Thursday, 15 October 2015

Giữ gìn văn hóa và tiếng nói rất khó khăn tại hải ngoại. Nhà báo Trần Phong Vũ (Kính Hòa - RFA)





Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-10-14

Nhà báo Trần Phong Vũ tại phòng thâu RFA.  RFA

Nhà báo Trần Phong Vũ là một trong những người góp phần xây dựng tủ sách Tiếng quê hương tại Hoa kỳ do nhà văn Uyên Thao chủ trương. Nhân dịp ông có mặt tại thủ đô Wasington, Kính Hòa hỏi chuyện ông về việc giữ gìn văn hóa và ngôn ngữ của người Việt tại hải ngoại. Đầu tiên ông nói về việc thành lập Tủ sách tiếng Quê hương.

Ông Trần Phong Vũ: Người sáng lập tủ sách Tiếng quê hương là nhà văn Uyên Thao. Với bối cảnh là một người tị nạn tại hải ngoại, và độc giả thì không có tập trung một nơi, thì việc thành lập tủ sách là một việc thiên nan vạn nan. Nhưng với sự nhiệt thành của Uyên Thao, sự cố gắng của cá nhân tôi và trên 30 nhà văn nhà báo khác thì chúng tôi cũng đã làm được cái gì đó. Và năm nay là 15 năm chúng tôi có mặt và cho tới ngày nay chúng tôi có 68 tác phẩm, trong đó có 15 tác phẩm của những nhà văn ở trong nước. Chúng tôi làm thế nào để nối tiếp dòng văn học ở miền Nam, nối tiếp cho con cháu chúng ta ở hải ngoại, đồng thời giúp các nhà văn trong nước, những người không thể đưa tiếng nói của mình, tác phẩm của mình tới độc giả. Chúng tôi cố gắng thực hiện cái sứ vụ đó của mình.

Kính Hòa: Trong việc bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của người Việt thì thưa ông là đối với thế hệ sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ ông có thấy khó khăn không khi giúp họ có thể nói được tiếng Việt và có thể hiểu được những tác phẩm của Tiếng quê hương?
Ông Trần Phong Vũ: Đây là một vấn nạn mà tất cả các bậc phụ huynh người Việt chúng ta phải quan tâm. Nếu không có sự quan tâm đến nơi đến chốn thì cái thời gian mà chúng ta gặp khó khăn sẽ không còn xa nữa đâu. Bây giờ đã gặp khó khăn rồi. Khi bước chân đến đất nước này chúng tôi là những người gắn bó với cao trào dạy tiếng Việt ở hải ngoại. Chúng tôi chạm mặt với một cái khó khăn là làm thế nào để duy trì ngôn ngữ tại hải ngoại.
Đứng trên phương diện một người làm sách thì cái số độc giả trẻ tuổi không có nhiều. Thế hệ thứ hai thì còn có thể tạm đọc được, còn sau này chúng tôi cũng không biết ra sao. Nhưng chúng tôi cũng đang cố gắng tìm một phương thức nào đó, ít nhất là chuyển tải cái tinh thần Việt nam, văn hóa Việt nam, dù phải bằng ngôn ngữ địa phương.

Kính Hòa: Sau khi quan hệ Việt Mỹ được bình thường hóa thì đã có không nhỏ những cố gắng từ phía Hà nội là đưa sách báo của họ, dĩ nhiên là với quan điểm của họ sang Mỹ. Thế hệ người Việt lớn lên có thể sẽ tiếp cận nhiều với các loại sách báo đó, ông có nghĩ như vậy không?
Ông Trần Phong Vũ: Đây lại là một chuyện khác nữa. Có một chuyện xảy ra ở miền Nam California cách đây mấy tháng. Chuyện rơi vào chính người Thị trưởng của thành phố Westminster khi anh tìm thấy trong sách vở của con gái anh một tập sách song ngữ mà đọc từ đầu đến cuối thì rõ ràng từ Hà nội mà ra. Bởi vì từ cách giảng dạy, ngôn ngữ thì là xuất phát từ Bộ giáo dục đào tạo của Hà nội. Thành ra rõ ràng là có sự ảnh hưởng lớn của nghị quyết 36 trong cái việc chuyển tải ngôn ngữ theo cái cung cách của họ trong cộng đồng của chúng ta, để mà giảng dạy cho con em chúng ta.

Kính Hòa: Có một vấn đề là ngôn ngữ tiếng Việt của cộng đồng hải ngoại và tiếng Việt trong nước phát triển theo hai hướng khác nhau. Trong nước có những từ mới, có những từ chẳng mang tính chính trị. Quan điểm của ông như thế nào về cách sử dụng ngôn ngữ khác nhau này?
Ông Trần Phong Vũ: Đây cũng là một cái vấn nạn mà khi bà con chúng ta chưa ý thức được thì nó rất mù mờ và dễ hiểu lầm lắm.
Bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy, nó sống được, gọi là sinh ngữ, thì nó phải phát triển hoài. Cho nên việc đưa ra một tiếng mới là tự nhiên, mà nhiều khi còn buộc phải như vậy. Nhưng ở Việt nam ngày nay thì có những cái chữ như là phản lại ngôn ngữ. Có những chữ đã có nghĩa nguyên gốc của nó rồi, tôi lấy ví dụ như cái chữ vô tư, chữ này trên căn bản của ngôn ngữ Việt nam là nói đến một người vô tư lự, một người không quan tâm lo lắng gì cả, một thái độ hồn nhiên, thì bây giờ chữ vô tư được dùng như một thái độ tự nhiên. Ví dụ như người ta mời dùng bữa thì lại nói là các anh cứ vô tư đi! Tức là muốn nói các anh cứ dùng bữa tự nhiên. Như vậy dùng chữ như thế nó lạc hết, bởi vì nó mất cái tiếng gốc của nó. Chưa kể là những nguy hiểm của những chữ nó đi ngược lại với đạo lý của mình, với truyền thống khiêm tốn của mình, toàn là những từ đao to búa lớn mà chẳng có ý nghĩa gì cả, mà bây giờ đang phổ biến rộng rãi. Vì vậy tôi sợ rằng một ngày nào đó tiếng Việt của chúng ta đi xa quá nếu không có sự quan tâm.

Kính Hòa: Nhưng thưa ông 40 năm là cái thời gian khá là dài để cho xã hội thay đổi, thậm chí khoa học kỹ thuật cũng thay đổi. Với mấy chục triệu người nói cái ngôn ngữ đó, thì có những khái niệm và những từ mới bằng tiếng Việt, thì liệu là có những từ nào chúng ta có thể chấp nhận không?
Ông Trần Phong Vũ: Tôi nghĩ là chúng ta có thể chấp nhận chứ. Như tôi nói lúc nãy thì một sinh ngữ nó phải triển nở. Mà muốn như thế thì nó phải có từ ngữ mới. Nếu không có những người sáng tạo ngôn ngữ khéo léo và khôn ngoan thì làm sao chúng ta có đủ từ ngữ! Nhưng cái vấn đề là sáng tạo là một chuyện, còn làm bừa bãi là chuyện khác. Đấy là chưa nói đến những chuyện ngu dốt mà không thể nào hiểu được. Tôi lấy ví dụ một chuyện cao hơn, là Truyện Kiều chẳng hạn, mà bây giờ có một ông nhận là học giả trong nước, ông ấy biến Truyện Kiều theo cái ý của ông ấy một cách rất bừa bãi.

Kính Hòa: Thưa ông câu hỏi cuối cùng là ông đánh giá thế nào về những nhà văn trong nước có sách xuất bản ở hải ngoại mà Tiếng quê hương góp phần thúc đẩy?
Ông Trần Phong Vũ: Tôi nghĩ rằng đây là một trong những vấn đề mà có thể nói rằng chúng ta có quyền hy vọng về những nhà trí thức trong nước nói chung, nhà văn nhà báo nói riêng. Tôi lấy ví dụ một nhà văn quá cố là Bùi Ngọc Tấn mà Tiếng Quê hương đã in của anh ba tác phẩm. Đấy là một thôi, còn nhiều tác giả khác nữa cho chúng tôi một cái niềm tin là giới trí thức Việt nam nói chung, các nhà văn, nhà báo, cho chúng tôi một niềm tin rằng giữa xã hội đó vẫn còn những người có tinh thần tự do, vẫn còn yêu đất nước, vẫn còn yêu ngôn ngữ Việt nam, yêu văn hóa Việt nam. Và hy vọng là một ngày nào đó những người ở Việt nam, những người ở hải ngoại sẽ nhập một để làm điều gì đó cho đất nước.

Kính Hòa: Xin cám ơn ông đã giành thời giờ cho buổi trò chuyện lý thú này.

-------------------------------

XEM THÊM :
.
Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-10-14
.
Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-10-13






No comments:

Post a Comment

View My Stats