Tạp ghi Huy Phương
Sunday, October 11, 2015 1:59:07 PM
Cách
đây khoảng 10 năm, sau một chuyến đi xa, trên đường trở lại California, vợ chồng
chúng tôi và hai người bạn đang ngồi chờ đổi máy bay tại phi trường Atlanta,
thì bất chợt một ông Việt Nam trung niên, áo vest, thắt cà vạt, tiến về phía ghế
ngồi của chúng tôi. Một cách mừng rỡ và vội vã, không kể người trước mặt mình
là đàn ông hay đàn bà, quen hay lạ, y thọc tay về phía chúng tôi: - “Các bác là
người Việt Nam!” Không đợi câu trả lời, quơ được bàn tay của chúng tôi đưa ra một
cách phản xạ, y lắc đấy lắc để.
Phải nói là chúng tôi phản ứng quá chậm hay gần như
không có phản ứng gì.
Cho đến lúc người đàn ông lạ mặt này thấy không mấy
phấn khởi với cuộc làm quen này, quay lưng đi, chúng tôi vẫn ngồi yên tại chỗ,
lặng lẽ và ngao ngán không nói một câu gì. Phải, chúng tôi là người Việt Nam,
nhưng cuộc gặp gỡ với một người Việt Nam kỳ này không đem lại điều gì hứng thú
cho chúng tôi, qua ngôn ngữ và cách xử thế, chúng tôi thấy có một khoảng cách
khá lớn, và cũng là người Việt Nam, nhưng tôi cảm thấy y không giống tôi, ngoài
một thứ ngôn ngữ đã khá dị ứng, con người này như đến từ một xứ sở nào khác.
Như thế, ít ra tôi cũng đã hiểu vì sao một người Tàu
ở Hồng Kông trước năm 1999 chỉ nhận họ là người Hồng Kông, hay sau 1949, những
người Tàu ở Đài Loan, cho rằng mình là người Đài Loan (“Trung Hoa Dân Quốc” hay
“Trung Hoa Đài Bắc”) để khỏi nhầm với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Hoa lục
địa hay Cộng Sản Trung Hoa). Hẳn không một người Nam Hàn nào thích hiểu lầm họ
là người Bắc Hàn (được Việt Nam gọi là Triều Tiên) và trước đây giữa người Đông
và người Tây Đức mặc dầu nguồn gốc của họ là người Đức. Người ta không thể phủ
nhận nguồn gốc của mình nhưng có thể phủ nhận chính thể đương thời và lựa chọn
quốc tịch cho mình.
Chỉ có hai tiếng Bắc Kỳ thôi, và chỉ trong vòng 30
năm, người Việt Nam cũng đã chọn chỗ đứng rõ ràng khi phân biệt ai là Bắc Kỳ
cũ, Bắc Kỳ mới, ai là Bắc Kỳ “chín nút” (54), ai là Bắc Kỳ 75! Nếu trong câu
chuyện nói, còn có chút gì kỳ thị, thì chúng ta cũng không nên trách, đây không
phải là chuyện đoàn kết dân tộc, mà là chuyện văn hóa và chính kiến, nó phát xuất
từ những khổ đau và bất hạnh mà con người ta phải gánh chịu, qua những thăng trầm
của lịch sử.
Tôi là người Việt Nam, và những ngày còn nhỏ, tôi vẫn
thường hãnh diện mình là người Việt Nam, với “bốn nghìn năm văn hiến,” “con Rồng
cháu Tiên,” lớn lên trong thời loạn lạc, người chẳng ra người, ta lại được hãnh
diện thêm vì quê hương mình “rừng vàng biển bạc,” thủ đô “là đỉnh cao trí tuệ của
loài người,” “đánh thắng ba đế quốc sừng sỏ!” “mỗi buổi sáng thức dậy ước mơ
mình trở thành một người Việt Nam,” “Việt Nam dân chủ gấp vạn lần các nước Tây
phương,” “vị thế Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế!” thì
không còn gì để có thể hãnh diện hơn được nữa!
Gom tất cả tinh hoa của người Việt trên thế giới để
làm những tác phẩm vĩ đại để ca tụng con người Việt Nam là điều không khó, vì
những khuôn mặt thành đạt vẻ vang này ở nước ngoài, sau ngày phải bỏ nước ra
đi, chúng ta không chỉ có hàng chục nhân vật đủ làm một tác phẩm mà con số này
có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn người. Nhưng nếu tập họp họ lại, xếp hàng
ngay ngắn như trong một cuộc “diễu hành,” có một mỹ nhân mặc quốc phục dẫn đầu
cầm một tấm bảng lớn mang dòng chữ “Tôi là người Việt Nam” thì điều này quả còn
quá nhiều gượng ép.
Đồng ý nguồn gốc họ đều là những người Việt Nam, có
người bỏ nước ra đi từ ngày chủ thuyết Cộng Sản đến Việt Nam, nhưng cũng có người
sinh ra ở nước ngoài, mỗi người có một cuộc đời, hoàn cảnh, tình cảm và chính
kiến khác nhau. Nếu có ai hỏi họ: - “Ông bà là người Việt Nam?” thì câu trả lời
sẽ là: - “Phải, tôi là người Việt Nam! Nhưng đó là câu chuyện cách đây 40 năm.
Đó là một câu chuyện dài!”
