thích một buổi học của chương trình song ngữ Việt-Anh bắt đầu ra
sao và kết thúc như thế nào:
“Buổi sáng mọi người gặp nhau ở lớp tiếng Việt hoặc
tiếng Anh vào lúc 8 giờ. Học đến 10 giờ, các em ra chơi. Sau đó các em qua lớp
học Toán bằng tiếng Anh với một cô giáo Toán khác. 10 giờ 30 các em trở về lớp
và theo thời khóa biểu học khoa học hoặc khoa học xã hội. Môn xã hội học thì học
với cô Pelton bằng tiếng Anh, còn môn khoa học thì học với tôi bằng tiếng Việt.
Rồi các em đi ăn trưa. Sau giờ ăn trưa thì đổi lại, nếu lúc sáng học tiếng Việt
với tôi thì chiều sẽ học tiếng Anh với cô Pelton, và ngược lại. Lớp học kết
thúc lúc 2 giờ chiều,” cô Hương mô tả.
Nếu DeMille là trường tiểu học đầu tiên ở California
thực hiện việc dạy song ngữ Việt-Anh, thì California lại là tiểu bang thứ tư
trên toàn nước Mỹ có chương trình này.
Theo cô Hương, Seattle ở tiểu bang Washington là nơi
đầu tiên trên toàn quốc dạy song ngữ Việt-Anh trong trường công lập, cách đây
ba năm. Kế đó là Oregon, rồi Texas. Hiện giờ có thêm California.
Được xem như là người cầm chuông gióng lên những hồi
đầu tiên cho chương trình song ngữ Việt-Anh của tiểu bang, cô Hương thừa nhận,
“Tôi biết trách nhiệm rất nặng nề vì phải làm tốt để cho chương trình có kết quả.”
Tuy nhiên, cô giáo của lớp học song ngữ này cũng cho
rằng cô nhận được nhiều sự hỗ trợ về tinh thần cũng như tài liệu, giáo trình từ
những người đi trước, từ các sinh viên ở trường CalState Long Beach, cũng như
“nhiều người trong cộng đồng khi nghe có chương trình này cũng đến để giúp
thêm, cho thêm ý kiến.”
Đặc biệt, cô Hương cho rằng, “sự có mặt của nhiều
thiện nguyện viên gốc Việt, nói tiếng Việt trong lớp học là cơ hội giúp các em
nói tiếng Việt được nhiều hơn.”
Dù rằng cô Hương phụ trách giờ học tiếng Việt, nhưng
do phần đông các em quen nói tiếng Anh nên đôi khi cô giáo buộc phải dùng thêm
tiếng Anh trong lớp.
“Bây giờ phải làm như vậy, vì lúc đầu tôi có thử nói
tiếng Việt, làm mẫu tiếng Việt với các em không thôi, thì các em cũng đoán đoán
vậy, nhưng để cho nhanh hơn, để cho các em hiểu liền những chuyện phải gấp thì
tôi cũng phải chen thêm tiếng Anh. Hơn nữa, cũng có nhiều em không phải gốc Việt
thì mình phải nói tiếng Anh để cho em có khái niệm mình đang nói cái gì, rồi
mình lại chuyển qua làm mẫu tiếng Việt. Đó là điều mình phải áp dụng.” cô Hương
chia sẻ.
Các em học sinh lớp mẫu giáo song ngữ Việt-Anh đầu
tiên ở California (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Mục tiêu của học khu Westminster và tâm tình phụ huynh với chương trình Việt-Anh
Cô Trish Montgomery, đại diện học khu Westminster,
giải thích rõ hơn về chương trình song ngữ Việt-Anh: “Các em mẫu giáo của chương trình này học giống như những em mẫu giáo
bình thường, tức các em cũng học về số, đếm số, về màu sắc, về hình dạng và nhiều
thứ khác. Có khác là các em học bằng hai ngôn ngữ.”
Cô Montgomery nhìn nhận “Westminser là nơi có rất đông người Việt, có khát vọng bảo tồn di sản
văn hóa ngôn ngữ Việt. Đó là một mục tiêu. Đây cũng là nơi có nhiều học sinh gốc
Latino hay sắc dân khác, thì mục tiêu nữa là để cho các em có thể nói được hai
thứ tiếng và thậm chí cả ba thứ tiếng.”
Nói về lý do ghi danh cho con gái 5 tuổi theo học
chương trình song ngữ Việt-Anh này, chị Lắm Dương chỉ muốn, “Để con đừng quên tiếng Việt, chứ nó về nhà
nói tiếng Anh không tôi không hiểu.”
“Tôi có ba đứa con,
thì hai đứa lớn kia giờ không biết tiếng Việt, chỉ nói được một vài tiếng, còn
thì chỉ nói tiếng Anh thôi, nên khi tôi muốn nói gì với có cũng không biết nói
làm sao,” chị Lắm cho biết thêm.
Với bà Lily Huỳnh, hiện ở Santa Ana, thì lý do bà
đưa cháu nội đến với lớp học này là vì “Nghĩ
tương lai con cháu Việt Nam cần phải biết giữ gìn tiếng Việt để mà truyền đạt
sau này. Tiếng việt còn thì nước Việt còn. Chúng ta qua đây là đi tị nạn cho
nên tôi mong muốn rằng nước của chúng ta càng ngày càng được mọi sự tốt đẹp và
con cháu chúng ta nói được tiếng Việt để các cháu giữ gìn truyền thống và phát
huy văn hóa tiếng Việt.”
