14.10.2015
Đại
dự án – đại âu lo và bức xúc
Chúng tôi đến Kỳ Anh - Hà Tĩnh vào một ngày thượng
tuần tháng 10. Đây là vùng đất mà suốt mấy năm nay đã khiến bất cứ ai quan tâm
đến vận mệnh nước nhà cũng đều dõi theo với một tâm trạng vừa âu lo vừa bức
xúc.
Âu lo vì cả một vùng lãnh thổ và lãnh hải bao la, rộng
bằng 1,2 lần diện tích Macao, ở một vị trí cực kỳ xung yếu, lại được người ta
giao cho một tập đoàn của Đài Loan - Trung Quốc một cách rất chi là… vô tư và
chóng vánh: chỉ trong vòng 4 tháng rưỡi, kể cả thời gian nghỉ Tết Nguyên đán,
người ta đã hoàn tất toàn bộ mọi thủ tục để cho một đại dự án vô cùng nhạy cảm
lên tới hàng chục tỷ USD ra đời, từ tờ trình của UBND tỉnh Hà Tĩnh xin chính phủ
cho phép thực hiện dự án, ngày 16/1/2008, cho đến 2 văn bản do Phó Thủ tướng gốc
Tàu Hoàng Trung Hải thay mặt Thủ tướng ký (i) chấp thuận chủ trương đầu tư ngày
4.3.2008, và (ii) phê duyệt dự án ngày 6/6/2008.
Bức xúc vì bất chấp những cảnh báo đầy tâm huyết của
vô số nhân sỹ, trí thức, chuyên gia quân sự trong và ngoài nước, cả chính phủ
trung ương lẫn chính quyền địa phương đều không chỉ phớt lờ mà còn dành cho
Formosa Hà Tĩnh những ưu
đãi “vô tiền khoáng hậu”.
Ám ảnh
nhượng địa
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi đến Kỳ
Anh là những biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc xuất hiện nhan nhản khắp nơi, cứ
như thể mình vừa lạc vào một “nước lạ” vậy.
Và
những điều mắt thấy tai nghe
Qua câu chuyện với những người dân địa phương, chúng
tôi biết thêm nhiều thông tin về Formosa mà phải đến đây thì mới thực sự được
“mắt thấy tai nghe”, đặc biệt là về việc tập đoàn này sắp triển khai dự án lọc
hoá dầu lên tới 12 tỷ USD.
Anh S., một lái xe hợp đồng chở rác bằng xe tải nhẹ
từ trong khu vực dự án Formosa ra ngoài bãi rác, cho chúng tôi biết là cả con
người lẫn phương tiện ra vào Formosa đều chịu sự kiểm soát hết sức gắt gao. Người
có thẻ của người, xe có thẻ của xe. Mỗi lần vào chở rác, xe của anh phải đi qua
4 cửa kiểm soát; cả người lẫn xe đều bị kiểm tra.
Buổi sáng, anh đến cổng Formosa lúc 7h15 nhưng phải
tới 8h15, anh mới đến được nơi cần đến là bãi rác công trường. Lúc đi ra thì lại
còn nhiêu khê hơn, bởi người ta còn phải kiểm tra, cân đo đong đếm lượng rác
trên xe. Thành ra, mỗi buổi anh chỉ chở được đúng một chuyến; cả ngày là hai
chuyến. Năng suất vận chuyển chỉ bằng ¼ so với bình thường.
Trong công trường, có những khu vực mà ở đó công
nhân Việt Nam và công nhân Trung Quốc làm việc cùng nhau. Nhưng cũng có những
khu chỉ cán bộ và công nhân Trung Quốc làm việc; người Việt Nam không được phép
bén mảng tới. An ninh được thắt chặt còn hơn cả khu quân sự đặc biệt, như thể
đây là một quốc gia biệt lập ngay trong lãnh thổ Việt Nam vậy.
Với sự che chắn của cả chính phủ lẫn lãnh đạo Hà
Tĩnh, Formosa chẳng coi các cơ quan chức năng địa phương ra gì; ưng thì họ cho
vào, không ưng thì miễn. Các nhà báo thì hầu như không có cơ may lọt vào đây,
trừ khi tháp tùng lãnh đạo cấp cao, và cũng chỉ được phép đến những nơi mà người
ta đã “lên chương trình”.
Anh K., một người bán vật liệu bên ngoài dự án
Formosa thì kể: Formosa cho tàu chở hàng ngàn công nhân từ Trung Quốc sang. Phần
lớn số đó là phạm nhân, chẳng có lấy một mảnh giấy tuỳ thân. Không một cơ quan
chức năng nào của Việt Nam kiểm tra, kiểm soát họ đến nơi đến chốn. Số người
Trung Quốc bị đánh chết trong vụ bạo động ở Vũng Áng ngày 14/5/2014 lên đến
hàng trăm người, chứ không phải chỉ 4 người như phía Trung Quốc và nhà chức
trách Việt Nam thông báo. Một phần là do người ta muốn giảm mức độ nghiêm trọng
của vụ việc, nhưng quan trọng hơn là vì hầu hết số người chết đều không có giấy
tờ tuỳ thân.
Chỉ riêng việc Formosa đưa hàng ngàn phạm nhân từ
Trung Quốc sang Việt Nam cũng đã cho thấy sự quan tâm hết sức đặc biệt mà nhà cầm
quyền Bắc Kinh dành cho dự án này.
