Lê Diễn Đức
Gửi
cho BBC Tiếng Việt
16 tháng 10 2015
Khi
tôi học cấp 2 ở miền Bắc Việt Nam, một cô bạn có cha là địa chủ đã bị xử bắn hồi
năm 1956, học rất giỏi thế nhưng hết lớp 7 không được thi lên cấp 3.
Cô
phải đi học nghề và sau đó làm kế toán cho hợp tác xã với cái bằng trung cấp.
Một số khác thuộc thành phần lý lịch "xấu"
được địa phương cho học hết cấp 3 nhưng đó là nấc thang cuối cùng của công việc
"dùi mài kinh sử" vì còn đường vào đại học bị chặn hoàn toàn.
Sau thời kỳ Đổi Mới chuyện trù dập vì lý lịch này
hóa ra vẫn còn, đồng thời, hiện tượng Con ông cháu cha được thăng tiến nhanh
chóng khiến dư luận có cảm giác về các chính sách bất bình đẳng về cơ hội
đang tiếp tục được duy trì.
Trước
năm 1975 ở miền Bắc
Những năm của thập niên 60, đặc biệt vào thời điểm
miền Bắc bị máy bay Mỹ ném bom phá hoại, nhà nước Việt Nam ồ ạt gửi học sinh đi
học đại học ở các nước xã hội chủ nghĩa, tiêu chuẩn được đi không phải do học
giỏi mà trước nhất phải có lý lịch tốt.
Cũng vì thế, giới trí thức "xã hội chủ
nghĩa" thường nhắc đến câu nói của ông Nguyễn Văn Hiệu, cựu Viện trưởng Viện
Khoa Học Việt Nam: "Cứ giắt một con bò sang
Nga, khi trở về có một phó tiến sĩ".
Tốt nghiệp đại học xong, nhà nước phân bổ công tác
cũng xem xét lý lịch của từng người.
Quá trình phấn đấu của cá nhân trong thời gian học tập
- có phải đoàn viên thanh niên không, là đối tượng đảng hay là đảng viên không
- đóng vai trò quyết định đến công việc đuợc phân công.
Trong khi đó, một thành phần khác được đặc cách, đặc
quyền đặc lợi của chế độ, nằm ngoài mọi tiêu chuẩn là giới "con ông cháu
cha".
Giới này dù có thể học rất kém, nhưng vẫn được vào
các trường đại học, thậm chí đi du học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Khi trở về,
bất luận kết quả học tập ra sao, đều được sắp xếp và các vị trí chủ chốt trong
các cơ quan nhà nước.
Hơn
hai mươi năm trên miền Bắc và hơn bốn mươi năm trên cả nước, chủ nghĩa lý lịch
của chế độ cộng sản Việt Nam vẫn tồn tại và đè nặng lên thân phân con người.
Lý lịch tuy không được thể hiện bằng luật, nhưng được
xem là chuẩn mực đạo đức trong chính sách đào tạo "con người mới xã hội chủ
nghĩa", "vừa hồng vừa chuyên" của chế độ.
Lý lịch là thứ không thể tách rời bản thân ai, có ảnh
hưởng quan trọng trong mọi vấn đề liên quan đến chính quyền, từ việc xin vào Đội
Thiếu niên, vào Đoàn Thanh niên, đi học, thậm chí khen thưởng...
Trong lý lịch có mục thành phần gia đình phải khai đến
ba đời, bản thân, cha mẹ và ông bà. Tôn giáo cũng là một tiêu chuẩn để đánh giá
con người.
Tốt nhất, ai muốn được ưu đãi trong việc gì đó thì
phải thuộc thành phần không tôn giáo, công nhân lao động, nông dân thuộc lớp bần,
cố nông, châm chước một tý có thể là trung nông lớp dưới.
Các thành phần thuộc tư sản, tiểu tư sản, hoặc tiểu
thương thuộc diện không khuyến khích.
Trong gia đình nếu có người dính đến giai cấp trung
nông lớp trên, địa chủ, công chức từng phục vụ cho chính quyền Pháp, quan lại
trong triều đình phong kiến, hoặc tín ngưỡng là Công giáo, thì bị xem là đối tượng
"xấu" của xã hội.
Họ bị coi là kẻ thù giai cấp và bị phân biệt đối xử
rõ rệt.
Sau
năm 1975
Để giữ và bảo vệ chính quyền cách mạng, tại miền Nam
sau năm 1975 bao trùm không khí kiểm soát và thanh lọc.
Tất cả các vị trí trọng yếu trong chính quyền từ xã,
tới tỉnh và thành phố, đều do người miền Bắc, người miền Nam tập kết, hoặc cán
bộ nằm vùng, nắm giữ.
Một số ít người của chế độ cũ không "nguy hiểm"
được lưu dung trong bộ máy nhà nước nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, sau đó bị
buộc thôi việc.
Hàng trăm ngàn quân cán chính của Việt Nam Cộng hoà bị
đưa đi học tập cải tạo không xét xử, còn gia đình của họ bị kỳ thị, phân biệt đối
xử khắc nghiệt, bị khống chế mọi đường làm ăn, bị đưa đi khu 'Kinh tế mới'.
Con em của họ bị loại ra khỏi các kỳ thi vào đại học
và không được làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Hậu quả của
chủ trương này đã gây ra làn sóng của hàng triệu người miền Nam liều mạng bỏ nước
ra đi mà khoảng nửa triệu nguời bị chết trên con đường tìm tự do.
