ĐIỂM
BÁO :
Minh Anh - RFI
Đăng ngày 20-08-2015
Giá
vàng thế giới sụt giảm, phương cách kiểm duyệt thông tin tai nạn Thiên Tân của
Bắc Kinh, Trung Quốc đầu tàu ngành du lịch thế giới và du lịch châu Âu hưởng lợi
từ bất ổn địa chính trị, đó là những chủ đề chính trong mục điểm báo ngày
20/08/2015.
Theo dự đoán của nhiều nhà phân tích, trong những
tháng sắp tới, giá vàng thế giới không vượt quá 1.000 đô-la/ounce. Giá vàng thế
giới tiếp tục sụt giảm. Đây là lần đầu tiên kể từ 25 năm nay, giá vàng sụt giảm
trong ba năm liền. Les Echos đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : « Vàng rớt
giá : Tại sao phép mầu không còn hiệu nghiệm nữa ».
Với tấm ảnh một thương nhân Ấn Độ, bên cạnh quầy
hàng nữ trang, gương mặt rầu rĩ, tờ nhật báo kinh tế Pháp chú thích « Sức
mua nữ trang tại Ấn Độ giảm 23% trong quý II ». Từ nhiều tháng nay, thứ kim
loại vàng óng này dường như không được các nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng hào hứng
dòm ngó đến nữa. Sức mua trên toàn cầu quả thật đã sụt đến 12%, dừng ở mức 915
tấn vàng trong quý II này.
Theo quan sát của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu
tiêu thụ vàng toàn cầu từ sáu năm nay cũng không tăng nhiều. Nguyên nhân là do
các nhà đầu tư bắt đầu quay trở lại với những thị trường khác hấp dẫn hơn, chẳng
hạn như chứng khoán.
Bài xã luận của Les Echos cho rằng vị thế «
giá trị bảo toàn » đang mất dần sau khi leo đỉnh kể từ vụ tấn công khủng
bố tòa tháp đôi World Trade Center tháng Chín năm 2001. Giá vàng lúc đó từ 400
đô-la/ounce (2001) đã vượt qua mức 1.000 đô-la/ounce, sau vụ Lehman Brother sụp
đổ (2008) và đã đạt đỉnh gần 2.000 đô-la năm 2011, khi khu vực đồng euro bên bờ
vực tan rã.
Bởi lẽ, trong tình huống tồi tệ, không có gì đảm bảo
bằng việc mua vàng. Các ngân hàng trung ương chất đầy vàng trong các két sắt.
Trung Quốc và Ấn Độ trát đầy vàng tầng lớp trung lưu. Các nhà đầu tư thì đổ xô
mua vàng giấy, những quỹ đầu tư này đã làm dao động giá vàng.
Thế nhưng, « Kim loại quý : Thời hoàng kim
đã hết » như nhận định của bài xã luận. Vàng rớt giá phản ảnh thực tế
về một thị trường đang trở nên mất cân đối. Nguồn cung vẫn dồi dào trong khi mức
cầu ngày càng tụt giảm. Trong bối cảnh kinh tế trì trệ, người dân Trung Quốc
không còn háo hức với thứ kim loại vàng óng đó. Người Ấn Độ, bình thường rất
háu vàng, nhưng các trận mưa như trút và hạn hán cũng đã kiềm hãm sức mua tại
nhiều vùng nông thôn. Ngay cả lợi nhuận thu được từ vàng miếng sau nhiều năm đạt
đỉnh giờ cũng đang trở nên suy giảm. Nhu cầu trên thế giới về vàng miếng đã sụt
giảm đến 37%, trong đó tại Trung Quốc là 50%, Hoa Kỳ 36% và Châu Âu là 25%.
Bài viết cho rằng triển vọng giá vàng vực dậy khá là
mong manh. Do bởi việc vàng rớt giá cũng minh họa những thay đổi cơ bản trong nền
kinh tế vĩ mô. Thành trì truyền thống chống lại lạm phát, vàng đã không đem lại
nguồn thu trong một thế giới mà hiệu lực giảm phát có tác dụng cực kỳ mạnh.
Hơn nữa việc áp giá vàng bằng đô-la cũng gây cản trở.
