Saturday, 10 October 2015

Câu chuyện đạo thơ (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-10-10

Bản viết tay bài thơ Tổ quốc gọi tên do nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cung cấp cho báo SKĐS.   Courtesy photo

Tình cờ trùng hợp?

Trong sinh hoạt văn chương chữ nghĩa người quan tâm đến vấn đề bản quyền tác phẩm luôn cẩn trọng đến từng câu chữ mà họ viết vì sợ hãi một lúc nào đó vô ý trùng lắp với những gì người khác viết ra. Dù chỉ một câu ngắn đầy hình tượng, hay một đoạn văn xúc tích đa nghĩa nhưng tình cờ trùng hợp sẽ gây ra biết bao phiền phức hệ lụy. Từ ý thức trách nhiệm này hầu hết những cây viết có chút tiếng tăm luôn tự dặn mình phải cẩn trọng trên từng con chữ.

Đoạn văn càng hay thì việc đánh cắp càng bị phát hiện sớm huống chi là cả một bài thơ nổi tiếng, được nhân lên nhiều lần trong các lễ hội văn hóa, âm nhạc và nhất là thi ca.

Bài thơ ấy có tên “Tổ quốc gọi tên” được biết tác giả là nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai nổi tiếng từ 5 năm qua bỗng nhiên có người cho mình là tác giả và đòi nhà thơ Quế Mai trả lại bản quyền.

Người đòi công lý là anh Ngô Xuân Phúc quê ở Nghệ An lên tiếng với báo chí chính anh mới là tác giả bài thơ từ năm 2008. Theo anh thì “Tổ quốc gọi tên” được đăng trên trang blog cá nhân của anh nhưng nay trang blog này không còn chút vết tích nào. Một bản thảo viết tay cũng không có ngay cả nhớ lại câu chữ của thơ mình anh cũng không đáp ứng được.

Người duy nhất lo nghĩ trước cái tin này là Nguyễn Phan Quế Mai. Ngay sau đó nhà thơ đã lên tiếng và đưa ra khá nhiều dữ liệu thuyết phục, thậm chí đòi đưa Ngô Xuân Phúc ra tòa để trả lời động cơ nào thúc đẩy anh nhận vơ một bài thơ không phải của mình.

Dư luận ban đầu ngã theo hướng của Quế Mai và rồi câu chuyện ngày một nóng hơn khi xuất hiện một vài người tự nguyện làm nhân chứng cho vụ việc. Nổi bậc nhất là họa sĩ kiêm nhà thơ Bàng Ái Thơ, cháu gái của nhà thơ tiền chiến Bàng Bá Lân. Bà kể câu chuyện được đọc bài thơ này trước khi nó nổi tiếng và xác quyết rằng bài thơ mà bà đọc có vẻ kém trau chuốt so với bài thơ hiện tại của Nguyễn Phan Quế Mai nhưng giống nhau đến 75 %.

Có điều khá lạ là bà Bàng Ái Thơ cũng như Ngô Xuân Phúc, cả hai không có một mẫu giấy nào chứa vài câu của bài thơ hay chứng minh được đã được đọc nó nơi nào để có thể truy tìm.

Rõ ràng đây không phải là một công án văn chương nhưng nó có thể phương hại đến danh dự người khác. Cho dù lên tiếng vì muốn lấy lại công đạo cho nạn nhân, nhưng lên tiếng trong tình trạng thiếu bằng chứng xác đáng lại làm cho một người khác trở thành nạn nhân của hành vi vu khống.

Trong nỗ lực tìm dấu vết nhỏ nhất để lần ra sự thật, chúng tôi đã tìm được anh Ngô Xuân Phúc, người tố cáo bị mất cắp bài thơ. Khi được hỏi bài thơ được sáng tác lúc nào và lấy từ cảm hứng gì anh Ngô Xuân Phúc cho biết:

“Thật ra thời điểm sáng tác cũng như cảm hứng cũng chỉ là muốn sáng tác một bài thơ về đất nước thế thôi, về tình yêu tổ quốc của những người trẻ hiện đại ở thời điểm hiện tại, chỉ thế thôi.”