Sau năm 1986, tình hình có vẻ đỡ hơn do chính quyền
"mở cửa", cải cách kinh tế. Tuy nhiên vẫn tồn tại tình trạng không muốn
con em những gia đình liên quan tới "Mỹ-Ngụy" tham gia vào các hoạt động
xã hội.
Sau khi bình thường hoá quan hệ với Mỹ vào năm 1995,
số Việt Kiều về thăm quê hương ngày mỗi tăng, tiền kiều hối Việt Kiều gửi về nước
góp phần vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tư duy về lý lịch cũng
"thay đổi" ít nhiều.
Những người hồi trước vượt biên bỗng dưng trở thành
"khúc ruột ngàn dặm" và được chào đón.
"Khi đi đảng gọi Việt gian
Khi về đảng lại chuyển sang... Việt kiều
Khi đi phản động trăm điều
Khi về thành khúc ruột yêu ngàn trùng"
Sự việc con gái của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lấy chồng
là con một cựu quan chức Việt Nam Cộng hoà, cho cảm tưởng như là sự phân biệt
lý lịch được gỡ bỏ.
Các trường đại học cũng đã bắt đầu hé mở cánh cửa
cho con em có thành phần gia đình liên quan đến VNCH.
Tuy nhiên, những sự kiện trên chỉ là mặt nổi hình thức,
bề ngoài, trong tiềm thức sâu thẳm những người cộng sản vẫn e ngại, không tin
tuởng.
Nhiều Việt kiều có quan điểm chính trị khác với
chính quyền vẫn bị cấm nhập cảnh Việt Nam.
Chủ nghĩa lý lịch vẫn ngự trị trong tâm lý của họ.
Hiếm có ai con cháu mà bố mẹ thuộc thành phần phía bên kia tức VNCH được cất nhắc
vào bộ máy công quyền.
Giải
pháp là gì?
Trần Nhân Tông là vị hoàng đế thứ 3 của nhà Trần
trong lịch sử Việt Nam, đã từng cho đốt hết thư tịch bằng chứng tố cáo những
người theo giặc, tránh trả thù , không truy bức để yên lòng dân.
Trị vì 15 năm (1278 – 1293) và làm Thái thượng hoàng
15 năm, nước Đại Việt nhờ đó phục hồi dần sau chiến tranh với quân Nguyên và
phát triển cực thịnh.
Trong cuộc nội chiến Nam-Bắc ở Mỹ, Nam-quân
(Confederate) đầu hàng Bắc- quân (Union), tướng Grant chỉ ra lệnh tịch thu khí
giới, còn binh lính Nam quân được về quê làm ăn sinh sống bình thường.
Chế độ cộng sản sụp đổ tại Ba Lan nhưng nhà nước dân
chủ không có chính sách trả thù.
Tất cả công chức của chế độ cộng sản vẫn đuợc nhận
lương hưu trí và hưởng các chế độ an sinh xã hội.
Chỉ trừ những ai hợp tác với an ninh cộng sản thì bị
luật Thanh Lọc cấm giữ các chức vụ nhà nước.
Ông Adam Gierek, con trai của Bí thư thứ nhất Đảng Cộng
sản Ba Lan Eward Gierek (1970-1980 ) là thượng nghị sĩ, giáo sư, giảng viên đại
học và nghị viên châu Âu ba nhiệm kỳ VI, VII và VIII.
Bà Monika Jaruzelska, con gái của người đứng đầu Đảng
và nhà nước Cộng sản Ba Lan, Đại tướng Wojciech Jaruzelski (nhiệm kỳ 1980-
1990), vẫn là nhà báo, nhà tâm lý học có tiếng ở Ba Lan hiện nay.
Tại Việt Nam, chủ nghĩa lý lịch vẫn được sử dụng đối
với những thành phần "xấu", và cả với những công dân mà người thân của
họ vi phạm luật pháp.
Em Lê Thị Bình hay em Bùi Kiều Nhi đạt điểm cao
trong kỳ thi quốc gia vừa qua nhưng không được vào Học viện Cảnh sát Nhân dân,
vì bố đẻ của các em bị phạt tù tội "trộm cắp tài sản" khi các em chưa
ra đời.
Sự việc của các em chỉ thay đổi khi báo chí nêu ra
rất nhiều, cho thấy dư luận không chấp nhận chuyện phân biệt đối xử.
Trong một xã hội công bằng và nhân ái, lẽ ra không một
ai phải chịu trách nhiệm về hành vi của người khác.
Đành rằng, khi thể chế chính trị thay đổi những người
tham gia trực tiếp trong chế độ cũ, tuỳ từng công việc mà họ có thể phải chịu
trách nhiệm về mặt đạo đức, nhưng sẽ rất bất công khi những người thân trong
gia đình bị hệ lụy.
Chủ nghĩa lý lịch không những làm thui chột, huỷ hoại
tương lai của những người có tài mà còn chứng tỏ cách cư xử thiếu nhân đạo và
bình đẳng của chính quyền.
Thay vì muốn trong sạch hoá trong bộ máy công quyền
với những người phục vụ trung thành, chính quyền đã tự tạo ra sự bất mãn và những
nguời thù địch trong xã hội.
---------------------
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Diễn
Đức từ Houston, Texas, Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment