Thứ hai, ngày 12 tháng mười năm
2015
Việt Nam cùng với Hoa Kỳ và 10 quốc gia khác vừa kết thúc
đàm phán Hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và mỗi nước
sắp tới đây sẽ tiến hành phê chuẩn để hiệp định này có hiệu lực. Nếu như về mặt
kinh tế, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất
từ TPP, thì về mặt chính trị, xã hội, hiệp định này cũng sẽ thúc đẩy những thay
đổi đáng kể ở Việt Nam, đặc biệt với việc chính quyền Hà Nội buộc phải chấp nhận
cho thành lập các công đoàn độc lập. Thế nhưng, Việt Nam đang tìm cách trì hoãn
việc thực hiện điều khoản liên quan đến vấn đề này.
Trước hết, sau khi kết thúc đàm
phán thì các bước kế tiếp của các nước tham gia TPP là như thế nào, trả lời RFI
Việt ngữ từ Hà Nội, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế giải
thích:
“Trước hết, Việt Nam các nước
tham gia TPP sẽ phải hoàn chỉnh lại văn bản, bởi vì đấy là một hiệp định dài đến
30 chương và hơn 800 trang, nếu tính luôn cả các phụ lục. Cho nên phải xem xét
lại từng câu từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy của bản hiệp định. Thứ hai là sẽ
phải chuyển ngữ ra ngôn ngữ của từng nước, trước khi đi đến ký kết.
Ký kết rồi thì phải đưa hiệp định
ra trước Quốc hội từng nước để xem xét. Quá trình đó có lẽ sẽ mất hết năm 2016
và nếu được phê chuẩn hết thì hiệp định mới được thực hiện vào năm 2017. Đây là
một quá trình có nhiều thời gian và như vậy là các bên có thể chủ động công bố
và tích cực chuẩn bị thực thi.”
Riêng trong đàm phán song
phương với Việt Nam, Hoa Kỳ đã đưa vào vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động
và đặc biệt là quyền tự do thành lập công đoàn ở Việt Nam, theo lời tiến sĩ
Lê Đăng Doanh cho biết:
“Trong 30 chương của hiệp định
thì có một chương rất nhạy cảm đối với Việt Nam, đó là chương về quyền tự do của
người lao động, trong đó có phần về quyền tự do lập công đoàn. Đây là chương mà
hai bên đàm phán rất gay go và cuối cùng cũng đã đi đến thống nhất là có một thời
gian ân hạn, tức là không phải thực hiện ngay lập tức sau khi ký.
Thứ hai, Việt Nam sẽ có thời
gian để ban hành các luật về lập hội, trong đó có thể sẽ có những quy định người
đứng ra lập công đoàn phải là người như thế nào, bao nhiêu tuổi, trình độ ra
sao, được sự tín nhiệm của công nhân như thế nào. Với tất cả những điều kiện ấy
thì tôi nghĩ là phía Việt Nam có những phương tiện thích hợp để có thể tiếp tục
có được ảnh hưởng đối với các công đoàn ( độc lập ) ấy, không để tuột khỏi sự
lãnh đạo của chế độ hiện nay.
Tuy vậy, đây sẽ là một sự cạnh
tranh với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hiện đang hoạt động và đấy là một
thách thức mà Việt Nam cần phải xét đến trong thời gian tới. Với tất cả những
điều kiện như vậy, Việt Nam đã đồng ý ký và tôi hoan nghênh quyết tâm của Việt
Nam ký cả gói hiệp định đó.
Quốc hội Việt Nam cũng đã chuẩn
bị thảo luận dự luật về hội, nhưng dự luật đó chưa tạo sự đồng thuận, cho nên cần
phải được chuẩn bị lại lần nữa.
Việt Nam cũng đã có những bảo
lưu và đã đàm phán được những vấn đề khác trong hiệp định TPP, ví dụ như vấn đề
không được hạn chế về Internet. Về nguyên tắc là như thế, nhưng Việt Nam đã
thành công đưa ra được những đặc thù về văn hóa, về thuần phong mỹ tục và cả về
vấn đề an ninh quốc gia, cho nên cũng sẽ vẫn có những sự hạn chế và giám sát
Internet nhất định”.
Về phần luật sư Nguyễn Văn
Đài, một trong những sáng lập viên của Hội Anh em Dân chủ, trả lời RFI từ
Hà Nội, cho biết là Việt Nam sẽ chỉ cho phép các công đoàn cơ sở ở từng xí nghiệp,
nhà máy, chứ không chấp nhận một tổ chức công đoàn độc lập cấp toàn quốc:
“Theo thông tin tôi biết được,
Việt Nam đã chấp nhận cho phép thành lập công đoàn cấp cơ sở ở từng xí nghiệp,
nhà máy và phía Hoa Kỳ đã chấp thuận điều đó. Hiện nay thì ở Việt Nam có Tổng
liên đoàn lao động Việt Nam, bao trùm từ cấp cơ sở cho đến trung ương, nhưng
theo hiệp định TPP thì Việt Nam chỉ chấp nhận cho phép các tổ chức công đoàn độc
lập cấp cơ sở. Các tổ chức công đoàn ở các nhà máy khác nhau thì không được
liên kết với nhau hay là không có một tổ chức trung ương của các công đoàn độc
lập ấy.