Và những tờ bạc xanh đang trở thành thứ bảo toàn cuối cùng. Đây cũng là một sự
nghịch lý của Hoa Kỳ. Một mặt, căn hầm của Quỹ Dự trữ Liên bang là nơi tích trữ
nhiều vàng nhất trên thế giới. Mặt khác, chính phủ Mỹ lại cam kết nâng lãi suất
vào mùa thu này, lần đầu tiên kể từ tháng 6/2006. Và như vậy, Quỹ Dự trữ Liên
bang sẽ còn làm suy yếu hơn nữa giá vàng.
Thiên
Tân : Một thách thức mới cho Bắc Kinh
Tình hình tại Thiên Tân sau tai nạn công nghiệp làm
thiệt mạng hơn 100 người và hàng trăm người khác bị thương tiếp tục thu hút sự
quan tâm của báo Pháp. Nhật báo Le Monde trong bài viết đề tựa « Cơn phẫn
nộ của người dân Trung Quốc tại Thiên Tân, một thách thức lớn cho Bắc Kinh » có
bài nhận định về cách chính quyền Bắc Kinh tiếp tục che giấu các thông tin và
tìm cách dập tắt sự bất bình của người dân như thế nào.
Bởi lẽ, đối với chính quyền Bắc Kinh, những chủ sở hữu
nhỏ thuộc tầng lớp trung lưu đô thị này lại là lớp dân chúng hơn bao giờ hết
dám tụ tập trên đường phố kể từ sau các vụ trấn áp phong trào dân chủ Thiên An
Môn năm 1989. Từ Ninh Bộ, Đại Liên, Hạ Môn, đến Côn Minh và gần đây nhất là Thượng
Hải, hàng chục ngàn người trong những năm gần đây đã xuống đường thách thức bộ
máy công an đáng gờm để phản đối các dự án hóa dầu được xây dựng ngay trước cửa
khẩu thành phố.
Và vụ tai nạn Thiên Tân một lần nữa đã chứng minh nỗi
sợ thảm họa công nghiệp đó là có cơ sở. Trên Weibo, một dạng Twitter Trung Quốc,
một trong những mẩu tin đáng chú ý đã giải thích làm thế nào vụ Thiên Tân đã
làm tan vỡ « ảo vọng sống tại một đất nước bình thường » đối với
người dân Trung Quốc.
Do đó, cơn ác mộng về tầng lớp trung lưu đó đang đặt
ra một thách thức lớn đối với chính quyền cộng sản Trung Quốc, cho dù có việc
kiểm soát thô bạo giới viết blog và truyền thông kể từ khi ông Tập Cận Bình lên
nắm quyền. Bất chấp việc kiểm duyệt, giới truyền thông Trung Quốc là những tổ
chức đầu tiên phơi bày những kẻ hỡ trong việc thực thi các chuẩn an toàn và đã
tiết lộ nhiều thông tin gây bất lợi về Rui Hai International Logistics.
Thế nhưng, chính quyền Bắc Kinh đã có những phản ứng
lẫn lộn giữa việc ban hành các biện pháp kiểm soát với đe dọa. Le Monde trích
nhận định của bà Severine Arsène, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu về
Trung Quốc đương đại, như sau :
Bắc Kinh triển khai một kiểu « chiến lược kịch
bản hóa, được uốn nắn từ cấp độ trung ương : Người ta dựng lên một câu chuyện,
một kiểu kể những sự kiện theo cách đưa ra những hình ảnh có lợi cho hành động
của chính phủ. Phần một bao gồm việc cấm đoán hay hạn chế trao đổi thông tin về
vụ việc và nhất là về nguyên nhân và trách nhiệm. Ngược lại, thay chúng bằng những
bình phẩm giàu cảm xúc, về những người lính cứu hỏa anh hùng chẳng hạn ».
Tiếp đến là nêu đích danh thủ phạm. Nhiều quan chức
của Rui Hai International Logistics đã bị bắt giữ. Hôm thứ ba vừa qua, giới
truyền thông Trung Quốc loan tin lãnh đạo hành chính phụ trách an toàn lao động,
Dương Đống Lượng (Yan Dongliang) bị thẩm vấn vì « vi phạm kỷ luật ». Theo
bà Severine Arsène, « thời gian hành động rất đáng chú ý : đó là một cách để
tạo một liên hệ với nỗ lực chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình ».
Tờ báo cho rằng bằng cách nhập nhèm các hướng điều
tra và tránh những vấn đề gai góc, chế độ đang tự mình đánh mất sự ủng hộ của
người dân : Tính chính đáng của chế độ đang gặp nguy trước việc người dân ngày
càng ít ngoan ngoãn, đó là tầng lớp trung lưu, ngày càng có học hơn, được sống ở
đô thị và được kết nối.
