BBC Tiếng Việt
10 tháng 10 2015
Tuy
danh sách nhân sự chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chỉ là đồn đoán, có
ý kiến cho rằng chắc chắn có thay đổi trong phương hướng và phong cách.
Giáo
sư Zachary Abuza, nhà nghiên cứu Đông Nam Á từ Học viện Chiến tranh
Quốc gia (National War College) Hoa Kỳ, nhận định rằng các thay đổi nói trên
đang dần lộ diện cùng Hội nghị Trung ương 12 hiện đang họp tại Hà Nội.
Trong bài viết mới đăng hôm 8/10, ông Abuza nói Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như có khả năng trở thành Tổng bí thư mới của Đảng
CSVN cho dù ông quá tuổi, vì vị thế của ông được củng cố đáng kể với việc các
nước thống nhất Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hai nhân vật được cho là theo phe ông Dũng - Phó Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng được
cho sẽ có cơ hội đi lên.
Theo ông Abuza, trong khi các thành phần bảo thủ về
ý thức hệ vẫn còn đó, họ không tạo ra được sự đối kháng nào đáng kể đối với Thủ
tướng Dũng, người mà uy tín tăng lên đáng kể nhờ lập trường đối với Trung Quốc
tại Biển Đông, chương trình cải cách kinh tế và TPP mới đây.
Chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người vẫn bị cho
thuộc phe thủ cựu, cũng đã bày tỏ ủng hộ đối với TPP và nhiều lần kêu gọi Hoa
Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Giáo sư Abuza nhận định: "Tranh cãi giữa các nhà lý luận cộng sản và phe cải cách, vốn
thường xuyên cản trở tăng trưởng và ghìm giữ Việt Nam ở khoảng giữa kế hoạch
và thị trường, nói chung đã chấm dứt".
Lãnh
đạo trẻ
Theo nhà phân tích tại Washington DC, ban lãnh đạo
được bầu tại Đại hội 12 sẽ tiếp tục xu thế trẻ, có học vấn và chuyên môn.
Ông cũng nói có ba yếu tố quan trọng đối với các
lãnh đạo hiện nay, là: kinh nghiệm quản lý kinh tế, chuyên môn, và sức hút quần
chúng.
Ông cho rằng ngay cả các nhân vật như ông Trần Đại
Quang, Bộ trưởng Công an và có thể sẽ trở nên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh
sau Đại hội, cũng đang mở rộng kinh nghiệm của mình ra các lĩnh vực kinh tế.
Theo giáo sư Abuza, các kỳ bỏ phiếu tín nhiệm tại
Quốc hội, tuy còn hạn chế cũng cho thấy các quan chức lãnh đạo ngày càng được
đánh giá dựa trên thành tích hoạt động, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Sức cuốn hút của các cá nhân cũng dần dần trở nên
một tiêu chí quan trọng, mà người đi đầu có lẽ là ông Nguyễn Bá Thanh, cố bí
thư Đà Nẵng.
Ông Thanh được cho là mạnh mẽ, thực dụng, dám nói
dám làm, giao thiệp tốt với báo chí và gần gũi với dân.
Tiếp tục xu hướng này có lẽ là Phó Thủ tướng Vũ Đức
Đam. Tuy ông bị cho là còn quá trẻ và quá thân cận với ông Nguyễn Tấn Dũng để
lọt vào Bộ Chính trị lần này, ông Đam có thể còn lên những chức vụ quan trọng
hơn nữa.
Giáo sư Zachary Abuza nói rằng thế hệ tiếp theo của
lãnh đạo Việt Nam sẽ là những người biết làm việc với báo chí và thấu hiểu
yêu cầu của xã hội, muốn thúc đẩy cải cách kinh tế và hội nhập với phương
Tây.
----
Nguồn
:
Bí mật
và ly khai ở Việt Nam: Secrets
and secession in Vietnam (New Mandala 8-10-15) -- Zachary Abuza
bình luận về tranh giành quyền lực ở Việt Nam
(Theo Viet Studies)
No comments:
Post a Comment