Chứng cứ là yếu tố không thể thiếu khi đòi hỏi quyền sở hữu kể cả sở hữu trí tuệ, tuy nhiên tác giả Ngô Xuân Phúc hoàn toàn không có bất cứ một mảnh giấy hay một thông tin khả tín nào trên mạng Internet mặc dù anh nói rằng bài thơ được post lên trên trang blog cá nhân của anh khi myspace còn hoạt động, nhưng bây giờ anh đã xóa hết nên không có gì để chứng minh:

“Vấn đề này tôi đã chia sẻ công khai trên trang facebook của tôi rồi và bản thảo thì tôi không còn lưu giữ, các trang blog cũ của tôi xóa hết rồi nhưng trong đó có trang Google và trang My Space thì tôi nhớ nhất thì cũng đã xóa rồi nhưng mà theo một số bạn bè một số người bên công nghệ người ta bảo có thể khôi phục được. Có thể nhờ những cơ quan quản lý mấy chủ vì các trang máy chủ này hầu hết đều ở Mỹ.”

Khi được hỏi là có ghi nhớ điều gì đặc biệt với bài thơ hay không, chẳng hạn một câu chữ tâm đắc nào trong bài thơ, một khó khăn khi chọn lựa từ ngữ hay ngay cả chọn tên tựa của bài thơ thì có gì đáng nhớ? Anh Ngô Xuân Phúc cho biết hoàn toàn không để ý tới những vấn đề này:

“Trên bài thơ thì tôi không có ký tên gì cả chỉ là sáng tác bình thường không có gì nặng nề cả, cho tới bây giờ sự việc thất lạc bản thảo rồi sự việc có người sử dụng bài thơ của mình nó mới nặng nề như thế chứ còn trước đây không nặng nề như thế mà chỉ đơn thuần là sáng tác trên giấy trắng rồi sau đó ”up” lên hay chia sẻ các trang xã hội để sửa chữa các cái lỗi vậy thôi.”

Anh Ngô Xuân Phúc

Ngay cả tên tác giả trên bài thơ anh cũng không nhớ là đã ký tên gì bởi anh có nhiều tên, nhiều nick. Anh cho biết là có thể tìm thấy tên anh trên bài thơ nếu tìm lại được blog của anh trên Google:

“Tác giả bài thơ thì không nhưng mà blog thì có tên tôi. Năm 2008 thì chả có ai đăng tải bài thơ ấy trước tôi cả. Cái này phải tìm được trên Mai Xuân Bách (?) thì là nick của tôi là Phượng Hoàng chứ không phải là tên nhưng trên blog Google thì blog có liên quan đến tên của tôi.”

Tất cả những bộc bạch của Ngô Xuân Phúc tuy có thể thông cảm đối với vài người nhưng với luật pháp thì không. Nhạc sĩ Phó Đức Phương hiện là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả, giám đốc đơn vị bản quyền cho biết ngắn gọn:

“Bao giờ ông ấy có chứng cứ xác minh được thì tính sau, lúc ấy tôi sẽ yêu cầu người ta đưa chứng cứ ra để xác minh đúng là bài của anh chứ hơi sức đâu. Nếu quả thực như thế thì ông yêu cầu cục bản quyền. Có nhiều ông gàn dỡ như thế.”

Bài thơ “Tổ quốc gọi  tên” xuất hiện vào năm 2011 nhưng mãi tới 4 năm sau anh Ngô Xuân Phúc mới lên tiếng đòi bản quyền thì thật khó cho anh vì trên tay không chứng cứ, tài liệu mà người chứng thì pháp nhân rất cách xa sự cho phép của tòa án.