Hiện nay, Việt Nam đã Luật Công
đoàn để điều chỉnh Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng để cho phép lập công
đoàn độc lập thì tôi không biết là Quốc hội và chính phủ Việt Nam sẽ chọn xây dựng
một luật mới cho các công đoàn độc lập cơ sở hay sẽ lồng ghép các công đoàn ấy
vào luật về hội đang được Quốc hội dự thảo và chuẩn bị đưa ra thảo luận tới
đây, hoặc là họ sửa lại Luật Công đoàn”
Nhưng theo luật sư Vũ Đức
Khanh ở Canada, tác giả nhiều bài báo về tình hình Việt Nam trên báo chí quốc
tế, tuy cam kết tuân thủ, nhưng Việt Nam sẽ tìm cách trì hoãn việc thực hiện
quyền tự do thành lập công đoàn:
“ Tất cả các báo chí nước ngoài
đều nói về một điều đặc biệt của Việt Nam là quốc gia duy nhất không có quyền tự
do lập hội và quyền của công nhân được thương lượng tập thể. Phóng viên đã hỏi
thẳng bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng, đại diện phái đoàn Việt Nam
đàm phán TPP tại Atlanta vừa qua, thì ông Vũ Huy Hoàng trả lời là Việt Nam tôn
trọng các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, nhưng ông ấy không nói
rõ về quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể của người lao động Việt Nam.
Việt Nam chưa bao giờ ký các
Công ước ILO số 87 năm 1948, Công ước ILO số 98 năm 1949 và Công ước ILO số 135
năm 1971 quy định về các quyền tự do hiệp hội, tổ chức và thương lượng tập thể.
Điều đó có nghĩa là Việt Nam chưa sẳn sàng trong vấn đề này.
Ngày 7/10 vừa qua, khi đoàn của
ông Vũ Huy Hoàng về đến Hà Nội, trả lời báo chí, ông có tiết lộ rằng ngay cả những
điều khoản đó cũng là điều khoản cuối cùng mà phía Việt Nam đàm phán với phía
Hoa Kỳ trong 5,6 ngày đàm phán ở Atlanta. Ông ấy nói rằng hầu như tất cả những
điểm khác, Việt Nam và Hoa Kỳ đã kết thúc đàm phán từ hội nghị song phương ở
Hawai vào cuối tháng 7 đầu tháng 8. Tại sao những điều khoản đó cho tới nay vẫn
còn thượng lượng? Tức là Việt Nam chưa thật sự thành tâm trong vấn đề này.
Tuy nhiên TPP là một cơ hội lịch
sử rất là lớn cho đảng cầm quyền ở Việt Nam, họ bắt buộc phải làm, không sớm
thì muộn, nhưng họ sẽ tìm đủ mọi cách để trì hoãn việc thực hiện điều khoản về
tự do lập hội và thương lượng tập thể.”
Mặt khác, theo luật sư Vũ Đức
Khanh, Việt Nam còn phải sửa đổi một số luật, trước hết là 3 công ước ILO
mà ông nêu ở trên, để có thể tuân thủ những yêu cầu của hiệp định TPP:.
“ Quyền tự do lập lập hội thật ra đã được quy định trong Hiến pháp, cụ thể
là trong điều 25 của Hiến pháp Việt Nam. Nhưng điều 25 này lại quy định là việc
lập hội ở Việt Nam phải theo pháp luật của Việt Nam. Điều đó làm hạn chế quyền
tự do lập hội của người dân Việt Nam, một quyền hiến định.
Việt Nam cố tình lúc nào cũng
muốn kéo dài, vì mở rộng quyền lập hội bằng những khung pháp lý rõ ràng hơn thì
lúc đó sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không còn nữa.
Cái điều kiện quan trọng của
TPP và Hoa Kỳ đã nhấn mạnh điều đó trong đàm phán với Việt Nam, đưa vào trong
chương 19 của TPP, đó là Việt Nam phải chấp nhận quyền tự do lập hội, tổ chức
hoạt động đúng theo tinh thần của Hiến pháp hiện hành”.
Đối với luật sư Vũ Đức Khanh, dẫu
sao gia nhập TPP là một cơ hội lịch sử đối với Việt Nam, nếu Việt Nam biết khai
thác những lợi thế của mình và biết tránh phụ thuộc vào tư bản của Trung Quốc.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng tin
tưởng là đối với Việt Nam, hiệp định TPP sẽ có những tác động chính trị, xã hội
nhiều hơn là so với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới trước đây.
No comments:
Post a Comment