Ông L., thủ từ một ngôi đền trong khu vực thì kể, những
người làm việc trong công trường cho ông biết, Formosa thiết kế những đường hầm
rất lớn thông ra biển, chẳng hiểu để làm gì, rồi những khu nhà đúc toàn bằng bê
tông cốt thép cực kỳ kiên cố nữa. Với những đường hầm khổng lồ thông ra biển,
chỉ có Trời mới biết người Trung Quốc sẽ đưa gì từ ngoài “lãnh hải” của họ vào
trong “lãnh thổ” của họ.
Cảng nước sâu Sơn
Dương, 1 trong 4 tử huyệt của VN trên Biển Đông, cùng vùng biển bao la kéo dài
5km, đã thuộc quyền kiểm soát của người TQ trong ít nhất 70 năm. Với những đường
hầm khổng lồ thông ra biển, chỉ có Trời mới biết người TQ sẽ đưa gì từ “lãnh hải”
của họ vào “lãnh thổ” của họ.
Cùng với sự đổ bộ nhanh chóng của hàng ngàn người
Trung Quốc là sự bùng phát của các tệ nạn xã hội như xì ke ma tuý, mại dâm, thế
giới ngầm, v.v. Đã xẩy ra các vụ loạn đả dẫn đến chết người giữa các băng nhóm
xã hội đen, đặc biệt là giữa các băng Hải Phòng và các băng Hà Tĩnh, để tranh
giành lãnh địa.
Tình hình trật tự trị an xã hội diễn biến theo chiều
hướng xấu. Ngay cả đền thờ, miếu mạo cũng trở thành đối tượng của trộm cắp, mà
bản thân chúng tôi cũng “may mắn” được chứng
kiến một vụ trộm ở đền thờ Formosa. Tình trạng đàn ông Trung Quốc lấy
vợ Việt Nam ở địa phương vẫn âm thầm diễn ra và rất khó kiểm soát.
Người dân địa phương bức xúc vì bị đuổi ra khỏi quê
cha đất tổ, để đến “tái định cư” ở những nơi xa lạ, vô kế sinh nhai, vì mức độ
“Hán hoá” ngày càng nặng nề, vì tình hình tệ nạn xã hội và an ninh trật tự ngày
một xấu, vì tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, v.v. Thế nên họ lại
càng tỏ ra hết sức quan ngại, bất an trước thông tin Formosa sắp sửa triển khai
dự án lọc hoá dầu lên tới 12 tỷ USD, một dự án vốn không nằm trong kế hoạch đầu
tư ban đầu của Formosa cũng như quy hoạch nhà máy lọc dầu của chính phủ Việt
Nam.
“Tiểu quốc” Formosa
của Đại Hán – nơi vừa quyết liệt thể hiện tinh thần “độc lập” khi ban hành luật
lệ phạt tiền các phương tiện vượt đèn đỏ hay chạy quá tốc độ trong “lãnh thổ” của
mình
Ông M., một nhà giáo về hưu, không giấu nổi ưu tư và
bức xúc khi trò chuyện với chúng tôi: “Đành rằng Formosa đầu tư vào đây sẽ thúc
đẩy kinh tế địa phương phát triển, nhưng kéo theo đó là vô số hệ luỵ khó lường,
đặc biệt là về an ninh - quốc phòng. Người dân chúng tôi cảm thấy rất đau đớn
khi phải nhường đất đai của tổ tông cho người Trung Quốc – những cư dân xa lạ,
xấu tính đang kéo đến ngày một đông và nghênh ngang như thể đây là giang sơn
ngàn đời của họ.”
“Việc nâng cấp Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Áng
thành Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Áng - Sơn Dương và điều động
thêm nhiều công an, bộ đội biên phòng về Kỳ Anh tuy ngốn rất nhiều ngân sách
nhưng vẫn chỉ là một giải pháp tâm lý nhiều hơn là thực chất. Nó mới chỉ phần
nào giúp giải quyết vấn đề ở phần ngọn, chứ không phải là một biện pháp hữu hiệu
và càng không phải là giải pháp rốt ráo giúp loại trừ hiểm hoạ Formosa, nhất là
khi người Trung Quốc thì xưa nay vẫn ‘thâm như Tàu’.”
“Thật khó hiểu khi chính phủ không chỉ giao cả một
vùng lãnh thổ bao la ở nơi hiểm yếu này cho người Trung Quốc, mà còn dành cho họ
vô số ưu đãi. Mà nào đã hết đâu, trong chuyến
thăm Formosa Hà Tĩnh cách đây vài tuần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thậm
chí còn khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Việt Nam đối với việc tập đoàn này sắp
sửa xây dựng một nhà máy lọc hoá dầu trị giá tới 12 tỷ USD. Mới một dự án luyện
cán thép mà Kỳ Anh - Hà Tĩnh đã bị ‘Hán hoá’ đến thế này. Rồi đây, với dự án lọc
hoá dầu kia nữa, liệu vùng đất này còn gì là của người Việt Nam?”
Những gì đang diễn ra ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh, cũng như ở
bất cứ đâu có các “dự án kinh tế” hay hoạt động mua bán của người Trung Quốc
trên dải đất mà họ vẫn nuôi dã tâm thôn tính cùng lời nguyền “Đồng
trụ chiết, Giao Chỉ diệt” suốt hàng ngàn năm nay, khiến người ta không khỏi
liên tưởng đến câu chuyện ngụ ngôn về chú ếch trong tình cảnh bị luộc một cách
từ từ và khó nhận biết.
Ban đầu, chú ta chỉ cảm thấy ấm áp, thậm chí còn
lâng lâng, khoan khoái. Cho đến khi chú nhận ra mình sắp chín đến nơi rồi thì
điều duy nhất mà chú có thể làm được là…ngáp.
*Ảnh trong bài: Lê Anh Hùng
-------------------------------------------------------------------
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
No comments:
Post a Comment