Trong chúng ta, ai cũng có một câu chuyện dài phải
được kể lại, hay bây giờ mới được kể lại!
Những nhà tuyên truyền thường nhắc đến tình tự dân tộc,
biểu tượng từ một tiếng đàn bầu, một tiếng hò trên sóng nước để gợi cho con người
nhớ đến quê hương. Người ta lập lại mãi câu nói “quê hương chỉ một” hay anh em
đi xa là “khúc ruột ngàn dặm” và không ngừng kêu gọi một sự trở về tha thiết, -
“Nếu đi hết biển thì đến đâu hở mẹ!”- “Đi hết biển thì sẽ trở về làng cũ!” Vì
sao con chim phải bay trở lại cái lồng đã giam hãm nó, có khi là cái thòng lọng
hay cái cũi nhốt của một con vật. Đó là con người của tự do, có ý thức, không
phải chiếc xe lửa chạy lui tới trên đường ray.
Có người đem chuyện người Việt lưu lạc của Kiến Bình
Vương Lý Long Tường (1136-1175) là con thứ sáu của vua Lý Anh Tông, đã cùng họ
hàng vượt biển Bắc vào đầu thế kỷ thứ 13 vì bị phe cánh Trần Thủ Độ hãm hại,
sau đó trôi giạt đến Cao Ly, để nói chuyện người Việt trở về tìm lại nguồn cội.
Xin quý vị yên tâm đi, không cần phải nói chuyện đạo lý, nhân nghĩa, Cộng Sản
thôn tính miền Nam mới nửa thế kỷ, dòng dõi Lý Long Tường bỏ nguồn cội đã bảy
tám thế kỷ này. Thời gian hãy còn quá sớm để cho những người Việt lưu lạc tha
phương trở về.
Hình ảnh tìm về cội nguồn hẳn là đã được ca ngợi rất
nhiều.
Truyền thống dân gian cho rằng loài cá hồi trở về
đúng nơi chúng được sinh ra để đẻ trứng, nhưng cuộc nghiên cứu đã cho thấy hành
động quay lại nơi ra đời này đã được thể hiện phụ thuộc vào ký ức khứu giác và
thói quen, hẳn không hề có ý nghĩa về cội nguồn. Và trong một câu chuyện khác,
hàng năm vào mùa Xuân, những đàn én từ phương Nam đã bay trở về nhà nguyện San
Juan Capistrano (California) và về phía Nam Mỹ là để trốn mùa Đông giá rét. Đến
mùa nắng ấm, chúng lại bỏ gác chuông nhà thờ để ra đi, không hề có có ý niệm trở
về hay qui cố hương.
Nếu câu hỏi đặt cho một người và câu trả lời dành
cho một người, nó mang một ý nghĩa khác, nhưng khi chúng ta tập trung họ lại, cố
tình hướng dẫn họ thành một đám đông và mở đường, sắp xếp cho họ có chung một
câu trả lời theo dụng ý của những nhà đạo diễn, tôi cho đây là điều thiếu đạo
lý.
Vả lại, điều dễ thấy rõ, hàng chục người vừa tuyên bố
mình là người Việt Nam ở đây đều nằm trong 3 triệu người, bỏ nước ra đi, bằng
lý do này hay lý do khác; họ không có nổi một tờ giấy tùy thân hay một “sổ đăng
ký hộ khẩu thường trú” của chế độ đương thời, vậy thì họ là ai, người Việt
nhưng người Việt nào? Câu trả lời gần như được xếp chung một loại “thấy sang bắt
quàng làm họ!” Quơ vào những cái quả thực không phải của mình. Mục đích của người
làm phim đã quá rõ ràng. Chẳng qua là khán giả của loại chương trình này quá dễ
dãi, họ dễ chấp nhận một cái vui nhỏ, một cái cười cợt dính ngoài môi, để quên
đi những điều cốt lõi mà họ đang được mời tham dự, mà nội dung đã được tính
toán, có dụng ý chính trị, của ông chủ chi tiền.
Phải chăng trong không khí rộn ràng của màu sắc, âm
nhạc, da thịt, phấn son, ít ra trong một thời gian ngắn người ta quên được những
khuôn mặt Việt Nam cần phải được cởi áo che tại Nhật, hàng nghìn khuôn mặt phụ
nữ khổ đau xấu hổ không dám nhìn ai trên quê hương nhầy nhụa hôm nay.
Rõ ràng là chế độ tham lam, ham muốn chạy theo những
thành công nhất thời của mỗi con người không phải trong xã hội của mình để áp đặt
hai chữ Việt Nam, mà không chịu xây dựng được một con người tử tế ngay trong xã
hội của mình.
Chúng ta hãy nghe phát biểu của ông Lê Kiên Thành,
con trai ông Lê Duẫn, cố bí thư thứ nhất đảng CSVN, trên vietnam.net trong vài
ngày gần đây: “...tôi cứ băn khoăn mãi. Hôm trước mở báo ra tôi cứ bị ám ảnh
hình ảnh hai ông già đi ăn trộm gà bị bắt, bị đánh hộc máu mồm ra, rồi bắt ngậm
con gà chết. Tôi cứ bàng hoàng, tự hỏi: 'Chẳng lẽ đây là người Việt Nam chúng
ta?'”
No comments:
Post a Comment