Du lịch
: Châu Âu được mùa
Khủng bố tại Ai Cập, Tunisia hay Thổ Nhĩ Kỳ gần đây
đã làm thay đổi lộ trình nghỉ hè của nhiều công dân Châu Âu. Nhật báo công giáo
La Croix vẽ lại bản đồ du lịch hè năm 2015 với hàng tít lớn trên trang nhất «
Khủng hoảng làm chao đảo ngành du lịch ».
Mùa du lịch vẫn còn chưa kết thúc, nhưng La Croix đã
nhận thấy là : « dòng du khách thế giới đã bị đảo lộn trong suốt mùa hè
2015. Nhiều điểm du lịch ưa thích đã bị bỏ rơi do mối họa khủng bố như Tunisia
hay Ai Cập. Châu Âu và nhất là nước Pháp đã nắm bắt được hoàn toàn cơ hội, lấy
lại được chút sắc khí tăng trưởng sau nhiều năm trì trệ kinh tế ».
Quả thật ngành du lịch Pháp hè năm nay rất được mùa.
Theo báo cáo từ Văn phòng nghiên cứu Protourisme, doanh thu nhà trọ tại Pháp từ
tháng 5-8/2015 đã tăng thêm 500 triệu euro so với cùng kỳ năm rồi. Lượng phòng
đặt từ đầu tháng 7 đến 10/08 tăng 3,5%.
La Croix cho rằng chính những căng thẳng địa chính
trị xung quanh khu vực biển Địa Trung Hải đã tạo đà tăng ngành du lịch tại Châu
Âu. Sau vụ khủng bố tại Sousse, Tunisia ngày 26/06/2015 vừa qua, du khách Châu
Âu đã dời các chuyến đi đến những nơi chắn chắn là đắt tiền hơn, nhưng lại an
toàn hơn như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Ý, Chypre hay như Croatia.
Trung
Quốc đầu tàu ngành du lịch thế giới
Cũng trong lĩnh vực du lịch, các chuyên gia dự báo
Châu Á-Thái Bình Dương sẽ đón gần 200 triệu du khách vào năm 2030. Cùng lúc đó,
lượng du khách Trung Quốc ra nước ngoài cũng không ngừng tăng lên. Theo La
Croix, « Trung Quốc đang kích thích tăng trưởng ngành du lịch ».
Hai mươi năm nữa, Châu Á – Thái Bình Dương sẽ soán
ngôi Châu Âu, trở thành điểm đến ưa thích nhất của du khách ? Bởi lẽ theo dự
đoán của Tổ chức Du lịch Thế giới, thị trường du lịch sẽ tăng đến 30% với sức
đón là 535 triệu du khách mỗi năm vào năm 2030. Đổi lại tại Châu Âu, thị phần tại
Châu Âu xuống còn có 41% với mức đón là 744 triệu người.
Trung Quốc vẫn sẽ là đầu tàu cho sự tăng trưởng đó.
Tính riêng trong năm 2013, gần 100 triệu du khách Trung Quốc đi tham quan ở nước
ngoài so với con số 10 triệu cách đây 15 năm. 75% số này vẫn nằm trong độ tuổi
25-35, thế hệ được hưởng thụ sức mua tốt hơn những thế hệ trước đây.
Một điểm nữa là người Trung Quốc đi du lịch và thích
mua sắm. Trong năm 2014, du khách Trung Quốc đã chi ra gần 150 tỉ euro ở nước
ngoài, mức cao nhất chưa từng thấy, tăng 28% so với năm 2013. Và các nước lân
bang như Nhật Bản chẳng hạn là những nước được hưởng lợi nhất. Theo giải thích
của ông Olivier Verot, thuộc Liên đoàn Thế giới các thành phố du lịch, «
Với tỉ giá hối đoái ưu đãi cùng với việc miễn thuế, đối với người Trung Quốc đi
mua sắm ở nước ngoài vẫn rẻ hơn, nhất là các loại sản phẩm cao cấp. Hơn nữa, họ
tin chắc là không bị mua nhầm hàng nhái ».
Theo tờ báo công giáo, Nhật Bản là biểu tượng của sự
năng động cho ngành du lịch Châu Á. Chỉ tính riêng trong quý I năm nay, gần 10
triệu du khách đã đến thăm quần đảo, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2014. Phần
đông du khách là người Hàn Quốc và Đài Loan.
No comments:
Post a Comment