Bài thơ “Tổ quốc gọi tên” công tâm mà nói không phải là quá xuất sắc bởi ngôn từ hay nội dung của nó. Tuy nhiên cái làm bài thơ nổi tiếng và ghi nặng trong trí nhớ nhiều người là tính chất chia sẻ và cộng hưởng. Chia sẻ mất mát biển đảo và cộng hưởng niềm đau bị xâm lược làm cho bài thơ thao thức trong lòng nhiều người.

Trong một vụ tranh chấp về đạo thơ hay vu khống người khác đạo thơ, việc thẩm định thơ của người đòi tác quyền là một trong nhiều cách có thể làm sáng tỏ vấn đề mặc dù kết quả sẽ không được tòa án chấp nhận. Sự so sánh tuy có tính chất tượng trưng nhưng trong chừng mực nào đó sẽ giúp cho dư luận cái nhìn tỉnh táo và công bình hơn cho người bị hàm oan.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và tập thơ có bài thơ Tổ quốc gọi tên. Courtesy photo.

Thơ không thể rất hay trong bài này lại rất dở ở một bài khác và sự hay dở ấy có khoảng cách quá xa. Thơ cũng không thể vừa có phong cách ủy mị, đẫm nước mắt của tiểu thuyết ngôn tình trong bài này lại mạnh mẽ, trào dâng niềm tự hào dân tộc, hay nỗi đau của sự mất nước tại một bài khác.

Sự cách biệt ấy là thước đo chính xác tài năng, nguồn cảm hứng và nhất là ngôn ngữ của thơ do một tác giả sáng tác cho cả hai thể loại cùng lúc.

Thơ không thể vừa cúi xuống than vãn cho một tình yêu bồng bột, nhỏ bé lại vừa hào sảng thốt lời yêu nước ở chốn phong ba. Hai tính cách thơ, hai bản chất sâu thẳm của ngòi bút không thể hòa lại với nhau trong cùng một tác giả.

Trong tinh thần ấy thử cùng đọc lại một cách chậm rãi bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai trước khi đọc những bài khác của chính anh Ngô Xuân Phúc:

Tổ quốc gọi tên
Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình
Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá
Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả
Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây
Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi!
Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ
Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã
Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông
Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình
Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc
Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước
Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau
Sóng chẳng bình yên dẫn lối những con tàu
Sóng quặn đỏ máu những người đã mất
Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc
Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam”
Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng
Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố
Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa
Tôi lắng nghe
Tổ quốc
gọi tên mình!

Và bây giờ là tập thơ của anh Ngô Xuân Phúc vẫn còn lưu trên mạng (1) chúng tôi xin trích ra bốn câu trong bài “Hoài niệm”:

Hoài niệm
Lối cũ còn đây, người nay đâu?
Nhớ mong chi nữa chỉ thêm sầu!
Hoa xưa đã héo, tình xưa dứt.
Từ buổi người đi chẳng hẹn về.

Đọc xong người ta lan man nghĩ tới Chế Lan Viên: “Tôi có chờ đâu có đợi đâu, mang chi Xuân lại gợi thêm sầu”…

Một bài thơ khác có tên “Dòng sông không trở lại”:
Tình dang dở, em về đơn côi
Nức nở trên môi khóc chẳng nên lời
Mối duyên của người con gái
Ước nguyện trọn đời yêu ai
Cớ sao đời chia cách đôi nơi.

“Dòng sông không trở lại” là tên một bộ phim dài 34 tập rất nổi tiếng của Việt Nam sản xuất vào năm 2012. Nhạc phim của tác phẩm này cũng rất phổ biến có cùng tên của bài thơ Ngô Xuân Phúc làm vào năm 2013.