Trong khi đó, chị Hiên Trần có con trai 6 tuổi đang
theo học với cô Hương và cô Pelton thì “muốn
con mình sau này lớn lên có tương lai một chút khi biết được cả hai thứ tiếng.”
Anh Luis Amezzua, người Hispanic, có con gái 5 tuổi
học chương trình Việt-Anh, thì “biết đến
chương trình này là nhờ vợ tôi, lúc cô ấy đi tìm xem trường học nào tốt cho con
thì cô ấy nghe nói đến chương trình này. Tôi thấy đó cũng là một ý hay. Con tôi
đã biết tiếng Hispanic, tiếng Anh, giờ biết thêm một thứ tiếng nữa thì rất là tốt.”
Nhận xét về việc thực hiện chương trình trong một
tháng qua, cô Montgomery cho rằng, “Chỉ mới
có một tháng thôi nhưng đã thấy có sự tiến triển. Các em mẫu giáo giống như những
miếng bọt biển, thẩm thấu rất nhanh, tiếp thu rất lẹ, chúng tôi không thể vui
hơn với những điều đó.”
“Thoạt đầu thì con
tôi nói nó không thích, nó không hiểu, nó không muốn, nhưng giờ thì nó thấy khá
hơn rồi. Mỗi ngày về nhà nó đều kể ba ơi hôm nay con học cái này, học về màu sắc,
học đếm số. Nó cứ dạy chúng tôi nói như thế này thế kia trong tiếng Việt, tôi
cũng thử nói theo nó nhưng không được, nhưng mà nó làm chúng tôi vui, rất vui,” anh Amezzua kể.
Chị Lắm thì bảo, “Sau khi học được một tháng thì thấy con khác hẳn, nó thích lắm, về nhà
nó ca hát hoài à, nó thích lắm.”
“Đối với tôi chương
trình này rất có ích. Trường dạy tới đâu tôi sẽ cho con học tới đó,” chị Lắm nói thêm.
Bà Lily chia sẻ, “Gia đình tôi ở Santa Ana nhưng vì thích cháu học chương trình song ngữ
nên mỗi ngày đưa cháu đến đây học rất là xa nhưng được cái là cháu nói ‘Con học
ở đây vui lắm nội!’ Cô giáo tiếng Việt ở đây dạy rất là tốt, cô giáo tiếng Anh
cũng vậy, chăm chút học sinh, nên tôi thấy mừng khi cháu được học ở đây.”
Với chị Hiên, thì con trai chị vốn “đã nói tiếng Việt
ở nhà từ nhỏ”, tuy nhiên, như chị cho biết, “Đi học thấy cháu có tiến bộ hơn,
thấy rất ngoan.” Và đó là lý do chị quyết định “Tương lai sẽ cho đứa con nhỏ học
tiếp chương trình này.”
“Tôi rất muốn
chương trình này được phổ biến ở nhiều nơi trên nước Mỹ để con em Việt Nam biết
được nhiều thứ tiếng hơn,” chị Hiên mơ ước.
Cô Montgomery nói thêm, “Học khu đã có sự chuẩn bị để phát triển chương trình dựa trên nhu cầu của
cộng đồng. Năm học này, chương trình bắt đầu với học sinh mẫu giáo. Năm tới sẽ
có lớp mẫu giáo và lớp Một. Năm tới nữa sẽ có mẫu giáo, lớp Một, lớp Hai cho đến
khi chúng tôi có được đến lớp Sáu. Nếu như nhu cầu đòi hỏi đủ, chúng tôi rất
vui để mở thêm chương trình ở những trường khác.”
***
Là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy chương trình
Việt-Anh, cô Hương cho biết niềm vui của cô khi dạy lớp này là “các em vui
quá!”
“Mấy em còn nhỏ lắm
mới 5 tuổi thôi thành ra mình cứ vui theo các em, ồn ào thì cũng ồn ào, chơi
cũng chơi, rồi giận bạn đó rồi cũng chơi với bạn lại. Có nhiều khi đi theo kêu
cô ơi cô ơi, rồi khi biết cô nói tiếng Việt rồi thì nói tiếng Việt nhiều hơn.
Khi đó mình thấy vui vì lúc đầu nghĩ các em không biết nói tiếng Việt, giờ các
em nói tiếng Việt với mình nghe vui lắm, biết các em thân thiện với mình hơn, cởi
mở hơn để nói tiếng Việt. Nhiều em không phải Việt Nam cũng nói theo, mình cũng
thấy vui, thấy lạ lạ, và muốn các em được học nhiều hơn nữa.”
“Em hứa làm một bé
ngoan, em vâng lời mẹ em không khóc nhè! Em hứa làm một bé ngoan, mỗi ngày đến
lớp học hành siêng năng…” chúng tôi ra về khi tiếng hát
của cô giáo và các em bé vẫn còn vang lên…
---
Liên lạc tác giả: Ngoclan@Nguoi-viet.com
.
Bài liên quan
No comments:
Post a Comment