Tác giả bài thơ than khóc cùng với dòng chảy của nội dung truyện phim cho thấy khả năng đồng cảm với thể loại phim tình cảm ướt át chi phối rất nặng trong thơ của Ngô Xuân Phúc. Tác giả bài thơ này nếu “cảm thông” được với sức sống mạnh mẽ, từng chữ như văng máu thịt Việt Nam ra ngoài của “Tổ quốc gọi tên” thì kể cũng đáng ngạc nhiên trước sự phân thân của hai thi sĩ trong cùng một con người. Trong khi tỉ tê  với “Dòng sông không trở lại” bằng những giọt nước mắt đậm đà bản sắc ngôn tình lại cùng lúc đau đáu với những câu thơ bật máu trong “Tổ quốc gọi tên”:

Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình
Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc
Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước
Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau
Sóng chẳng bình yên dẫn lối những con tàu
Sóng quặn đỏ máu những người đã mất

Anh Ngô Xuân Phúc có vẻ thích quằn quại với những con chữ như:
“Nức nở trên môi khóc chẳng nên lời
Mối duyên của người con gái
Ước nguyện trọn đời yêu ai
Cớ sao đời chia cách đôi nơi”.

Hai cách thể hiện, hai tâm trạng cách biệt một trời một vực và nhất là hai trình độ thi ca diễn giải trong vài dòng thơ khiến cho người dù ít để ý tới thơ nhất cũng hiểu rằng vàng và thau khó thể lẫn lộn trong câu chuyện “Tổ quốc gọi tên” này.

Bài “Bóng đời”, một sáng tác khác của anh Ngô Xuân Phúc có thể giúp người đọc tìm thấy thêm vết tích trên tấm căn cước thi ca của anh:
Bóng đời đè nặng trên hai vai
Chân bước vội, đôi khi lạc lối:
Ân tình khuất nẻo quên lui tới
Bạc bẽo gần kề thường lại qua.

Những câu thơ mang hơi hướm của một cậu học sinh trung học thời mới lớn, thất vọng vì tình, lẻ loi tưởng mình lạc lối, ảo giác đè lên tâm trạng một chàng trai dậy thì khiến anh hét lên những tiếng hét hơn là thơ, và quan trọng hơn hết khó thể nói bài thơ có ngôn ngữ tương tự, tức phong cách của tác giả “Tổ quốc gọi tên”.

Trong cố gắng cuối cùng chúng tôi xin lật lại bài thơ có cái tựa rất “hậu hiện đại”:

Kết hôn, đẹp duyên mơ, thỏa mong chờ
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Ai đem cách trở cho người tương tư,
Niềm riêng biết nói răng dừ
Chỉ mong Chức Nữ sánh cùng chàng Ngưu.
Dập dìu Ô Tước bắc cầu
Chúng mình hai đứa lên lầu hương hoa
Khúc xuân náo nức gần xa
Tưng bừng pháo nổ mừng ta cưới mình
Ngày vui đám rước linh đình
Đời tôi giờ có mình là vợ ngoan.
Trai tài gái sắc xứng đôi
Đầu năm ta cưới, cuối năm thêm người./.

Đây là bài thơ được tìm thấy trong tập thơ của tác giả Ngô Xuân Phúc. Cái tựa bài thơ đã gây ngạc nhiên lớn cho chúng tôi bởi sự trúc trắc và làm dáng của nó. Đến khi đọc hết bài thơ thì lại càng ngạc nhiên hơn, nếu không cẩn thận người đọc có thể nghĩ rằng đây là công trình của sự nhào nặn từ một người thích làm thơ nhưng chỉ nghe thơ qua lời ru của mẹ.
Sự hòa trộn không giấu giếm từ ca dao dân dã đồng quê, hơi hướm của lục bát Nguyễn Du, phảng phất tiểu thuyết Kim Bình Mai của Tàu và cuối cùng là âm hưởng chọc cười sến sẩm mà khán giả quen gọi là tấu hài trên các sân khấu ngoại thành.

Khó thể nói anh là tác giả của “Tổ quốc gọi tên” và còn khó hơn nếu cố chứng minh anh từng làm bài thơ này trong một lúc ngẫu hứng với tâm trạng sôi nổi của một thanh niên yêu nước.
___
.
TIN LIÊN QUAN :
.
.






No comments:

Post a Comment

View My Stats